Khi nhắc đến Nam Phi, bạn thường nghĩ đến những dãy núi cao chót vót, hoàng hôn buông xuống trên thảo nguyên, và nếu bạn đã trải qua hơn 50 năm cuộc đời, bạn đã chứng kiến một sự thay đổi luật pháp toàn diện và khai sinh ra một trong những nền dân chủ trẻ nhất trên thế giới. Nhưng bạn đã bao giờ tìm hiểu về sự đa dạng ngôn ngữ của đất nước nằm ở phía Nam châu Phi này chưa? Những ngôn ngữ ở Nam Phi cũng góp phần quan trọng không kém trong việc hiểu được tinh hoa đất nước — đặc biệt là sự giao thoa giữa người bản địa và thực dân, giữa quá khứ và hiện tại, giữa chế độ áp bức và sự hoà hợp.
Cuộc chiến chống lại thực dân đóng là một trang sử lớn của Nam Phi, cũng như nhiều đất nước khác cùng châu lục và trên thế giới. Đến tận ngày nay, vẫn còn nhiều dấu tích của sự phân chia thuộc địa châu Phi giữa những hoàng đế châu Âu vào thế kỷ 18, 19 và 20.
Ban đầu, Nam Phi bị Hà Lan xâm lược từ giữa thế kỷ 17, khi những người Hà Lan đến định cư ở nơi từng gọi là thuộc địa Cape gần Mũi Hảo Vọng. Sau đó, Nam Phi rơi vào tay thực dân Anh và tiếng Anh dần trở nên phổ biến — cùng với tiếng Hà Lan Mũi Đất đang được nói thời bấy giờ, mà sau đó phát triển thành tiếng Afrikaans.
Qua thời gian, người châu Phi bản địa nói những ngôn ngữ bản xứ của châu Phi phải chịu đựng sự đàn áp và phân biệt chủng tộc, theo đó là chủ nghĩa đế quốc, và cuối cùng Nam Phi trở thành nước cộng hoà. Sự áp bức bắt đầu từ năm 1948, khi thiểu số người da trắng cầm quyền ban hành chính sách A-pác-thai, một hệ thống phân biệt chủng tộc hợp pháp trả quyền tự do cho người Afrikaners da trắng, đa số hậu duệ của thực dân Hà Lan ngày trước đang làm nghề nông, và tước đi quyền của người da màu.
Hãy cùng tìm hiểu về các ngôn ngữ ở Nam Phi để hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc và điều đã giúp đất nước này phát triển như ngày nay.
📝Có Những Ngôn Ngữ Nào Ở Nam Phi?
Thường được coi là đất nước nói nhiều ngôn ngữ nhất thế giới và là một trong những nước đa sắc tộc nhất châu Phi, Nam Phi sau chế độ A-pác-thai có 11 ngôn ngữ chính thức được công nhận bởi Hiến pháp: tiếng Anh, tiếng Afrikaans, tiếng Xhosa, tiếng Ndebele, tiếng Zulu, tiếng Tswana, tiếng Swati, tiếng Sotho, tiếng Nam Sotho, tiếng Venda và tiếng Tsonga.
Ngoài 11 ngôn ngữ chính thức này, Nam Phi cũng sử dụng nhiều ngôn ngữ khác, bao gồm tiếng Hindi, tiếng Swahili, tiếng Tamil, tiếng Urdu, tiếng Đức, tiếng Hà Lan, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Ý và tiếng Hy Lạp. Cũng có rất nhiều ngôn ngữ Creole và Pidgin bản địa được sử dụng.
Phần lớn trong dân số 57 triệu người của Nam Phi có thể nói nhiều thứ tiếng ở tùy từng nơi, ở nhà nói một ngôn ngữ, đi làm dùng ngôn ngữ khác (Nam Phi là ví dụ điển hình của hiện tượng song ngữ nơi công sở — hai ngôn ngữ khác biệt cùng tồn tại trong một cộng đồng, với từng trường hợp sử dụng cụ thể).
Bây giờ, chúng ta sẽ đi sâu hơn về những ngôn ngữ chính thức ở Nam Phi.
📝Tiếng Afrikaans
Tiếng Afrikaans chắc chắn là một sản phẩm của Nam Phi, được sinh ra và phát triển — và có mối liên kết mật thiết với lịch sử của đất nước nằm ở phía Nam châu Phi này.
Tiếng Afrikaans ban đầu được gọi là “tiếng Hà Lan Mũi Đất”, một từ thổ ngữ ám chỉ sự bẩn thỉu hay thấp kém và thường sử dụng cho người hầu hoặc nô lệ. Nhưng khi người Anh đến Cape và tranh giành quyền lực, người Afrikaner da trắng và là hậu duệ của người Hà Lan đã dùng ngôn ngữ này để tập hợp quần chúng, biến nó thành dấu hiệu nhận dạng và thành lập phong trào quốc gia — bệ phóng giúp họ lên nắm quyền vào năm 1948 và là mầm mống hình thành chế độ A-pác-thai.
Ngày nay, có khoảng 17 triệu người nói tiếng Afrikaans ở Nam Phi, trong số đó có 7 triệu người — khoảng 13 phần trăm dân số — sử dụng nó như ngôn ngữ bản xứ. Đa số những người nói tiếng Afrikaans bản địa trên thế giới sống ở Nam Phi, với khoảng vài trăm nghìn người sống ở Namibia, Botswana, Zimbabwe, Swaziland và Lesotho, đất nước không có biển nằm lòng Nam Phi.
Tiếng Afrikaans thuộc ngữ chi German Tây giống như tiếng Đức, tiếng Anh và đương nhiên cả tiếng Hà Lan, nguồn gốc của ngôn ngữ này. Nếu bạn biết tiếng Hà Lan, bạn có thể dễ dàng học tiếng Afrikaans. Hai thứ tiếng này có vốn từ vựng giống nhau từ 90 đến 95 phần trăm, và ngữ pháp tiếng Afrikaans đơn giản hơn cho nên người Hà Lan gần như hoàn toàn hiểu được (tuy nhiên người nói tiếng Afrikaans lại không hiểu được tiếng Hà Lan như vậy). Tiếng Afrikaans được phát triển từ tiếng Hà Lan được sử dụng bởi thực dân, nhưng nó có cấu trúc ngữ pháp đơn giản hơn và cách phát âm truyền cảm hơn tiếng Hà Lan. Nó là sự kết hợp của tiếng Bồ Đào Nha và Pháp mà các thương gia và thực dân nói, tiếng Khoisan và Bantu bản địa, và những ngôn ngữ như tiếng Mã Lai được đem tới châu Phi qua trao đổi nô lệ với châu Á.
Mặc dù trong lịch sử, tiếng Afrikaans bị coi là biểu tượng của chủ nghĩa dân tộc da trắng của người Afrikaner và loại trừ chủng tộc ra khỏi xã hội, ngôn ngữ này đã chạm đến cộng đồng người không phải da trắng và họ đã sử dụng những từ ngữ bản xứ khác với của người da trắng, giúp họ trở nên tách biệt và tạo nên tinh thần đoàn kết trong cộng đồng. Đến bây giờ, nó vẫn được dùng rộng rãi, ví dụ như bởi dân số da màu ở Cape Town, những người không phải da trắng hay là người châu Phi bản xứ nhưng xuất thân từ dòng máu lai Nam Á và nô lệ, người lao động gốc Phi trong thời thuộc địa. Theo cuộc điều tra dân số năm 2011, phần lớn người nói tiếng Afrikaans ở nhà thuộc nhóm trên — khoảng hơn 50 phần trăm người bản địa nói ngôn ngữ này.
Mặc dù có thể bạn sẽ chưa bao giờ nghe thấy ngôn ngữ này nếu bạn chưa đến miền Nam châu Phi, tiếng Afrikaans xuất hiện khắp thế giới. Bạn có biết rằng có nhiều từ tiếng Afrikaans từ tiếng Anh không? Nếu bạn đã từng đi bộ đường dài (trek) hoặc từng thấy con lợn đất (aardvark), bạn thực chất đang sử dụng những từ tiếng Afrikaans.
Ngôn ngữ này có mối liên hệ mật thiết với cốt lõi truyền thống của đất nước; tiệc nướng ở Nam Phi được gọi là “braai”, luôn xuất hiện ở mọi bữa tiệc và lễ hội. Con vật tượng trưng của quốc gia này là loài linh dương nhảy (springbok). Và cho dù nhiều cá nhân muốn xóa bỏ tàn dư chủ nghĩa dân tộc của người Afrikaner, mầm mống khai sinh chế độ A-pác-thai, tiếng Afrikaans vẫn là niềm tự hào của những người đã đấu tranh chống thực dân và người Anh. Mặc dù mong muốn giữ gìn sự toàn vẹn của ngôn ngữ không hoàn toàn mang tính dân tộc chủ nghĩa, những phong trào này thu hút những cá nhân tự hào về ngôn ngữ lẫn cá tính của mình — thường là những nhà hoạt động xã hội ngôn ngữ người Afrikaner.
📝Tiếng Anh
Tiếng Anh được đưa vào Nam Phi khi người Anh đến Cape vào năm 1820, và tuy sau này họ bị trục xuất bởi người Hà Lan và hậu duệ, tiếng Anh cũng đã có một khoảng thời gian lâu dài được lan truyền ở thuộc địa Cape và những nơi khác.
Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu trong nhiều thế kỷ, và ở Nam Phi cũng không ngoại lệ. Ngôn ngữ này trở thành ngôn ngữ phổ biến cho công việc và giao tiếp. Ở những đô thị lớn, như Cape Town, Pretoria và Johannesburg, bạn rất dễ gặp người biết nói tiếng Anh. Nhưng khoảng 10 phần trăm dân số sử dụng tiếng Anh khi ở nhà, tức là khoảng 5 triệu người. Sự phổ biến của tiếng Anh một phần là do lịch sử chế độ A-pác-thai gắn liền với tiếng Afrikaans và sự phản ứng đối với dấu tích chế độ này để lại là ngôn ngữ của sự áp bức.
Mặc dù tiếng Anh chỉ là ngôn ngữ phổ biến thứ tư ở Nam Phi, nó đang ngày càng được sử dụng nhiều — sánh ngang với tiếng Afrikaans và những ngôn ngữ chính thức khác — đã làm dấy lên câu hỏi liệu tiếng Afrikaans sẽ có thể gặp khó khăn trước tiếng Anh trong những năm tới.
Tiếng Anh ở Nam Phi có những đặc điểm và sắc thái riêng giúp nó tách biệt với tiếng Anh được nói ở những nơi khác trên thế giới. “Bakkie” là xe bán tải, và “bru” nghĩa là một người bạn mà bạn thường chào hỏi thân mật “Howzit?” (Bạn khoẻ không?). Thịt khô ở Nam Phi gọi là “biltong” và nếu bạn thấy ngon, bạn nói “lekker” — một cách thể hiện niềm vui và sự cảm kích.
📝Những Ngôn Ngữ Bản Địa
Họ Bantu thuộc ngữ hệ Niger-Congo gồm khoảng 500 ngôn ngữ được nói khắp Châu Phi Hạ Sahara, trong đó có 9 ngôn ngữ chính thức không thuộc hệ Ấn-Âu của Nam Phi (tức là mọi ngôn ngữ trừ tiếng Anh và tiếng Afrikaans). Những ngôn ngữ bản địa này đã tồn tại lâu đời hơn rất nhiều những tiếng châu Âu được mang vào thời thuộc địa.
“Bantu” là thuật ngữ dùng để chỉ người châu Phi bản địa vào thời kỳ A-pác-thai, nhưng bây giờ nó không còn ý nghĩa miệt thị như vậy nữa. Trong thời kỳ đó, những ngôn ngữ này được dạy ở những trường Bantu đặc biệt với mục đích lấy đi những kiến thức mà người châu Phi bản địa cần để trở thành lực lượng lao động có tay nghề cao, thay vì cho họ làm những công việc chân tay không đòi hỏi kỹ năng. Những chính sách A-pác-thai giúp giữ gìn sự phổ biến của tiếng Afrikaans và có tác động tích cực đối với những ngôn ngữ châu Phi bản địa — và để lại di sản đến tận ngày nay.
Họ Bantu khác biệt so với ngữ hệ Khoisan, một họ ngôn ngữ dùng chung phụ âm “click” (tặc lưỡi) — và phụ âm này cũng được sử dụng trong một vài ngôn ngữ Bantu như Xhosa, Zulu và Sotho. Ngoài ra, có một số yếu tố trong ngôn ngữ Khoisan cũng được dùng trong tiếng Afrikaans.
Zulu là ngôn ngữ bản địa được sử dụng nhiều nhất Nam Phi, theo sau là Xhosa, từng được dùng bởi những nhà đấu tranh hoà bình, chống chế độ A-pác-thai và tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Đa số mọi nơi trên Nam Phi bạn đều có thể gặp người nói ngôn ngữ Bantu
Dưới đây là số lượng người bản địa sử dụng 9 ngôn ngữ chính thức của Nam Phi được Hiến Pháp công nhập:
- Ndebele: 1.1 triệu
- Nam Sotho: 4.6 triệu
- Bắc Sotho: 3.9 triệu
- Swati: 1.3 triệu
- Tsonga: 2.3 triệu
- Tswana: 4.1 triệu
- Venda: 1.2 triệu
- Xhosa: 8.2 triệu
- Zulu: 11.6 triệu
Ngôn ngữ của Nam Phi là cửa sổ nhìn vào quá khứ và là câu chuyện tiếp tục đến ngày nay. Chỉ có thời gian mới có thể nói được liệu di sản ngôn ngữ của đất nước này sẽ đóng vai trò như thế nào trong tương lai.
————————————————————————————————-
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.
- Theo: Babbel
- Người dịch: Mai Khánh Thy
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Mai Khánh Thy – Nguồn iVolunteer Vietnam”.
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/11181
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 26