Để trở thành một người có phẩm giá, bạn cần phải sống với sự liêm khiết bởi nó sẽ giúp bạn đứng vững trước những tình huống khó xử về mặt đạo đức trong các cuộc khủng hoảng.
Trong các bộ phim, ta thường cười cợt những kẻ phản diện chỉ biết giả vờ làm người tốt để rồi bị phát hiện. Nhưng sự thật thì đó là nỗi sợ lớn nhất với rất nhiều người. Bị vạch trần là một người không có nhân phẩm, không có giá trị và lợi ích với cộng đồng thực sự là những cơn ác mộng. Vậy làm sao để ta có thể tránh được điều này?
Hãy thường xuyên tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây và hãy bắt đầu bằng việc thực sự sống một cách chính trực.
Hãy Bắt Đầu Sống Với Phẩm Hạnh Từ Hôm Nay Với 7 Câu Hỏi Này
- Hôm nay tôi có thực sự trung thực hay không?
Thông thường, bạn có thể tiết kiệm một chút thời gian hoặc tiền bạc bằng một xíu không trung thực. Nhưng điều này có thể ảnh hưởng tới phẩm giá của bạn như thế nào? Mỗi khoảnh khắc không thật thà đưa bạn đến khả năng bị vạch trần là một kẻ dối trá.
Khi ai đó hỏi bạn về chiếc áo đắt tiền của họ và bạn tỏ ra mê mệt nó trong khi thực chất bạn đang cười cợt họ chính là một ví dụ điển hình. Cảm giác như điều ta nói là tốt đẹp và rõ ràng là bản thân không muốn làm tổn thương ai cả. Nhưng sau đó, nếu có người khác hỏi bạn thực sự nghĩ gì về chiếc áo kia, bạn sẽ ở trong một tình thế khó xử.
Thêm vào đó, người kia có thể mất đi một công việc triển vọng hoặc một mối quan hệ chỉ bởi cái áo kia không phù hợp với môi trường hoặc văn hóa của họ. Bạn sẽ đẩy họ vào sự đổ vỡ chỉ bởi không thành thật.
Tôi KHÔNG gợi ý rằng ta nên nói những lời thô lỗ. Tôi chỉ muốn nói rằng ta cần tìm ra một cách lịch sự và tử tế để nói ra sự thật mà thôi. Bạn đã làm điều đó trong hôm nay chưa? Bạn có đủ can đảm để thành thật không?
Đó là những gì cần đánh đổi nếu muốn sống với phẩm hạnh. Bạn có thể mất một công việc hoặc một mối quan hệ. Nhưng cuối cùng, nhân cách của bạn sẽ tuyệt hơn rất nhiều chỉ vì bạn nói ra sự thật.
- Liệu tôi đã sống đúng với giá trị của mình chưa?
Một trong những bài tập mỗi tuần của tôi là đọc danh sách những giá trị mà tôi đã phát triển cho bản thân mình. Nó như là một bản “Hiến pháp” của riêng tôi vậy. Mặc dù tôi có thể biện minh cho việc phá vỡ các giá trị của người khác, tôi không bao giờ thỏa hiệp với những giá trị của mình. Tôi khuyên bạn nên viết những điều đó xuống và đọc lại thường xuyên.
Một vài năm về trước, tôi đã có một cuộc trò chuyện về nguyên tắc này với một cô gái trẻ và cô ấy chia sẻ với tôi một vài giá trị của mình. Trong số đó, cô ấy nói rằng sẽ không bao giờ bán rẻ danh dự của mình. Cô ấy không viết nó xuống, cũng chẳng bao giờ xem lại nó. Và tôi nhớ một buổi chiều nọ, tôi lái xe từ nhà đến chỗ làm và thấy cô ấy bán rẻ danh dự của chính mình.
Một vài tháng sau, tôi lại nói chuyện với cô ấy ở ngôi nhà tình thương, nơi tôi làm việc và cô ấy giải thích rằng mình nợ gã bán thuốc ít tiền, cô ấy đã rất tuyệt vọng. Khi chúng ta không viết những giá trị của mình xuống và thường xuyên xem lại nó, chúng ta thường có xu hướng tìm cái cớ để không giữ vững những giá trị của bản thân.
Những giá trị này có thể đến từ rất nhiều nguồn. Một số những giá trị của tôi đến từ thời gian ở trong quân ngũ, trong đội hướng đạo sinh và từ niềm tin của chính tôi. Hãy tìm kiếm những giá trị của bạn và viết chúng xuống. Bạn có thể sẽ cần xem lại chúng vài lần cho đến khi bạn thật sự tiếp thu được nó, bởi sống với phẩm giá đòi hỏi một nền tảng giá trị vững chắc.
- Tôi đã làm điều gì trong tuần này mà không muốn mẹ tôi phát hiện không?
Khi lớn lên, mẹ tôi dường như có giác quan thứ sáu về việc tôi có làm gì sai hay không. Bà ấy có thể cảm nhận được nếu như tôi không sống đúng với giá trị mà bà ấy đã dạy cho tôi suốt cuộc đời mình. Từ những ngày tôi còn bé, mẹ tôi có một giấc mơ to lớn dành cho tôi và biết rằng, việc trở nên không chính trực sẽ hủy hoại khả năng đó.
Khi bạn đang kiểm chứng lại những lựa chọn của mình, liệu có bao nhiêu trong số chúng sẽ khiến bạn xấu hổ nếu mẹ bạn hay bất cứ người làm cha mẹ nào mà bạn ngưỡng mộ phát hiện ra?
- Tôi đã dành thời gian của tôi ở đâu trong tuần này?
Mỗi năm một lần, tôi xem xét lại những nơi tôi đã dành thời gian. Khoảng mỗi 20 phút trong khoảng thời gian đi bộ của mình, tôi viết ra những thứ mình đã làm. Đến cuối ngày, tôi tổng kết những gì tôi đã dành thời gian vào.
Việc làm này giúp tôi định hướng được cảm xúc và thúc đẩy tôi sử dụng thời gian một cách năng suất hơn. Thêm vào đó, nó sẽ giúp tôi chú ý đến những lúc tôi không sống đúng với tiêu chuẩn của mình. Bằng việc làm điều này một cách thường xuyên, bạn có thể sẽ đi đúng con đường chính trực mà mình mong muốn.
- Điều gì tôi có thể làm tốt hơn trong tuần này?
Nếu như bạn đang đọc bài viết này, tôi có thể tự tin nói rằng bạn có mục tiêu làm tốt những gì mình đặt ra. Nhưng đôi khi, chúng ta bị xao nhãng và bất chợt ta ngồi xem tin nhắn hoặc buôn điện thoại trong giờ làm thay vì cố gắng hết sức mình.
Về cuối tuần, hãy tổng hợp lại tất cả những gì bạn đã làm trong tuần. Bạn có dành thời gian cho gia đình không? Công việc thì sao, bạn có hoang phí một ít thời gian làm việc bằng cách ăn bữa trưa lâu hơn một chút hoặc lướt Facebook hay không? Vậy còn dự án đặc biệt mà bạn đang làm thì sao rồi? Bạn có thể làm tốt hơn không?
Hãy tìm ra ít nhất một điều mà bạn có thể làm tốt hơn. Nó có thể đơn giản như dành thời gian với người vợ/chồng của mình hoặc xem lại bản báo cáo trước khi nộp. Hãy quyết tâm tạo ra sự khác biệt trong tuần đó. Và qua thời gian, nỗ lực của bạn sẽ tích lũy dần những ảnh hưởng được thể hiện trong con người bạn.
- Tôi có thể phục vụ ai tốt hơn trong tuần này?
Thuật ngữ ‘lãnh đạo đầy tớ’ bị ném đá khá dữ dội trong thời gian gần đây. Hầu hết những nhà lãnh đạo muốn được thấy như là người “đầy tớ” luôn chăm lo cho cuộc sống và nhu cầu của những người làm cùng hoặc làm việc cho họ.
Nhưng liệu chúng ta đã cho họ hết những gì ta có thể chưa? Liệu ta có nên lắng nghe thêm quan điểm và cảm xúc của đồng nghiệp mình? Còn những người xa lạ thì sao?
Sống có phẩm giá tức là phục vụ người khác. Phẩm giá của bạn chính là thi thoảng, những người xa lạ có thể biết bạn là ai. Giúp một bà già đang xách đồ nặng vào xe hoặc nhường ai đó đứng trước trong lúc chờ thanh toán.
- Liệu tôi đã làm hết sức chưa?
Nhìn lại cả một ngày dài của mình, liệu bạn đã làm hết sức chưa? Nếu chưa thì tại sao lại như vậy? Không có một lý do nào cho việc không cố gắng hết sức của bản thân. Con người bạn chính là người duy nhất bạn cần phải cho đi tất cả trong bất cứ trường hợp nào.
Tôi rất thích câu hỏi này. Liệu tôi đã làm hết sức trong thời gian vừa rồi? Liệu tôi có thể dành thời gian để làm những việc tốt hơn hay không? Đương nhiên là bạn làm tốt, nhưng có phải là tốt nhất hay chưa? Hãy định nghĩa lại tốt là như thế nào. Khi mọi người nhìn thấy bạn, họ có nghĩ rằng bạn thật xuất sắc và đã trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách hay không?
Kể cả khi bạn không đạt được mục tiêu của mình, bạn có bỏ cuộc ngay không? Bạn có hối tiếc vì không cố gắng chạy nốt 18 mét cuối mà chỉ bỏ cuộc ngay khi mọi thứ trở nên khó khăn hay không? Hỏi bản thân những câu hỏi này thường xuyên và bạn sẽ luôn kiểm soát được bản thân.
Sống với phẩm hạnh không hề dễ dàng. Chúng ta thường đọc những câu truyện với những nhân vật trong lịch sử đã trải qua những giai đoạn khó khăn nhưng vẫn giữ được những lựa chọn sáng suốt, và chúng ta ước chúng ta làm được như vậy. Đôi khi ta có thể cảm thấy mình không thể làm được nhưng sự thật là ta có thể.
Làm từng bước một và không bao giờ bỏ cuộc. Hình thành thói quen tự hỏi bản thân những câu hỏi này và bạn sẽ gặp hái được một nhân cách có thể noi gương cho thế hệ sau!
————————————————————————————
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những thông tin bổ ích!
- Nguồn: everydaypower.com
- Người dịch: Lương Vũ Khánh Ly
- Khi chia sẻ cần phải trích nguồn là “Người dịch: Lương Vũ Khánh Ly – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/7534
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 22