Kỹ Năng

Tìm Hiểu Về Nhà Quản Lý Dự Án Xây Dựng

Quản lý dự án xây dựng làm gì?

Các nhà quản lý dự án xây dựng sẽ giám sát tất cả các giai đoạn của quá trình xây dựng, đảm bảo dự án được hoàn thành đúng thời hạn, trong phạm vi và ngân sách. Họ làm việc chặt chẽ với các kiến ​​trúc sư và kỹ sư để triển khai kế hoạch, thiết lập thời gian cũng như tính toán chi phí lao động và vật liệu. Các nhiệm vụ khác bao gồm:

·       Làm đầu mối liên hệ cho khách hàng trong suốt dự án, hỏi và giải đáp khi cần

·       Giám sát các chi tiết liên quan đến việc xin giấy phép và đánh giá thiết kế

·       Quản lý tiến độ lao động của từng dự án, năng lực phù hợp với nhiệm vụ

·       Xử lý đơn đặt hàng thay đổi

·       Phối hợp với kiến ​​trúc sư và đội xây dựng để đảm bảo dự án được thực thi

·       Gặp gỡ kiến ​​trúc sư, khách hàng và đội xây dựng trực tiếp

·       Thực hiện đàm phán với nhà cung cấp, nhà cung ứng và nhà thầu phụ

·       Chuẩn bị và gửi ước tính dự án cho khách hàng

Lương trung bình

Nhiều nhà quản lý dự án xây dựng làm việc toàn thời gian, mặc dù một số có thể làm việc theo hợp đồng. Tùy vào các yếu tố như mức độ kinh nghiệm, trình độ kỹ năng và quy mô và vị trí của nhà tuyển dụng mà mức lương của họ sẽ khác nhau.

·       Mức lương phổ biến ở Mỹ:  85.562 USD mỗi năm

·       Một số người có mức lương từ $ 24,000 đến $ 183,000 mỗi năm.

Yêu cầu đối với quản lý dự án xây dựng

Để trở thành nhà quản lý dự án xây dựng tùy thuộc vào cấp độ công việc mà bạn đang ứng tuyển sẽ yêu cầu các bằng cấp nhất định, bao gồm:

Trình độ học vấn

Các nhà quản lý dự án xây dựng thường phải có bằng cử nhân trong lĩnh vực liên quan đến xây dựng như khoa học xây dựng, xây dựng kỹ thuật dân dụng hoặc quản lý xây dựng. Có được bằng thạc sĩ trong lĩnh vực liên quan đến xây dựng có thể tăng cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.

Đối với những cá nhân muốn tiếp tục học có thể tham gia các khóa học về tuân thủ quy tắc xây dựng, ước tính chi phí, an toàn lao động, xây dựng dân dụng và mã hệ thống đường ống dẫn nước. Các chương trình này thường áp dụng cho những người đã có bằng cử nhân.

Đào tạo

Khuyến khích các sinh viên muốn có bằng quản lý xây dựng nên tham gia chương trình thực tập. Thực tập sẽ đáp ứng các yêu cầu tín chỉ đối với trường học cũng như kinh nghiệm làm việc quý giá. Việc đào tạo thông qua kỳ thực tập sẽ cho bạn cái nhìn sâu sắc về các khía cạnh quản lý công việc và có thể giúp bạn có được việc làm sau khi ra trường.

Chứng chỉ

Chứng chỉ nghề nghiệp sẽ đảm bảo với khách hàng và nhà tuyển dụng rằng bạn đã được đào tạo và giáo dục thành thạo trong lĩnh vực nghề nghiệp này. Có được các chứng chỉ cụ thể cho phép các cá nhân có thêm kiến ​​thức thực tế về trách nhiệm cũng như kiểm tra kỹ năng của mình để có thể thăng tiến trong sự nghiệp. Dưới đây là một số chứng chỉ phổ biến nhất cho nghề này:

Chứng chỉ Quản lý xây dựng (CCM)

Được cấp bởi Hiệp hội Quản lý Xây dựng của Mỹ (CMAA), chứng chỉ này yêu cầu người ứng tuyển phải có ít nhất bốn năm kinh nghiệm quản lý xây dựng trước khi nộp đơn và tham gia kỳ thi. Những người không có bằng cấp có thể ứng tuyển nếu họ có ít nhất tám năm kinh nghiệm xây dựng và bốn năm là quản lý xây dựng. Chứng chỉ CCM có thời hạn là ba năm, quá trình này kết hợp giữa phát triển chuyên môn và kinh nghiệm làm việc.

Chứng chỉ Thanh tra xây dựng thương mại

Hội đồng Mã quốc tế (ICC) cung cấp một số chứng nhận giám định ở cả tiểu bang và quốc gia. Chứng chỉ Thanh tra xây dựng thương mại sẽ chuẩn bị và cho phép các cá nhân giám sát các cấu trúc thương mại ở mọi quy mô. Các chủ đề trọng tâm bao gồm quản lý dự án, đọc bản kế hoạch, xếp loại khả năng chống cháy của vật liệu xây dựng, an toàn, khả năng tiếp cận và các chủ đề quy định khác. Bài kiểm tra gồm 80 câu hỏi và được tổ chức trực tuyến.

Kỹ năng

Các nhà quản lý dự án xây dựng thành công sẽ có các kỹ năng sau:

Khả năng lãnh đạo

Một nhà quản lý dự án xây dựng phải có khả năng truyền cảm hứng và quản lý team của mình bằng cách thể hiện sự tận tâm với đạo đức nghề nghiệp, tuyệt đối tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng, đưa ra các quyết định đúng đắn và sáng suốt cũng như ứng phó với các rủi ro và thay đổi của dự án 1 cách phù hợp.

Giao tiếp

Các nhà quản lý dự án xây dựng sẽ sử dụng những kỹ năng này để trao đổi với mọi người trong và ngoài tổ chức 1 cách hiệu quả. Họ sẽ nhắc lại các mục tiêu của từng dự án, thực hiện các kế hoạch và chiến lược cũng như cho thấy sự đồng nhất, hiệu quả của các giá trị. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp cho phép các nhà quản lý dự án xây dựng đưa và tiếp nhận thông tin liên quan một cách hiệu quả và kịp thời.

Liêm chính

Các nhà quản lý nhóm thành công sẽ cam kết gìn giữ các giá trị của mình, và họ đặt ra các tiêu chuẩn đạo đức để nhóm tuân theo. Những nhà lãnh đạo này cố gắng giành được sự tin tưởng của các thành viên trong nhóm và khách hàng của họ thông qua sự minh bạch và vun đắp các mối quan hệ.

Quản lý rủi ro

Các nhà quản lý dự án xây dựng hiểu rằng rủi ro không nhất thiết là điều gì đó tồi tệ và luôn sẵn sàng đối phó với bất kỳ thay đổi bất ngờ nào trong kế hoạch, tiến độ dự án và những thay đổi không lường trước khác trong ngành của họ.

Kỹ năng xã hội

Các chuyên gia phải luôn luôn giao tiếp rõ ràng và tôn trọng những người khác. Các nhà quản lý thành công thường xuyên tiếp thu phản hồi góp ý và sẵn sàng học hỏi các phương pháp và kỹ thuật mới bởi họ hiểu rằng càng học hỏi sẽ càng mang đến cho họ muôn vàn lợi ích.

Kĩ năng cứng

Các nhà quản lý dự án xây dựng sẽ chịu trách nhiệm trong việc tính toán và điều chỉnh ngân sách, lưu giữ hồ sơ chính xác và đưa ra các ước tính, cũng như phân bổ ngân sách một cách hợp lý. Các hoạt động này yêu cầu phải sử dụng bảng tính và phần mềm lập ngân sách. Phần mềm lập kế hoạch và quản lý dự án được sử dụng để phân bổ lao động và quản lý các mốc thời gian của dự án.

Môi trường làm việc của Quản lý dự án xây dựng

Các nhà quản lý dự án xây dựng thường làm việc ngoài văn phòng tại công trường, nơi họ thực hiện các nhiệm vụ hành chính, theo dõi tiến độ của dự án và đưa ra các quyết định hàng ngày về các hoạt động xây dựng. Các nhân tố khác của môi trường làm việc này bao gồm:

·       Thường làm việc ngoài giờ để đáp ứng thời hạn và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp

·       Thường yêu cầu giữ máy 24/24

·       Nơi làm việc thường ở ngoài trời, nhưng đôi khi ở trong nhà và có xu hướng ồn ào, nóng, bẩn và nguy hiểm

·       Làm việc với các thiết bị và dụng cụ xây dựng chuyên dụng

·       Đôi khi tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm như chất tẩy trắng hoặc sơn lót

·       Sử dụng máy tính, máy in, máy fax và điện thoại văn phòng

·       Trao đổi với khách hàng và đội xây dựng cũng như các nhà cung cấp và nhà thầu lao động

·       Thường phải mang thiết bị bảo hộ như mũ cứng, kính, giày bảo hộ, và găng tay làm việc

·       Nhìn chung sẽ làm việc gần với những người khác

·       Thỉnh thoảng đi công tác trong hoặc ngoài nước

Các nhà quản lý dự án xây dựng có kiến ​​thức và kỹ năng để làm việc trong một số ngành, bao gồm:

·       Sản xuất

·       Nhà nước

·       Tập đoàn

·       Dịch vụ Quản lý và Chuyên nghiệp

·       Tiện ích

Làm thế nào để trở thành một nhà quản lý dự án xây dựng

Dưới đây là các bước phổ biến nhất cần làm để trở thành người quản lý dự án xây dựng:

1. Học vấn

Các nhà quản lý dự án xây dựng thường yêu cầu phải hoàn thành bằng cử nhân về các nghiên cứu tập trung xây dựng, như kỹ thuật dân dụng, trước khi trở thành công nhân. Sinh viên đại học chưa tốt nghiệp có thể tham gia các khóa học về các lĩnh vực như vật liệu, thiết kế xây dựng và kinh tế. Các nhà quản lý dự án xây dựng muốn thăng tiến hơn nữa trong sự nghiệp có thể theo đuổi bằng thạc sĩ về quản lý xây dựng. Trình độ cao học sẽ tập trung vào các ứng dụng thực tế của các nguyên tắc quản lý xây dựng, chẳng hạn như quan hệ lao động, quy định an toàn và chính sách công.

2. Tích lũy kinh nghiệm xây dựng

Để trở thành quản lý xây dựng yêu cầu cần phải có kinh nghiệm xây dựng từ trước. Kinh nghiệm này có thể ở dưới hình thức thực tập, học nghề hoặc hỗ trợ quản lý và cung cấp đào tạo thực tế và kiến ​​thức về hoạt động của công trường xây dựng.

3. Giấy chứng nhận

Các cá nhân có thể kiếm được bất kỳ số chứng chỉ liên quan nào thông qua các tổ chức như Hiệp hội Quản lý Xây dựng Mỹ (CMAA). Đạt được chứng nhận tình nguyện sẽ thể hiện cam kết không ngừng học hỏi, thăng tiến trong sự nghiệp và khả năng lãnh đạo hiệu quả.

4. Chuẩn bị sơ yếu lý lịch của bạn

Bao gồm trình độ học vấn cao nhất của bạn, cùng với các chứng chỉ liên quan và quá trình làm việc của bạn. Nhấn mạnh những thành tựu trong ngành cụ thể hoặc những thành tựu sử dụng các kỹ năng chuyển đổi của bạn. Viết ngắn gọn, phù hợp và rõ ràng sẽ giúp sơ yếu lý lịch của bạn nổi bật giữa các ứng viên khác.

5. Ứng tuyển vào các vị trí mà bạn đủ điều kiện

Xem xét thị trường việc làm hiện tại trong khu vực của bạn và nộp đơn vào các vị trí mà bạn có đủ khả năng. Viết thư ứng tuyển thật thuyết phục để làm nổi bật các kỹ năng cụ thể và tố chất mà bạn có. Điều này sẽ nhấn mạnh rằng bạn phù hợp với vị trí này như thế nào.

Ví dụ mô tả công việc quản lý dự án xây dựng

Công ty Xây dựng Chính phủ, LLC đang tìm kiếm một nhà quản lý dự án xây dựng có kinh nghiệm để lên kế hoạch, lịch trình và quản lý xây dựng cũng như đổi mới dự án để tạo một môi trường làm việc an toàn và đúng chức năng.

Các trách nhiệm chính bao gồm:

·       Lên kế hoạch và thực hiện dự án

·       Viết ước tính

·       Quản lý nguyên vật liệu, chi phí lao động và ngân sách

·       Viết lịch trình lao động và giám sát hiệu suất

·       Trao đổi với khách hàng về các dự tính, rủi ro tiềm ẩn và kiểm soát chất lượng

·       Thực hiện các nhiệm vụ hành chính chung

·       Tiếp tục giáo dục và duy trì các chứng chỉ phù hợp

Các nhà quản lý dự án xây dựng sẽ chịu trách nhiệm về các hoạt động quản lý dự án trong suốt dự án, chẳng hạn như chỉ dẫn các thành viên và nhà thầu, thực hiện các hoạt động để đạt được các mục tiêu dự án và yêu cầu của khách hàng, quản lý các dịch vụ hỗ trợ của tòa nhà và phối hợp với nhân viên hợp đồng trong các hoạt động thu mua.

Yêu cầu tối thiểu:

·       Bắt buộc có quốc tịch Mỹ (công dân Mỹ có hai quốc tịch đủ điều kiện).

·       Bằng cử nhân về Quản lý xây dựng, Kỹ thuật hoặc Quản lý cơ sở vật chất

·       7-10 năm kinh nghiệm quản lý liên quan đến xây dựng

·       Kỹ năng giao tiếp và phân tích tốt

·       Kiến thức toàn diện về quy chuẩn xây dựng

·       Có thể đọc và dịch các bản thiết kế

·       Kiến thức làm việc về cơ khí, điện hoặc hệ thống thông tin

·       Kiến thức làm việc về phần mềm CAD

·       Có chứng chỉ quản lý dự án hoặc các chứng chỉ liên quan

————————-

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.

·       Theo: indeed.com

·       Người dịch: Hoàng Thị Thanh Huyền.

·       Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Hoàng Thị Thanh Huyền – Nguồn IVolunteer Việt Nam”.

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/11351

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ