Doanh nhân Nick Molnar đang thay đổi cuộc chơi cho các doanh nghiệp có trụ sở tại Úc.
Afterpay, một nền tảng thanh toán trả góp bán lẻ và là một trong những công ty công nghệ tài chính toàn cầu phát triển nhanh nhất, vừa được bán cho Square với giá 29 tỷ đô la, đưa người đồng sáng lập Nick Molnar trở thành tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất của Úc.
Là một doanh nhân trẻ, giàu kinh nghiệm, tầm nhìn của Molnar đối với Afterpay là tạo ra một giải pháp thanh toán toàn cầu mang đến cho người tiêu dùng trẻ một phương thức thanh toán linh hoạt và rõ ràng hơn. Bản thân là một người thuộc thế hệ thiên niên kỷ, khi tìm hiểu về những vấn đề xảy ra sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, anh nhận ra rằng thế hệ của mình có ác cảm với thẻ tín dụng. Molnar cùng với Anthony Eisen đã cho ra mắt Afterpay vào tháng 10 năm 2014 và niêm yết công ty trên sàn giao dịch chứng khoán Úc vào năm 2016. Công ty đã được mở rộng sang Hoa Kỳ vào tháng 5 năm 2018 và ngay sau đó, tiếp tục mở rộng sang Vương quốc Anh, Canada, Pháp, Ý và Tây Ban Nha.
Khi tôi hỏi Molnar rằng liệu anh ấy có từng dự định trở thành một doanh nhân ngay từ khi còn trẻ hay không, anh ấy nói rằng điều đó luôn hằn sâu trong tâm trí của mình ngay từ lúc bắt đầu.
“Cha mẹ tôi là doanh nhân. Họ đã dạy tôi rằng con không cần phải sống dựa vào những đồng tiền công, con có thể tự rèn luyện trên con đường của chính mình. Làm một doanh nhân khi còn trẻ, tôi đã bị bủa vây bởi những khó khăn nhưng đồng thời cũng có nhiều lợi ích song hành. Cha mẹ tôi đã truyền cho tôi rất nhiều niềm tin và sự tự tin.”
Trước khi thành lập Afterpay, Molnar đã thành lập công ty kim hoàn trực tuyến của Mỹ – Ice.com tại Úc và phát triển thành công việc kinh doanh để trở thành nhà bán lẻ trang sức và đồng hồ trực tuyến lớn nhất ở Úc. Trước đó trong sự nghiệp của mình, anh làm việc với tư cách là nhà phân tích đầu tư tại quỹ đầu tư mạo hiểm M. H. Carnegie & Co., nơi anh chịu trách nhiệm chính về các khoản đầu tư trong giai đoạn tăng trưởng.
Khi tôi hỏi Molnar rằng Afterpay ra đời như thế nào, anh ấy giải thích, “Khi ấy tôi đang bán đồ trang sức trực tuyến. Vì vậy, tôi đã có máu bán lẻ trong người. Trưởng thành trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 – tôi bước sang tuổi 18 vào năm 2008 – tôi thấy rằng mọi người đã ngừng tiêu tiền vào thẻ tín dụng và tôi đã theo dõi xu hướng này trong vài năm để xem liệu nó chỉ là sự nhất thời hay sẽ duy trì lâu dài. Và về cơ bản, xu hướng này tiếp tục phát triển khi thế hệ thiên niên kỷ kiếm được nhiều tiền hơn. Họ chi tiêu nhiều hơn vào thẻ ghi nợ vì đó là sở thích của họ và điều đó ngày càng trở nên phổ biến hơn.”
Molnar cho rằng phần lớn thành công của thương hiệu là do người đồng sáng lập và cũng là giám đốc điều hành cùng anh – Anthony Eisen, người hàng xóm trước đây của Molnar.
Khi tôi hỏi họ đã gặp nhau như thế nào, anh ấy nói, “Anthony đã đến bắt chuyện với bố tôi vào một ngày nọ khi ông ấy đang đổ rác. Và ông ấy nói, “Tôi không có ý can dự vào chuyện của bạn, nhưng tôi thấy ánh sáng trên tầng gác mái của nhà bạn hàng đêm và ngày hôm sau vợ cùng con trai bạn mang nhiều thùng hàng đến bưu điện. Bạn đang làm gì vậy?”. Đó là cách tôi gặp người đồng sáng lập Afterpay.”
Cuộc thảo luận về một doanh nghiệp mới nhanh chóng được phát triển, Eisen ngay lập tức ấn tượng với những ý tưởng kinh doanh bản năng của Molnar liên quan đến sự thay đổi thói quen chi tiêu của thế hệ thiên niên kỷ. Molnar nói rằng: “Tôi hiểu mô hình thẻ tín dụng này nghĩa là, nếu 100% người dùng trả tiền đúng hạn thì ngành này sẽ không hoạt động. “Vì vậy, tôi đã hình dung lại một hệ thống mới bằng cách thiết lập lại một hệ thống mới không giống với mô hình kinh doanh cũ mà bạn đang cố gắng duy trì và xây dựng một thương hiệu, mô hình kinh doanh và kết quả kinh tế khác, nơi mọi người trong đó đều đạt được chiến thắng.”
Khó khăn trong buổi đầu khởi nghiệp
Thông thường như hầu hết các doanh nhân, Molnar phải đối mặt với những khó khăn trong năm đầu tiên khởi nghiệp. Nhà bán lẻ đầu tiên của Afterpay đã gỡ bỏ nền tảng của họ sau khi ra mắt vì họ không nghĩ rằng nó đang hoạt động. Nhưng trong vòng vài năm ngắn ngủi, tất cả đã thay đổi. Molnar nói rằng khi Kardashians điền vào biểu mẫu liên hệ, anh ấy biết mọi thứ đã thay đổi mãi mãi.
Anh ấy nói “Khi bạn thực sự tin rằng mình đang tiếp cận một ngành theo cách mới, đôi khi điều đó cần có thời gian để giải mã. Và đó là một trong những điểm giới hạn. Sau khi các cột mốc quan trọng đó xảy ra, làm cách nào để bạn tận dụng mà tăng tốc độ phát triển của mình vượt ra ngoài cột mốc đó. Đó là một trò chơi tư duy hoàn chỉnh khi bạn là một doanh nhân, bắt đầu giai đoạn tiếp theo.”
Molnar giải thích thêm về mô hình kinh doanh bằng những thuật ngữ đơn giản, nói rằng, “Chỉ cần lấy một ví dụ rất đơn giản: một giao dịch trị giá 100 đô la nếu tôi mua một đôi giày trị giá 100 đô la. Thay vì chi 100 đô la, người tiêu dùng sẽ được trả tiền trong bốn lần, cứ hai tuần lại trả 25 đô la một lần. Afterpay thanh toán cho nhà bán lẻ vào ngày hôm sau và chúng tôi phải chịu tất cả rủi ro không thanh toán để người tiêu dùng nhận sản phẩm trước và sau đó chúng tôi thu hồi tiền vào các ngày đến hạn trong tương lai. Người tiêu dùng cung cấp cho chúng tôi thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng để thực hiện các khoản thanh toán tự động của họ vào những ngày đến hạn này.”
Học tập việc kinh doanh
Tôi tò mò muốn biết Molnar sẽ làm gì bây giờ nếu anh ấy 23 hoặc 24 tuổi, bắt đầu từ thế giới chúng ta đang sống hiện tại. Anh ấy đã nắm bắt được xu hướng từ rất sớm. Bây giờ anh ấy sẽ nhìn vào đâu để bắt đầu kinh doanh? Molnar rất cẩn thận trong việc đặt tên cho một khu vực hoặc ngành cụ thể, nhưng anh cho biết hối tiếc lớn nhất của mình là không mở rộng quy mô sớm hơn.
Anh ấy nói: “Một trong những điều tôi hối tiếc đó là đã không nhìn thấy cơ hội để mở rộng quy mô nhanh hơn”. “Bạn đã nghe rất nhiều, đặc biệt là với thế hệ tiếp theo này, đó là nghề tay trái. Nhưng nhiều người trong số những người chạy việc phụ này có thể thực hiện những công việc kinh doanh rất tốt và tạo ra thu nhập ngoài việc làm chính và đôi khi ta phải chấp nhận rủi ro trong đó. Khi bạn làm thêm nghề tay trái, bạn luôn có thể biến điều đó thành một công việc kinh doanh”.
Afterpay gần như đang ở giai đoạn sơ khai về những gì nó có thể đạt được trên toàn cầu. Rõ ràng Molnar có rất nhiều điều để tự hào, nhưng tôi đã yêu cầu anh ấy chỉ ra điều mà bản thân tự hào nhất.
“Có lẽ điều tôi tự hào nhất đó là: một công ty ra đời ở Úc có thể chứng minh cho thế giới thấy năng lực của Úc. Theo truyền thống, các doanh nghiệp Úc không vươn ra toàn cầu. Tôi đang ngồi đây ở LA và cuộc sống của tôi đã thay đổi đáng kể so với ba năm hay năm năm trước, nhưng tôi rất tự hào về khả năng chứng tỏ bản thân của Australia với thế giới.”
——————————
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích
- Theo: Entrepreneur
- Người dịch: Trần Thị Thu Hường
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Trần Thị Thu Hường – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/10867
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 34