“Đừng bao giờ cảm thấy hối tiếc vì đã lựa chọn bản thân mình.” – Vô Danh
Tôi mười một tuổi, có thể là mười hai tuổi, cái ngày tôi lần đầu phát hiện ra sự phản bội của mẹ mình. Tôi cho là bà ấy không nghe thấy tiếng tôi khi tôi bước chân tới cửa sau giờ học. Những giọng nói ở đằng xa trong căn hầm của ngôi nhà đã thu hút tôi. Giọng mẹ tôi nhẹ nhàng như nói chuyện với bạn mình. Bà đang che giấu điều gì mà không muốn tôi nghe thấy?
Tôi hơi rướn người lại gần phía hé mở của cầu thang… Bà đang nói về một người đàn ông bà đã gặp. Giọng bà thay đổi khi nói về ông ta. Giọng điệu tò mò pha chút mơ màng khi bạn khám phá ra một điều gì đó khiến con tim bạn đập mạnh. Bà nói về cách họ chạm vào nhau và cảm giác của bà khi ở bên ông ta.
Tôi thấy cơ thể mình lả đi. Tôi không thể nói đó là nỗi buồn hay cơn thịnh nộ của mình. Tất cả những gì tôi biết, là bà đã nói dối tôi.
Vài tháng trước, ba mẹ tôi tuyên bố ly hôn. Mẹ nói với tôi rằng quyết định là của ba tôi. Bà nói với tôi ông chính là người phá vỡ gia đình này. Bà cũng nói với tôi bà không muốn gì hơn ngoài việc chúng tôi được chung sống bên nhau.
Và bây giờ bà tiết lộ cho tôi biết điều đó không đúng sự thật. Bà muốn rời đi. Bà không chọn tôi. Bà chọn ông ta.
Kể từ khi tôi được chín tháng tuổi, mẹ tôi đã ra vào văn phòng bác sĩ, bệnh viện, văn phòng bác sĩ tâm thần và bác sĩ trị liệu để cố gắng tìm cách chữa trị chứng bất ổn về tinh thần và cảm xúc.
Khi tôi còn nhỏ, bà bắt đầu chia sẻ những nỗi thất vọng và nỗi buồn của mình với tôi. Tôi trở thành chỗ dựa của bà và là người gác lại nỗi đau giúp bà. Bà đã đặt biệt danh cho tôi là “vị bác sĩ tâm lý nhỏ”. Đó là công việc của tôi để giúp bà ấy. Tôi phải làm thế. Tôi cần bà ấy ổn định để tôi có thể tồn tại.
Tôi không nhớ khi nào hoặc liệu bà ấy có nói với chúng tôi rằng bà đang gặp ai đó hay không. Tôi chỉ nhớ bà đã đi rất nhiều sau ngày hôm đó. Bà đã dành thời gian của mình với bạn trai mới bên ngoài. Là đứa trẻ được nuôi dưỡng mà bà đã vô tình trở thành người chăm sóc, có cảm giác như bà đang phản bội tôi. Bà đã bỏ tôi vì ông ta.
Tôi không còn là người được chọn nữa – mà là ông ta.
Tôi ghét ông ta vì điều đó. Khi mẹ tôi dọn đến ở với ông, tôi đã từ chối gặp mặt. Tôi không muốn quen hay thích người đàn ông khiến bà bỏ rơi tôi.
Một ngày nọ, tôi nhìn thấy họ ở bãi đậu xe bên ngoài một trung tâm mua sắm. Tôi dõi theo họ đi cùng nhau và nấp sau một cột bê tông lớn vì thế họ không nhìn thấy tôi. Người bạn đi cùng hỏi tôi có muốn đến chào không. Tôi nổi cáu với ý nghĩ đó. Tôi khinh cậu ta.
Trong cùng năm đó, sức khỏe tâm thần bị tổn thương của ông ta trở nên trầm trọng, và họ chia tay. Ông ấy đã chuyển ra khỏi căn hộ của hai người. Tôi không biết tại sao hay điều gì đã xảy ra. Tôi chỉ biết mẹ rất buồn. Không lâu sau khi họ chia tay, ông ấy đã tự kết liễu đời mình. Theo những gì chúng tôi nghe được, ông ta đã hành hạ bản thân vô cùng đau đớn. Rõ ràng là sự ghê tởm bản thân và nỗi đau của ông ta rất sâu đậm.
Mẹ tôi đã bị hủy hoại. Bà thương tiếc cho tình yêu đã mất của mình và bước đường đau đớn mà ông ta chọn kết thúc. Bà ngừng uống thuốc, và sức khỏe tâm thần của bà bắt đầu đi xuống. Ba tôi nhận được một cuộc điện thoại rằng chiếc xe của bà ấy đã bị bỏ lại cách đó vài tiểu bang. Tôi không chắc bà ấy đang làm gì ở đó, nhưng bà gặp một số vấn đề và bắt taxi trở về nhà.
Sau đó ông nhận được một cuộc gọi nói rằng mẹ tôi đã bị bắt vì mở nhạc quá lớn trong căn hộ của bà. Có lẽ để át đi những tiếng nói trong đầu bà ấy. Và bà được đưa đến bệnh viện mà không có sự đồng ý của bà và nhập viện do tinh thần không ổn định.
Sau nhiều ngày cố gắng cân bằng lại căn bệnh trầm cảm bằng thuốc, mẹ tôi đã bắt đầu bình tĩnh trở lại. Gia đình quyết định bà sẽ chuyển đến chỗ ông bà cách nơi chúng tôi ở vài tiểu bang và sống với họ cho đến khi ổn định trở lại.
Vài ngày sau lễ Giáng sinh, bà gọi cho tôi để nói với tôi rằng bà ấy đã buồn như thế nào. Bà đau buồn cho người bạn trai đã chết của mình. Tôi đã cạn lời với bà ấy. Tôi vẫn còn tức giận vì sự phản bội của bà. Tôi không muốn tiếp tục bị sử dụng để làm bác sĩ trị liệu cho bà ấy nữa. Sự mất cân bằng trong mối quan hệ của chúng tôi đã không còn ít nữa, và sự oán giận của tôi vô cùng lớn.
Tôi yêu bà, nhưng tôi không thể trở về vai trò làm chỗ dựa của bà ấy mà không nhận lại bất cứ sự ủng hộ nào. Đời thật tệ. Và tôi không quan tâm việc ông ta đã chết. Bà đã chọn ông ta hơn là tôi. Tôi vẫn ổn trước sự ra đi của ông ta
Tôi không nhớ cảm giác tội lỗi khi tắt điện thoại vào ngày hôm đó. Tôi cảm thấy tốt vì tôi đã lựa chọn chính mình và đặt ra ranh giới để không bị cuốn vào nỗi buồn của bà ấy. Tôi mười bốn tuổi, chưa đầy một tuần nữa là lên mười lăm. Tôi chỉ muốn làm một đứa trẻ.
Ngày hôm sau, mẹ tôi đã đưa ra quyết định cho tôi và cho chính bà. Điều đó hơn cả một cái kết. Bà nói với ông bà rằng bà đang nghỉ ngơi và cố tình sử dụng quá liều thuốc như một cách để cứu lấy bà. Bà đã chết lặng lẽ để vơi đi nỗi đau và rời xa tôi mãi mãi.
Sự lựa chọn đó – của riêng tôi và của bà ấy – đã thay đổi cuộc đời tôi.
Ngày mẹ tôi tự giải thoát mình khỏi thế giới này cũng là ngày tôi biết mình bị giam cầm trong chính bản thân mình. Tôi đã bị in sâu bởi một nỗi sợ hãi rằng điều đó sẽ kiểm soát cuộc sống của tôi. Tôi trở nên âm thầm sợ hãi khi làm tổn thương người khác. Tôi sợ họ khó chịu và cảm thấy đó là lỗi của mình. Từ ngày đó trở đi tôi sẽ sống với nỗi sợ hãi thầm lặng vì đã lựa chọn chính bản thân mình.
Lý trí cho tôi biết đó không phải là lỗi của tôi. Tôi không phải là người mở nắp chai. Tôi không ép bà nuốt những viên thuốc đó. Tôi không kết thúc cuộc đời bà ấy. Nhưng tôi đã không cứu cuộc đời bà.
Ngày đó tôi học được rằng việc tạo ra một ranh giới để bảo vệ bản thân không chỉ không an toàn mà còn rất nguy hiểm. Khi tôi chọn bản thân mình, người ta không chỉ có thể hoặc sẽ bỏ rơi tôi mà còn có thể chết.
Tất nhiên, tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều này trong suy nghĩ tuổi mới lớn của mình. Tôi cũng không thấy điều đó ở tuổi hai mươi, ba mươi hay đầu bốn mươi. Tôi chỉ thấy trái tim yêu thương rộng lớn của bản thân đã cho đi hết lần này đến lần khác với cái giá phải trả là chính mình.
Tôi cảm thấy cơ thể mình như thắt lại khi tôi sợ ai đó sẽ nổi điên với tôi. Tôi nghe tiếng lòng mình nói mọi chuyện đều ổn nhưng lại chẳng hề ổn. Tôi luốn nói có khi trái tim tôi hét lên bảo không. Tất cả chỉ vì tôi sợ bản thân mình phải lựa chọn.
Hình thức và nỗi sợ hãi chỉ có mạnh lên theo thời gian. Tôi đã cố gắng học cách tránh làm tổn thương người khác và khám phá ra những cách tiếp cận gây hấn thụ động và che giấu sự thật để đáp ứng nhu cầu của mình. Cơ thể tôi run lên trong những tình huống có xung đột sắp xảy ra, và tôi cũng học cách tránh điều đó.
Tôi đã không nhận ra là sự né tránh này phải trả một cái giá rất đắt. Tôi đang sống một cuộc sống mà tôi cảm thấy sợ hãi khi được là chính mình.
Ở mặt ngoài tôi đóng vai người phụ nữ có tất cả mọi thứ. Có giọng hát, đam mê, tự tin và đầy tham vọng. Nhưng bên trong, tôi nắm giữ nhiều bí mật hơn việc tôi biết mình phải làm gì. Tôi đã không là chính tôi. Nỗi sợ hãi bị đánh giá và từ chối hay không được đáp ứng nhu cầu của tôi đang âm thầm chế ngự cuộc sống của tôi.
Vì thế mà nhiều người càng tăng nỗi sợ hãi này theo thời gian. Bắt đầu với sự bất an của chính chúng ta về việc cảm thấy không đủ tốt và sau đó có nhiều trải nghiệm đã củng cố niềm tin này. Trải nghiệm và ký ức khác nhau, nhưng cảm xúc đi kèm với chúng thì rất giống nhau.
Nỗi sợ phải lựa chọn bản thân, mong muốn, sự thật của chúng ta, tất cả đều ẩn sâu dưới lớp mặt nạ “Tôi ổn. Mọi thứ đều ổn.” Trong thực tế, chúng ta học cách cho đi nhiều hơn những gì chúng ta nhận được và tự hỏi tại sao chúng ta lại sống không hề hạnh phúc, phẫn uất và thất vọng triền miên. Không có gì là đủ và nếu có, nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn.
Những ký ức và cảm xúc in hằn trong cơ thể và trong tâm trí chúng ta, thuyết phục chúng ta rằng không thể tin tưởng vào chính mình. Rằng chúng ta không thể tin tưởng người khác. Rằng chúng ta phải tự kiểm soát để giữ bản thân an toàn. Chúng ta học cách thao túng tình huống và con người để tự cứu mình khỏi những ý kiến và phán xét bên ngoài. Chúng ta học cách tự bảo vệ mình bằng cách nhượng bộ, để không cảm thấy đau đớn khi bị bỏ rơi.
Chúng ta che đậy bản thân bằng những lời nói dối mà chúng ta thờ ơ hoặc đó không phải là vấn đề lớn để che chắn bản thân khỏi sự thật mà chúng ta mong muốn nhiều hơn. Chúng ta càng khao khát, nhưng chúng ta quá sợ hãi để yêu cầu điều đó. Hậu quả là có quá nhiều rủi ro. Nỗi sợ cô đơn là quá lớn.
Cuối cùng, nỗi sợ hãi về việc lựa chọn bản thân thậm chí còn thuyết phục chúng ta hãy sống ít lại. Có nghĩa là sống ít lại, và chúng ta cần thấy biết ơn cho bất kể điều gì.
Chúng ta ư? Tại sao?
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta học cách sở hữu nỗi sợ hãi của mình? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chấp nhận rằng chúng ta đang sợ hãi, và điều đó là hợp lý? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta thừa nhận với bạn đời, gia đình, bạn bè hay thậm chí cả những người lạ rằng chúng ta cũng sợ mình không đủ tốt? Của việc bị loại bỏ, bị từ chối và bị bỏ lại phía sau.
Sẽ như thế nào nếu chúng ta chia sẻ những câu chuyện và phơi bày những nỗi bất an của chính mình để giải thoát chúng thay vì nhốt chúng lại để ẩn mình trong bóng tối?
Tôi rất tò mò.
Bạn có thể thấy việc lựa chọn bản thân để lại dấu vết ở đâu trong quá khứ của mình? Điều gì đã khiến bạn im lặng, khiến bạn xấu hổ, ngăn bạn lựa chọn nhu cầu của mình hơn nhu cầu của người khác? Khi nào bạn bị từ chối vì không làm những gì người khác muốn bạn làm? Và nỗi sợ hãi đó đã kiểm soát cuộc sống của bạn như thế nào?
Lựa chọn bản thân bắt đầu từ nhận thức. Hãy nhìn cách bạn giữ im lặng vì sợ hãi hoặc không đưa ra lựa chọn phù hợp với nhu cầu của bạn. Nhìn thấy nơi mà nỗi sợ hãi này xuất hiện trong cuộc sống của bạn sẽ cho bạn cơ hội để thay đổi nó. Càng thấy nhiều, bạn càng có thể đưa ra lựa chọn khác.
Bắt đầu bằng việc xem xét các lĩnh vực trong cuộc sống mà bạn thường kìm nén sự bực bội và tức giận nhất. Ai hoặc những tình huống nào làm bạn thất vọng? Sự tức giận thường cho biết sự mất cân bằng nằm ở đâu hoặc khi một ranh giới đã bị vượt qua. Nó cho chúng ta biết nơi ta cảm thấy bất lực.
Lập danh sách các tình huống khiến bạn khó chịu và sau đó tự hỏi bản thân, điều gì nằm trong tầm kiểm soát của bạn và điều gì không? Bạn có thể trực tiếp giải quyết hoặc yêu cầu giúp đỡ về vấn đề gì?
Lưu ý những cách bạn có thể đang thao túng người khác để đáp ứng nhu cầu của bạn trong những tình huống đó và cảm giác của bạn. Cũng lưu ý những gì bạn có thể tránh và lý do tại sao.
Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi thẳng thắn và quyết đoán hơn? Những cảm giác hay nỗi sợ hãi nào đến với bạn?
Sau đó, hãy bắt đầu với một việc nhỏ mà bạn có thể làm khác đi. Bao gồm những người bạn có thể yêu cầu trợ giúp ở bước này, nếu có.
Về phần tôi, tôi đã từng rơi vào những tình huống mà tôi nói dối hoặc im lặng để tránh bị đánh giá, nhằm thao túng cách người khác nhìn nhận tôi. Mỗi lần như vậy tôi lại cảm thấy cơ thể mình quặn lên vì nỗi buồn và xấu hổ. Không quan trọng lời nói dối lớn hay nhỏ, nó đều tấn công cơ thể tôi giống hệt nhau.
Tôi đã học được rằng việc nói ra sự thật của mình, dù có vẻ nhỏ nhặt hay tầm thường đến mức nào, cũng giúp cơ thể tôi tránh khỏi cảm giác bị lạm dụng bởi những bí mật mà nó phải giữ. Chọn lấy chính mình là chọn sự trung thực của bản thân; xác định điều gì đúng với bản thân và điều gì không dựa trên cách cơ thể mình phản ứng. Tôi không kiểm soát những đánh giá của người khác về tôi, nhưng tôi kiểm soát cách tôi tiếp tục thiết lập đánh giá về bản thân.
Tôi cũng đồng ý làm những việc mà tôi không muốn để lấy được sự đồng tình của người khác, sau đó trở nên bực bội với họ vì tôi đã không chịu lên tiếng.
Chọn lấy bản thân trong những tình huống này là tôn trọng thực tế rằng tôi vẫn sẽ sợ hãi khi yêu cầu những gì tôi cần, vì nỗi sợ hãi của tôi là có thật và có giá trị, nhưng dù sao vẫn hãy hỏi ngay cả khi cái giá phải trả rất cao. Thật đáng sợ khi cảm thấy ai đó có thể bỏ rơi chúng ta nếu lựa chọn chính mình, nhưng còn đáng sợ hơn khi đánh mất chính mình để kiếm tìm một tình yêu được xây dựng trên nền tảng dễ vỡ của nỗi sợ.
Tôi không thể kiểm soát quá khứ nơi tôi đã bỏ lại phía sau, nhưng lúc này thì có thể, cách tôi tha thứ cho bản thân khi trở thành nạn nhân của nỗi sợ hãi con người, và cách tôi chọn yêu bản thân để tiến về phía trước. Khi chọn lấy chính mình, tình yêu của tôi sẽ đủ nhiều để trao cho người khác. Hôm nay tôi có thể thực hiện một bước nhỏ để thay đổi.
Thực hiện mỗi bước nhỏ này và dựa vào chúng sẽ giúp chúng ta chứng tỏ rằng ta có thể tiến lên từng mục tiêu một và chứng minh với bản thân rằng chúng ta rồi sẽ ổn thôi. Từ những mục tiêu nhỏ hoàn thành sẽ là bằng chứng chứng minh chúng ta có thể làm được. Điều này giúp chúng ta xây dựng khả năng làm được nhiều việc hơn theo thời gian, đồng thời giảm bớt nỗi sợ hãi.
Nếu chúng ta nhìn lại quá khứ của mình, chúng ta sẽ thấy phần lớn nỗi sợ hãi của chúng ta đều không trở thành hiện thực, và nếu chúng xảy ra, chúng ta nhất định vượt qua và tiếp thêm kiến thức hay sức mạnh trong quá trình này.
Đó không phải là hành động kìm hãm chúng ta lại, nhưng ký ức khó khắn đó vẫn sẽ luôn chung sống cùng ta. Càng vượt qua những nỗi sợ hãi này, cảm giác khó chịu đó sẽ càng giảm đi và chúng ta càng thêm tin rằng, ta sẽ ổn dù thế nào đi nữa.
———————————————————————
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Nguồn: tinybuddha.com
- Người dịch: Lê Quỳnh Anh
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Lê Quỳnh Anh – Nguồn iVolunteer Vietnam’’
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9774
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 14