Hỏi “Ngôn ngữ nào được nói ở Trung Quốc?” cũng giống như hỏi ngôn ngữ nào được nói ở châu Âu – nhân lên bốn lần. Tại sao? Vì Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lớn hơn toàn bộ châu Âu cộng lại, cùng với đó là một bề dày lịch sử lâu đời.
Trong khi hầu hết các ngôn ngữ châu Âu bị ảnh hưởng bởi tiếng Latinh vào khoảng 2000 năm trước, Trung Quốc có một ngôn ngữ riêng có ảnh hưởng rộng rãi vào cùng khoảng thời gian đó được gọi là Tiếng Trung Cổ điển. Các học giả và những người cầm quyền cai trị đã sử dụng ngôn ngữ này, nhưng nó cũng dần thâm nhập vào ngôn ngữ và phương ngữ của người dân, tạo ra nhiều biến thể địa phương. Trên thực tế, Trung Quốc là nơi sinh sống của 56 dân tộc, tất cả đều đóng vai trò định hình nên các biến thể của tiếng Trung.
Có bao nhiêu ngôn ngữ được nói ở Trung Quốc?
Với dân số khoảng 1,4 tỷ người, Trung Quốc có 302 ngôn ngữ riêng lẻ hiện vẫn còn tồn tại. Xét dưới góc độ toàn cầu, đáng kinh ngạc là 20% dân số thế giới vốn nói một số dạng ngôn ngữ Trung Quốc từ bé.
Các nhà ngôn ngữ học đã chia tiếng Trung Quốc thành 8 đến 10 nhóm ngôn ngữ chính (mà chúng ta sẽ đi sâu vào bên dưới), với mỗi nhóm có một số phương ngữ phụ. Có khả năng cao bất kỳ người nào đến từ khu vực ngoài Bắc Kinh thì sẽ nói ít nhất một trong những phương ngữ này. Tất nhiên, chúng ta không thể xét toàn bộ 302 ngôn ngữ trong bài viết này, nhưng chúng ta hãy đi sâu vào tám trong số các nhóm ngôn ngữ chính.
Các ngôn ngữ và phương ngữ phổ biến nhất là gì?
Tiếng Quan thoại
Nếu bạn đã từng nghe về một dạng của tiếng Trung, thì khả năng lớn là chính ngôn ngữ này. Dạng tiếng Trung được sử dụng rộng rãi nhất, không phải nghi ngờ chắc chắn là tiếng Quan Thoại. Với hơn 955 triệu người nói chỉ riêng ở Trung Quốc, không có gì đáng ngạc nhiên khi nó cũng là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới. Có nhiều phương ngữ trong tiếng Quan thoại, và biến thể thường được chia thành bốn nhóm phụ: tiếng Quan thoại phía Bắc, tiếng Quan thoại Tây Bắc, tiếng Quan thoại Tây Nam và tiếng Quan thoại phía Nam.
Điều quan trọng cần lưu ý là các ngôn ngữ Trung có thanh điệu, và tiếng Quan Thoại đặc biệt có bốn thanh điệu cơ bản cộng với thanh điệu thứ năm là thanh nhẹ (thanh không). Đây có lẽ là yếu tố khó nhất trong việc học ngôn ngữ Trung Quốc, vì sai âm điệu có thể làm thay đổi đáng kể ý nghĩa của một từ.
Tiếng Trung Quốc tiêu chuẩn
Kể từ cuối thế kỷ 19, ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc là tiếng Trung Quốc tiêu chuẩn, hay còn được gọi là “tiếng nói chung”. Tiếng Trung Quốc tiêu chuẩn chỉ là một trong nhiều phương ngữ của tiếng Quan Thoại, nhưng có lẽ là quan trọng nhất vì nó cũng là ngôn ngữ chính thức của Đài Loan, một trong bốn ngôn ngữ chính ở Singapore và một trong sáu ngôn ngữ chính thức ở Liên Hợp Quốc. Điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù các trường học và văn phòng chính phủ vận hành với tiếng Trung Quốc tiêu chuẩn, nhưng người dân địa phương thường không sử dụng biến thể này hoặc nói ở nhà.
Vì lý do trên, không lạ khi cư dân của một ngôi làng ở nông thôn không hiểu điều mà những người dân địa phương sống cách đó chỉ vài ngôi làng nói. Chính phủ Trung Quốc cho biết họ muốn thu hẹp khoảng cách ngôn ngữ này ở Trung Quốc, với mục tiêu 80% công dân của họ nói tiếng Quan thoại vào năm 2020.
Tiếng Quảng Đông (Yue)
Tiếng Quảng Đông, hay Yue, là một biến thể khác của tiếng Trung Quốc được nhiều người biết đến, với hơn 60 triệu người nói ở Trung Quốc. Đáng buồn là, tiếng Quảng Đông là một trong số ít ngôn ngữ đang chết dần ở Trung Quốc – đây là mất mát do tiếng Quan thoại được ưu tiên hơn trong cả nước. Nguồn gốc của nó được bắt nguồn từ Quảng Châu, một thành phố còn được gọi là Canton, do đó mà biến thể mang tên Cantonese. Hầu hết những người nói tiếng Quảng Đông sống ở tỉnh Quảng Đông, chủ yếu là Quảng Đông, Ma Cao và Hồng Kông, với mỗi khu vực có phương ngữ riêng.
Tiếng Quảng Đông gần giống với tiếng Trung cổ hơn bất kỳ ngôn ngữ chính Trung Quốc nào khác, vì vậy đáng để lưu ý rằng người nói tiếng Quảng Đông rất khó để hiểu người nói phương ngữ khác, kể cả khi đó tiếng Quan thoại có tính thông hiểu cao. Một số khác biệt chính của tiếng Quảng Đông so với tiếng Quan Thoại bao gồm tiếng Quan thoại có chín thanh điệu và độ dài nguyên âm dài nhiều hơn .
Tiếng Cám
Trong khi đó, tiếng Cám chiếm ưu thế ở nhiều vùng phía Tây Trung Quốc. Hơn 41 triệu người nói một số dạng của tiếng Cám, một ngôn ngữ hoàn toàn khác với tiếng Quan Thoại và các dạng khác của tiếng Trung. Tỉnh Giang Tây là trung tâm chính nói ngôn ngữ này, cùng với các vùng lân cận như An Huy, Phúc Kiến, Hồ Bắc và Hồ Nam. Theo các học giả, có năm phương ngữ chính: Changjing, Yiping, Jiliang, Fuguang và Yingyi, tất cả đều dễ hiểu với tiếng Quan Thoại và nhóm ngôn ngữ Ngô. Dù vậy, nó có nhiều điểm chung nhất với tiếng Khách Gia.
Tiếng Khách Gia (tiếng Hẹ)
Ước tính có khoảng 47 triệu người nói tiếng Khách gia ở Trung Quốc, trải dài ở các tỉnh Quảng Đông, Giang Tây, Quảng Tây, Hồ Nam và Tứ Xuyên, (chỉ liệt kê một số ít). Phương ngữ nổi tiếng nhất là tiếng Khách Gia của Mai Châu ở Quảng Đông, có cấu trúc tương đồng với tiếng Quảng Đông và tiếng Trung Quốc tiêu chuẩn. Khách Gia cũng là ngôn ngữ gần nhất với tiếng Cám – nhiều điểm chung đến nỗi đôi khi ngôn ngữ này được coi là dạng khác của ngôn ngữ kia. Cả hai ngôn ngữ này rất có thể đều vay mượn nhiều từ vựng từ tiếng Quảng Đông.
Tiếng Mân
Nhóm ngôn ngữ Mân được nói ở tỉnh Phúc Kiến, cũng như các vùng của Quảng Đông, Chiết Giang, Hải Nam và Đài Loan. Nói chung, chúng được chia thành tiếng Mân Bắc tập trung quanh Phúc Châu, và tiếng Mân Nam tập trung tại Hạ Môn. Ở Trung Quốc và Đài Loan, có khoảng 40 triệu người nói tiếng Mân Nam, và phương ngữ này không có tính thông hiểu lẫn nhau (mutually intelligible) với các dạng khác của tiếng Mân, cũng như tiếng Trung chuẩn.
Tiếng Ngô (tiếng Thượng Hải)
Nhóm ngôn ngữ Ngô, hay tiếng Thượng Hải, là một loạt các phương ngữ chủ yếu được nói ở khu vực phía đông của Trung Quốc, xung quanh Thượng Hải (như bạn có thể đoán trước do cái tên), ngoài ra còn có phía đông nam tỉnh Giang Tô và tỉnh Chiết Giang. Số lượng người nói tiếng Ngô ở Trung Quốc ước tính vào khoảng 85 triệu người. Ban đầu, ngôn ngữ Ngô được lan truyền từ trung tâm văn hóa Tô Châu và dần trở nên quan trọng trong thời kỳ nhà Minh khi Thượng Hải giành được vị trí trên bản đồ như một điểm nóng đô thị.
Tiếng Tương (tiếng Hồ Nam)
Nhóm ngôn ngữ Tương, hay tiếng Hồ Nam, đến từ tỉnh Hồ Nam và được chia thành tiếng Tương mới (chịu ảnh hưởng nặng của tiếng Quan Thoại) và tiếng Tương cũ, mang nhiều nét tương đồng hơn với nhóm ngôn ngữ Ngô. Trên khắp Trung Quốc, có hơn 36 triệu người nói tiếng Tương. Giống như các ngôn ngữ Trung khác, tiếng Tương có thanh điệu và cụ thể có năm thanh điệu khác nhau biểu thị ý nghĩa.
Vậy là bạn đã nắm rõ được hết tất cả. Lần tới khi bạn nghe ai đó hỏi “ngôn ngữ nào được nói ở Trung Quốc?” bạn có thể trả lời điềm tĩnh rằng “302” và cung cấp cho người đó một chút kiến thức về tám nhóm ngôn ngữ chính.
___________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: Babbel
- Người dịch: Nguyễn Thị Huế
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Thị Huế – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/11320
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 69