Kỹ Năng

7 Mẹo Học Trực Tuyến Hiệu Quả Nhất Cho Tất Cả Mọi Người

☀️Bất kể bạn đang ở trình độ nào trong quá trình học tập của mình, biết cách học phù hợp và tốt nhất với bản thân là chìa khóa để phát triển. Không thể đạt được thành công trong cuộc sống một cách nhanh chóng nếu bạn không trau dồi thêm nhiều kiến thức.

☀️Nhưng vấn đề khó khăn trong việc học là không có một phương pháp chung nào phù hợp với tất cả mọi người. Mỗi người đều có những cách học phù hợp với riêng mình. Để giải quyết vấn đề đó, tôi đã tổng hợp một số mẹo học trực tuyến hiệu quả nhất mà bạn có thể sử dụng.

☀️Mặc dù mỗi người trong chúng ta có cách học và sở thích khác nhau, nhưng những mẹo học trực tuyến này vẫn có thể áp dụng cho cho tất cả chúng ta. Dưới đây là 7 mẹo học trực tuyến hiệu quả nhất dành cho tất cả đối tượng.

📌1. Sử dụng một chiến lược học tập phù hợp với bạn

Mẹo học trực tuyến đầu tiên là sử dụng một chiến lược học tập phù hợp với bạn. Có bốn phương pháp cốt lõi để chúng ta có thể học hỏi.

  • Trực quan (học qua thị giác)
  • Thính giác (học thông qua thính giác)
  • Đọc/Viết (học qua văn bản và in)
  • Hành động (học thông qua hành động)

Không phải tất cả mọi người đều có thể học tốt thông qua một trong bốn phương pháp này và chúng ta thường kết hợp cả bốn phương pháp. Tuy nhiên, chắc chắn có một phong cách học tập mà mỗi chúng ta thích hơn phong cách học khác nếu chúng ta có thể tiếp thu được nó.

Biết được cách học phù hợp nhất có thể giúp bạn đề ra các chiến lược và kỹ thuật xoay quanh thói quen học tập của mình bất cứ lúc nào. Tất nhiên, bạn vẫn có thể sử dụng các phương pháp khác một cách linh hoạt hoặc có thể phải dựa vào chúng nhiều hơn trong một số trường hợp nhất định.

📌2. Chọn thời gian và địa điểm tốt nhất để học

Mẹo học trực tuyến này không chỉ áp dụng cho học trực tuyến mà còn áp dụng được cho việc học tại trường, tại nhà. Lựa chọn thời điểm học là rất quan trọng để tối đa hóa năng lượng của bạn và học tập hiệu quả hơn. Tất cả chúng ta đều có mức năng lượng khác nhau trong ngày, và một số người thích thực hiện một số hoạt động nhất định vào những thời điểm nhất định trong ngày.

Ví dụ: Ban đêm có thể là thời gian tốt nhất để bạn học bài vì bạn có thể lưu giữ nhiều thông tin hơn và bạn tỉnh táo hơn so với học vào buổi sáng. Điều ngược lại cũng có thể đúng vì một số người tỉnh táo hơn (dậy sớm) vào ban ngày hơn là vào ban đêm.

Có thể đạt được sự cân bằng giữa mức năng lượng và mức độ tỉnh táo của bạn, đồng thời xem xét thời gian trong ngày là rất quan trọng trong việc học tập, nghiên cứu và thậm chí làm những việc khác.

Một yếu tố khác có thể phát huy tác dụng ngoài thời gian là địa điểm. Bầu không khí xung quanh có thể đóng góp rất nhiều vào chất lượng học tập và thời gian học của bạn.

Những thứ có thể giúp cải thiện bầu không khí là những thứ như:

  • Ánh sáng
  • Chỗ ngồi
  • Không gian bàn học
  • Sự yên tĩnh
  • Nghe nhạc như nhạc jazz hay nhạc cổ điển.

📌3. Ghi chép tốt

Ngay cả khi bạn không học ở trường hay ở lớp, ghi chép vẫn là một phần quan trọng trong việc học. Ghi chú của bạn tốt như thế nào sẽ quyết định nó hữu ích như thế nào với việc học tập, ôn bài sau này. Một dấu hiệu của việc ghi chú tốt là khi các ghi chú được viết theo cách mà bạn biết xâu chuỗi những thông tin có liên quan.

Với suy nghĩ đó, bạn có thể ghi chú càng chi tiết càng tốt để có thể giữ lại chúng. Bạn cũng có thể dựa vào cách phù hợp với bản thân để có thể ghi chú một cách tốt nhất. Bạn có thể viết hoặc nhập thông tin và có các gạch đầu dòng chính, có từ khóa để nhớ lại những gì đã thảo luận trong lớp hoặc sử dụng hình ảnh.

Một số cách khác nên xem xét như sau:

  • Xem các ghi chú bạn vừa viết trong tiết học này một lần nữa trước khi học môn tiếp theo.
  • Giữ các ghi chú theo môn học, chủ đề có liên quan. Có sổ ghi chép cho mỗi môn học hoặc môn chuyên ngành của bạn. Bằng cách này, bạn có thể tránh nhầm lẫn thông tin.
  • Luôn viết ra những ý chính để bạn có thể có được cái nhìn tổng quan ngắn gọn nhưng chắc chắn về chủ đề đó.

📌4. Thường xuyên ôn tập và rút gọn

Việc xem lại các ghi chú và các ý tưởng trước đó tất nhiên sẽ rất hữu ích cho bạn. Hãy coi đây là những lời nhắc mà bạn có thể sử dụng để nhớ lại phần thông tin trước đó. Nhưng thay vì đợi đến những kỳ kiểm tra lớn hoặc một số ngày quan trọng khác, tôi khuyên bạn nên tập thói quen dành nửa giờ mỗi ngày để xem lại nội dung hoặc ghi chú. Bằng cách xem xét mọi thứ liên tục, bạn không bị choáng ngợp với lượng thông tin mà bạn phải nhớ mỗi khi đến kỳ thi.

Một điều khác bạn có thể cân nhắc là đơn giản hóa quy trình nhiều nhất có thể. Tôi thấy điều này cực kỳ hữu ích vì nó khiến tôi đặt câu hỏi, “Làm cách nào để giúp tôi lưu giữ thông tin này dễ dàng hơn?”. Điều này dẫn đến việc phải xem lại các ghi chú của mình và sắp xếp lại chúng, sau đó tách chúng thành những phần thông tin nhỏ và dễ hiểu hơn.

Nếu bạn liên tục đơn giản hóa quy trình — từ việc sắp xếp các ghi chú đến thu gọn chúng — thì bạn vẫn đang học hỏi và phát triển. Một số phương pháp khác để đơn giản hóa ghi chú là đánh dấu hoặc gạch dưới các từ khóa, khái niệm hoặc cụm từ. Bạn cũng có thể sử dụng thêm công cụ hỗ trợ trực quan hoặc xây dựng bản đồ tư duy để giúp ghi nhớ tốt hơn.

📌5. Tránh xao nhãng

Đây có lẽ là một trong những mẹo học trực tuyến rõ ràng nhất nhưng cũng rất quan trọng bởi vì bất kỳ sự phân tâm nào cũng là một điều tồi tệ khi cố gắng học hoặc ôn lại một thứ gì đó. Đôi khi, sự phân tâm đến từ những nguồn bên ngoài nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Tuy nhiên, cũng có một số thứ khác có thể gây mất tập trung do chúng ta.

Ví dụ như điện thoại di động hoặc có nhiều tab khác nhau trên máy được bật lên trong khi bạn đang đọc hoặc nghiên cứu điều gì đó khác. Chúng ta không thường nghĩ đó là những thứ gây xao nhãng, nhưng chúng có thể và sẽ kéo chúng ta ra khỏi việc học.

Dưới đây là một số cách có thể giúp bạn giảm thiểu sự phân tâm:

  • Sử dụng máy tạo tiếng ồn trắng
  • Nghe nhạc có thể giúp bạn tập trung và át đi bất kỳ âm thanh nào khác
  • Tắt điện thoại di động của bạn
  • Đóng các tab hoặc thậm chí chặn quyền truy cập vào các trang web nhất định trong một khoảng thời gian

📌6. Nói chuyện với người hướng dẫn hoặc sử dụng vòng phản hồi (Feedback Loop)

Một trong những mẹo học trực tuyến quan trọng khác là nói chuyện với giáo viên của bạn khi bạn có thể hoặc sử dụng vòng phản hồi nếu bạn không thể nói chuyện với giáo viên của mình.

Vòng phản hồi tương tự như nói chuyện với một người hướng dẫn vì về cơ bản bạn đang nhập vai người hướng dẫn và tiếp cận câu hỏi với một góc nhìn và đôi mắt mới mẻ. Từ góc độ đó, bạn đang tự đưa ra phản hồi không khác quá nhiều so với mối quan hệ giữa học sinh/giáo viên.

Bằng cách sử dụng vòng phản hồi hoặc nói chuyện với người hướng dẫn, bạn có thể tìm kiếm sự rõ ràng và hiểu rõ hơn về tình huống. Tìm kiếm sự hướng dẫn cũng cho phép bạn hiểu rõ hơn, học tốt và hiệu quả hơn.

📌7. Học theo nhóm (Trực tuyến hoặc Ngoại tuyến)

Tương tự như nói chuyện với giáo viên của bạn hoặc sử dụng vòng phản hồi, thảo luận các chủ đề với những người khác xung quanh bạn là một cách khác mà bạn có thể giúp cải thiện việc học của mình. Mẹo học trực tuyến này khác với mẹo trước đó vì nó là một cách tiếp cận cộng tác để hiểu điều gì đó.

Có những lợi ích khác khi có người trả lời câu hỏi và cùng nhau nghiên cứu. Nó cho phép bạn tập trung hơn, gắn kết nhiều hơn với những người khác và cũng có thể giúp bạn phát triển và duy trì động lực. Học theo nhóm cũng giúp bạn học hiệu quả và năng suất hơn.

☀️Lời kết

Chìa khóa để học tập và nghiên cứu là làm cho nó trở thành một quá trình đơn giản nhất có thể đối với bạn. Nhưng để làm được điều này là một kỹ năng cần có đối với tất cả mọi người và nó đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên nhẫn từ phía bạn. Đây là trường hợp đặc biệt xảy ra với đại dịch toàn cầu hiện nay mà chúng ta đang phải đối mặt, buộc chúng ta phải học từ xa. Nhưng thông qua các mẹo học trực tuyến này, bạn sẽ có thể tiến gần hơn đến việc xây dựng kế hoạch học tập và giúp việc học tập, nghiên cứu dễ dàng và hiệu quả hơn.

___________________________________________________

Tác giả: Leon Ho

Link bài viết gốc:  https://bit.ly/3s6xOhq

Dịch giả: Nguyễn Thị Thùy Trang – CTV Ban nội dung

Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Dịch giả: Nguyễn Thị Thùy Trang – Nguồn: iVolunteer Vietnam”.

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/3850

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ