Trong CV, ngoài kỹ năng, học vấn và kinh nghiệm làm việc, bạn cũng cần nhấn mạnh những kết quả và thành tích đã đạt được. Chúng có thể đứng một mình hoặc thể hiện xuyên suốt CV, trong phần tóm tắt, mục kinh nghiệm, mục học vấn hay mục kỹ năng. Điều này sẽ khiến cho nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn những điểm mạnh và tài năng của bạn, giúp bạn trở nên khác biệt so với các ứng cử viên còn lại.
Bài viết này sẽ đem đến phương pháp để liệt kê các thành tích vào CV cùng những ví dụ cụ thể.
💥Có nên liệt kê thành tích trong CV?
Hầu hết các ứng cử viên đều thể hiện nhiệm vụ và trách nhiệm của họ trong CV, nhưng lại thường xuyên bỏ quên một yếu tố quan trọng trong quá trình làm việc, đó chính là những thành tích mà họ đạt được. Liệt kê thành tích vào CV sẽ nêu bật thế mạnh, sự thành công và phát triển của bạn với nhà tuyển dụng tiềm năng.
💥Nên liệt kê những thành tích gì vào CV?
Thành tích là bất cứ cột mốc nào mà bạn đạt được, về chuyên môn, về học vấn hoặc về bản thân. Ví dụ, nếu bạn đạt GPA 3.5 cùng tấm bằng danh dự, hãy thêm chúng vào mục trình độ học vấn. Thông tin này sẽ chứng minh khả năng học hỏi cao và tiếp thu kiến thức mới tốt của bạn.
Bên cạnh đó, liệt kê những thành tích chuyên môn có liên quan như vượt chỉ tiêu hoặc đạt được những giấy chứng nhận chuyên ngành sẽ giúp bạn trở thành một ứng cử viên mạnh. Hãy đọc trước bản mô tả công việc để xác định những thành tích mà nhà tuyển dụng yêu cầu hoặc mong muốn, từ đó nắm được những thành tích sẽ gây ấn tượng nhất với họ.
💥Ví dụ về những thành tích trong CV
Những thành tích có thể, và nên được liệt kê xuyên suốt CV của bạn. Phần tóm tắt, mục kỹ năng, mục kinh nghiệm và mục thành tích đạt được là những nơi thích hợp nhất để bạn thể hiện chúng. Cách để thể hiện thành tích ở mỗi mục được minh họa bằng những ví dụ dưới đây:
1. Phần tóm tắt
Phần tóm tắt thường là mục đầu tiên trong CV của bạn. Nó sẽ nêu bật những kinh nghiệm và kỹ năng giá trị mà bạn đạt được, liên quan đến vị trí công việc ứng tuyển. Đây cũng là mục mà nhà tuyển dụng đọc đầu tiên, do đó nó sẽ là nơi hoàn hảo để thể hiện những thành tích có liên quan.
Ví dụ 1
Vừa tốt nghiệp bằng Thạc sĩ ngành Kỹ sư điện và có 4 năm kinh nghiệm trong ngành. Sử dụng thành thạo các máy hiệu chuẩn và mô phỏng tần số cùng hệ thống quy trình bán dẫn. Đang tìm kiếm công việc giúp vận dụng kỹ năng giải quyết vấn đề linh hoạt và khả năng lãnh đạo của bản thân.
Ví dụ 2
Trưởng phòng Marketing với 10 năm kinh nghiệm làm marketing tăng trưởng thị phần. Mới đây đạt giải thưởng Marketer của năm 2019 tại công ty XYZ. Mong muốn vận dụng khả năng lãnh đạo, niềm đam mê cùng những kinh nghiệm của mình cho một công ty tập trung vào người tiêu dùng.
Ví dụ 3
Một nghệ sĩ đồ họa tài năng với 5 năm kinh nghiệm làm chuyên gia hàng đầu trong ngành, sử dụng công cụ thiết kế từ Adobe. Tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa tại Đại học Colorado Boulder.
2. Mục kinh nghiệm làm việc
Đây là một thành phần quan trọng trong CV của bạn. Mục này sẽ thể hiện với nhà tuyển dụng những phẩm chất và kỹ năng của bạn, từ đó giúp họ đánh giá được, liệu bạn có phù hợp với vị trí ứng tuyển hay không. Truyền đạt kinh nghiệm làm việc cùng với trách nhiệm cụ thể là vô cùng quan trọng. Nhưng đồng thời liệt kê những thành tích đạt được sẽ tác động mạnh mẽ hơn nữa, và giúp nhà tuyển dụng hình dung những giá trị mà bạn đã trực tiếp đem lại cho tổ chức khác.
Khi liệt kê ở mục này, hãy trả lời cho câu hỏi “cái gì” và “tại sao” – bạn đã làm cái gì và tại sao bạn làm vậy. Bạn có đạt được chỉ tiêu không? Bạn có tiết kiệm thời gian hay chi phí cho công ty không? Bạn có học được điều gì mới hay làm điều gì đó hiệu quả hơn không? Những câu hỏi này sẽ giúp bạn tập trung vào thành tích mà bạn đạt được và nếu có thể, hãy sử dụng những con số để lượng hóa thành tích của bạn nhé.
Dưới đây là một vài ví dụ.
Ví dụ 1
CLOUD CLEARWATER | Chicago, IL
Nhà thiết kế đồ họa 3D, Graphics America, LLC
Tháng 1 năm 2016 – Hiện tại
Thiết kế đồ họa cho hơn 20 công ty danh tiếng thuộc top 500 theo Fortune.
Đoạt giải thưởng “Nhà thiết kế đồ họa mới xuất sắc nhất” sau 1 năm.
Thực hiện ba hợp đồng lớn với khách hàng, góp phần tăng 5% lợi nhuận trong năm 2017.
Ví dụ 2
TRADELOT | Tampa, FL
Thực tập sinh kiểm toán
Tháng 5 năm 2016 – Tháng 4 năm 2018
Xử lý các giao dịch tiền mặt, séc và tín dụng, duy trì độ chính xác 98% và giảm thiểu chênh lệch số dư cuối ngày.
Cân bằng các giao dịch bằng séc, xác định và xử lý những chênh lệch ngay lập tức.
Chuẩn bị chính xác và gửi ngân hàng 100K mỗi nửa tuần.
Ví dụ 3
CRANE & JENKINS | Denver, CO
Nhân viên chăm sóc khách hàng
Tháng 3 năm 2017 – Hiện tại
Giải quyết hơn 300 khiếu nại của khách hàng mỗi tuần qua điện thoại và email, luôn vượt chỉ tiêu.
Tiên phong phát triển hệ thống để theo dõi những khách hàng không hài lòng, giảm 6% tỷ lệ mất khách hàng.
Đào tạo và cố vấn cho 4 nhân viên về giải pháp xử lý mâu thuẫn, JIRA, và phần mềm CRM.
Đề xuất kịch bản gọi điện hiệu quả để giảm thiểu thời gian xử lý trung bình mỗi khách hàng, được ban quản trị tiếp nhận và triển khai.
Đạt được 97% đánh giá hài lòng từ khách hàng, vượt qua 12% chỉ tiêu nhóm.
3. Mục thành tích đạt được
Mục này sẽ hữu ích nếu bạn có những thành tích ngoài nơi làm việc, hoặc nếu bạn có nhiều năm làm việc trong ngành. Khi đó, bạn có thể thêm mục “Điểm nổi bật về nghề nghiệp” ở ngay đầu CV để thể hiện những thành tích mà bạn đã đạt được trong suốt sự nghiệp, ở nhiều vị trí công việc khác nhau.
Hãy đọc những ví dụ dưới đây:
Ví dụ 1
Những thành tích đạt được
Kêu gọi 10,000$ từ cộng đồng cho nghiên cứu ung thư
Xây dựng và tổ chức sự kiện hàng năm “Feed the Homeless” trong cộng đồng.
Đi bộ hết đường mòn Appalachian trong năm 2018.
Ví dụ 2
Điểm nổi bật về nghề nghiệp
*Lãnh đạo 15 nhân viên tại trung tâm chăm sóc khách hàng địa phương trong 5 năm.
*Vực dậy công ty XYZ.
* Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo mới, góp phần tăng 25% mức độ hài lòng của khách hàng.
* Quản lý phòng dịch vụ chăm sóc khách hàng quốc tế gồm 25 nhân viên.
💥Ví dụ về thành tích theo ngành nghề
Các ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn xác định những thành tích mà bạn có thể liệt kê trong CV:
1. Kinh doanh
- Đảm bảo chất lượng công việc, giảm 40% tỷ lệ làm lại và tiết kiệm 250,000$ chi phí sản xuất.
- Luôn vượt 10% chỉ tiêu trở lên.
- Triển khai chỉ thị Quản lý Tinh gọn, giúp giảm 35% chi phí hoạt động.
2. Giáo dục
- Nghiên cứu và xây dựng chiến lược quản trị hành vi, giảm sự đối đầu giữa các học viên và phát triển tình yêu thương.
- Thường xuyên đến thăm nhà của hơn 10 học sinh khuyết tật để nâng cao khả năng tiếp thu của chúng và xây dựng mối quan hệ với người giám hộ.
- Tiên phong tổ chức Ngày hội việc làm, giới thiệu 800 học sinh và phụ huynh tới 60 trường đại học, cao đẳng và công ty.
3. Kỹ sư
- Thiết kế và phát triển hơn 20 giao diện website, sử dụng jQuery, AJAX, RequireJS và Handlebars.js.
- Sắp xếp việc sửa chữa máy móc của công ty, giúp giảm 25,000$ chi phí thiết bị.
- Giảm 3,000$ chi phí mỗi tháng nhờ loại bỏ những máy chủ không cần thiết và hợp nhất cơ sở dữ liệu.
4. Tài chính
- Giảm 12% nợ xấu nhờ phân tích những tài khoản không trả đúng kỳ hạn và xây dựng bảng khảo sát khách hàng để xác định những vấn đề phổ biến trong quá trình thanh toán.
- Triển khai sáng kiến tiết kiệm chi phí và sử dụng những công cụ hiệu quả , sắp xếp hợp lý các thủ tục kiểm toán nội bộ và sử dụng phần mềm SAP ERP trong toàn công ty.
- Phân tích và báo cáo chênh lệch chi phí bằng cách so sánh báo cáo chênh lệch bảng lương OT với báo cáo OT được phê duyệt, giúp giảm 33% chi phí.
💥Những thành tích không nên viết vào CV
Bên cạnh những thành tích cá nhân, về học vấn và về chuyên môn giúp bạn gia tăng thế mạnh, còn có những thành tích mà bạn nên cân nhắc xóa bỏ khỏi CV.
1. Những thành tích quá cũ hoặc không liên quan
Trong những thành tích mà bạn đạt được, dù rất đáng tự hào nhưng vẫn có những thành tích không còn có ích cho CV của bạn khi phát triển sự nghiệp. Ví dụ như những thành tích từ thời thơ ấu hoặc từ trường trung học, trừ khi nó áp dụng được trong công việc.
Nếu bạn vừa mới tốt nghiệp, những thành tích đạt được tại trường học như giải thưởng danh dự và những vị trí lãnh đạo là vô cùng có ích. Nhưng nếu bạn đã có kinh nghiệm vài năm trong nghề, hãy tập trung vào những thánh tích công việc phù hợp thay vì thành tích từ năm tháng đại học.
2. Những chủ đề cá nhân hoặc nhạy cảm
Một vài thành tích sẽ mang tính chất quá cá nhân mà bạn cần tránh. Ví dụ như thành tích về chính trị hoặc tôn giáo. Để đạt được kết quả tốt nhất, hãy ưu tiên nói về những thành tích mang tính chuyên môn như thành tích trong sự nghiệp, kinh nghiệm làm việc và sở thích của bạn.
3. Những thông tin bị phóng đại
Tránh phóng đại những thành tích đạt được khi viết CV. Bạn có thể sẽ bị yêu cầu cung cấp những thông tin chi tiết về thành tích trong suốt quá trình tuyển dụng. Hơn nữa, nhà tuyển dụng có thể hỏi người giới thiệu hoặc nhà tuyển dụng cũ để xác định những thông tin mà bạn đã liệt kê. Nếu những thông tin đó sai hoặc bị phóng đại, bạn sẽ bị mất điểm với nhà tuyển dụng, thậm chí mà mất việc.
4. Những thành tích mang tính chất nhạy cảm
Hãy hiểu rõ về thông tin chi tiết của những thành tích chuyên môn mà bạn nhắc đến. Một vài thông tin có thể cần được bảo mật hoặc là thông tin độc quyền. Vậy nên, hãy kiểm tra với công ty hiện tại và công ty cũ để xác định rõ những thông tin cần được giữ kín. Nếu bạn không chắc chắn, tốt nhất là hãy giữ thành tích của bạn một cách chung chung.
5. Khi CV thiếu không gian cho mục thành tích
Nếu CV của bạn đang dài và khó đọc, đừng cố thêm mục thành tích. Thay vào đó, hãy kết hợp thành tích của bạn vào các mục trình độ học vấn, kinh nghiệm và kỹ năng. Đó là cách tốt nhất để giữ CV dài một trang giấy trong hầu hết các trường hợp.
Trong khi thành tích học tập và thành tích công việc giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ những kỹ năng và giá trị của bạn, thành tích cá nhân lại thể hiện cách mà bạn đã cống hiến để đạt được mục tiêu. Vậy nên, hãy kết hợp những thành tích chuyên môn và thách tích học tập xuyên suốt CV, hoặc xây dựng một mục riêng để bổ sung thêm các thành tích đạt được nhé.
_________________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: indeed
- Người dịch: Đoàn Bùi Thu Phương
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Đoàn Bùi Thu Phương – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9144
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 29