Kỳ đầu tiên năm thứ nhất, tôi đọc rất chậm. Mặc dù đã có bằng thạc sĩ ở Anh trước đó rồi, đọc vẫn là một thử thách đối với tôi. Phần vì ngành tôi theo ở cấp độ tiến sĩ khá khác so với ngành học thạc sĩ, phần vì việc đọc ở cấp độ tiến sĩ thật sự khó hơn rất nhiều. Vừa khó vừa nhiều! Kỳ đầu tiên, tôi nhận 3 lớp, trong đó có một lớp chuyên ngành. Lớp nào tôi cũng phải đọc ít nhất 3-4 bài đọc mỗi tuần (thỉnh thoảng sẽ kèm thêm một vài chương sách, hoặc…cả một cuốn sách!) Lại nữa, ở cấp độ PhD, bạn bắt buộc phải đọc trước khi đến lớp, nếu không thì sẽ không tham gia thảo luận được.
Sau 3 năm làm PhD, tôi đã tìm ra được bí quyết đọc cho mình. Hôm nay, tôi xin chia sẻ bí quyết đó với bạn đọc blog. Đây hoàn toàn là kinh nghiệm của riêng tôi, một nghiên cứu sinh trong ngành Khoa học Chính trị, nên có thể không áp dụng với những bạn đang theo học ngành khác.
👉Vì sao chương trình coursework yêu cầu bạn đọc nhiều?
Các bài đọc trong chương trình coursework giúp ta lĩnh hội những kiến thức và kỹ năng quan trọng, giúp ta có được nền tảng tốt để làm luận văn, cũng như làm nghiên cứu độc lập về sau. Tôi đã học được gì từ những bài đọc? Thứ nhất, tôi nắm được những nghiên cứu quan trọng, làm nền tảng cho cả chuyên ngành, và những khuynh hướng nghiên cứu trong một hai thập kỷ gần đây. Thứ hai, tôi nắm được các phương pháp luận được sử dụng chủ yếu trong ngành của mình. Các bài đọc bổ trợ rất tốt cho các khóa học phương pháp luận. Các lớp học phương pháp dạy tôi những kiến thức kỹ thuật như lựa chọn, phân tích và chứng minh mô hình. Trong khi đó, các bài đọc chỉ cho tôi cách trình bày và truyền tải kết quả phân tích đến người đọc.
👉Một bài nghiên cứu khoa học gồm những gì?
Một bài nghiên cứu khoa học (trong ngành Political Science) thường gồm những phần chính sau:
- Phần giới thiệu (Introduction): Tôi coi phần introduction là một bài nghiên cứu thu nhỏ. Phần này giúp người đọc nắm được tổng quan cả bài nghiên cứu (một cách ngắn gọn): câu hỏi nghiên cứu, lập luận/giả thuyết, phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, và những đóng góp cho kiến thức chung của tác giả. Phần giới thiệu phải cho người đọc thấy được vì sao bài nghiên cứu này lại quan trọng, và ta cần phải đọc
- Tổng quan lý thuyết (Literature review): Trong phần này, tác giả thường viết và phân tích những bài nghiên cứu trước đó liên quan đến chủ đề được thảo luận ở bài báo này. Tác giả cũng sẽ chỉ ra những lỗ hổng trong các nghiên cứu trước đó, và bài báo của tác giả sẽ “giải quyết” lỗ hổng đó như thế nào. Hãy lấy một ví dụ cụ thể nhé. Hãy giả sử bài báo bạn đang đọc muốn trả lời câu hỏi: “Sử dụng phương pháp bạo lực ảnh hưởng thế nào đến sự ủng hộ của công chúng đối với những phong trào xã hội và các cuộc biểu tình?”, “Phương pháp bạo lực hay phi bạo lực sẽ thu hút được sự ủng hộ của công chúng đối với các phong trào xã hội và các cuộc biểu tình?” (Câu hỏi này đã được rất nhiều các học giả về phong trào xã hội tìm hiểu rồi, tôi chỉ nêu ra đây như một ví dụ thôi). Đối với đề tài này, trong phần tổng quan lý thuyết, tác giả có thể nêu ra những yếu tố ảnh hưởng đến sự ủng hộ của công chúng đối với các cuộc biểu tình/phong trào xã hội, đã được các nghiên cứu khác chỉ ra. Ví dụ, tác giả có thể nói về những yếu tố khiến một cá nhân quyết định tham gia một phong trào xã hội như shared grievances (tạm dịch sự bất bình chung), cơ hội chính trị (political opportunities), phán đoán về việc liệu những người xung quanh có ủng hộ phong trào xã hội đó hay không, vân vân và vân vân. Thường thì tác giả sẽ kết thúc phần này bằng việc chỉ ra những điểm còn thiếu xót hay lỗ hổng trong các nghiên cứu hiện tại. Ví dụ, tác giả có thể nói là những lý thuyết hiện có chưa thảo luận chiến thuật (tactics) mà người biểu tình sử dụng ảnh hưởng thế nào đến sự ủng hộ của công chúng, và vì sao chúng ta phải quan tâm đến tactics của người biểu tình.
- Lý thuyết/lập luận của tác giả (Theory/argument): Phần này, tác giả sẽ đưa ra lập luận của mình. Lập luận này phải ít nhiều mới mẻ, khác với những lý thuyết sẵn có. Vẫn tiếp tục ví dụ trên, tác giả có thể lập luận là: Sử dụng phương pháp bạo lực làm giảm sự ủng hộ của công chúng đối với các phong trào xã hội. Phần này, tác giải sẽ giải thích tại sao lại như vậy? Tại sao sử dụng phương pháp bạo lực lại làm giảm sự hỗ trợ của công chúng? Tác giả có thể đưa ra các cơ chế (mechanism) hay lý do vì sao lại có mối quan hệ này. Ví dụ, tác giả có thể lập luận rằng, phương pháp bạo động khiến các phong trào xã hội mất đi tính chính danh và chính nghĩa ở cả trong nước và quốc tế. Công chúng sẽ không muốn ủng hộ một phong trào mà họ không cảm thấy chính nghĩa. Một cơ chế khác có thể là: Khi người biểu tình sử dụng phương pháp bạo lực, công chúng sẽ nghĩ về họ như những con người thiếu lý trí, không biết lẽ phải. Và công chúng sẽ không muốn ủng hộ những phong trào được tổ chức bởi những người mà họ cho là thiếu lý trí. Thường thì phần này sẽ kết thúc bằng việc đưa ra các giả thuyết ngắn gọn, tóm tắt lại lập luận của tác giả. Đối với ví dụ trên, tác giả sẽ có ít nhất 1 giả thyết. Nếu tác giả muốn chứng minh các cơ chế, tác giả có thể đưa ra 3 giả thuyết.
H1 (Hypothesis 1, Giả thuyết 1): Sử dụng phương pháp bạo lực làm giảm sự ủng hộ của công chúng đối với các phong trào xã hội.
H2 (Hypothesis 2, giả thuyết 2): Sử dụng phương pháp bạo lực khiến công chúng cho rằng phong trào đó không chính nghĩa
H3: (Hypothesis 2, giả thuyết 2): Sử dụng phương pháp bạo lực khiến công chúng nghĩ rằng những người tổ chức phong trào đó không biết lẽ phải, thiếu lý trí.
(Tôi đã đơn giản hoá lập luận rất nhiều, chỉ để làm ví dụ cho bài viết này. Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn, bạn có thể tìm đọc các nghiên cứu rất thú vị về phong trào xã hội và biểu tình, do những học giả kỳ cựu viết như Charles Tilly, Sidney Tarrow, Doug McAdam, Erica Chenoweth, Maria Stephan, etc.,)
- Thiết kế nghiên cứu (Research design): Phần này trình bày phương pháp nghiên cứu mà tác giả sử dụng để chứng minh 3 giả thuyết trên, và những kết quả nghiên cứu. Tác giả cũng nêu rõ giả thuyết có được chứng minh là đúng hay không.
- Thảo luận (Discussion): Bài nghiên cứu có đóng góp như thế nào cho kiến thức chung, và thay đổi cách ta hiểu về xã hội như thế nào.
- Kết luận (Conclusion): Tóm tắt ngắn gọn lại lập luận, phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu, và gợi mở hướng nghiên cứu mới trong tương lai. Đôi khi, phần thảo luận sẽ được lồng ghép vào phần kết luận.
👉Đặt câu hỏi gì trước khi bắt đầu đọc một bài nghiên cứu?
Trước khi đọc một bài nghiên cứu khoa học, tôi thường tự đặt cho mình những câu hỏi sau:
- Đâu là động lực để tác giả viết bài nghiên cứu này? Mục đích chính của bài nghiên cứu này là gì? Câu hỏi nghiên cứu của tác giả là gì? Tác giả muốn giải thích hiện tượng gì (dependent variable- biến phụ thuộc là gì)? Và tác giả sẽ giải thích hiện tượng đó bằng những yếu tố, điều kiện gì? (independent variable- biến độc lập là gì?)
- Bài nghiên cứu được tác giả “đặt” vào phần literature (tổng quan lý thuyết) nào. Và bài viết của tác giả sẽ giải quyết lỗ hổng/điểm yếu nào của các nghiên cứu trước đó.
- Lý thuyết/lập luận/giả thuyết của tác giả là gì? Và lập luận đó khác với những gì các tác giả khác đã viết như thế nào? Dựa vào hiểu biết của ta, ta có tin vào lập luận của tác giả không?
- Tác giả dùng phương pháp gì để chứng minh lý thuyết/ lập luận/giả thuyết của mình? Tác giả đo lường (measure) biến phụ thuộc và biến độc lập như thế nào? Mô hình của tác giả có hợp lý không? Bạn có nghĩ là tác giả thực sự đo lường khái niệm mà tác giả đang nói đến không?
- Kết quả chính của tác giả là gì? Đóng góp chính của tác giả đối với kiến thức chung của nhân loại?
👉Ghi chú ghi đọc
- Tôi thường dùng phần mềm Mendeley để đọc. Mendeley rất thuận tiện cho việc đọc, ghi chú, highlight những điểm quan trọng, làm reference, và thậm chí làm việc nhóm. Bạn chỉ cần download phần mềm Mendeley desktop và tạo một tài khoản cá nhân trên trang web Mendeley, sau đó dùng tài khoản này để đăng nhập vào Mendeley desktop. Tôi thường ghi chú ngay cạnh những ý quan trọng của bài. Một điều rất tuyệt vời của Mendeley là bạn có thể lưu phần ghi chú vào một file pdf riêng, và có thể in ra để mang đến lớp thảo luận (như vậy, bạn không cần in cả bài nghiên cứu dài loằng ngoằng, mà chỉ cần in 1-2 trang ghi chú!)
- Để phục vụ cho thi vượt rào (comprehensive exams), tôi cũng lưu các ghi chú vào một file word. Tôi sắp xếp file word này theo chủ đề, và làm table of content ở đầu, để dễ tìm kiếm các bài đọc theo chủ đề. Tôi tóm tắt từng bài đọc dựa theo 5 câu hỏi lớn mà tôi nêu ra ở trên. Ghi chú mỗi bài đọc trong file word của tôi thường dài khoảng 1-1.5 trang (single space). Trước khi thi Comprehensive exams, tôi có một file word gần 800 trang, bao gồm tất cả những bài đọc trong chương trình coursework, và cả những bài đọc tôi tìm thêm bên ngoài. Có một tài liệu mà bạn có thể tìm kiếm các ghi chú một cách dễ dàng là điều cực kỳ quan trọng khi thi Comprehensive Exams. Vì sử dụng 5 câu hỏi lớn tôi tự đặt ra ở trên, nên các bài đọc trong file word của tôi được ghi chú theo cùng một format và rất dễ tìm kiếm khi viết.
👉Nên tập trung đọc phần nào của bài nghiên cứu?
- Tôi thường đọc rất kỹ phần giới thiệu, vì nó giúp tôi có cái nhìn tổng quát về bài nghiên cứu. Khi đọc xong phần này, tôi sẽ biết câu hỏi nghiên cứu, lập luận, giả thuyết, phương pháp nghiên cứu, và những kết quả nghiên cứu của tác giả. Đọc xong phần này, tôi có thể trả lời được câu hỏi 1 ở trên.
- Ta có nên đọc thật kỹ phần tổng quan lý thuyết (Literature review) hay không? Tuỳ thuộc vào mục đích của bạn! Nếu đây là bài báo thuộc chủ đề nghiên cứu của tôi, tôi sẽ đọc thật kỹ và viết lại ngắn gọn những kết quả của các nghiên cứu hiện có về chủ đề này. Nếu chủ đề bài báo này không liên quan lắm đến nghiên cứu của tôi, tôi chỉ đọc qua, chủ yếu để biết tác giả sẽ giải quyết lỗ hổng nào trong nghiên cứu. Đọc phần này giúp tôi trả lời câu hỏi 2 ở trên.
- Tôi rất thích đọc phần lập luận/ lý thuyết của tác giả, và tôi thường đọc phần này rất kỹ. Phần này trả lời câu hỏi 3 ở trên. Thường khi đọc phần này, tôi sẽ ngẫm nghĩ: “Lập luận của tác giả có tin được không nhỉ?” hay “ có lý do/cơ chế nào khác giải thích mối quan hệ giữa biến phụ thuộc và biến độc lập của tác giả?
- Tôi cũng đọc kỹ phần phương pháp nghiên cứu. Phần này giúp tôi trả lời câu hỏi 4 và 5 ở trên. Nếu có thời gian, tôi sẽ đọc kỹ phần discussion và conclusion, nhưng tôi hầu như bỏ qua, hoặc đọc qua hai phần này.
- Trên đây là kinh nghiệm đọc một bài nghiên cứu khoa học của tôi. Hi vọng bài viết sẽ hữu ích cho bạn! Nếu có đóng góp, hay câu hỏi gì, xin mời bạn để lại ở phần bình luận dưới đây.
Cảm ơn bạn đã ghé đọc blog. Chúc bạn một tuần mới nhiều năng lượng!
Trương Thanh Mai
——————————————————————————
Tác giả: Trương Thanh Mai
Link bài viết gốc TẠI ĐÂY.
Chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng hữu ích. Mong rằng sau khi đọc bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu hơn về bài nghiên cứu khoa học và hiểu hơn về cách đọc nó.
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/6617
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 15