- Mạng xã hội một mặt đem lại nhiều lợi ích, nhưng mặt khác lại ảnh hưởng đến bạn một cách tiêu cực.
- Học cách ngăn chặn những tác động tiêu cực của mạng xã hội.
- Xác định vị trí phương tiện truyền thông xã hội của bạn theo cách là một phương tiện phục vụ bạn một cách tích cực.
- Hãy nhớ rằng bạn chịu trách nhiệm về cảm xúc của mình ngay cả khi sử dụng mạng xã hội.
Cảm giác tổn thương và tức giận xuất hiện ngay khi trang chủ Facebook mở ra. Ở đó, tôi đã được tặng một “Kỷ niệm Facebook” từ một năm trước. Kỉ niệm đó là bức ảnh chụp chiếc xe bị đâm hỏng của tôi do một vụ va chạm gây ra.
Tôi rất đau và tức giận vì bức ảnh đã gợi lại ký ức của chính tôi về trải nghiệm đau thương đó. Tôi cũng nhớ rằng nhóm người mà từng vây quanh tôi khi đó KHÔNG đăng bình luận thừa nhận vụ tai nạn.
Đó không phải là lần duy nhất tôi cảm thấy tồi tệ hoặc hụt hẫng sau khi vào Facebook. Lần khác, tâm trạng của tôi trở nên tồi tệ sau khi đọc một cập nhật trạng thái, nhìn ảnh của bạn bè với kỳ nghỉ trong mơ của họ, hoặc xem ảnh của một người mà tôi cực kỳ ghét mặc dù là “bạn bè” trên Facebook.
Tôi quyết định “tân trang” lại trải nghiệm mạng xã hội của mình bằng cách tạo một tài khoản trên Instagram. Tôi đã bắt đầu cuộc hành trình trên Instagram của mình bằng cách đồng tổ chức một thử thách thay mặt cho phòng tập yoga của tôi và từ đó tôi đã có một trải nghiệm tích cực đáng kinh ngạc.
Nhưng những người khác vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các tương tác trên mạng xã hội của họ. Vậy có cách nào để chấm dứt hoặc ngăn chặn những tác động tiêu cực của mạng xã hội?
7 Cách Để Ngăn Chặn Tác Động Tiêu Cực Của Truyền Thông Xã Hội
💥 Nghỉ giải lao
Việc tạm ngừng sử dụng mạng xã hội sẽ mang đến cho bạn cơ hội để nghỉ ngơi, nạp và tập hợp lại năng lượng. Bạn có thể giải tỏa tâm trí của mình để sắp xếp thứ tự ưu tiên cho bản thân và các khía cạnh khác trong cuộc sống. Hơn nữa, nghỉ ngơi có thể mang lại cho bạn một cái nhìn mới và đánh giá cao cuộc sống mà bạn đang sống.
Nghỉ giải lao cũng giúp tăng năng suất. Dựa trên một nghiên cứu năm 2011, bộ não ngừng phản ứng với kích thích liên tục bởi vì nó thích nghi và do đó, ghi nhận kích thích là không quan trọng. Điều này dẫn đến việc thiếu tập trung, giảm năng suất làm việc và chán nản, có thể dẫn đến cảm giác buồn bã và trầm cảm.
Nói cách khác, nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian ngắn hoặc kéo dài có thể cải thiện tâm trạng của bạn và cách bạn phản ứng với những tác động tiêu cực của mạng xã hội.
Cuối cùng, bạn đã kiểm tra mạng xã hội bao nhiêu lần trong khi ăn tối với gia đình hoặc bạn bè? Khi bạn nghỉ ngơi, bạn có thể hiện diện trong cuộc sống của chính bạn và những người khác. Bạn thậm chí có thể đóng góp vào cuộc trò chuyện và đem lại tiếng cười.
💥 Tạo mục tiêu hoặc mục đích
Mục đích của tôi khi sử dụng Facebook là để giữ liên lạc với bạn bè và những người quen biết gần xa. Khi tôi đi chệch khỏi ý định đó, tôi bắt đầu trở nên dễ bị tổn thương bởi những tác động tiêu cực của mạng xã hội. Tuy nhiên, với Instagram, tôi vẫn kiên quyết với mục đích ban đầu.
Việc tạo ra một mục đích cụ thể sẽ giúp bạn tập trung vào mục đích đã đề ra khi sử dụng các tài khoản xã hội. Điều đó giúp ngăn cản những sự so sánh thường xuyên xảy ra khi chúng ta sử dụng mạng xã hội. Bạn cũng ít bị tổn thương hơn trước những tác nhân khiến bạn cảm thấy tồi tệ về bản thân và cuộc sống của mình.
💥 Kết nối với những người nâng bạn lên, KHÔNG kéo bạn xuống
Công việc tồi tệ nhất từ trước tới nay của tôi khiến tôi bị áp lực phải chấp nhận lời mời kết bạn trên Facebook. Thực tế, tôi không hề quan tâm đến những cá nhân yêu cầu kết nối với tôi.
Tuy nhiên, tôi đã chấp nhận các yêu cầu để có thể hoàn thành tốt công việc. Thật không may, điều đó đã làm hỏng trải nghiệm Facebook của tôi vì ảnh, bình luận và thông báo từ những người đó thường nhắc nhở tôi về việc họ đã đối xử tệ với tôi như thế nào trong cuộc sống thực.
Đừng mắc phải sai lầm tương tự như tôi đã làm. Thay vào đó, hãy kết nối với những người, địa điểm và những thứ nâng đỡ bạn và khiến bạn hạnh phúc. Quan trọng nhất, hãy kết nối vì BẠN muốn!
💥 Thay đổi quan điểm của bạn
Có ít nhất hai cách để xem ảnh, cập nhật trạng thái và nhận xét. Bạn có thể chọn xem tất cả những gì tiêu cực và tối tăm hoặc tất cả những gì tích cực và không đe dọa.
Lấy ví dụ từ phương tiện truyền thông xã hội, khi bạn nhìn thấy ảnh của bạn mình và người yêu mới của họ, bạn có thể ghen tị vì bạn còn độc thân HOẶC bạn có thể cảm thấy vui vẻ cho mối quan hệ mới của họ. Hãy lựa chọn nhìn nhận bằng quan điểm tích cực và cảm thấy hạnh phúc cho người bạn đó.
Bạn có thể cải thiện trải nghiệm mạng xã hội của mình khi chọn xem mọi thứ theo quan điểm tích cực. Nhìn nhận mọi thứ một cách tích cực cũng tạo ra một suy nghĩ tích cực. Do đó, bạn có nhiều khả năng tìm thấy niềm vui, cảm hứng và tiếng cười khi sử dụng mạng xã hội.
💥 Giữ cho nội dung của bạn tích cực
Nội dung tiêu cực có thể kích hoạt cảm xúc tiêu cực. Nó có thể khiến bạn bắt đầu giả định điều tồi tệ nhất về mọi thứ. Tệ hơn nữa, bạn có thể gặp khó khăn trong việc chấp nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống vì bạn không tin rằng mình xứng đáng với chúng. Cuối cùng, bạn trở thành một người tiêu cực.
Mặt khác, nội dung tích cực khuyến khích bạn sống tích cực, điều này rất tốt cho sức khỏe của bạn! Theo Mayo Clinic, tích cực giúp tránh căng thẳng và tăng cường khả năng miễn dịch của bạn, giúp tăng khả năng chống lại các bệnh tật như cảm lạnh thông thường.
Ngoài ra, bạn có nhiều khả năng chăm sóc bản thân tốt hơn vì trạng thái tích cực của bạn.
💥 Đóng góp vào Nguyên nhân
Theo một nghiên cứu, những người dùng tích cực đăng, bình luận, thích và chia sẻ nội dung có nhiều khả năng cảm thấy gắn kết và hòa nhập với những người khác trên mạng xã hội.
Người dùng cũng ít có khả năng so sánh mình với người khác, vì những so sánh như vậy thường dẫn đến cảm giác đố kỵ và ghen tị. Mặt khác, người dùng thụ động có nhiều khả năng cảm thấy chán nản và trải qua cảm giác cô đơn.
Thay vì trở thành người dùng thụ động lướt qua ảnh và cập nhật một cách vô tâm, hãy đóng góp cho cộng đồng ảo!
Bạn cũng có thể thích những câu nói thông minh này trên Facebook về cuộc sống và tình yêu, những thứ hoàn hảo để đăng trạng thái Facebook của bạn.
💥 Hãy nhớ rằng bạn đang chịu trách nhiệm
Cuối cùng, bạn phải chịu trách nhiệm về cảm xúc của mình. Nó không phải là Facebook, Instagram, Twitter hoặc các hình thức truyền thông xã hội khác. Đó là chính BẠN.
Bạn có thể kiểm soát cảm xúc của mình bằng cách kiểm soát bất chấp những tác động tiêu cực của mạng xã hội. Đây là cách thực hiện:
- Bạn kiểm soát những người có thể xem bài viết của bạn.
- Bạn kiểm soát ai có thể và không thể bình luận.
- Bạn có thể loại bỏ một cái gì đó hoặc một người nào đó nếu bạn không thích những gì bạn thấy.
- Bạn thậm chí có thể chặn một người hoặc báo cáo nội dung không phù hợp.
- Cuối cùng, bạn quyết định xem bạn chấp nhận hay từ chối một yêu cầu kết nối.
Hãy nhớ rằng, bạn là người chịu trách nhiệm!
Bây giờ tôi chuyển sang Instagram khi tôi muốn mỉm cười hoặc cười lên. Nó cũng đã trở thành một nguồn tài nguyên có giá trị, gần giống như một công cụ tìm kiếm hashtag. Ví dụ, nó đã giúp tôi cải thiện việc luyện tập yoga, lên kế hoạch cho các kỳ nghỉ và khám phá những sở thích mới. Tôi đã phát triển một vài tình bạn ảo, và tôi thậm chí đã gặp trực tiếp một số người bạn này!
Instagram KHÔNG khiến tôi chán nản bởi vì không giống như Facebook, tôi đã thực hiện một số bước nhất định để đảm bảo trải nghiệm tích cực.
Bạn đáng hưởng hạnh phúc! Do đó, hãy định vị mạng xã hội của bạn theo cách phục vụ bạn một cách tích cực. Và nếu có điều gì đó hoặc ai đó bạn không thích, hãy loại bỏ nó. Khích lệ cho trải nghiệm tích cực – và tạm biệt những tác động tiêu cực của mạng xã hội!
Kinh nghiệm của bạn với mạng xã hội là gì? Bạn đối phó với những tác động tiêu cực của mạng xã hội như thế nào? Tôi rất thích nghe những câu chuyện của bạn.
_____________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: everydaypower.com
- Người dịch: Bùi Minh Liên
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Bùi Minh Liên – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/7272
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 40