📌Nhà thiên văn học thực hiện những công việc gì?
Nhà thiên văn học là một nhà khoa học nghiên cứu làm công việc quan sát và nghiên cứu vũ trụ nhằm hiểu sâu rộng hơn về không gian, các hành tinh, hệ mặt trời và mối quan hệ của con người với vũ trụ. Các nhà thiên văn học sử dụng công cụ là kính viễn vọng quang học, kính thiên văn vô tuyến và kính viễn vọng không gian để thu thập thông tin về các chuyển động, thành phần và đặc điểm của các vật thể, vật chất và hiện tượng trong không gian. Vũ trụ rất rộng lớn và phức tạp, vì vậy có rất nhiều những lĩnh vực khác nhau mà các nhà thiên văn học có thể theo đuổi, như:
1. Thiên văn học hành tinh: Trọng tâm của lĩnh vực này là khám phá hành tinh mới và nghiên cứu sâu các hành tinh đã biết.
2. Thiên văn học sao: Các nhà thiên văn học nghiên cứu về sao và các hiện tượng khác liên quan đến các vì sao, chẳng hạn như hố đen, sao xung, tinh vân và sao lùn trắng.
3. Thiên văn học mặt trời: Lĩnh vực chuyên biệt này tập trung nghiên cứu hệ mặt trời và các hiện tượng liên quan, bao gồm khí quyển, bão và từ trường.
4. Thiên văn học thiên hà: Các nhà thiên văn học thiên hà chuyên khám phá các thiên hà, chẳng hạn như Dải Ngân hà.
5. Vũ trụ học: Lĩnh vực này nghiên cứu toàn bộ kiến thức về vũ trụ nhằm hiểu rõ bản chất, nguồn gốc và vũ trụ có thể phát triển theo cách nào.
Dù lĩnh vực chuyên môn mà một nhà thiên văn học chọn là gì, hầu hết đều có những nhiệm vụ và công việc chung, bao gồm:
- Hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia khác để cùng nhau nghiên cứu hoặc cùng giải quyết các vấn đề chung
- Giao tiếp và làm việc hiệu quả với các đội, nhóm có thể bao gồm các đồng nghiệp như nhà khoa học, kỹ thuật viên và kỹ sư
- Thu thập dữ liệu thông qua quá trình quan sát, đồng thời tiến hành nghiên cứu phát triển các thiết bị và phần mềm làm việc mới
- Phát triển và thử nghiệm các lý thuyết dựa trên quá trình nghiên cứu của cá nhân và các nhà khoa học đồng nghiệp
- Soạn thảo các đề xuất và đơn xin tài trợ nghiên cứu
- Soạn các bài luận và báo cùng với các nhà khoa học khác
- Giảng dạy lớp học tại các trường cao đẳng hoặc đại học
📌Yêu cầu đối với nhà thiên văn học
Nhà thiên văn học là những người được đào tạo chuyên sâu, dành nhiều năm tiếp thu kiến thức lý thuyết và thực tiễn quan trọng. Ngoài ra, họ cũng cần có những kỹ năng cần thiết để thành công trong công việc.
1. Học vấn
Nhà thiên văn học cần có bằng tiến sĩ để trở thành chuyên gia về lĩnh vực của họ. Đầu tiên, thông thường một nhà thiên văn học cần có bằng cử nhân vật lý, vật lý thiên văn học hoặc thiên văn học, quá trình học tập sẽ bao gồm các môn học như vật lý, đại số, giải tích, thiên văn học và thống kê. Sau đó, họ có thể theo học thạc sĩ về các ngành vật lý, vật lý thiên văn hoặc thiên văn học. Quá trình này thường mất hai năm để hoàn thành và có thể bao gồm các yêu cầu về luận án. Các khóa học dành cho trình độ thạc sĩ khác nhau nhưng thường bao gồm các khóa học lý thuyết như vật lý thiên văn, vũ trụ học, thủy động lực học,kỹ thuật quan sát và phương pháp phân tích dữ liệu.
Sau khi đã có bằng Tiến sĩ, các ứng viên sẽ định hướng các lĩnh vực chuyên môn cụ thể, chẳng hạn như thiên văn học mặt trời hoặc thiên hà. Quá trình hoàn thành chương trình học Tiến sĩ thường mất khoảng ba năm sau khi lấy bằng thạc sĩ, trong đó có các buổi nghiên cứu chuyên sâu dưới sự giám sát của một chuyên gia trong lĩnh vực liên quan nhằm mục đích hoàn thành luận văn.
2. Đào tạo
Hầu hết các nhà thiên văn học đam mê với ngành đều đăng ký chương trình nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ sau khi họ đã có bằng Tiến sĩ. Chương trình sau tiến sĩ, thường kéo dài từ hai đến ba năm, liên quan đến việc tham gia một chương trình nghiên cứu sẵn có hoặc thực hiện nghiên cứu độc lập trong lĩnh vực chuyên ngành, đồng thời đảm nhiệm giảng dạy và cố vấn cho sinh viên. Chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ thường diễn ra với sự hợp tác của các nhà khoa học khác.
3. Chứng chỉ
Thiên văn học là một môn học phức tạp và khó hiểu, bên cạnh đó còn là một ngành nghề cần nhiều năm học tập và rèn luyện, vì vậy họ thường không tìm kiếm các chứng chỉ trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, các nhà thiên văn học có thể tham gia các tổ chức nghề nghiệp sau, tại đây họ có thể trao đổi ý kiến, tiếp cận với các cơ sở vật chất tiên tiến, tham dự các cuộc họp hợp tác và thuyết trình nghiên cứu:
- Hiệp hội các trường đại học nghiên cứu Thiên văn học (Association of Universities for Research in Astronomy – AURA)
Tổ chức này bao gồm 47 trụ sở tại Hoa Kỳ và ba chi nhánh quốc tế, chuyên vận hành và quản lý các đài quan sát công cộng cho NASA và Quỹ Khoa học Quốc gia, chẳng hạn như Đài quan sát Gemini và Đài quan sát Mặt trời Quốc gia (NSO). Các nhà nghiên cứu đủ điều kiện từ các tổ chức thành viên được quyền tiếp cận với các cơ sở đẳng cấp thế giới này, đồng thời tất cả các thành viên, thông qua các đại diện được chỉ định, đều có tiếng nói trong các vấn đề của AURA.
- Hiệp hội Thiên văn học Hoa Kỳ (American Astronomical Society – AAS)
AAS là tổ chức quan trọng nhất dành cho các nhà thiên văn học chuyên nghiệp tại Hoa Kỳ, có hơn 6.500 thành viên, bao gồm các nhà thiên văn học, kỹ sư, nhà toán học, địa chất học và vật lý học. Cá nhân muốn tham gia AAS phải có bằng tốt nghiệp ngành thiên văn học hoặc các lĩnh vực khoa học liên quan, đồng thời đã từng xuất bản các bài báo trên những tạp chí quốc tế được công nhận. Các thành viên sẽ tham gia cuộc họp quốc tế, nơi họ có thể trình bày các bài thuyết trình và lắng nghe nhiều diễn giả nổi tiếng thế giới nói về các chủ đề nổi trội.
4. Kỹ năng
Bên cạnh kiến thức nâng cao về môn học như toán học và vật lý, các nhà thiên văn học cần có nhiều những kỹ năng đa dạng để hoàn thành tốt công việc, bao gồm:
- Làm việc nhóm
Thiên văn học là một ngành học phức tạp và luôn đổi mới, vì vậy các nhà thiên văn học thường xuyên cần làm việc với các chuyên gia khác trong khi nghiên cứu. Công việc hàng ngày của một nhà thiên văn học cũng cần hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia trong các lĩnh vực khác, chẳng hạn như kỹ sư và kỹ thuật viên. Các nhà thiên văn học cần phải giao tiếp tốt và phải làm việc hòa hợp với nhóm.
- Tư duy sáng tạo
Nghiên cứu thiên văn học đòi hỏi khả năng giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo. Vì công việc của các nhà thiên văn học liên quan đến nhiều bí ẩn chưa được giải đáp và các khu vực chưa được khám phá, họ cần phải suy nghĩ sáng tạo và đôi khi đưa ra những phỏng đoán táo bạo.
- Kỹ năng máy tính
Công việc của các nhà thiên văn học gắn liền với máy tính và công nghệ. Các chuyên gia này làm việc trên các chương trình phần mềm rắc rối và thường thiết kế các hệ thống phức tạp. Họ cần có kiến thức sâu rộng về hệ thống máy tính và ngôn ngữ lập trình.
- Kỹ năng viết
Sau khi phát triển và thử nghiệm các lý thuyết cũng như vật lộn với các vấn đề khoa học phức tạp, các nhà thiên văn học thường chia sẻ những phát hiện mới của họ qua các báo cáo bằng văn bản, các bài luận học thuật và các bài báo. Vì nghiên cứu của họ thường cần có nguồn tài trợ lớn, các chuyên gia này cũng phải soạn thảo các đề xuất tài trợ thuyết phục.
- Kỹ năng cơ khí và kỹ thuật
Một số nhà thiên văn học thường chế tạo công cụ làm việc của riêng họ, đòi hỏi kiến thức sâu rộng về điện tử và cơ khí.
📌Môi trường làm việc của nhà thiên văn học
Hầu hết các nhà thiên văn học làm việc toàn thời gian, thường trong các giờ hành chính bình thường, ngoại trừ các hoạt động quan sát về đêm nhưng không thường xuyên. Môi trường làm việc của một nhà thiên văn học có thể có các đặc điểm sau:
- Nghiên cứu cùng một nhóm các nhà khoa học tại đài quan sát hoặc phòng thí nghiệm
- Làm việc trong văn phòng, viết báo cáo, làm việc với giấy tờ, các bài báo và đề xuất
- Thiết kế hoặc làm việc trên các chương trình phần mềm tiên tiến
- Thỉnh thoảng có các chuyến công tác để làm nghiên cứu tại đài quan sát hoặc để trình bày báo cáo tại các hội nghị quốc tế.
📌Làm thế nào để trở thành nhà thiên văn học?
Nếu bạn đang cân nhắc theo đuổi sự nghiệp thiên văn học, sau đây là những bước điển hình cần thực hiện để có thể ứng tuyển vào một vị trí làm việc:
1. Có bằng cử nhân
Hãy theo học chương trình Cử nhân Khoa học về vật lý thiên văn, thiên văn học hoặc một lĩnh vực liên quan, chẳng hạn như toán học hoặc vật lý.
2. Lấy bằng thạc sĩ
Tiếp theo, hãy cố gắng đạt được bằng thạc sĩ, chẳng hạn như Thạc sĩ Khoa học về thiên văn học, vật lý thiên văn hoặc vũ trụ học. Chương trình thạc sĩ thường mất hai năm để hoàn thành và có thể bao gồm quá trình viết luận án.
3. Hoàn thành chương trình Tiến sĩ
Hãy tập trung vào một lĩnh vực cụ thể trong thiên văn học, chẳng hạn như thiên văn học mặt trời, thiên hà hoặc hành tinh, ở cấp độ tiến sĩ. Chương trình học Tiến sĩ thường mất khoảng ba năm, bao gồm quá trình nghiên cứu và viết luận văn.
4. Ứng tuyển vào các vị trí nghiên cứu sau tiến sĩ
Hầu hết các nhà thiên văn học có đam mê đều đăng ký chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ tại một trường đại học cụ thể. Đây là những vị trí nghiên cứu sinh nơi ứng viên thành thạo chuyên môn và tích lũy kiến thức thực tế.
5. Cập nhật sơ yếu lý lịch và CV
Tùy thuộc vào mục tiêu nghề nghiệp của bạn, hãy ứng tuyển công việc tại trường đại học, công ty hàng không vũ trụ, đài quan sát hoặc cơ quan vũ trụ bằng cách sử dụng sơ yếu lý lịch hoặc CV đã được cập nhật thông tin về trình độ học vấn, kinh nghiệm, nghiên cứu và các bài báo đã xuất bản của bạn.
📌Ví dụ mô tả công việc thiên văn học
Khoa Vật lý và Thiên văn học tại Đại học Sherlock hiện đang tìm kiếm một nhà thiên văn học lý thuyết hoặc quan sát có kinh nghiệm trong chuyên ngành về sự hình thành các ngôi sao và hành tinh của thiên hà để gia nhập đội ngũ giảng viên của chúng tôi với tư cách là trợ lý giáo sư. Ngoài việc thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu trong khoa bằng cách phát triển một chương trình nghiên cứu độc lập, ứng viên thành công ứng tuyển sẽ đảm nhiệm hỗ trợ giảng dạy các khóa học đại học và sau đại học. Ứng viên tối thiểu phải có bằng Tiến sĩ về thiên văn học hoặc vật lý thiên văn và có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này.
________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: indeed
- Người dịch: Trần Nguyễn Phan Minh Anh
- Khi chia sẻ phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Trần Nguyễn Phan Minh Anh – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/11440
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 103