Rumi đã từng nói: “Vết thương là cánh cổng để ánh sáng tiến vào bên trong con người bạn.”
Cảnh báo nội dung gây khó chịu: Bài viết dưới đây có đề cập đến các chủ đề nhạy cảm liên quan đến trầm cảm và tai nạn xe hơi gây chết người.
Từ trước đến nay, tôi luôn là một người năng động, yêu thích thể thao. Ở cái tuổi đôi mươi, tôi đã thể hiện rất xuất sắc khả năng của mình trong các bộ môn như quần vợt, bóng quần và bơi lội. Tôi có thói quen bắt đầu một ngày mới bằng những buổi tập luyện với cường độ cao để giúp đầu óc được sảng khoái, đồng thời, điều ấy còn giúp tôi có một thái độ thoải mái, tích cực để đương đầu với những thách thức mới mẻ trong ngày. Vì thế, khi bắt đầu trải qua những cơn đau lạ thường kéo dài dù tôi có nghỉ ngơi nhiều thế nào, cuộc sống của tôi dần dần trở nên đảo lộn và rối bời.
Sau khoảng thời gian hai năm thường xuyên lui tới phòng khám, chẩn đoán kinh hoàng cuối cùng dành cho tôi chính là căn bệnh đau xơ cơ. Cơn ác mộng tồi tệ nhất trong đời tôi nay đã trở thành sự thật. Các bác sĩ đã nói với tôi rằng tôi sẽ phải ngừng tập luyện một thời gian vì các môn thể thao yêu thích của tôi đều sẽ gây ảnh hưởng lớn đến khớp, thay vào đó, tôi sẽ phải bắt đầu quá trình điều trị một cách chậm rãi. Và tôi nhận ra rằng, hai từ “chậm rãi” có một sức tàn phá rất lớn đối với tôi về mặt tinh thần.
Không còn được tập luyện như trước đây, chứng trầm cảm và lo âu của tôi bắt đầu trở nên mất kiểm soát. Tôi hoàn toàn không thể tìm thấy ý nghĩa hay mục đích trong cuộc sống của chính mình. Từng ngày từng tháng cứ trôi qua, tất cả năng lượng mà tôi thường giải phóng bằng việc luyện tập đều tích tụ vào bên trong, chúng chống lại tôi dưới hình hài những cơn hoảng loạn, đau đớn mỗi ngày.
Tệ hơn bất cứ điều gì, chính là cảm giác cơ thể tôi-người bạn thân nhất cũng là người hỗ trợ số một của tôi trong suốt nhiều năm qua-đang dần phản bội tôi. Và trên hết, các triệu chứng về căn bệnh đau xơ cơ này lại không hề thuyên giảm mặc dù tôi đã đánh đổi rất nhiều từ lúc từ bỏ việc tập luyện. Nó càng ngày càng trở nên tệ hơn.
Bước ngoặt trong đời tôi đã đến ở độ tuổi ngoài 30 – vài năm sau chẩn đoán.
Tình trạng của tôi ngày càng tệ và thể trạng của tôi lại tiếp tục suy giảm. Thời điểm ấy, tôi đã sẵn sàng từ bỏ cơ thể mình, bản thân và cả cuộc sống. Bạn sẽ không thể hiểu được cảm xúc và suy nghĩ lúc ấy nếu bạn không trải qua những gì mà tôi đã gặp phải. Đã từng có khoảng thời gian mà tôi không còn hứng thú với bất cứ thứ gì và không thể tìm thấy bất cứ động lực nào để tiếp tục cuộc sống này. Tôi nhận thấy cuộc chiến mà tôi đang đương đầu dần không còn ý nghĩa nữa.
Tôi nhớ lại khoảnh khắc xảy ra như mới hôm qua. Vào ban đêm, mưa xối xả như trút nước bên ngoài căn phòng ngủ tầng ba của tôi. Tôi mở toang cửa sổ, dùng tất cả lượng không khí đang có trong phổi để hét lên rằng: “Tại sao, Chúa ơi, tại sao tôi phải trải qua điều này?” Tiếng hét của tôi hòa lẫn vào tiếng gió và tiếng mưa bên ngoài. Sau khoảnh khắc ấy, bằng một sự thôi thúc vô hình nào đấy, tôi nhấc một chân trèo ra khỏi cửa sổ, ngã xuống, chết và hoàn toàn được thoát khỏi nỗi đau đớn bấy lâu nay.
Vào giây phút tưởng chừng là giây phút cuối cùng của cuộc đời, một việc kì lạ đã xảy ra mà đến giờ tôi vẫn không thể lí giải được. Qua khóe mắt, tôi trông thấy một đứa trẻ đang đứng bên cạnh, và tôi nhận ra đứa trẻ ấy là hình hài bản thân lúc bé của tôi.
Cô bé nhìn tôi với ánh mắt tràn đầy sự cầu xin khẩn thiết với hi vọng tôi sẽ tiếp tục sống. Cô bé bảo tôi hãy quay lại với việc tập luyện, bởi đó chính là liều thuốc giúp tôi thoát khỏi căn bệnh quái ác này-cuộc đấu tranh lớn nhất trong đời tôi, và quyết định số phận của quãng đời còn lại của tôi.
Tôi đóng cửa sổ, cảm giác vừa rồi cứ như vừa tỉnh dậy sau một giấc mơ. Đêm đó tôi đã lựa chọn tiếp tục sống, vì bằng một cách nào đó, tôi biết rằng tôi sẽ không để cuộc sống này dừng lại ở đây. Tôi nhận ra bản thân còn rất nhiều thứ để cống hiến – thay vì biến nỗi đau của mình thành nỗi đau của người khác, tôi có thể biến nó thành món quà mà tôi có thể chia sẻ với thế giới này.
Mặc dù tôi đã hứa với gia đình và bạn bè rằng tôi sẽ từ tốn và không tập luyện nữa, nhưng ngày hôm sau, tôi đã dành ra một giờ đồng hồ để bơi ở một bể bơi công cộng. Tại đây, tôi đã chia sẻ câu chuyện của tôi với một nhân viên cứu hộ-người chia sẻ những thông tin bổ ích đến không ngờ cho tôi: “Một vị bác sĩ đọc cuốn sách, ghi nhớ và lặp lại nó cho bệnh nhân, nhưng bệnh nhân là người biết rõ cơ thể của mình.”
Những lời nói của anh ấy đã tạo ra một niềm xúc động trong tôi. Tôi bắt đầu lập nên một thói quen tập thể dục nhẹ nhàng: bơi lội vài giờ mỗi ngày, bộ môn này sẽ dễ dàng hơn với các khớp của tôi so với quần vợt hay bóng quần. Sau một thời gian, tôi quyết định chơi lại một số môn thể thao khác mà tôi yêu thích trước khi thực hiện chẩn đoán lần nữa. Và tôi nhận thấy rằng, chỉ cần cẩn thận, tôi có thể tận hưởng chúng mà không phải chịu quá nhiều đau đớn. Bí quyết ở đây chính là hiểu rõ cơ thể chính mình-học và nhận ra các dấu hiệu cảnh báo của nó, theo dõi kĩ càng tình trạng của bản thân để không phải vận động quá sức.
Cô bé lúc ấy-người đã cứu lấy tôi tại khoảnh khắc khi tôi sắp kết thúc cuộc đời-đã nói đúng: tập thể dục chính là cánh cửa giúp tôi thoát khỏi những cơn đau đớn về cả thể xác lẫn tâm hồn.
Sức khỏe tinh thần của tôi dần được cải thiện. Dù cơ thể tôi vẫn còn gặp phải một vài đau nhức từ xương khớp, bằng tất cả niềm vui mà tôi có thể tìm được từ căn bệnh này, tôi đã có một cái nhìn mới, một mục đích sống để có thể đương đầu nó. Tôi không thể chọn sống một cuộc đời không có đau đớn, nhưng tôi có thể chọn cách sống khiến bản thân không phải chịu đựng tổn thương.
Tôi sẽ không nói dối bạn rằng quá trình phục hồi diễn ra rất suôn sẻ. Tôi đã trải qua những ngày tồi tệ-những ngày mà tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là cuộn tròn trên giường và khóc, những ngày ấy tôi luôn cảm thấy có lỗi với bản thân và giận dữ với thế giới này. Khoảng thời gian mà các triệu chứng của tôi ngày càng tồi tệ đến nỗi tôi quên đi cách suy nghĩ tích cực mà mình vốn có và quên cả sứ mệnh mà tôi đã đặt ra cho bản thân-biến cuộc chiến giữa tôi và căn bệnh quái ác này thành điều gì đó có thể mang lại giá trị cho người khác.
Tôi đã trải qua một bi kịch. Gần mười năm sau khi chẩn đoán, khi đang lái xe cùng người bạn thân nhất của mình, chúng tôi đã gặp phải một tai nạn xe hơi kinh hoàng. Tôi là người có lỗi. Bạn tôi-người bị văng ra khỏi xe, được tuyên bố đã chết não ngay sau đó. Bản thân tôi cũng đã chịu hậu quả nặng nề khiến các triệu chứng đau xơ cơ của tôi trở nên trầm trọng hơn. Bác sĩ đã thông báo rằng tôi phải sử dụng xe lăn nếu tình trạng của tôi không được cải thiện.
(Thật tình cờ rằng, trong khi được điều trị tâm thần vì chứng trầm cảm nặng có nguy cơ tự sát của tôi sau vụ việc ấy, tôi đã được chẩn đoán mắc bệnh ADHD và chứng khó đọc-một sự thật đã từng mang lại niềm an ủi và dễ chịu cho tôi khi hiểu rõ rằng tại sao tôi lại như vậy, nhưng trong trường hợp này, điều đó chỉ khiến tôi trở nên chán nản hơn.)
Sự suy sụp về thể chất cùng với bi kịch gây ra cái chết của bạn tôi là những nỗi đau quá lớn để tôi có thể chịu đựng. Lại một lần nữa, tôi rơi vào vòng xoáy tuyệt vọng vô hình. Đó là một trong những giai đoạn đen tối nhất cuộc đời tôi, thậm chí, nó còn tồi tệ hơn khoảng thời gian vài năm sau khi tôi được chẩn đoán mắc bệnh đau xơ cơ lần đầu tiên. Nhưng tôi đã không khuất phục trước những khó khăn như lúc ấy. Bây giờ nhìn lại, tôi đã hiểu tại sao.
Căn bệnh này, cùng với sự quyết tâm và kiên định của mình trong việc tìm ra cách giải quyết tốt nhất cho tình huống xấu nhất, đã cho tôi những sự chuẩn bị tốt nhất để có thể đối phó với bất kì khó khăn nào xảy ra tiếp theo trong đời tôi.
Tôi đã ở trong tình trạng tệ nhất của thể chất và tinh thần. Nhưng vào nhiều năm trước, tôi đã lựa chọn tiếp tục sống và theo đuổi quyết định của mình. Vì thế, tôi có thể giữ cho tâm trí mình không bị suy sụp khi gặp phải tình huống tệ nhất.
Vì vậy, tôi tiếp tục bước đi. Bước qua những giọt nước mắt và nỗi đau của chính mình, thức dậy vào mỗi buổi sáng, đối mặt với một ngày mới cho dù bản thân có muốn hay không. Tôi không chỉ tiếp tục tập luyện mà còn nhận được bằng chứng nhận là một huấn luyện viên yoga và Pilates chuyên nghiệp. Chính trong khoảng thời gian này, tôi đã có đai đen Taekwondo, mặc dù tôi đã dành tận 6 năm để có được nó. Tôi thậm chí còn bắt đầu làm huấn luyện viên thể hình. Và tôi nhận ra rằng, căn bệnh đau xơ cơ đã mở ra cho tôi một góc nhìn độc đáo và mới mẻ về cả sức khỏe và tinh thần.
Nhận thức này chính là khởi đầu cho một nhận thức lớn hơn về những cuộc đấu tranh mà chúng ta sẽ phải đối mặt trong cuộc đời của riêng mình.
Đầu tiên, thất bại là một yếu tố không thể thiếu trong bất kì quá trình hồi phục nào.
Nếu bạn không thấy bất kì sự tiến bộ nào, điều đó không có nghĩa rằng bạn không thể tiến lên phía trước! Tôi đã trải qua khoảng thời gian dài không có gì khác ngoài những ngày tồi tệ và những suy nghĩ tiêu cực luôn đeo bám tôi dai dẳng, nhưng tôi không bỏ cuộc, và đó chính là giá trị cốt lõi. Việc tiếp tục chiến đấu và đối mặt với nỗi đau là một quyết định đến từ sự chủ động của chính bạn-bạn đang tiến bộ theo từng ngày mà bạn quyết định tiếp tục sống.
Thứ hai, bất kể bạn đang phải giải quyết vấn đề gì, bạn đều có khả năng và sức mạnh để biến nó thành một điều gì đó thật tuyệt vời.
Đau xơ cơ hóa khiến tôi trở thành một phiên bản tốt hơn của chính bản thân, trở nên nhân ái và cởi mở hơn, nó cho phép tôi kết nối được với mọi người theo một góc nhìn sâu hơn và sẵn lòng giúp đỡ họ nhiều hơn những gì mà tôi có thể làm trước đây. Căn bệnh này đã mở ra cơ hội và dẫn dắt tôi vào con đường thấu hiểu bản thân và con đường sự nghiệp mà tôi nghĩ rằng tôi sẽ không bao giờ theo đuổi. Nó dạy tôi sự kiên nhẫn, lòng biết ơn và-hơn bất cứ điều gì-chính là tôi có khả năng làm được nhiều điều hơn tôi nghĩ.
Đau xơ cơ hóa chính là món quà quý giá nhất mà tôi đã nhận được trong đời, nhưng tôi cần bạn hiểu rằng nó là một món quà chỉ khi tôi lựa chọn biến nó thành một món quà. Tạo hóa đã mang đến cho tôi một sự kiện khủng khiếp, và như bạn đã biết, nó đã gần như bào mòn và tiêu diệt con người tôi. Đó là lựa chọn của chính tôi khi quyết định biến nỗi đau thành phước lành cho bản thân và những người xung quanh.
Cuộc sống này đầy rẫy những khó khăn, gian khổ, nhưng điều đặc biệt ở một con người chính là cách chúng ta đối mặt với chúng. Bạn có thể chọn gục ngã thật đau, bạn cũng có thể chọn biến những đau khổ ấy thành món quà vô giá.
Vậy thì, lựa chọn của bạn là gì?
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích
- Bài viết gốc: https://media.ivolunteervietnam.com/why-fibromyalgia-is-the-greatest-gift-of-my-life.html
- Người dịch: Nguyễn Phạm Nhật Anh
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Phạm Nhật Anh – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8521
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 14