Kỹ Năng

Phương Pháp Viết Thư Xin Thực Tập

Khi ứng tuyển vị trí thực tập sinh, nhà tuyển dụng có thể sẽ yêu cầu thư xin việc cùng với CV, thư giới thiệu và các tài liệu khác. Thư xin thực tập là phương pháp tốt nhất để bạn thể hiện những kỹ năng và kinh nghiệm quan trọng, giúp giải thích lý do khiến bạn trở thành ứng cử viên phù hợp nhất cho vị trí thực tập sinh.

Dưới đây là một vài mẹo kèm ví dụ, giúp bạn xây dựng một lá thư xin thực tập. Để có nhiều nguồn cảm hứng, hãy đọc qua các mẫu thư xin việc để nắm được diện mạo của thư xin việc trong ngành hay cho vị trí của bạn.

💥Phương pháp để viết một lá thư xin thực tập

Một lá thư xin việc tốt sẽ thể hiện được những kỹ năng và kinh nghiệm liên quan, giúp bạn trở thành ứng viên phù hợp nhất với vị trí công việc. Nó cần phải thu hút được sự chú ý của nhà tuyển dụng, thuyết phục họ đọc CV của bạn kỹ hơn. Để đạt được những mục tiêu này, bạn cần phải thêm những thông tin quan trọng dưới đây:

1. Nêu rõ vị trí mà bạn đang ứng tuyển

Hãy mở đầu thư xin việc bằng vị trí mà bạn đang ứng tuyển để thể hiện sự suy nghĩ thấu đáo, giúp bạn trở thành ứng viên tốt nhất cho vị trí. Điều đó cũng thể hiện rằng bạn đã viết một lá thư xin việc dành riêng cho công việc này thay vì sử dụng một lá thư xin việc chung. Đồng thời, nó cũng nhắc nhở người đọc về vị trí công việc và cung cấp ngữ cảnh cho phần còn lại của lá thư.

2. Sử dụng từ khóa phù hợp

Nhà tuyển dụng thường quét CV và thư xin việc để tìm những từ khóa liên quan đến vị trí công việc. Vậy nên, hãy đọc kỹ bản mô tả công việc và trang web của công ty để xác định những từ khóa mà bạn nên sử dụng. Ví dụ, nếu bản mô tả công việc yêu cầu kỹ năng quản lý thời gian, hãy cố gắng liệt kê những kỹ năng liên quan vào thư xin việc của bạn.

3. Thể hiện quá trình học tập 

Nếu bạn không có hoặc có ít kinh nghiệm làm việc, quá trình học tập của bạn sẽ giúp ích cho nhà tuyển dụng. Hãy liệt kê những khóa học mà bạn đã hoàn thành và có liên quan đến bản mô tả công việc hoặc ngành nghề ứng tuyển. Ví dụ, nếu bạn ứng tuyển vị trí thực tập sinh thiết kế, hãy liệt kê những khóa học thiết kế và bất cứ thành tích liên quan nào mà bạn đã đạt được.

4. Thể hiện những kỹ năng liên quan

Thân bài của lá thư là phần để bạn nêu bật kiến thức, chuyên môn và học vấn có ích cho nhà tuyển dụng. Nếu bạn không có kinh nghiệm làm việc, bạn có thể bao gồm những kỹ năng bạn đã đạt được trong các công việc cũ, các vị trí tình nguyện viên, lớp học hoặc dự án mà bạn hoàn thành, hay các thành tích đạt được trong hoạt động ngoại khóa.

Ví dụ, nếu bạn ứng tuyển vị trí thực tập sinh báo chí tại một cơ quan địa phương, hãy thể hiện kinh nghiệm làm biên tập viên cho một tờ báo học sinh, hoặc kỹ năng quản lý thời gian mà bạn học được khi từng làm lễ tân văn phòng.

5. Giải thích lý do bạn phù hợp với vị trí ứng tuyển

Ở phần này, bạn nên viết một đến hai câu về những năng lực mà bạn có, phù hợp với vị trí ứng tuyển. Hãy đọc kỹ bản mô tả công việc đã đăng để xác định những kỹ năng và kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Sau đó sắp xếp chúng vào thư xin việc theo thứ tự ưu tiên mà bản mô tả công việc thể hiện.

6. Mô tả mục tiêu sẽ đạt được qua vị trí thực tập sinh

Trong hầu hết các trường hợp, các nhà tuyển dụng xây dựng chương trình thực tập để giúp học sinh và các bạn trẻ hiểu hơn về ngành nghề cũng như phát triển kỹ năng, kinh nghiệm và mối quan hệ, phục vụ cho con đường sự nghiệp. Vậy nên, bên cạnh việc thể hiện những lợi ích mà bạn có thể đem lại, hãy nêu bật những gì bạn mong muốn nhận được và học được thông qua công việc thực tập.

7. Đọc lại CV trước khi gửi

Sau khi hoàn thiện CV, hãy dành thời gian để đọc lại, kiểm tra kỹ lỗi chính tả, lỗi ngắt câu, lỗi ngữ pháp và chỉnh sửa. Nếu có thể, hãy nhờ bạn bè hoặc thành viên trong gia đình đọc qua bản cuối cùng của CV để có được một góc nhìn khách quan.

💥Ví dụ về thư xin thực tập

Kính gửi ông Smith,

Tôi nộp CV với mong muốn được cân nhắc cho vị trí thực tập sinh thiết kế của chương trình tuyển dụng hè tại công ty ABC. Với những kỹ năng và kinh nghiệm đã liệt kê trong CV, tôi tin tôi sẽ là một nhân viên có giá trị với quý công ty.

Trong ba năm tại đại học XYZ, tôi đã hoàn thành xuất sắc khóa học về những xu hướng thiết kế hiện đại nhất và những phương pháp thiết kế tốt nhất, bao gồm nguyên tắc thiết kế trải nghiệm người dùng và thiết kế ứng dụng di động, nhờ đó tôi đã học và ứng dụng được những kỹ năng như thiết kế bản đồ hành trình người tiêu dùng, thiết kế giao diện ứng dụng và thiết kế phần mềm cho nhiều thiết bị di động và hệ điều hành khác nhau.

Bên cạnh đó, tôi đã có từng có kỳ học làm tình nguyện viên tại một tổ chức phi lợi nhuận với công việc thu gom quần áo, đồ đạc được tặng và phân phát lại cho những gia đình cần chúng. Tôi cũng đã giúp trang web của nhóm cập nhật và khởi động lại ứng dụng, cho phép người dân trong cộng đồng xác định những điểm trả khách và lên lịch hẹn đón.

Cuối cùng, với kinh nghiệm 2 năm làm nhân viên pha chế tại trung tâm dành cho sinh viên, tôi đã học được tầm quan trọng của việc xây dựng cho khách hàng những trải nghiệm tiện lợi và đáng nhớ, phù hợp với thương hiệu. Nó cũng giúp tôi phát triển kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp và khả năng lãnh đạo dự án.

Tôi tin rằng tôi sẽ là một mảnh ghép hoàn hảo của quý công ty. Công việc thực tập này sẽ giúp tôi tích lũy kinh nghiệm thực tế trong ngành công nghệ và phát triển hơn cũng như nâng cao kỹ năng thiết kế ứng dụng.

Rất mong nhận được phản hồi từ quý công ty.

Trân trọng,

Erica Garcia

💥Nên gửi thư xin việc như thế nào?

Bạn có thể gửi CV và thư xin việc của mình theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Nhà tuyển dụng có thể sẽ yêu cầu bạn đính kèm thư xin việc như một phần của đơn ứng tuyển hoặc gửi email thư xin việc cùng với CV.

Có 2 cách để bạn gửi thư xin việc:

  1. Đính kèm thư xin thực tập vào email. Nếu nhà tuyển dụng yêu cầu bạn đính kèm thư xin thực tập, bạn có thể chọn tệp từ máy tính và đính kèm chúng vào email. Nhớ đảm bảo rằng tên tệp đã bao gồm tên của bạn. Ví dụ, hãy để Erica-Garcia-Cover-Letter.doc thay vì tên gì đó chung chung và khó tìm kiếm như coverletter2.doc.
  2. Viết thư xin thực tập vào phần thân bài của email. Nếu nhà tuyển dụng không đặc biệt yêu cầu đính kèm thư xin thực tập, bạn có thể viết trực tiếp chúng vào phần thân bài của email. Nhớ đảm bảo rằng có thêm lời chào tới người mà bạn đang gửi email (nếu bạn biết họ).

Thư xin thực tập sẽ giúp bạn nhấn mạnh những năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm phù hợp nhất, thể hiện với nhà tuyển dụng rằng bạn có đủ các kiến thức cần thiết để làm tốt vị trí công việc. Sử dụng các mẹo trên, bạn sẽ có thể soạn thảo ra một lá thư hấp dẫn và tiến gần hơn đến công việc thực tập sinh mơ ước.

______________________________________

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!

  • Theo: indeed
  • Người dịch: Đoàn Bùi Thu Phương
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Đoàn Bùi Thu Phương – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9150

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ