Mặc dù đây là một tình huống thú vị, nhưng việc đối phó với nhiều lời mời làm việc cùng một lúc có thể là một thách thức. Bạn cần đảm bảo có đủ thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng từng lựa chọn để có thể đưa ra quyết định phù hợp nhất với mình. Sử dụng các kỹ năng giao tiếp và ra quyết định hiệu quả có thể giúp bạn xử lý các đề nghị cạnh tranh trong khi vẫn duy trì mối quan hệ của bạn với các nhà tuyển dụng tiềm năng.
💥Thế nào là một lời mời làm việc?
Lời mời làm việc là một lời mời do nhà tuyển dụng gửi đến để mời bạn làm việc tại công ty của họ. Ban đầu nhà tuyển dụng có thể đưa ra lời đề nghị bằng lời nói, gặp trực tiếp hoặc qua điện thoại, sau đó tiếp tục là lời đề nghị chính thức bằng văn bản. Văn bản này cung cấp thông tin chi tiết về công việc được đề xuất cho bạn, chẳng hạn như mức lương, phúc lợi, ngày bắt đầu và thông tin chi tiết về chính công việc đó.
💥10 mẹo để quản lý được nhiều lời mời làm việc
Nếu bạn đã nhận được nhiều lời mời làm việc cùng lúc hoặc đã có một lời mời làm việc và đang chờ một lời mời làm việc khác, thì đây là một số mẹo hữu ích mà bạn có thể sử dụng để xử lý trong tình huống đó
1. Đảm bảo rằng bạn đã được nhận lời mời bằng văn bản
Trong khi nhiều nhà tuyển dụng cung cấp lời mời bằng lời nói ban đầu, không có gì là chính thức cho đến khi bạn nhận được một bản bằng văn bản. Nếu bạn chỉ nhận được lời mời đề nghị bằng lời nói, điều này có thể giúp bạn có thêm thời gian để suy nghĩ về các lựa chọn của mình. Khi nhận được đề nghị bằng lời nói, hãy cảm ơn nhà tuyển dụng và hỏi khi nào bạn có thể mong đợi nhận được đề nghị bằng văn bản để xem xét.
Bạn chưa cung cấp cho họ một câu trả lời chắc chắn, nhưng bây giờ bạn biết khi nào nên mong đợi các đề nghị chính thức của mình và khi nào bạn có thể bắt đầu tiến trình cho các quyết định của mình. Bạn cũng cần lời mời bằng văn bản này nếu bạn định đàm phán với công ty về một đề nghị khác.
2. Thể hiện sự nhiệt tình với mọi cơ hội
Khi bạn nhận được một lời đề nghị chính thức nhưng đã có một đề nghị từ một công ty khác hoặc biết rằng bạn sẽ sớm nhận được một đề nghị, hãy thể hiện sự quan tâm của bạn mà không nhận việc ngay lập tức. Nếu bạn thích cả hai công ty, bạn cần cho mình thời gian để suy nghĩ về các lựa chọn của mình để có thể chọn một công ty phù hợp nhất với nhu cầu của bạn. Cảm ơn nhà tuyển dụng về lời đề nghị của họ và nói với họ rằng bạn rất hào hứng với cơ hội nhưng cần thời gian để xem xét tài liệu. Hãy hỏi khi nào họ cần phải biết quyết định của bạn là gì, vì điều này sẽ cho họ biết rằng bạn vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
3. Duy trì giao tiếp tích cực
Có thể khó thực hiện cùng lúc hai lời mời làm việc, nhưng bạn phải đảm bảo tôn trọng thời gian của cả hai bên trong suốt quá trình đưa ra quyết định của mình. Trả lời bất kỳ sự liên lạc nào bạn nhận được từ họ ngay lập tức để thể hiện rằng bạn quan tâm đến họ và tôn trọng thời gian của họ. Các công ty này quan tâm đến việc tuyển dụng bạn, vì vậy bạn muốn khẳng định ấn tượng tích cực mà họ đã biết về bạn.
Ngay cả khi bạn có ý tưởng về lời mời làm việc mà bạn thiên về nó hơn, hãy giữ lịch sự khi nói chuyện với công ty kia vì bạn có thể thương lượng với họ và cải thiện lời mời của họ. Họ sẽ cởi mở hơn với kiểu thảo luận này nếu họ cảm thấy bạn thực sự gắn bó và quan tâm đến công ty của họ.
4. Cố gắng sắp xếp thời gian
Nếu bạn quan tâm đến nhiều công ty nhưng chỉ nhận được một lời mời làm việc, bạn có thể tiếp cận nhà tuyển dụng khác để xem xét vị trí của họ. Hãy tôn trọng khi đưa ra yêu cầu của bạn và cho họ biết bạn đã nhận được lời mời làm việc từ một công ty khác và có thời hạn để cho họ biết quyết định của bạn. Hãy cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn rất quan tâm đến việc làm việc cho công ty của họ và hỏi xem liệu họ có quyết định tuyển dụng bạn trước thời hạn đó hay không.
Nhà tuyển dụng thứ hai có thể sẽ không đẩy nhanh quá trình của họ và đưa ra cho bạn một lời đề nghị hoặc hứa sẽ quyết định trước thời hạn đó. Trong tình huống đó, bạn có thể thử hỏi công ty mà đã đưa ra lời đề nghị xem liệu bạn có thể được gia hạn thời hạn đưa ra quyết định hay không.
5. Hãy trung thực nếu bạn cần thêm thời gian
Khi bạn nhận được một lời mời làm việc nhưng mong đợi sẽ sớm nhận được một lời mời khác, hãy cố gắng trung thực về hoàn cảnh của bạn. Trong câu trả lời của bạn, hãy nhắc lại sự hào hứng của bạn về cơ hội việc làm để thể hiện sự quan tâm của bạn. Nói với họ rằng bạn đang mong đợi nhận được phản hồi từ một công ty khác, cung cấp một ngày cụ thể nếu có thể và hỏi xem bạn có thể gia hạn thời hạn đưa ra quyết định hay không.
Nếu công ty từ chối gia hạn thời hạn của bạn, bạn cần phải đưa ra quyết định của mình ngay lúc đó. Tuy nhiên, nếu họ đồng ý kéo dài thời hạn, hãy đảm bảo cung cấp cho họ phản hồi cuối cùng của bạn càng sớm càng tốt sau khi nhận được lời đề nghị khác và đưa ra quyết định của bạn. Bởi vì bạn đã gia hạn thời gian trong quá trình tuyển dụng rồi, bạn nên thể hiện sự tôn trọng bằng cách tránh việc chiếm quá nhiều thời gian của họ.
6. Nắm được thông tin về từng vị trí trong công ty
Khi nhận được nhiều lời mời làm việc, hãy đảm bảo bạn có tất cả thông tin phù hợp và cần thiết nhất để đưa ra quyết định cuối cùng của mình. Bạn muốn có cùng một thông tin cho mỗi công việc để có thể dễ dàng so sánh chúng với nhau. Nếu bạn còn câu hỏi hoặc thông tin về nhiệm vụ, hãy hỏi nhà tuyển dụng tương ứng để làm rõ. Loại thông tin bạn muốn có bao gồm:
- Vị trí của bạn: Điều này bao gồm các thông tin như ngày bắt đầu, chức danh công việc, nhiệm vụ chính và giờ làm việc dự kiến của bạn.
- Lương thưởng và phúc lợi: Bao gồm tiền lương, tiền thưởng thêm,bảo hiểm, lương hưu và quyền chọn mua cổ phiếu.
- Cân bằng giữa công việc và cuộc sống: Điều này bao gồm các loại thời gian nghỉ mà bạn nhận được, bất kỳ yêu cầu đi lại nào và các lựa chọn linh hoạt cho công việc từ xa
- Văn hóa công ty: Điều này có thể khác nhau tùy thuộc vào bạn, nhưng có thể bao gồm loại môi trường làm việc, cho dù họ cung cấp phát triển chuyên môn hoặc đào tạo khác, quy mô của công ty và tiện nghi văn phòng.
7. Suy nghĩ về mục tiêu nghề nghiệp của bạn
Bên cạnh các yếu tố cơ bản sẽ giúp bạn xác định liệu một công việc có phù hợp với nhu cầu của mình hay không, hãy nghĩ về các mục tiêu nghề nghiệp dài hạn của bạn. Hãy xem xét công việc nào trong số những công việc đó có thể cung cấp cho bạn kiến thức, kỹ năng hoặc kinh nghiệm để tiếp tục phát triển sự nghiệp của bạn. Nếu một trong những công việc đó phù hợp với tất cả các nhu cầu trước mắt của bạn nhưng mang lại ít cơ hội thăng tiến, điều đó có thể ảnh hưởng đến quyết định cuối cùng của bạn.
8. So sánh giữa các lựa chọn của bạn
Khi bạn đã có lời mời và tất cả thông tin cần thiết về từng công việc, hãy bắt đầu suy nghĩ xem bạn muốn chọn công việc nào. Một phương pháp bạn có thể sử dụng là biểu đồ so sánh, nơi bạn liệt kê những ưu và nhược điểm của từng công việc song song với nhau. Suy nghĩ về các yếu tố quan trọng nhất đối với bạn trong công việc, bao gồm cả nhu cầu tài chính hoặc các nhu cầu khác và điều gì khiến bạn cảm thấy hạnh phúc nhất trong công việc.
Sơ đồ trực quan này có thể giúp bạn dễ dàng phân biệt tùy chọn nào mang lại nhiều lợi ích nhất và phù hợp hơn với nhu cầu của bạn. Nếu bạn thấy rằng có một công việc mang lại nhiều lợi thế hơn công việc kia, nó có thể đơn giản hóa quá trình đưa ra quyết định của bạn.
9. Đàm phán khi cần thiết
Khi bạn có trong tay những lời đề nghị chính thức nhưng vẫn chưa có quyết định, bạn có thể sử dụng chúng như một đòn bẩy để thương lượng với nhà tuyển dụng. Bạn có thể cố gắng thương lượng các yêu cầu mà không nhà tuyển dụng nào đưa ra ban đầu hoặc cố gắng yêu cầu một nhà tuyển dụng bổ sung các yêu cầu hoặc phù hợp với mức lương được đưa ra bởi công ty khác. Việc đàm phán của bạn phụ thuộc vào việc xác định điều gì là quan trọng nhất đối với bạn và sẽ giúp bạn đưa ra quyết định cuối cùng.
Nếu cả hai bên đồng ý cung cấp những gì bạn muốn, bạn có thể đề cập rằng bạn đang thảo luận với một công ty khác. Bởi vì họ đã thể hiện sự quan tâm của họ đến bạn qua lời mời làm việc, việc đề cập đó có thể thúc đẩy họ đưa ra thêm các đặc quyền bổ sung để thuyết phục bạn tham gia vào công ty của họ. Dựa trên những gì họ phải cung cấp hoặc phản ứng của họ với yêu cầu của bạn, bạn có hy vọng trong việc đưa ra quyết định về công việc phù hợp nhất với mình.
10. Thể hiện lòng biết ơn
Vào giai đoạn cuối của quá trình đưa ra quyết định của bạn, hãy chắn chắn rằng nên gửi lời cảm ơn tới cả những công ty gửi đến bạn lời đề nghị của họ. Mặc dù bạn đang từ chối một trong số họ, bạn muốn cho họ thấy rằng bạn đánh giá cao thời gian họ đã dành ra để trò chuyện với bạn và họ coi bạn như một ứng viên. Bạn có thể được hưởng lợi từ việc duy trì mối quan hệ tích cực với họ bởi vì nếu họ có cơ hội khác trong tương lai, bạn có thể muốn nộp đơn ứng tuyển với họ một lần nữa. Khi từ chối đề nghị của họ, bạn có thể dùng ví dụ sau:
“Cảm ơn công ty rất nhiều vì đã đề nghị cho tôi vị trí [chức danh] tại công ty. Tôi thực sự đánh giá cao thời gian và sự cân nhắc của công ty trong suốt quá trình này. Đó là một quyết định khó khăn, nhưng tôi đã chấp nhận một lời mời làm việc khác cho một vị trí mà tôi tin rằng phù hợp hơn với mục tiêu của tôi. Tuy nhiên, tôi rất ấn tượng với công ty và tất cả những người tôi gặp trong các cuộc phỏng vấn của mình. Tôi rất muốn giữ liên lạc trong trường hợp công ty có bất kỳ cơ hội nào trong tương lai phù hợp với nhu cầu của cả hai bên.”
________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả về những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: indeed
- Người dịch: Nguyễn Phương Thảo
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là: “Người dịch: Nguyễn Phương Thảo – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9375
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 30