💥Công việc của một quản lý nhà hàng gồm những gì?
Quản lý nhà hàng giám sát các hoạt động hàng ngày của nhà hàng. Quản lý nhà hàng sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo rằng những khách hàng quen sẽ tận hưởng trải nghiệm ăn uống của họ khi ở nhà hàng và nhà hàng sẽ hoạt động hiệu quả, có lợi nhuận và đạt tiêu chuẩn cao. Một số nhiệm vụ chung của một quản lý nhà hàng bao gồm:
1. Tuyển dụng nhân viên
Những người bồi bàn tại các nhà hàng chịu trách nhiệm tuyển dụng nhân viên phục vụ tại nhà và ở nhiều nhà hàng, là cả nhân viên nhà bếp. Họ thuê và đào tạo nhân viên mới để thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả và năng suất.
2. Giám sát nhân viên
Quản lý nhà hàng giám sát nhân viên nhằm đảm bảo họ xử lý thực phẩm một cách an toàn, tuân theo các chính sách của nhà hàng và đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và dịch vụ khách hàng. Họ cũng sẵn sàng trả lời các câu hỏi của nhân viên và giải quyết các vấn đề từ khách hàng.
3. Sắp xếp lịch làm việc cho nhân viên
Quản lý nhà hàng sẽ lập danh sách các công việc nhân viên của họ cần làm để đảm bảo nhà hàng luôn được vận hành một cách hợp lý và nhân viên không phải làm việc quá sức. Họ cũng chịu trách nhiệm cho phép nhân viên nghỉ làm và điều phối nhân viên khác làm thay ca làm cho người bị ốm.
4. Duy trì môi trường làm việc an toàn
Quản lý nhà hàng sẽ giám sát không gian làm việc để giảm thiếu các mối nguy hiểm và giải quyết chúng vì sự an toàn của nhân viên và thực khách.
5. Giám sát số lượng hàng tồn kho
Quản lý nhà hàng đảm bảo nhà hàng có đủ dao nĩa, gia vị và nguyên liệu chế biến thực phẩm. Họ cũng chịu trách nhiệm đặt đặt đồ mới khi lượng hàng còn ít để đảm bảo nhà hàng hoạt động trơn tru.
6. Làm việc với chủ nhà hàng
Quản lý nhà hàng sẽ phải làm việc chặt chẽ với chủ sở hữu để đáp ứng các mục tiêu về doanh thu. Họ đưa ra phản hồi về doanh thu của các món ăn trên thực đơn, quy trình làm việc của nhân viên và phát triển các chiến lược để thúc đẩy doanh thu và giảm chi phí vận hành.
💥Mức lương phổ biến
Quản lý nhà hàng nhận lương dựa trên danh tiếng của nhà hàng, vị trí địa lý và số năm kinh nghiệm. Những người quản lý chuỗi các nhà hàng thường có thu nhập ít hơn những người quản lý đang điều hành các nhà hàng cao cấp nổi tiếng. Để cập thông tin mới nhất về mức lương từ Indeed, hãy truy cập vào liên kết tiền lương.
- Mức lương phổ biến ở Mỹ: $48.151/năm
- Một số người có mức lương từ $15.000 đến $103.000/năm
💥Những yêu cầu cần có của một quản lý nhà hàng
Học vấn và kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng, nền tảng về quản lý khách sạn – nhà hàng và phẩm chất lãnh đạo đều có thể giúp các nhà quản lý nhà hàng trở nên xuất sắc và vượt trội trong công việc.
1. Trình độ học vấn
Hầu hết các quản lý nhà hàng ít nhất đều tốt nghiệp trung học hoặc bằng Giáo dục phổ thông (GED). Nhiều người học cao hơn và lấy bằng cao đẳng hoặc cử nhân ngành quản lý khách sạn – nhà hàng. Một khi tốt nghiệp có được tấm bằng này, những nhà quản lý có khát khao sẽ được dạy về nhiều chủ đề kinh doanh khách sạn – nhà hàng, bao gồm:
- Quản lý tài chính và kế toán
- Nguồn nhân lực
- Lãnh đạo và quản lý
- Luật kinh doanh và thái độ hành vi
- Quản lý thực phẩm và đồ uống
- Nghiệp vụ về dịch vụ thực phẩm
- Vệ sinh an toàn thực phẩm
Ngoài ra, nhiều trường học còn giúp sinh viên tiếp cận các vị trí làm việc mà ở đó cung cấp những kinh nghiệm thực tiễn trước khi tốt nghiệp.
2. Quá trình đào tạo
Nhiều quản lý nhà hàng thường bắt đầu sự nghiệp của họ làm việc trong vai trò nhân viên cấp thấp tại các nhà hàng bình dân trong ngành dịch vụ thực phẩm, chẳng hạn như bồi bàn và phụ bếp. Những vị trí này cung cấp kinh nghiệm thực tế về dịch vụ khách hàng, xử lý thực phẩm và vận hành. Vì những vai trò này không yêu cầu nhiều bằng cấp, nhiều nhà quản lý từng làm việc ở những vị trí này khi đang theo học đại học.
3. Chứng chỉ
Một số thành phố hoặc tiểu bang yêu cầu quản lý nhà hàng phải đạt chứng nhận an toàn thực phẩm để kinh doanh đồ uống có cồn. Ngay cả trong ở những khu vực không bắt buộc phải có những chứng chỉ này, chúng có thể giúp các nhà quản lý đảm bảo công việc làm ăn mà không bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép. Hầu hết các nhà quản lý có nguyện vọng đạt được chứng chỉ trước khi được thăng chức lên vị trí quản lý. Dưới đây là một số chứng chỉ phổ biến mà một người làm ở vị trí quản lý nhà hàng có thể theo đuổi:
- Chứng nhận ServeSafe Food Handler
Đây là một trong những chương trình chứng nhận an toàn thực phẩm hàng đầu được công nhận trên toàn quốc. Các buổi học trong chương trình dạy người học cách giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm và ngộ độc thực phẩm ở mức nhỏ nhất, cách phục vụ khách hàng bị dị ứng thực phẩm, xử lý an toàn thực phẩm và vệ sinh khu vực phục vụ và chuẩn bị thực phẩm. Sau khi hoàn thành các môn học, thí sinh phải vượt qua một kỳ kiểm tra. Chứng nhận này phải được gia hạn 5 năm một lần.
- Giấy chứng nhận phục vụ rượu
Có một số chương trình chứng nhận quốc gia dành cho dịch vụ kinh doanh rượu được công nhận rộng rãi, bao gồm Chứng nhận Phục vụ Rượu ServSafe, Đào tạo những người phụ vụ rượu về Các Quy trình Can thiệp (TIPS), Chứng nhận Bán rượu và chứng nhận về Cách Phục vụ rượu của những người bồi bàn trong lúc tương tác với khách hàng. Có một số chương trình chứng nhận địa phương như chứng nhận Đào tạo Chuyên gia về Rượu (TAP) của Alaska và giấy phép Đào tạo Nhân viên Phục vụ rượu Bắt buộc của Washington.
Tất cả các chứng chỉ này sẽ giúp cho các nhà quản lý cách phục vụ rượu theo quy định, nhận biết khách hàng say xỉn, quản lý khách hàng ngỗ ngược, nhận biết trẻ vị thành niên và kiểm tra giấy tờ tùy thân một cách chính xác. Đối với chứng nhận an toàn thực phẩm, thí sinh phải vượt qua một kỳ kiểm tra để thể hiện sự hiểu biết của họ về những gì đã được dạy và nhận được chứng chỉ. Các chứng chỉ này phải được gia hạn vài năm một lần. Một số chương trình yêu cầu những người được chứng nhận về xử lý rượu phải hoàn thành chương trình giáo dục bắt buộc và kiểm tra liên tục để gia hạn chứng nhận.
4. Kỹ năng
Kỹ năng lãnh đạo mạnh mẽ và khả năng tổ chức tốt nằm trong số các kỹ năng quan trọng nhất giúp các nhà quản lý nhà hàng thành công. Hầu hết các nhà quản lý sở hữu những kỹ năng sau:
- Kỹ năng lãnh đạo: Các nhà quản lý nhà hàng sử dụng kỹ năng lãnh đạo mạnh mẽ của mình để thúc đẩy và hỗ trợ nhân viên. Họ biết cách giám sát và động viên nhân viên và đảm bảo tất cả các quy trình đều được tuân thủ.
- Kỹ năng phục vụ khách hàng: Quản lý nhà hàng dựa vào kỹ năng phục vụ khách hàng để đảm bảo thực khách hài lòng. Những kỹ năng này đặc biệt quan trọng khi khách hàng đưa ra những phàn nàn.
- Khả năng tổ chức: Quản lý nhà hàng dựa vào kỹ năng tổ chức để giám sát một số lượng nhân viên nhất định cùng lúc và thực hiện các nhiệm vụ khác trong thời gian làm việc. Việc luôn sắp xếp mọi thứ ngăn nắp, trật tự giúp người quản lý xác định được những nhiệm vụ nào là quan trọng nhất cần được ưu tiên để giữ cho nhà hàng hoạt động hiệu quả và tạo ra lợi nhuận.
- Tính linh hoạt: Người quản lý nhà hàng phải có khả năng đánh giá nhà hàng đang cần những gì tại bất kỳ thời điểm nào. Điều này có thể liên quan đến việc đảm nhận một số nhiệm vụ trong nhà bếp hoặc thậm chí là cả công việc lễ tân trong giờ cao điểm phục vụ.
- Kỹ năng giải quyết vấn đề: Các nhà quản lý nhà hàng thường sử dụng đầu óc sáng tạo và nhanh nhạy của mình để đảm bảo sự hài lòng của khách hàng, tạo động lực cho nhân viên và phát triển các chiến lược mới. Họ có thể tận dụng sự sáng tạo để thúc đẩy doanh thu và mời gọi nhiều thực khách hơn đến thưởng thức tại nhà hàng của họ.
💥Môi trường làm việc của một người làm việc ở vị trí quản lý nhà hàng
Các quản lý nhà hàng làm việc trong nhiều môi trường khác nhau. Họ dành phần lớn thời gian làm việc của mình để di chuyển giữa khu vực lễ tân và khu vực bếp. Họ cũng dành thời gian làm việc trong văn phòng khi lập bảng phân công công việc, phỏng vấn nhân viên mới và lập chiến lược về hướng đi của nhà hàng. Vì nhà hàng phục vụ khách hàng vào buổi tối và cuối tuần nên những người quản lý nhà hàng thường phải vùi đầu vào công việc.
💥Làm thế nào để trở thành một quản lý nhà hàng
Quản lý nhà hàng thường làm việc trong ngành công nghiệp thực phẩm vài năm trước khi được thăng chức lên vị trí quản lý. Có nhiều người thực hiện các bước sau để trở thành một quản lý nhà hàng.
- Tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống: Khi bước sang tuổi 16, các quản lý nhà hàng tham vọng có thể bắt đầu làm việc trong ngành dịch vụ ăn uống. Nhiều quản lý nhà hàng có được kinh nghiệm làm việc trong nhà hàng với vai trò phụ bếp, phục vụ, rửa bát đĩa và phụ xe.
- Đạt được bằng cấp trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn – nhà hàng: Các nhà quản lý thường tốt nghiệp bằng cao đẳng trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn – nhà hàng. Để có được tấm bằng này, ở đó sinh viên được dạy về kinh doanh và ngành công nghiệp khách sạn – nhà hàng, sẽ mất hai năm để hoàn thành. Tuy nhiên, tấm bằng cử nhân học trong bốn năm lại thường phổ biến hơn.
- Đạt được chứng nhận: Các nhà quản lý nhà hàng thường nhận được chứng chỉ về xử lý thực phẩm và phục vụ rượu. Chứng nhận này là bắt buộc ở một số vùng của Hoa Kỳ. Ngay cả khi không bắt buộc, nhiều nhà hàng vẫn ưu tiên thuê người quản lý có chứng chỉ hơn các ứng viên khác
💥Ví dụ một bản mô tả công việc của một người quản lý nhà hàng
Nhà hàng chuyên về tapas Tây Ban Nha của chúng tôi rất đông khách và chúng tôi đang tìm kiếm một quản lý nhà hàng có kinh nghiệm để quản lý trực tiếp đội ngũ nhân viên và cơ sở của chúng tôi. Ứng viên thành công sẽ làm việc chặt chẽ với bếp trưởng và các bên liên quan để giúp chúng tôi đạt được các mục tiêu tài chính. Quản lý nhà hàng sẽ đảm bảo tất cả nhân viên tuân theo các chính sách và quy trình của nhà hàng cũng như tuân thủ luật pháp địa phương, tiểu bang và liên bang về an toàn thực phẩm và phục vụ rượu có trách nhiệm. Nếu bạn có kỹ năng giao tiếp cá nhân tốt và có thể dễ dàng xây dựng mối quan hệ thân thiết với nhân viên và khách hàng, chúng tôi rất mong bạn ứng tuyển vào vị trí này.
💥Những ngành nghề liên quan
- Vị trí quản lý cấp cao
- Vị trí quản lý bếp
- Bếp trưởng
- Nhân viên điều phối
________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: indeed
- Người dịch: Trần Ngọc Tuấn
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Trần Ngọc Tuấn – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/10310
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 41