Kỹ Năng

Nghệ Thuật Nói "Không" Mà Không Cần Những Lời Bào Chữa

Dám thiết lập ranh giới chính là có đủ can đảm để yêu thương chính mình, ngay cả khi chúng ta có nguy cơ làm người khác thất vọng ~ Brené Brown

Nói không thật sự khó khăn đối với tôi. Cho dù đối với những người tôi yêu thương hay những người lạ mặt, nhiệm vụ công việc hay những sở thích mới, những gì tôi thích hay khao khát có được, việc nói không chỉ đơn giản là khó. Thay vào đó, tôi nói có. Tôi nó có với tất cả mọi người và tất cả mọi thứ cho đến khi những gì mình còn lại là sự kiệt quệ, trống rỗng và không còn gì để có thể cho đi.

Khi chế độ cách ly vì dịch COVID được kích hoạt, tôi đã buộc phải xóa lịch trình của mình. Các cuộc hẹn bàn công việc, các buổi họp mặt, các kế hoạch du lịch – tất cả đều bị hủy. Thay vì có cảm giác thất vọng, tôi đã bắt đầu cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Tôi bây giờ đã có một lời bào chữa hợp lý để có thể trút bỏ những kế hoạch đặt trước quá dày đặc của mình và đã được ban cho một lý do được cả cộng đồng chấp nhận để nói không. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời kể từ khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi có không gian để được là chính mình.

Ngay khi lệnh trú ẩn tại chỗ được dỡ bỏ, những cuộc gọi và những lời mời họp mặt bắt đầu ùa vào. Giống như một cái đập nơi có những cánh cửa đã từng ngăn nước, tôi đã bị ngập với những yêu cầu phải làm nhiều hơn – kết nối lại với những người thân yêu, hoãn các cuộc hẹn, tham gia các hoạt động từ thiện, bắt đầu những dự án mới.

Tôi có thể cảm thấy sự lo lắng, băn khoăn đang tăng lên khi tôi cố gắng giữ cho lịch trình của mình trống. Tôi đã nhận ra rằng nếu tôi muốn duy trì không gian cho cuộc sống của mình, tôi phải học nghệ thuật của việc nói không, mà không cần đến những lời bào chữa.

Trong một nền văn hóa mà bận rộn là chuẩn mực và được đeo như một chiếc huy hiệu danh dự, việc duy trì không gian lành mạnh trong cuộc sống của mỗi chúng ta là đặc biệt khó khăn. Nhưng luôn có chi phí cơ hội cho mọi việc mà chúng ta nói có. Khi chúng ta nói có với mọi người và mọi thứ, chúng ta đang nói không với chính bản thân mình.

️🎯 VÌ SAO CHÚNG TA NÓI CÓ TRONG KHI BẢN THÂN MUỐN NÓI KHÔNG?

  • Làm hài lòng người khác

Chúng ta muốn làm mọi người cảm thấy vui vẻ và thực hiện việc đó bằng cách nó có, ngay cả khi nó có nghĩa là hy sinh một thứ gì đó quan trọng đối với chúng ta. Tuy nhiên, gần như không thể làm cho người khác hạnh phúc nếu họ phụ thuộc vào những hạnh phúc mà chúng ta cung cấp.

Có một sự cân bằng tốt giữa việc thỏa hiệp và trở thành một kẻ nguyện chết vì tình nghĩa. Khi chúng ta từ bỏ một điều gì đó quan trọng với chính mình đến mức cạn kiệt năng lượng, chúng ta sẽ không mang đến hạnh phúc cho bất cứ ai cả, đặc biệt là chính bản thân mình.

  • Cảm thấy tội lỗi 

Khi chúng ta nói có vì cảm giác tội lỗi ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể tham gia vào các hoạt động và các mối quan hệ khiến mình cảm thấy kiệt sức. Có lẽ chúng ta nói có vì cảm thấy đâu đó một mức độ kỳ vọng hoặc nghĩa vụ nào đó nhất định.

Trong một số vai trò, có những trách nhiệm đi kèm với phạm vi, lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như việc nuôi dạy con cái hoặc với tư cách là một nhân viên; nhưng điều đó không có nghĩa là phải luôn nói có với mọi yêu cầu. Chúng ta càng nói có vì cảm giác tội lỗi, chúng ta càng lấy đi nhiều năng lượng từ cơ thể mình hơn và bắt đầu nảy sinh sự oán giận tiềm ẩn đối với những người hoặc những hoạt động đòi hỏi chúng ta chú ý đến.

  • Sợ hãi

Chúng ta rất thường xuyên đi lên từ sự sợ hãi và thậm chí còn không nhận ra nó là nguồn động lực của chính mình, trong tất cả một khoảng thời gian nhất định, nó nằm bên dưới bề mặt tàn phá cuộc sống của chúng ta.

Chôn sâu trong chúng ta là nỗi sợ hãi chung rằng bản thân không bao giờ là đủ. Vì vậy, chúng ta bù đắp một cách thái quá – làm nhiều hơn, đạt được nhiều hơn, nói có với mọi người và mọi thứ. Chúng ta làm hài lòng mọi người để khiến họ có thiện cảm với mình. Chúng ta ở trong những mối quan hệ độc hại bởi vì bản thân sợ cô đơn. Chúng ta nói có vì sợ rằng sẽ bỏ lỡ cơ hội. Sợ trở nên kém hoàn thiện hơn. Nỗi sợ này, đương nhiên chỉ là một ảo giác.

️🎯 CÁCH HỌC NGHỆ THUẬT CỦA VIỆC NÓI KHÔNG

  • Xác định giá trị cốt lõi của bản thân

Giá trị nào là phù hợp với cốt lõi của bạn và giúp bạn cảm thấy thực sự kết nối với những mục tiêu của mình? Điều gì khiến bạn thực sự muốn dành một không gian trong cuộc sống của mình?

Hãy dành thời gian để suy ngẫm về những giá trị này – lượng thời gian cùng với gia đình, cân bằng giữa cuộc sống và công việc, thời gian hiện tại, thời gian phục vụ cho công việc. Nếu thời gian dành cho gia đình là quan trọng nhất đối với bạn, bạn vẫn có thể nói có với mọi cơ hội hội việc làm xảy đến và sau đó bạn sẽ bị lệch khỏi quỹ đạo của mình. Trước khi nói có với bất kỳ cam kết mới nào, hãy dành thời gian để đánh giá liệu rằng nó có phù hợp với những giá trị cốt lõi của bạn hay không.

  • Lên kế hoạch cho những khoảng trống

Một thách thức trong việc lập kế hoạch đó là lịch trình của chúng ta cố định nhưng mức năng lượng của chúng ta lại có thể thay đổi. Làm thế nào chúng ta có thể đoán trước được bản thân sẽ cảm thấy ra sao trong vòng hai tháng tới kể từ thời điểm hiện tại? Làm thế nào chúng ta biết được những cơ hội mới và những nhu cầu nào có khả năng phát sinh trong tương lai?

Tránh việc lên những kế hoạch mà bạn không thể thực hiện và đừng tự đăng ký trước quá mức. Ví dụ, nếu bạn đã có kế hoạch sẽ dành thời gian cho bố mẹ của mình vào thứ Bảy thì đừng cố gắng sắp xếp một cuộc đi thăm bạn bè vào cùng ngày. Hoặc lên kế hoạch cho một ngày cuối cùng trong tháng để không làm gì cả. Hãy để nó trống. Có lẽ bạn sẽ sử dụng thời gian đó để lấy lại giấc ngủ đã mất hoặc làm vườn, hoặc một buổi tản bộ đường dài ngẫu hứng vào buổi chiều cùng với một người bạn. Khi chúng ta dành thời gian cho những khoảng trống, chúng ta cho phép cuộc sống trôi qua một cách tự nhiên.

  • Lắng nghe cơ thể của bạn 

Nếu chúng ta thúc ép bản thân đến mức kiệt sức thì việc cơ thể chúng ta bắt đầu nổi loạn là điều không thể tránh khỏi. Những cơn đau đầu, đau cơ, rắc rối về hệ tiêu hóa, phát ban, đây là tất cả những cách mà cơ thể giao tiếp với chúng ta để nói rằng chúng ta đang đảm nhận quá nhiều. Khi tôi cảm thấy căng thẳng vì làm quá nhiều, tôi không thể tránh khỏi sự bùng phát của phát ban. Hoặc cơ thể tôi sẽ dự trữ sự căng thẳng đó ở vai, đến mức tay tôi dần tê cóng.

Cơ thể không nói dối. Vì vậy, hãy dành thời gian để lắng nghe những gì cơ thể đang muốn nói với bạn. Thông thường những điều đó có nghĩa là nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.

  • Nghe theo trực giác của bạn 

Mỗi chúng ta đều có khả năng lắng nghe và điều chỉnh trực giác của mình, cái linh cảm chúng ta có được từ trong bụng dạ khi nhận thấy một điều gì đó không ổn.

Một lần tôi lên kế hoạch cho một chuyến đi đến San Diego để thăm một người bạn. Khi chuyến đi đến gần, có điều gì đó trong tôi nói với tôi rằng đừng đi. Tôi đã nói với bạn mình về sự lo lắng của bản thân và họ đã cảm thấy vô cùng thất vọng khi tôi đã quyết định đi chỉ để khiến họ cảm thấy vui vẻ.

Đương nhiên chuyến đi kết thúc như một thảm họa. Tôi không chỉ cảm thấy buồn bực vì cảm giác như mình bắt buộc phải ở đó, mà con trai tôi cuối cùng bị dị ứng nghiêm trọng với cây sồi độc và tôi phải bay về nhà sớm để ở bên cậu bé. Trực giác của chúng ta vô cùng mạnh mẽ. Hãy nghe theo nó.

  • Ngừng bào chữa và xin lỗi 

Bất cứ khi nào tôi nói không, tôi cảm thấy mình đang theo đuổi một vài lý do khác nhau để bào chữa vì sao tôi phải từ chối. Sự thật thường chỉ làm tôi mệt mỏi. Hoặc tôi không muốn. Hoặc nó không phù hợp với nơi mà tôi muốn nguồn năng lượng của mình tiêu tốn vào lúc này.

Gần đây tôi vừa có một chú cún con đáng yêu, Scout, người đòi hỏi sự quan tâm đầy đủ và nhiều thời gian ở nhà hơn. Tôi đã không nói nhiều hơn trong hai tuần vừa qua kể từ khi tôi đưa nó về nhà so với những gì tôi đã nói trong suốt một năm vừa qua.

Bạn không nhất thiết phải có một chú cún để rèn luyện khả năng nói không của mình. Bạn không cần một lời bào chữa. Không có gì sai khi thành thật và nói, “Tôi đang tạo những khoảng trống để cho phép những không gian ấy tồn tại trong cuộc sống của tôi, điều này đòi hỏi tôi phải lập ít kế hoạch hơn.”

  • Chú ý đến không gian vật lý của bạn

Hãy nhìn xung quanh không gian mà bạn sống và dành thời gian. Liệu nó có đầy sự bừa bộn hay không? Không gian vật lý phản ánh không gian bên trong của bạn. Gia đình tôi đặc biệt thích giao mọi thứ cho tôi, và chính vì vậy tôi đã có một khoảng thời gian khó khăn để nói không nên cuối cùng tôi đã có được nhiều hơn những gì mà tôi cần. Dành thời gian để dọn tủ quần áo và ngăn kéo rác của bạn. Thực hành nói không với mọi thứ và tập buông bỏ những thứ bạn không còn cần nữa. Xem bạn cảm thấy nhẹ nhàng hơn bao nhiêu.

  • Nhìn bản thân trong mắt của người khác

Tôi từng có một người bạn trai, anh ấy luôn từ chối thực hiện bất cứ kế hoạch nào. Mỗi khi tôi bảo anh ấy lập kế hoạch, anh ấy đều trả lời “Anh không chắc là mình có năng lượng, hãy ứng phó linh động, tới đâu hay tới đó.” hoặc “Anh sẽ báo em biết khi ngày đó tới gần hơn.”

Điều này khiến tôi bực bội. Tại sao? Vì tôi có kỳ vọng rằng anh ấy sẽ dành sự ưu tiên cho tôi. Khiến tôi cảm thấy vui vẻ. Tất cả những gì anh ấy đã đang làm đó là thiết lập những ranh giới cá nhân cho mình. Thay vì nhận ra những sự ưu tiên của chúng tôi là khác nhau, tôi dần cảm thấy bực bội, tổn thương và bị xúc phạm.

Khi tôi nhìn lại mối quan hệ này, tôi nhận thấy anh ấy đã như một người thầy đối với tôi. Tôi đã nhận ra sự kháng cự của chính mình đối với ranh giới của người khác bởi vì bản thân không hề có.

  • Chấp nhận rằng những người khác rồi sẽ thất vọng

Cũng như việc chúng ta không chịu trách nhiệm về hạnh phúc của người khác, chúng ta cũng không chịu trách nhiệm về sự thất vọng của họ khi chúng ta luyện tập nghệ thuật nói không. Chấp nhận rằng khi bạn đặt ra ranh giới về thời gian và năng lượng của mình thì ai đó sẽ thất vọng là điều không thể tránh khỏi. Đó chỉ là sự đánh đổi mà chúng ta phải đối mặt. Hãy quyết đoán và trung thực. Nếu họ không muốn hiểu khi bạn thành thật chia sẻ sự thật và tâm sự về nhu cầu của bản thân thì điều đó nói lên nhiều về vị trí của họ.

️🎯 ĐỂ HỌC NGHỆ THUẬT TRONG VIỆC NÓI KHÔNG, BƯỚC ĐẦU TIÊN ĐÓ LÀ NHẬN THỨC. HÃY DÀNH THỜI GIAN TỰ KIỂM TRA BẢN THÂN TRƯỚC KHI ĐƯA RA CÂU TRẢ LỜI. 

Liệu những gì bạn bị đòi hỏi có phù hợp với giá trị cốt lõi của bạn hay không? Hãy quan tâm, chú ý đến cảm giác của cơ thể bạn. Trực giác đang mách bảo bạn điều gì? Hãy phỏng đoán chi phí cơ hội, bạn đang phải từ bỏ những gì khi nói có? Bạn có không gian xung quanh những cam kết của mình không? Bạn có đang thành thật với người khác và chính bản thân mình trong những lời phản hồi không?

Đó là những câu hỏi mà bạn có thể bắt đầu tự vấn bản thân mình. Từ sự nhận thức, chúng ta tiến đến thực hành một cách kiên định. Có thể ban đầu, bạn sẽ cảm thấy không thoải mái, nhưng nếu chúng ta càng nói không với những việc không nằm trong lợi ích hoặc sở thích hàng đầu của mình, chúng ta càng tạo ra nhiều khoảng trống để nói có cho những việc quan trọng nhất.

—————————-

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.

  • Bài viết gốc: tinybuddha.com
  • Người dịch: Nguyễn Cao Tường Minh
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Cao Tường Minh – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8741

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ