💦 Bạn đưa ra quyết định mỗi ngày, từ việc trưa nay ăn gì cho đến việc hôm nay sẽ đi con đường nào để đến cơ quan. Nhưng khi xem xét đến cụm từ “những quyết định khó khăn”, bạn có xu hướng nghĩ đến những điều lớn lao hơn, ví dụ như chấp nhận một lời mời làm việc, mua nhà hay yêu cầu tăng lương.
💦 Những quyết định khó khăn trong cuộc sống thậm chí còn lớn hơn nữa, bao gồm những quyết định về sức khỏe hoặc chăm sóc người thân. Lập kế hoạch cho một tương lai an toàn, lành mạnh và đảm bảo về tài chính có thể là định nghĩa của bạn về những quyết định khó khăn. Tuy nhiên, mỗi người mỗi khác. Một quyết định khó khăn với bạn có thể chẳng là gì so với người bạn thân của bạn.
Dù là như thế nào đi chăng nữa thì dưới đây là một số bước để giúp bạn chuẩn bị cho việc đưa ra những quyết định khó khăn trong cuộc sống của mình.
💥 1. Tưởng tượng kết quả mà mình mong muốn
Trước tiên, hãy nghĩ xem bạn muốn gì. Tưởng tượng không phải là một cái gì đó hão huyền mà nó có chủ đích. Các tổ chức vẫn thường xây dựng kế hoạch chiến lược xoay quanh tầm nhìn và những hình dung của họ. Không ít các nhà lãnh đạo, người có tầm ảnh hưởng, người nổi tiếng và vận động viên cho rằng việc hình dung tương lai từ trước là nguyên nhân dẫn đến thành công của họ. Hãy thử hỏi bất kỳ vận động viên đoạt huy chương vàng Olympic hoặc nhà tâm lý học thể thao về tầm quan trọng của việc này đối với thành tựu mà họ đã đạt được.
Bạn không cần phải ở vị trí cấp cao như họ mới có thể sử dụng chiến lược này cho những quyết định khó khăn. Vì vậy, hãy lùi lại một bước và dành chút thời gian để suy nghĩ và nếu có thể, ghi lại những mong muốn của bản thân mình
💥 2. Thu thập tất cả những gì cần thiết
Trước khi đưa ra bất cứ quyết định khó khăn nào — hay bất cứ quyết định nào — hãy bắt đầu bằng cách thu thập các thông tin để giúp bạn cụ thể hóa các lựa chọn của mình. Và điều khó khăn là khi đi sâu vào những chi tiết cụ thể.
Giả sử bạn đang cân nhắc xem nên theo học trường cao đẳng hay đại học nào (hoặc bạn là phụ huynh đang cân nhắc xem nên cho con mình đi học ở đâu). Yếu tố cần xét đến là tỷ lệ xếp lớp, học phí, chi phí ăn ở, các điều kiện khuôn viên trường, và tất nhiên, danh tiếng của họ trong ngành bạn đang định theo đuổi. Bước thu thập dữ liệu rất quan trọng để giúp bạn thu hẹp các lựa chọn của mình và làm rõ ràng hơn các lựa chọn tốt nhất. Nếu không, bạn sẽ bỏ lỡ những thông tin căn bản nhất cho quyết định của mình.
💥 3. Suy nghĩ kỹ từng lựa chọn
Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng bạn có thể gặp khó khăn nếu chỉ tập trung vào một lựa chọn duy nhất. Thay vào đó, hãy phân tích tất cả các lựa chọn thay thế và đường đi của mỗi lựa chọn. Hãy coi nó như một biểu đồ. Nếu bạn quyết định một con đường, con đường đó có thể dẫn đến đâu?
Nếu bạn cần quyết định một quá trình chữa bệnh, bạn nên xem xét tất cả các lựa chọn của mình. Việc cân nhắc thuốc thay thế, phương án B hoặc một phương pháp điều trị khác có thể giúp bạn cảm thấy tự tin hơn về con đường cuối cùng mình chọn.
💥 4. Xác định ưu và nhược điểm
Bạn có bài tập ưu nhược điểm thời còn đi học không? Chà, nó không lỗi thời như bạn nghĩ đâu. Viết các sự lựa chọn lên giấy sẽ giúp bạn có thể so sánh giữa chúng.
Ví dụ, bạn được đề nghị một công việc mới và không chắc liệu bạn có nên rời bỏ công việc hiện tại để đến với cơ hội mới này hay không. Hãy viết ra “ở lại” hoặc “đi” ở đầu trang của bạn và sau đó dưới mỗi tiêu đề, hãy viết ra tất cả ưu và nhược điểm của từng loại. Đây là lúc bạn dùng đến các dữ liệu nghiên cứu, ý kiến, lợi ích và rủi ro liên quan đến mỗi quyết định. Thông thường, cột có thông tin đầy đủ hơn là phương án tốt hơn cho bạn. Tuy nhiên, bạn vẫn còn một vài bước nữa để hoàn thành và giúp bạn tự tin hơn trước quyết định khó khăn của mình.
💥 5. Cân nhắc ý kiến của người khác
Nói chuyện với những người đã từng đi trên con đường lựa chọn giống bạn. Hãy chuẩn bị cho cuộc trò chuyện với những câu hỏi không chỉ tôn trọng thời gian của họ mà còn giúp bạn nhận được ý kiến và lời khuyên thực sự có ích. Những cuộc trò chuyện này cũng nên mở rộng đến vấn đề về gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người cố vấn, huấn luyện viên và tất nhiên, bất kỳ ai sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định khó khăn này. Họ không chỉ cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc mà còn có thể đóng vai trò như một ngọn hải đăng dẫn lối và giúp bạn không cảm thấy đơn độc trên con đường của mình.
Hãy nhớ rằng không phải quyết định nào cũng có thể dựa vào ý kiến đóng góp của người khác, và bạn sẽ phải tự mình đưa ra quyết định. Nhưng nếu những người khác sẽ bị ảnh hưởng bởi quyết định của bạn về sau thì họ có thể sẽ cảm thấy dễ chịu hơn với kết quả của quyết định đó nếu bạn hỏi ý kiến họ.
💥 6. Lường trước sự phản đối từ mọi người
Mặc dù không ai muốn nhưng bất kỳ quyết định nào cũng sẽ có ít nhiều sự phản đối. Sẽ có những người khác không đồng tình với lựa chọn mà bạn đưa ra, và chắc chắn họ sẽ cho bạn biết điều đó.
Hãy nhớ rằng, bạn không thể làm hài lòng tất cả mọi người và bạn cũng không nên cố gắng làm điều đó. Nếu không, bạn sẽ để cảm xúc — mà không phải thực tế — chiếm lĩnh tâm trí và điều này có thể làm lu mờ khả năng phán đoán của bạn. Mặc dù sẽ có một số cảm xúc trong quá trình đưa ra quyết định nhưng bạn nên dựa vào những gì mình đã hoàn thành và những dữ liệu cũng như ý kiến đã thu nhập được.
Khi ai đó lên tiếng phản đối, hãy cho họ biết rằng ý kiến đó đã được tiếp thu và tôn trọng. Làm như vậy, bạn sẽ xoa dịu lo lắng của họ và sau này vẫn có thể xin lời khuyên từ những người này.
💥 7. Sẵn sàng sửa sai
Nếu lúc đầu bạn không thành công, hãy thử và thử lại. Không ai là hoàn hảo – bạn là con người và sai lầm sẽ không thể tránh khỏi. Nhưng khi mắc lỗi, sẽ có người hỗ trợ nếu bạn cần.
Đổ lỗi cho người khác (hay cho chính bản thân bạn) về những sai lầm là hành động không nên. Thay vào đó, hãy tự hào về công việc mà bạn đã làm để có được điều này. Và hãy nhớ rằng, ở bước trước đó, bạn đã vạch ra các lựa chọn, con đường và kết quả cho phương án thứ hai. Và việc bạn đã lên kế hoạch cho thất bại sẽ giúp bạn tự tin hơn.
💥 8. Hãy tự tin vào quyết định của bạn
Bây giờ, bạn đã sẵn sàng để đưa ra quyết định khó khăn của mình. Bạn nên cảm thấy tự tin về sự lựa chọn của bản thân. Bạn cũng nên cảm thấy tự hào vì đã làm đến bước này.
Nếu bạn chưa hoàn thành, hãy bắt đầu nghi ngờ hoặc lo lắng về sự lựa chọn mà bạn đang đi. Nếu bạn cảm thấy còn nhiều việc nữa phải làm và không tự tin về quyết định của mình, hãy quay lại bước một và hình dung ra những kết quả mới.
💥 9. Tin tưởng vào bản thân
Các nhà lãnh đạo nổi tiếng, các ông trùm kinh doanh và các chuyên gia trong ngành đều có một điểm chung: tin tưởng vào bản thân. Họ một lòng tin tưởng rằng một khi họ đã đến thời điểm này để đưa ra một quyết định khó khăn, họ phải tin tưởng vào chính mình.
Bạn đã nghe thấy cụm từ, “hãy tin tưởng vào chính mình.” Trực giác thực sự có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa ra các quyết định khó khăn. Bằng chứng khoa học chỉ ra cách các dấu hiệu soma — những cảm giác bên trong cơ thể, như nhịp tim cao, phù hợp với cảm xúc — thường điều khiển khả năng đưa ra quyết định.
Khi mọi thứ trở nên không rõ ràng, hãy khám phá xem cuối cùng mỗi lựa chọn sẽ khiến bạn cảm thấy như thế nào. Và trong một số trường hợp, giống như bản năng đầu tiên đối với các câu trả lời trong bài kiểm tra, trực giác của bạn bị kích thích. Chắc chắn rằng bạn sẽ cảm thấy căng thẳng về một quyết định khó khăn nhưng nó không đến mức làm giảm khả năng đưa ra quyết định khó khăn của bạn.
Steve Jobs đã sẵn sàng thừa nhận rằng không phải lúc nào ông cũng có câu trả lời hoặc đưa ra quyết định đúng đắn. Nhưng một khi đã sẵn sàng đưa ra quyết định khó khăn, ông tin rằng: “Bạn phải tin tưởng vào một điều gì đó — trực giác, số phận, cuộc đời, nghiệp chướng của bạn hay bất cứ điều gì. Cách tiếp cận này chưa bao giờ khiến tôi thất vọng, và nó đã tạo ra tất cả sự khác biệt trong cuộc đời tôi ”.
💥 10. Đưa ra quyết định khó khăn của bạn
Mặc dù những quyết định khó khăn trong cuộc sống không hề dễ dàng và cũng không phải lúc nào chúng mang lại niềm vui. Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn một khi đã quyết định xong. Vì vậy, hãy dành một chút thời gian để ghi nhận công sức và sự chu đáo mà bạn đã dành ra. Có rất nhiều thứ đã đến với bạn vào thời điểm này. Do đó, bạn nên cảm thấy hài lòng về cuộc hành trình của mình. Bây giờ đã đến lúc cam kết và hành động.
💦 Lời kết
Bạn sẽ phải đối mặt với việc đưa ra những quyết định khó khăn trong suốt cuộc đời của mình, nhưng bằng cách thực hiện qua các bước này, bạn sẽ thấy quá trình quyết định dễ dàng hơn nhiều. Sự tự tin và rõ ràng của bạn sẽ tăng lên khi bạn hình dung ra các kết quả tích cực và thu thập đủ thông tin cần thiết.
Hãy nhớ rằng bạn có thể thừa nhận sai lầm và sửa sai, nhưng nếu bạn đưa những người khác vào quá trình ra quyết định của mình, bạn sẽ có được sự ủng hộ. Có quá nhiều quyết định được đưa ra một cách nhẹ nhàng mà không có bất kỳ kế hoạch nào — nhưng bạn không nên làm như vậy. Bây giờ, bạn có một kế hoạch hành động để đưa ra những quyết định khó khăn trong cuộc sống. Vì vậy, hãy bắt tay thôi!
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.
Nguồn:
▪︎ Tác giả: Kim Monaghan
▪︎ Link bài viết gốc: TẠI ĐÂY.
▪︎ Dịch giả: Phạm Khánh Linh Trang
▪︎ Khi chia sẻ cần trích dẫn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Dịch giả: Phạm Khánh Linh Trang – Nguồn: iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/5738
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 23