Nhắc đến cuộc phỏng vấn xin việc, không phải phỏng vấn nhiều vòng lúc nào cũng tốt cả. Ngay cả Google – công ty được biết đến với việc các ứng viên phải trải qua 15 đến 25 vòng phỏng vấn – kết luận rằng 4 cuộc phỏng vấn là con số lý tưởng trước khi những cuộc phỏng vấn tiếp sau giảm dần giá trị. Google đưa ra kết luận này sau khi xem xét các hoạt động tuyển dụng của mình và giảm đáng kể số lượng các cuộc phỏng vấn cần thiết nhằm đưa ra quyết định tuyển dụng.
Ông Steve Silberberg – người sáng lập của Fatpacking – công ty sản xuất balo giúp giảm cân nói rằng: “Tôi đã phỏng vấn ở Google 2 lần cho đến thời điểm hiện tại, và khi mọi người hỏi tôi tại sao không làm việc ở đây, tôi đáp lại rằng: “Tôi dường như không bao giờ có thể vượt qua cuộc phỏng vấn thứ 8.”
Nhưng nếu ông Silberberg nộp đơn xin việc cho Google thời gian gần đây, sau khi nghiên cứu hiệu quả của các phương thức tuyển dụng của riêng mình, ông ấy có thể nhận được công việc ở đó, công việc này có lẽ rất phù hợp với ông. Tuy nhiên, thực tế thì cuộc phỏng vấn dường như không có hồi kết này vẫn khá phổ biến.
Ông Mike Conley – Phó chủ tịch kỹ thuật phần mềm của uConnect – viết trong một bài đăng trên LinkedIn: “Hôm nay, tôi đã rút tên mình khỏi sự cân nhắc cho một công ty mà tôi đang phỏng vấn. Đó là một quyết định khó khăn vì tôi thích công ty này. Tôi quyết định rút tên mình khỏi sự cân nhắc vì họ đang lên kế hoạch sắp xếp từ 4 – 9 vòng phỏng vấn với tôi.”
Ông Conley đã đứng về phía những người tìm việc thất vọng, những người đầu tư thời gian và công sức vào việc nộp đơn xin việc. Hành động này đã gây được tiếng vang khi bài đăng của ông ấy có hơn 1,9 triệu lượt xem cho đến hiện tại.
Ông chia sẻ: “Các công ty nghĩ rằng họ xây dựng các quy trình để đảm bảo chọn được ứng viên phù hợp. Tôi không nghĩ việc đó đúng. Tôi nghĩ đó là do họ sợ chọn nhầm ứng viên. Họ sợ rằng không tìm thấy ứng viên xuất sắc tiếp theo. Các công ty sợ lãng phí thời gian khi chọn nhầm ứng viên nhưng cuối cùng lại lãng phí thời gian nhiều hơn. Không cần tới 9 buổi phỏng vấn cho bất kỳ vị trí công việc nào. Bạn có giai đoạn thử nghiệm. Nếu vẫn còn sợ hãi, hãy sử dụng hợp đồng tuyển dụng.”
Ông Rick Hoskins – Giám đốc điều hành và nhà sáng lập công ty thiết bị lọc không khí Filter King, cho biết: “Là một ứng viên, phỏng vấn cứ lặp đi lặp lại khiến bạn tự hỏi rằng nhà tuyển dụng nhận được bao nhiêu thông tin bổ sung sau mỗi buổi phỏng vấn.”
Ông Hoskins nhớ lại quá trình phỏng vấn đặc biệt khó khăn tại một công ty ở Thung lũng Silicon. “Điều tồi tệ nhất là bạn không nhận được hồi đáp gì từ công ty trong nhiều tháng rồi đột nhiên họ bất ngờ gọi cho bạn và nói rằng có một vòng phỏng vấn khác. Phỏng vấn đã kéo dài gần một năm, trong thời gian đó, tôi lo lắng sếp sẽ phát hiện ra việc tôi đi phỏng vấn.”
Ông Hoskins cảm thấy rằng mình đã dành trọn cuộc đời cho vị trí tuyển dụng này và không bao giờ nhận được phản hồi từ công ty khi không được chọn.
Ông ấy áp dụng tốt kinh nghiệm này khi làm việc với bộ phận Nhân sự tại chính công ty của mình. Do đó, đảm bảo được việc giao tiếp tốt, đặt ra kỳ vọng rõ ràng và không lãng phí thời gian của ứng viên.
Ông nói: “Tôi dành rất nhiều thời gian để tuyển đúng người. Theo tôi, đây là phần quan trọng nhất của bộ phận Nhân sự. Chúng tôi cố gắng hết sức để không làm mất thời gian của ứng viên. Tôi muốn quy trình phỏng vấn có thời gian bắt đầu và kết thúc rõ ràng. Tôi nói thẳng với các ứng viên rằng chúng tôi dự định thực hiện [một số lượng buổi phỏng vấn nhất định] và tuyển dụng một người nào đó [một ngày nhất định]. Bất cứ những điều khác chỉ rõ là không công bằng.”
💥Tại sao các công ty thực hiện nhiều vòng phỏng vấn?
Các vòng phỏng vấn mở rộng có thể cho thấy sự khó khăn khi lựa chọn ứng viên tài năng. Nhưng thế còn các tổ chức? Tại sao nhà tuyển dụng nhất định phải có các quy trình tuyển dụng dài dòng?
Ông James Philip, doanh nhân nối tiếp (người thành lập và làm chủ hàng loạt công ty), nhà đầu tư được công nhận và là tác giả của cuốn sách sắp ra mắt “Những điều họ không dạy bạn ở trường kinh doanh” cho biết: “Nhìn từ bên ngoài, các ứng viên hiếm khi hiểu được những gì một công ty đang trải qua. Rất nhiều lúc, có nhiều cấp quản lý tham gia vào quy trình tuyển dụng. Các công ty có thể đăng một bản mô tả công việc với 10 yêu cầu và rất hiếm có những ứng viên đánh dấu vào cả 10 ô đó. Đó là lý do tại sao công ty đôi khi cần có nhiều vòng phỏng vấn. Họ cố gắng tìm hiểu xem liệu ứng viên có thể hoàn thành công việc hay không và liệu cá nhân đó có phù hợp với văn hóa công ty hay không.”
Theo ông Philip, chi phí khi tuyển sai ứng viên lớn hơn những gì mọi người nghĩ. Ông nói: “Mặc dù có vẻ như việc ứng viên phải trải qua 6, 7 hoặc 8 vòng phỏng vấn là quá mức cần thiết nhưng các công ty chỉ đảm bảo rằng họ đang đưa ra quyết định đúng đắn.”
💥Cách đối mặt với việc bị từ chối sau một quá trình phỏng vấn kéo dài
Thông cảm khi các nhà tuyển dụng sợ tuyển nhầm người có thể giúp bạn chấp nhận việc không nhận được việc làm sau khi đầu tư rất nhiều thời gian và công sức vào quá trình phỏng vấn. Ngoài ra, xem trải nghiệm này như cơ hội học hỏi thay vì lãng phí thời gian có thể giúp bạn phát triển mà không bực bội.
Ông Jacob Villa – đồng sáng lập và giám đốc tiếp thị của School Authority, một nền tảng dành riêng cho việc kết hợp sinh viên với trường đại học mong ước của họ ở Mỹ cho biết: “Trong hoàn cảnh phỏng vấn như vậy, ứng viên có thể làm một việc để tránh thiệt hại hoàn toàn. Nếu bạn là ứng viên, bạn có thể hỏi nhà tuyển dụng tại sao từ chối bạn sau quy trình phỏng vấn dài như vậy. Bạn sẽ biết được điều gì đã xảy ra và liệu đó có phải là trách nhiệm của nhà tuyển dụng hay không. Tôi khuyên bạn nên làm điều đó thay vì bực bội với việc tuyển dụng như thế này, vì vậy bạn có thể học hỏi từ thất bại và áp dụng tất cả những gì đã học được.”
Tìm hiểu thêm về Mẹo phỏng vấn.
_______________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: theladders
- Người dịch: Nguyễn Thị Phương
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Thị Phương – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9892
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 32