Trong quá trình tuyển dụng, nhà tuyển dụng xem xét rất nhiều CV để tìm kiếm những ứng viên có kỹ năng hoặc trình độ chuyên môn độc đáo. Nếu nhà tuyển dụng thấy các chứng chỉ chứng minh bạn có nhiều kỹ năng đã được kiểm chứng, bạn có thể có cơ hội trở thành một ứng viên xin việc tiềm năng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về chứng chỉ trong CV là gì và tại sao việc liệt kê các chứng chỉ trong CV là điều quan trọng.
Chứng chỉ trong CV là gì?
Chứng chỉ trong CV là một cách chứng minh kỹ năng, trình độ và chuyên môn trong một lĩnh vực chuyên môn nhất định của bạn. Giấy chứng nhận trong CV có thể đến từ các tổ chức bên thứ ba như hiệp hội nghề nghiệp, trường cao đẳng hoặc các tổ chức và công ty thử nghiệm. Để có được chứng chỉ, bạn phải trải qua một khóa đào tạo và vượt qua một kỳ thi.
Cách liệt kê các chứng chỉ trong CV
Là một ứng viên xin việc, điều quan trọng là bạn phải biết những chứng chỉ nào cần liệt kê trong CV của bạn. Các nguyên tắc dưới đây sẽ hỗ trợ bạn trong việc lập danh sách chứng chỉ:
1. Phân biệt giữa chứng chỉ, giải thưởng và danh hiệu
Mặc dù các giải thưởng và danh hiệu có thể khiến bạn trở thành ứng viên đáng mơ ước, nhưng chúng khác với các chứng chỉ. Ví dụ, bạn có thể nhận được giải thưởng vì đã bán được nhiều hàng nhất trong công ty của bạn. Trong khi đó, chứng chỉ yêu cầu bạn phải hoàn thành một khóa học và một kỳ thi liên quan.
2. Chọn các chứng chỉ phù hợp nhất cho từng công việc
Hãy xem xét các chứng chỉ bạn có, chọn những chứng chỉ phù hợp nhất với vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển, sau đó liệt kê chúng vào CV. Nếu bạn đang ứng tuyển vào các vị trí kế toán, hãy liệt kê các chứng chỉ do các tổ chức kế toán liên kết trao tặng.
3. Sắp xếp chứng chỉ vào CV
Khi liệt kê các chứng chỉ của mình, bạn có thể để tất cả vào một phần hoặc để chúng rải rác giữa các phần khác nhau, như trong danh mục giáo dục và đào tạo. Bạn chọn cách sắp xếp nào cũng được, miễn là đảm bảo các chứng chỉ nổi bật so với các mục khác. Bạn nên cân nhắc vị trí của từng chứng chỉ và đặt những chứng chỉ phù hợp nhất vào vị trí thích hợp trong CV của bạn. Ví dụ, nếu bạn đang nộp đơn xin việc trong lĩnh vực tài chính, hãy đảm bảo bạn đã liệt kê tất cả chứng chỉ tài chính bạn có ở đầu CV của mình.
4. Bao gồm cơ quan cấp chứng chỉ
Khi liệt kê các chứng chỉ trên CV, hãy đề cập đến cơ quan hoặc tổ chức chứng chỉ để tăng uy tín.
Một số mẹo giúp định dạng chứng chỉ trong CV
Dưới đây là một số quy tắc định dạng cần tuân theo khi thêm chứng chỉ vào CV của bạn:
- Khi thêm các chứng chỉ trong CV, bạn nên bắt đầu với những chứng chỉ bạn đã đạt được gần đây nhất, cũng như những chứng chỉ bạn hiện đang theo đuổi. Cách sắp xếp này được gọi là sắp xếp theo thứ tự thời gian đảo ngược.
- Nếu bạn có các chứng chỉ không liên quan trực tiếp đến công việc bạn đang ứng tuyển, hãy liệt kê chúng bên dưới phần đào tạo, kỹ năng và thành tích. Chỉ liệt kê chúng nếu bạn cảm thấy chúng sẽ giúp bạn tăng cơ hội được tuyển dụng. Nếu không, hãy cân nhắc loại bỏ chúng.
- Khi liệt kê, nếu có từ viết tắt, hãy đảm bảo rằng bạn đã viết đầy đủ thuật ngữ khi nó xuất hiện lần đầu tiên trong CV của bạn. Bằng cách đó, nhà tuyển dụng có thể hiểu được từ viết tắt đó nếu họ không biết nhiều về lĩnh vực nghề nghiệp của bạn.
- Khi liệt kê các chứng chỉ trong CV, bạn hãy bắt đầu bằng tên chứng chỉ, sau đó là cơ quan chứng chỉ, ngày lấy chứng chỉ và ngày hết hạn nếu có và cuối cùng là quốc gia hoặc thành phố nơi bạn nhận được chứng chỉ đó.
Lợi ích của chứng chỉ trong CV
Chứng chỉ sẽ thể hiện sự chuyên nghiệp cho CV của bạn. Chúng cũng có thể tạo ra những cơ hội khác trong sự nghiệp khi bạn được tuyển dụng. Sau đây là những lợi ích của việc đạt được chứng chỉ:
Thăng tiến trong công việc
Nâng cao chuyên môn và kỹ năng chuyên môn của bạn bằng cách học để lấy các chứng chỉ khác nhau, từ đó có thể tăng cơ hội được thăng chức trong công việc. Nếu bạn là một nhân viên, hãy nghiên cứu xem tổ chức cần những kỹ năng mới gì để bạn có thể thi lấy các chứng chỉ liên quan để trang bị những kiến thức chuyên môn cần thiết.
Sự uy tín
Bên cạnh kiến thức chuyên môn đạt được, những nhân viên có chứng chỉ sẽ làm tăng uy tín nghề nghiệp của họ. Các tổ chức doanh nghiệp có những nhân viên như vậy cũng có lợi thế cạnh tranh hơn vì khách hàng tin tưởng vào tính chuyên nghiệp của họ. Trong một số trường hợp, có những khách hàng thường chỉ tìm đến các công ty có nhân viên có chứng chỉ. Các công ty thường hỗ trợ và động viên tất cả nhân viên quan tâm đến việc thi lấy các chứng chỉ, vì điều đó cũng mang lại lợi ích cho công ty.
Duy trì công việc
Nếu bạn là một người xin việc hoặc nhân viên, việc có chứng chỉ sẽ không chỉ trang bị cho bạn những kỹ năng và chuyên môn mới, mà còn nâng cao giá trị của bạn đối với công ty sẽ thuê bạn hoặc đã tuyển dụng bạn. Bạn liệt kê càng nhiều kỹ năng, thì bạn càng có cơ hội đảm bảo vị trí công việc của mình.
Tuyển dụng
Các nhà tuyển dụng thường sẽ ưu tiên tuyển dụng những ứng viên có kỹ năng và chuyên môn đa dạng được thể hiện bằng nhiều chứng chỉ khác nhau trong CV. Trong một số trường hợp, nhà tuyển dụng sẽ chọn những ứng viên có chứng chỉ cụ thể. Là một ứng viên xin việc, chứng chỉ trong CV của bạn có thể khiến nhà tuyển dụng xem qua CV của bạn và liên hệ với bạn.
Mạng lưới mối quan hệ
Những người xin việc theo đuổi chứng chỉ sẽ có thể trở thành thành viên của một cộng đồng thuộc lĩnh vực nào đó. Ở đó, có rất nhiều các chuyên gia có kỹ năng và chứng chỉ. Khi trở thành một phần của cộng đồng này, bạn có thể tiếp cận với các chuyên gia giàu kinh nghiệm có cùng chứng chỉ, những người này có thể giới thiệu cho bạn tổ chức chuyên nghiệp và hướng dẫn về thăng tiến nghề nghiệp.
Sức ảnh hưởng
Một ứng viên xin việc có thể nâng cao ảnh hưởng nghề nghiệp của mình bằng cách học tập để có các chứng chỉ về công nghệ mới hoặc tiêu chuẩn chuyên môn. Nếu một công ty thuê bạn vì bạn có chứng chỉ độc nhất, bạn có thể trực tiếp trở thành người tư vấn trong lĩnh vực đó.
Hiệu quả
Giấy chứng chỉ có thể đảm bảo bạn là một nhân viên làm việc hiệu quả. Khi bạn có kiến thức chuyên môn trong một lĩnh vực nhất định, bạn có thể biết cách tốt nhất để hoàn thành các nhiệm vụ liên quan và giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn.
Thay đổi nghề nghiệp
Hiện nay, có những chứng chỉ thích hợp có thể giúp bạn chuyển sang những ngành nghề mới mà không cần phải quay lại học đại học thêm nhiều năm nữa.
Ví dụ về chứng chỉ trong CV
Mỗi ngành nghề có một cách riêng để liệt kê các chứng chỉ. Dưới đây là một số ví dụ về chứng chỉ trong CV của các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau:
Ngành nhân lực
Nếu bạn là một ứng viên của ngành nhân sự, bạn có thể theo đuổi các chứng chỉ sau để tăng khả năng cạnh tranh của mình. Một số chứng chỉ về ngành nhân lực là:
Chứng chỉ Professional in Human Resources (PHR)
Chứng chỉ Senior Professional in Human Resources (SPHR)
Chứng chỉ Professional in Human Resources International (PRHi)
Chứng chỉ Global Professional in Human Resources (GPHR)
Chứng chỉ Senior Professional in Human Resources International (SPHRi)
Marketing
Dưới đây là các chứng chỉ phù hợp với ngành Marketing:
Certified Marketing Executive (CME)
Facebook Blueprint
HubSpot Inbound Marketing Certification
Twitter Flight School
Social Marketing Certification – Hootsuite
Google AdWords Certification
Kế toán
Các chứng chỉ dưới đây phù hợp với các chuyên gia kế toán:
Certified Public Accountant (CPA)
Association of Chartered Certified Accountants (ACCA)
Công nghệ thông tin
Các chứng chỉ dưới đây phù hợp với các chuyên gia công nghệ thông tin:
C++ Certification
A+ Certification
Cisco Certified Network Associate (CCNA)
Certified Information Systems Security Professional (CISSP)
Thực phẩm
Các chứng chỉ dưới đây phù hợp với các chuyên gia thực phẩm:
ServSafe
Food Handler Certificate
Điều dưỡng
Đối với các chuyên gia điều dưỡng, dưới đây là một số chứng chỉ mà họ có thể theo đuổi:
Registered Nurse (RN)
HIV/AIDS Certified Registered Nurse (ACRN)
Board Certified-Advanced Diabetes Management (BC-ADM)
Fitness
Các chuyên gia thể dục – thể hình có thể theo đuổi những điều sau:
International Sports Sciences Association (ISSA) Personal Trainer Certification
Quản lý dự án
Các chuyên gia quản lý dự án có thể theo đuổi chứng chỉ dưới đây:
Project Management Professional (PMP)
Kinh doanh
Các chuyên gia kinh doanh có thể theo đuổi các chứng chỉ dưới đây:
Six Sigma Belts
Certified Business Analysis Professional (CBAP)
—————————-
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích
- Bài viết gốc: indeed.com
- Người dịch: Phạm Ngọc Ánh
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Phạm Ngọc Ánh – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8159
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 29