Trong trò chơi sàng lọc dần để tìm ngôn ngữ với những cái nhất – như dễ nhất, khó nhất, hấp dẫn nhất – bạn hầu như luôn kết thúc nó với nhiều tính chủ quan. Một số ngôn ngữ khó để học, trừ trường hợp bạn là người bản ngữ của ngôn ngữ X đó. Và một số ngôn ngữ chắc chắn có vẻ kỳ lạ và kỳ quặc, nhưng điều đó chủ yếu do mối liên hệ với ngôn ngữ bạn nói. “Ngôn ngữ kỳ lạ nhất” chỉ kỳ lạ đối với một nhóm nhỏ nhất định trên thế giới. Đối với những người bản xứ của ngôn ngữ đó, đó chỉ là ngôn ngữ bình thường.
Ví dụ, từ quan điểm của một người nói tiếng Anh bản ngữ, bất kỳ ngôn ngữ nào không sử dụng bảng chữ cái Latinh sẽ tự động bị cho là có vẻ xa lạ. Đối với một người bản ngữ sử dụng ngôn ngữ có thanh điệu, chẳng hạn như tiếng Quan Thoại, các ngôn ngữ không có thanh điệu có thể có vẻ tẻ nhạt và khó hiểu.
Một số ngôn ngữ về mặt khách quan sẽ kỳ lạ hơn những ngôn ngữ khác bởi vì chúng thuộc loại hiếm và khác thường.
Ví dụ, một số ít dân cư vùng sâu vùng xa sống rải rác trên các khu vực miền núi trên thế giới đã phát triển ngôn ngữ huýt sáo để giao tiếp với khoảng cách xa. Thì là bạn thậm chí không cần các “từ ngữ” để giao tiếp như chúng thường được hiểu.
Nhưng nếu như có ai sắp sàng lọc để tìm được thứ ngôn ngữ kỳ lạ nhất trên thế giới, thì đó là nhà ngôn ngữ học tính toán Tyler Schnoebelen và nhóm của ông. Mặc dù 239 ngôn ngữ mà họ nghiên cứu là một lượng khá nhỏ trong một thế giới có khoảng 7.000 ngôn ngữ, họ đã cố gắng so sánh một cách có hệ thống các ngôn ngữ bằng cách sử dụng dữ liệu trong Bản đồ cấu trúc ngôn ngữ thế giới để tìm ra ngôn ngữ nào nổi bật nhất so với những ngôn ngữ khác. Nhóm nghiên cứu đã xem xét các nét đặc trưng của ngôn ngữ – những thứ như ngữ pháp, trật tự từ, số lượng nguyên âm và âm thanh – sử dụng chúng để đo lường ngôn ngữ nào có nhiều yếu tố lạ về mặt ngôn ngữ nhất.
Bằng cách cố gắng cô lập ngôn ngữ không điển hình nhất – không nhất thiết là ngôn ngữ kỳ lạ nhất, thứ vốn dĩ cần một chút đánh giá chủ quan – các nhà ngôn ngữ học đã có thể đưa ra một câu trả lời tương đối công bằng khách quan.
Và ngôn ngữ kỳ lạ nhất thế giới là…
Chalcatongo Mixtec! Ngôn ngữ này, được nói bởi 6.000 người ở Oaxaca, Mexico, đứng đầu trong danh sách rút gọn ngôn ngữ kỳ lạ nhất.
Chalcatongo Mixtec, còn được gọi là San Miguel el Grande Mixtec, là một ngôn ngữ có thanh điệu khởi đầu là động từ. Khởi đầu với động từ có nghĩa là các câu của nó bắt đầu bằng động từ, đây là điểm chung mà nó chỉ có với 8,7% các ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng xứ Wales và Hawaii. Các ngôn ngữ bắt đầu bằng chủ ngữ là phổ biến nhất, với khoảng 3/4 các ngôn ngữ và bắt đầu bằng tân ngữ là hiếm nhất, chỉ khoảng 1%. Và Chalcatongo Mixtec là ngôn ngữ có thanh điệu, tức là với cùng một âm, việc nhấn âm theo cách khác nhau có thể hoàn toàn thay đổi nghĩa của từ, không phụ thuộc vào cách phát âm của nó.
Ngôn ngữ này thuộc trong nhóm Mixtec gồm hơn 50 phương ngữ liên quan được nói ở vùng La Mixteca của Mexico, với tổng số khoảng 500.000 người nói. Các phương ngữ thường có tính thông hiểu lẫn nhau giữa các cộng đồng lân cận. Dù hiện tại đang sử dụng bảng chữ cái Latinh, các ngôn ngữ Mixtec đã từng có hệ thống chữ viết logographic (bao gồm các ký hiệu văn tự, như tiếng Quan Thoại).
Ngôn ngữ này cũng khá khác thường vì nó là ngôn ngữ duy nhất không có bất kỳ cấu trúc, sự thay đổi thứ tự từ hoặc ngữ điệu nào để phân biệt câu hỏi mà câu trả lời là có hoặc không với một câu bày tỏ ý kiến. Nói cách khác, không có cách nào để thực sự biết ai đó đang nói điều gì đó với bạn hay đang hỏi bạn một câu hỏi yêu cầu câu trả lời là có hoặc không.
Tiếng anh cũng khá kỳ lạ
Mặc dù không phải là ứng cử viên cho vị trí đầu bảng, tiếng Anh đứng ở vị trí thứ 33, khá cao về mặt kỳ lạ. Và điều này có lẽ không phải là điều gây ngạc nhiên đối với bất kỳ ai đã từng cố gắng học nó như một ngôn ngữ thứ hai. Đánh vần tiếng Anh cực kỳ khó thành thạo vì nó chứa nhiều thứ: gốc Đức, cùng với ảnh hưởng của tiếng Latinh, Bắc Âu và Norman, tất cả đã định hình ngôn ngữ này trong những năm đầu. Và theo thời gian, ngôn ngữ này đã thay đổi và biến đổi theo những cách không hoàn toàn nhất quán trên diện rộng và tiếp tục tiếp thu nhiều từ vay mượn từ các ngôn ngữ khác.
Tiếng Anh có số lượng âm vị hoặc các âm riêng biệt mà bạn có thể tạo ra ở trên mức trung bình. Con số bình quân là khoảng từ 25 đến 30, trong khi tiếng Anh là 44.
Tiếng Anh cũng có 11 nguyên âm (mà bạn chỉ được đánh vần bằng cách sử dụng một số kết hợp của năm chữ cái nguyên âm!), tức nhiều hơn so với mức trung bình năm hoặc sáu âm. Và trong trường hợp bạn nghĩ rằng không có gì kỳ lạ về các phụ âm của nó, thì tiếng Anh cũng chứa các âm xuất hiện trong ít hơn 10% các ngôn ngữ được khảo sát (như “th” trong từ “bathe”).
Ngoài ra, thực sự rất kỳ lạ khi tiếng Anh thay đổi thứ tự từ của câu để biến chúng thành câu hỏi. Ít hơn 2% các ngôn ngữ được WALS khảo sát làm được điều này.
Nhưng thực tế có rất nhiều ngôn ngữ khác lạ hơn tiếng Anh, bao gồm cả tiếng Nenets ở Siberia, xếp thứ hai, và tiếng Choctaw của người Mỹ bản địa, xếp thứ ba. Mesa Grande Diegueño, Kutenai, Zoque, Paumarí, Trumai, Pitjantjatjara, Lavukaleve, Harar Oromo, Iraqw, Kongo, Mumuye, Ju | ‘hoan, Khoekhoe, Eastern Armenia, Abkhaz, Ladakhi, Quan thoại, Đức, Hà Lan, Na Uy, Séc và tiếng Tây Ban Nha cũng lọt vào danh sách top 25 (không theo đúng thứ tự).
……………………………………
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: Babbel
- Người dịch: Nguyễn Thị Huế
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Thị Huế – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/11308
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 24