Công việc của người quản lý kho hàng là gì?
Người quản lý kho hàng sẽ giám sát hàng hóa và hậu cần vận chuyển cho các cơ sở. Họ chịu trách nhiệm quản lý tất cả các hoạt động của nhà kho, từ duy trì các trang thiết bị và nhận đơn hàng cho tới giải quyết các yêu cầu của khách hàng và giám sát các nhân viên khác. Là một người quản lý kho hàng, bạn có thể sẽ phải làm những nhiệm vụ sau:
Nhận đơn và giao hàng
Bạn sẽ chịu trách nhiệm giám sát cả hai việc đóng gói và gỡ các lô hàng. Bạn có thể phải chịu trách nhiệm việc vận hành hằng ngày của nhà kho và sắp xếp lịch giao hàng.
Đánh giá mức tồn kho
Bạn sẽ sử dụng các phần mềm trên máy tính để đánh giá mức tồn kho. Khi mức tồn kho quá cao hoặc quá thấp, bạn sẽ cần phải thay đổi cách vận chuyển mới hoặc chuyển đến các cơ sở khác.
Giám sát các quy trình an toàn và bảo mật
Trong vai trò lãnh đạo, bạn sẽ thực thi các biện pháp an toàn cho nhân viên và an ninh cơ sở. Phần lớn các quản lý kho hàng thực hiện theo tiêu chuẩn của Cục quản lý sức khỏe và an toàn lao động (OSHA).
Giám định hàng hóa và vật dụng
Khi cơ sở của bạn gửi hay nhận hàng, thông thường bạn sẽ phải giám định bất cứ hàng hóa và vật liệu liên quan để kiểm tra trọng lượng và số lượng thừa thiếu. Bạn có thể sẽ phải kiểm tra cả dụng cụ và trang thiết bị để đảm bảo chúng đều ở trong tình trạng tốt.
Quản lý nhân viên và xây dựng nhóm
Trong vai trò là quản lý, bạn sẽ phải chịu trách nhiệm giám sát các nhân viên và các nhóm làm việc. Bạn có thể sẽ phải lên lịch làm việc cho nhân viên và giám sát quy trình huấn luyện và phát triển các sáng kiến về làm việc nhóm.
Trao đổi với khách hàng
Quản lý kho hàng thường xuyên phải trao đổi với khách hàng qua điện thoại hoặc email. Bạn cũng sẽ thường xuyên viết hoặc nói chuyện với người bán và các nhà cung cấp để lên lịch giao hàng và điều phối nhu cầu thiết bị.
Mức lương trung bình
Hầu hết các quản lý kho hàng đều là nhân viên toàn thời gian. Mức lương của họ thông thường phụ thuộc vào kinh nghiệm làm việc, lĩnh vực của công ty và địa điểm.
Mức lương trung bình ở Hoa Kỳ: $57,645/năm ( khoảng 1.332.724.519 VNĐ )
Các mức lương khác giao động từ $15,000 ( khoảng 346.792.745 VNĐ ) tới $109,000/năm ( khoảng 2.520.027.281 VNĐ )
Các yêu cầu cần có để trở thành một người quản lý kho hàng
Rất nhiều các vị trí quản lý kho hàng yêu cầu các kỹ năng và kinh nghiệm học vấn sau:
Học vấn
Người quản lý kho hàng thường sẽ cần có bằng tốt nghiệp cấp ba hoặc bằng Phát triển giáo dục phổ thông (GED). Cho thấy bạn có nền tảng về ngôn ngữ, toán học và logic.
Đào tạo
Hầu hết các quản lý kho hàng cần phải trải qua đào tạo cơ bản từ vị trí tập sự. Các vị trí sau có thể đem lại cho bạn trải nghiệm đó:
- Vận chuyển hàng hóa
Các chuyên gia này làm việc trong kho hàng và chịu trách nhiệm việc vận chuyển các sản phẩm và hàng hóa. Với vai trò này bạn có thể phải sử dụng các trang thiết bị như xe nâng hàng và xe nâng pallet để di chuyển và bạn có thể nhận vận chuyển bằng xe tải. Là một nhân viên vận chuyển hàng hóa, bạn đồng thời sẽ hỗ trợ việc đóng gói và xếp hàng hóa cũng như bố trí kho hàng.
- Nhân viên kho
Các chuyên gia này đóng góp vào chuỗi quản lý hàng hóa. Họ thường làm việc trong kho hàng, nơi mà họ có thể theo dõi hàng hóa, giám sát kiểm kê và hỗ trợ lên lịch giao hàng. Với tư cách là một nhân viên ghi chép tài liệu, bạn có thể sẽ cần kiểm tra đơn hàng, xử lý các sản phẩm lỗi, lập bảng kiểm kê hay phân tích dữ liệu về chuỗi hàng hóa.
- Chứng chỉ
Trong nhiều trường hợp, người quản lý kho hàng cần có chứng chỉ để sử dụng các thiết bị nặng như xe nâng và thang nâng. Bạn có thể nhận xác thực này từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, họ có thể sẽ yêu cầu kết hợp bài kiểm tra tự luận và thực hành. Rất nhiều nhà tuyển dụng thường xuyên sử dụng các chứng chỉ nhận này.
Kỹ năng
Để trở thành một quản lý kho hàng tốt nhất bạn nên cố gắng thành tạo các kỹ năng mềm quan trọng như lãnh đạo và làm việc nhóm. Những kỹ năng dưới đây là cần thiết đối với một quản lý kho hàng:
- Tổ chức hợp lý
Kỹ năng tổ chức rất quan trọng vì người quản lý kho thường sẽ quản lý số lượng lớn các công việc đồng thời giám sát cơ sở vật chất. Bạn có thể nâng cao khả năng tổ chức của mình một cách tự nhiên như sắp xếp lịch hàng ngày cho chính bạn, hoàn thành nhiều công việc và luyện tập sắp xếp lịch bằng các phần mềm số.
- Giải quyết vấn đề
Người quản lý kho hàng phải biết cách giải quyết các vấn đề phát sinh khi làm việc để duy trì hoạt động của cơ sở thuận lợi. Bạn có thể nâng cao khả năng giải quyết vấn đề của mình bằng cách thử chơi các trò chơi giải đố, xếp hình khuyến khích bạn tìm ra hướng đi và cách giải quyết.
- Dịch vụ khách hàng
Người quản lý kho hàng cần có một kỹ năng giao tiếp tốt, vì hầu hết những người ở vị trí này thường xuyên phải trao đổi với khách hàng. Bạn có thể nâng cao khả năng dịch vụ khách hàng của mình bằng cách luyện tập kỹ năng nghe và đưa ra các câu hỏi phù hợp khi trao đổi với khách hàng. Hãy tự phân tích các cuộc trò chuyện phức tạp trước khi họ bắt đầu để bạn có thể đưa ra các luận điểm quan trọng và trao đổi thuận lợi hơn.
- Khả năng lãnh đạo
Hầu hết quản lý kho hàng phải giám sát những người lao động, vận chuyển hàng hóa và nhân viên kho. Để dẫn dắt nhân viên thành công nhất, hãy thử cách tiếp cận tích cực ở chỗ làm, tạo động lực cho mọi người làm việc tốt nhất và hoàn thành vai trò là tấm gương đi đầu.
- Kỹ năng làm việc nhóm
Một kỹ năng khác khi lãnh đạo, đó chính là người quản lý kho hàng phải biết cách xây dựng nhóm hợp lý. Để khuyến khích các thành viên trong đội làm việc cùng nhau, hãy bắt cầu bằng việc phân nhiệm vụ rõ ràng cho từng nhân viên. Sau đó cố gắng xây dựng sự tin tưởng, giao tiếp cởi mở và khen thưởng cho các công việc được hoàn thành xuất sắc.
- An toàn và bảo mật
Với trách nhiệm là quản lý kho hàng, bạn cần phải nắm rõ về an toàn vật chất và an ninh cơ sở. Hầu hết các quản lý kho tiếp thu các kỹ năng này trong quá trình làm việc vì họ thường sẽ phân loại cụ thể cho các loại hàng hóa mà họ giám sát và cơ sở mà họ quản lý. Để hiểu rõ hơn, bạn hãy cân nhắc tham gia một khóa đào tạo tiêu chuẩn được công nhận bởi OSHA.
Môi trường làm việc của quản lý kho hàng
Các quản lý kho hàng thường quản lý số lượng lớn sản phẩm, từ các hàng hóa, nguyên vật liệu cho tới các sản phẩm bán lẻ. Hầu hết các quản lý sẽ làm việc toàn thời gian và không theo giờ hành chính tiêu chuẩn, phải điều chỉnh lịch của họ để nhận hoặc gửi hàng nếu cần thiết. Văn phòng làm việc của họ thường ở trong kho hàng.
Các bước để trở thành một quản lý kho hàng
Để trở thành một quản lý kho hàng, hãy xem qua bốn bước sau đây:
1. Nhận bằng phổ thông
Trước khi ứng tuyển vào vị trí quản lý kho hàng, hãy hoàn thiện chương trình trung học phổ thông. Hầu hết các nhà tuyển dụng sẽ chấp nhận bằng phổ thông hoặc GED. Với tấm bằng này, bạn có thể chắc chắn rằng bạn đã thành thạo các kiến thức cơ bản về toán học, khoa học, kỹ năng viết và giao tiếp. Hoàn thiện chương trình phổ thông hoặc tương tự, bạn có thể sẽ học được các kỹ năng mềm như tổ chức và giải quyết vấn đề.
2. Tiếp thu kinh nghiệm làm việc
Để trở thành một quản lý kho hàng, thông thường bạn sẽ cần phải có kinh nghiệm làm ở kho hàng từ hai năm trở lên. Ví dụ, bạn có thể làm việc với vai trò nhân viên vận chuyển hoặc ghi chép sổ sách trong một năm trước khi được thăng chức lên làm quản lý nhóm các năm sau đó.
3. Trau dồi các kỹ năng cần thiết
Trong khi tiếp thu các kiến thức về chuỗi cung ứng và vận chuyển, bạn có thể tìm kiếm các cơ hội khác để mài dũa các kỹ năng cần có của một quản lý kho hàng. Ví dụ, bạn có thể đăng ký các khóa học huấn luyện để trau dồi kỹ năng làm việc nhóm và dịch vụ khách hàng của bạn. Bạn cũng có thể kiến nghị thêm việc làm hoặc đề nghị làm quản lý dự án để phát triển khả năng lãnh đạo của mình.
4. Hoàn thành khóa đào tạo quản lý
Để đề cử mình lên vị trí hàng đầu phù hợp với vai trò này, hãy hoàn thiện chương trình đào tạo quản lý hoặc tiếp thu các kinh nghiệm quản lý nhân viên và công việc. Ví dụ bạn có thể đăng ký một khóa học huấn luyện ngay tại cơ sở làm việc hoặc đăng ký lớp học ở trường đại học hay trung tâm cộng đồng ở địa phương. Để có được kinh nghiệm trực tiếp, bạn có thể đảm nhận vai trò quản lý các đội nhóm điều này cho phép bạn lãnh đạo các dự án và quản lý các nhân viên khác.
Mẫu mô tả công việc quản lý nhà kho
Công ty vận chuyển Coastal hiện đang tìm kiếm một nhân viên quản lý nhà kho có tổ chức và nhiệt huyết để quản lý hoạt động thường nhật của chúng tôi. Ứng cử viên thành công được chọn sẽ quản lý khâu vận chuyển và tiếp nhận hàng hóa đồng thời duy trì tính chính xác trong mọi nhiệm vụ. Nếu bạn có khả năng phát triển nhân tài, tạo động lực cho nhân viên và cung cấp dịch vụ khách hàng chuyên nghiệp, hãy liên lạc với chúng tôi.
Ngành nghề liên quan
Tài xế lái xe tải: Nếu bạn thích việc vận chuyển hàng hóa hơn là điều hành và tiếp nhận các lô hàng, bắt đầu sự nghiệp là tài xế lái xe tải sẽ là một lựa chọn đúng đắn. Các tài xế sẽ sử dụng các phương tiện có biển quảng cáo cũng như đóng gói và dỡ hàng rồi vận chuyển chúng. Nhiều tài xế cũng sử dụng xe moóc kéo, vận chuyển các nguyên vật liệu và sản phẩm đi khắp các khu vực hay thậm trí là xuyên quốc gia.
Đại lý mua bán: Rất nhiều quản lý kho hàng chọn con đường đại lý là bước tiếp theo trong sự nghiệp của họ. Những chuyên gia này chịu trách nghiệm đánh giá sản phẩm, phỏng vấn nhà cung, thương lượng hợp đồng và xem xét các lời đề nghị. Các đại lý mua bán thường đóng vai trò lãnh đạo như các quản lý đại lý, sau này trên con đường sự nghiệp của họ.
————————–
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.
- Bài viết gốc: Indeed.com
- Tên người dịch: Nguyễn Thanh Hiền
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Thanh Hiền – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/10820
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 30