Kỹ Năng

Làm Thế Nào Để Ghi Chú Một Cách Hiệu Quả?

Trong bài viết này, hãy chọn ra một số tips được đánh giá cao để áp dụng vào việc ghi chú cho dù bạn đang học trực tiếp hay trực tuyến nhé.

a photo of a woman taking notes in front of a computer

Ghi chú là một kĩ năng rất cơ bản mỗi khi bạn học một kiến thức mới. Một bản ghi chú chỉn chu, logic có thể cung cấp cho bạn một nền tảng kiến thức vững chắc để bạn tiếp tục học sâu hơn, đồng thời nó cũng là cơ sở mỗi khi bạn muốn ôn tập lại kiến thức cũ. Dưới đây là một vài mẹo mà chúng tôi đã thu thập được trong quá trình thực hiện ghi chú sao cho hiệu quả.

1. Tìm các công cụ phù hợp cho việc ghi chú của bạn

How-to-take-great-notes-find-the-right-tools3

Bước đầu tiên để quá trình ghi chép đạt hiệu quả bắt đầu từ việc sử dụng các công cụ phù hợp với mục đích sử dụng: có thể bạn thích dùng bút bi để viết nguệch ngoạc vài thông tin vào những cuốn sổ ghi chú, hoặc có thể bạn thích dùng những cây bút highlight kết hợp với giấy A4, hay bạn hoàn toàn có thể chỉ muốn ngồi cạnh chiếc laptop hoặc máy tính bảng và nhập thông tin bạn muốn take note vào một ứng dụng ghi chú.

Hãy cố gắng thử nhiều loại công cụ ghi chú khác nhau, từ đó tìm ra những công cụ khiến cho việc ghi chép của bạn không những dễ dàng mà còn khiến bạn cảm thấy hứng thú (bằng cách này bạn sẽ cảm thấy có động lực ghi chép kiến thức hơn rất nhiều).

2. Đừng chỉ biến lời giảng của thầy cô trở thành những từ ngữ vô nghĩa trên giấy

Cho dù bạn đang ngồi xem video, hay đang ở trong giảng đường, viết nguệch ngoạc bất cứ nội dung gì thầy cô đang giảng là một điều rất đơn giản. Tuy nhiên nó sẽ khiến nội dung bạn ghi chép được trở nên rối rắm vì không tuân theo bất cứ một thứ tự nào và trang giấy của bạn sẽ trở nên nhem nhuốc. Thay vào đó, hãy thử nghe và chắt lọc các thông tin được truyền tải, nghe để bắt lấy các ý chính, hoặc ghi lại những thông tin quan trọng mà bạn muốn nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn. Nếu bạn thực sự phải ghi lại hầu hết các kiến thức thầy cô đang nói, cố gắng viết vắn tắt và đơn giản hóa các câu chữ ấy đi, bằng cách này bạn có thể kết hợp kiểm tra luôn xem mình hiểu kiến thức ấy được đến đâu theo mạch bài giảng trên lớp.

3. Highlight!

Ngay khi bạn đã hoàn thành công tác ghi chép, đừng chỉ để các nội dung khơi khơi như vậy – bởi vì đây mới là lúc bạn cần phải chắt lọc những chi tiết quan trọng trong hàng tá những nội dung bạn vừa chép. Bạn có thể hightlight những phần quan trọng nhất, hoặc hightlight những phần mà bạn muốn tìm hiểu kĩ hơn, hay chỉ đơn giản là hightlight tên của những người mà bạn cần phải nhớ – cho dù bạn muốn đánh dấu những gì thì quyền lựa chọn hoàn toàn nằm ở bạn. Nếu bạn nhận ra mình đang hightlight cả một đoạn văn trong vô thức, hãy thử đặt ra giới hạn cho bản thân: Nếu bản ghi chú của bạn dài 5 trang, giới hạn lượng nội dung bạn có thể hightlight tương đương 2 dòng/ trang, như vậy bạn sẽ chỉ cần phải ghi nhớ 10 nội dung cốt lõi, trọng tâm nhất.

4. Lập nên bảng tổng kết của riêng bạn

Quá trình chuyển hóa những nội dung đã take note thành nguồn kiến thức hữu dụng có mang hơi hướng giống quá trình chưng cất một chút. Bạn bắt đầu với các nguyên liệu thô, sau đó sàng lọc chúng để chọn ra những phần quan trọng nhất và cuối cùng cô đọng lại thành những kiến thức của riêng của bạn để sau này có thể vận dụng được. Yếu tố cuối cùng cũng là yếu tố tiên quyết, bạn sẽ cần phải biến những ghi chú đó trở thành những kiến thức độc nhất vô nhị mà chỉ bạn mới có thể hiểu hay áp dụng một cách hiệu quả. Ví dụ, sau khi bạn tóm tắt những ghi chú của mình vào trong 6 tờ giấy nhớ, hãy chọn ra một từ khóa mà chỉ cần nhắc đến nó là bạn sẽ liên tưởng ngay đến những nội dung quan trọng liên quan như một khái niệm, một công thức hay một thành tố nào đó. Nhưng từ khóa đó sẽ là từ chỉ có mình bạn cảm thấy thú vị, đáng để lưu lại, và trong một số trường hợp, nó có toàn có thể là những từ khóa ngẫu nhiên mà không có ý nghĩa đặc biệt cụ thể nào với người khác.

💥Một vài mẹo bổ sung
  • Tạo thói quen sắp xếp mọi thứ ngăn nắp – một bản ghi chú hoàn hảo cũng trở nên vô dụng nếu bạn không biết chúng đang ở đâu.
  • Phát huy thế mạnh của bạn – Nếu bạn thích phương pháp học bằng cách tận dụng thính giác của bản thân? Hãy ghi âm lại khi bạn đọc các nội dung đã ghi chú. Nếu bạn thích học thông qua hình ảnh trực quan? Hãy tận dụng trí tưởng tượng của bản thân và đưa các khái niệm và chú thích vào một sơ đồ tư duy. Sẽ không có cách take note nào là ưu việt nhất, quan trọng là bạn phù hợp với phương pháp nào nhất mà thôi.
  • Viết ra bất kỳ câu hỏi nào – ngay cả khi câu hỏi của bạn có xa rời chủ đề, bạn có thể sử dụng chúng để mở rộng kiến ​​thức hoặc để kiểm tra bản thân sau này.

“Hãy tìm cho tôi một khóa học, vì tôi không thể đợi để ghi chú một vài nội dung vào cuốn sổ này rồi”

__________________________________

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!

  • Theo: futurelearn
  • Người dịch: Trần Ngọc Tuấn
  • Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Trần Ngọc Tuấn – Nguồn iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/10136

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ