Mục tiêu nghề nghiệp là phần giúp ích cho các ứng viên chuyên ngành báo chí khi họ đi ứng tuyển. Phần này giúp nhà tuyển dụng có được một cái nhìn tổng quan về thí sinh và những thành tựu của họ. Nếu bạn đang theo đuổi một công việc trong ngành báo chí, nắm được cách viết phần mục tiêu nghề nghiệp sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho bạn. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngành báo chí bằng việc lý giải tầm quan trọng của nó và đưa ra một số mẹo bạn có thể sử dụng cùng với bản mẫu kèm theo.
1. Tại sao phần mục tiêu nghề nghiệp ngành báo chí lại quan trọng?
Mục tiêu nghề nghiệp ngành báo chí là một phần quan trọng bởi nó khiến nhà tuyển dụng phải đọc kỹ bản sơ yếu lý lịch của bạn. Đôi lúc, khi bạn ứng tuyển vào một vị trí cạnh tranh cao, đây là sẽ phần giúp bạn ghi điểm. Phần mục tiêu nghề nghiệp cần tóm tắt được năng lực của bạn cũng như thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn là ứng viên tiềm năng. Thông thường, mục tiêu chính là phần đầu tiên của bản tóm tắt sơ yếu lý lịch mà nhà tuyển dụng chú ý đến, đó cũng chính là lý do một phần mục tiêu nghề nghiệp ấn tượng sẽ khiến cho nhà tuyển dụng phải tiếp tục xem xét đơn ứng tuyển của bạn.
2. Cách viết phần mục tiêu nghề nghiệp ngành báo chí?
Dưới đây là 5 bước bạn có thể thực hành theo:
📜Bước 1: Đọc mô tả công việc.
Trước khi viết phần mục tiêu nghề nghiệp, bạn hãy đọc kỹ bản mô tả công việc của vị trí bạn ứng tuyển. Điều này sẽ giúp bạn biết được nhà tuyển dụng đang tìm kiếm một ứng viên như thế nào. Ngay khi bạn đọc bản mô tả công việc đó, bạn có thể thêm được một vài điểm quan trọng vào trong mục tiêu của riêng bạn, nhà tuyển dụng từ đó cũng thấy được bạn chính là tuýp ứng viên họ đang tìm kiếm. Ví dụ như trong bản mô tả công việc nói rằng họ đang tìm kiếm một nhà báo nhiệt huyết, bạn có thể đề cập nó trong mục tiêu của mình.
📜Bước 2: Nêu ra những điểm riêng biệt của bạn
Các phần mục tiêu nghề nghiệp thường bắt đầu bằng cách liệt kê một vài đặc điểm cá nhân hay là một số kỹ năng mềm. Những đặc điểm hay kỹ năng này thường liên quan đến vị trí bạn ứng tuyển và mô tả bạn là một người chuyên nghiệp. Nếu bạn có thể kết hợp những đặc điểm cá nhân cũng như những kỹ năng mềm thì đó cũng là một cách hiệu quả cho nhà tuyển dụng thấy được bạn là một người tài năng. Dưới đây là một vài kỹ năng mềm mà nhà báo thường có:
- Kỹ năng giao tiếp.
- Kỹ năng tương tác với mọi người.
- Cẩn thận trong từng chi tiết.
- Kỹ năng tổ chức
- Kỹ năng tư duy phản biện
- Kỹ năng giải quyết vấn đề.
📜Bước 3: Thể hiện năng lực của bạn.
Mục đích chính của phần mục tiêu nghề nghiệp đó chính là thể hiện được bạn là một ứng viên nổi trội, do vậy việc thể hiện được tất cả năng lực của bạn ngay phần mở đầu là vô cùng quan trọng. Nếu bạn có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành báo chí, bạn nên đề cập đến số năm bạn đã làm việc. Điều này giúp nhà tuyển dụng thấy được bạn có những kỹ năng liên quan đến công việc cũng như những kinh nghiệm đòi hỏi ở vị trí này. Phần mục tiêu này chỉ nên dài tối đa một đến hai câu, do vậy, bạn nên viết ngắn gọn và hiệu quả nhất.
📜Bước 4: Đề cập đến trình độ học vấn
Bạn cũng nên đề cập đến trình độ học vấn trong phần này. Nếu bạn không có kinh nghiệm làm việc thì nêu lên trình độ học vấn sẽ là lựa chọn tốt cho bạn. Trình độ học vấn rất quan trọng và nó nên được thêm vào bởi nó thể hiện được bạn đã được học tập kiến thức chuyên ngành báo chí. Ví dụ như là bạn đã có một tấm bằng cử nhân hoặc chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, bạn nên đề cập nó trong câu mục tiêu nghề nghiệp. Bạn cũng có thể liệt kê thêm một số chứng chỉ như là giấy chứng nhận, bằng cấp hay giải thưởng mà bạn có.
📜Bước 5: Hãy liên kết nó với vị trí bạn ứng tuyển
Khi bạn viết phần mục tiêu nghề nghiệp, hãy cố gắng tạo ra sự liên kết với vị trí bạn ứng tuyển. Nó sẽ thể hiện được rằng bạn là ứng viên phù hợp nhất bởi nó nói lên năng lực của bạn. Để làm được điều này, bạn nên lý giải cách bạn sẽ đem lại giá trị cho công ty. Điều này cũng góp phần thể hiện rằng bạn hy vọng giúp công ty lớn mạnh hơn bằng cách ứng dụng những kỹ năng và chuyên môn bản thân có. Ví dụ, bạn có thể viết cách bạn muốn sử dụng các kỹ năng viết báo cáo và phỏng vấn của mình để tạo ra những bài viết hấp dẫn.
3. Một số mẹo khi viết mục tiêu nghề nghiệp.
Dưới đây là một số mẹo bạn có thể áp dụng:
📜Hãy viết ngắn gọn súc tích:
Thông thường, phần mục tiêu nghề nghiệp bao gồm từ một đến hai câu, làm như vậy sẽ đảm bảo bản tóm tắt sơ yếu lý lịch chỉ trong một trang. Để có thể viết một cách ngắn gọn, bạn hãy bỏ đi những từ ngữ không cần thiết, ví dụ từ “như”. Làm được điều này sẽ giúp bạn cô đọng thông tin mà được liệt kê trong những chứng nhận của mình.
📜 Đọc và soát lại phần mục tiêu
Sau khi viết xong phần mục tiêu của mình, bạn hãy nhớ đọc và soát lỗi lại. Đây là bước rất quan trọng bởi nó đảm bảo rằng phần này của bạn không có bất kỳ một lỗi nào. Hãy kiểm tra kỹ lỗi ngữ pháp, lỗi viết sai và dấu câu. Đây là bước cần thiết cho bất kỳ ngành nghề nào, nó còn đặc biệt quan trọng với ngành báo chí. Viết lách là một phần vô cùng quan trọng trong ngành báo chí, hãy đảm bảo bạn sẽ không có một sai sót nào. Điều này cũng thể hiện bạn là một người chuyên nghiệp và có năng lực.
📜Điều chỉnh phần mục tiêu
Mặc dù bạn có thể áp dụng nó trong hầu hết các vị trí trong cùng lĩnh vực, bạn vẫn nên cân nhắc chỉnh sửa phần mục tiêu nghề nghiệp của mình. Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải thay đổi đôi chút để phù hợp với từng vị trí khác nhau. Đọc kỹ phần mô tả công việc bạn sẽ biết được thứ mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Bạn có lẽ sẽ phải chỉnh sửa một chút để chứng tỏ mình là ứng viên tốt nhất cho vị trí này.
4. Ví dụ
Hãy xem kỹ 5 ví dụ dưới đây khi bạn viết phần của riêng mình:
Ví dụ 1: “Tôi là một nhà báo nhiệt huyết và có kỷ luật đang tìm kiếm một vị trí tại tạp chí ‘River News ’. Tôi hy vọng có thể sử dụng kỹ năng nghiên cứu, phỏng vấn và viết lách của mình để tạo ra những bài viết ý nghĩa đăng lên tạp chí.”
Ví dụ 2: “ Tôi là một nhà báo có những lập luận thuyết phục với năm năm kinh nghiệm, đang tìm kiếm một vị trí toàn thời gian tại tạp chí ‘South View’. Tôi có thể ứng dụng kỹ năng giao tiếp, tương tác với mọi người, kỹ năng quản lý thời gian vào việc tạo ra những mẩu chuyện chất lượng có tính cập nhật.”
Ví dụ 3: “ Tôi là một nhà báo năng động và đáng tin tưởng với bằng cử nhân chuyên ngành báo chí, tôi hy vọng có thể tìm kiếm được một vị trí tại công ty liên doanh ‘Media News’ với tư cách là một cộng tác viên”.
Ví dụ 4: “Tôi đang quan tâm đến công việc viết bản tin cho tạp chí ‘Breaking News’ với kinh nghiệm là một nhà báo lâu năm đã có những mẩu chuyện hấp dẫn thu hút sự quan tâm từ phía khán giả.”
Ví dụ 5: “ Tôi là một nhà báo chăm chỉ với hai năm kinh nghiệm, đang tìm kiếm một vị trí tại tập đoàn Blue News. Tôi có thể áp dụng những kỹ năng chuyên ngành chẳng hạn như kiến thức liên quan đến kỹ thuật số, điều tra và là một người kiên trì.”
******************************************************************
“Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích”
Bài viết gốc: Indeed
Người dịch: Nguyễn Thị Thanh Huyền
Nguồn: IVolunteer Vietnam
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/10428
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 57