Tôi được biết đến Sandra như một chuyên gia kinh doanh thành công với những kỹ năng lãnh đạo xuất chúng. Cô ấy đang chuẩn bị cho một vị trí lãnh đạo cấp cao, và cô phù hợp một cách hoàn hảo với nhiệm vụ huấn luyện mà tôi ưa thích. Tôi yêu thích việc được làm việc với những người phụ nữ thành đạt đang mong muốn trở nên hiệu quả hơn nữa.
Và nó đáng lẽ phải là một cú shock đối với tôi khi vào những phút cuối của buổi gặp gỡ, người phụ nữ tài năng và thành công ấy quay sang nói với tôi,
Tôi muốn chị biết rằng thực sự tôi đã lo lắng như thế nào khi tới gặp chị. Tôi sợ rằng mình không đủ xứng đáng để làm việc cùng chị đâu đấy.
Nhưng tôi cũng không quá bất ngờ vì tôi cũng từng nghe về những điều tương tự trước đó — nhưng chỉ từ những khách hàng nữ mà thôi.
Hội chứng “kẻ mạo danh” là nỗi sợ hãi bị phơi bày là kẻ giả dối, là cảm giác không xứng đáng với những thành công của bản thân, hay không đủ năng lực như những người khác. Cả hai giới đều có nguy cơ trải qua Hội chứng “kẻ mạo danh”, nhưng phụ nữ thì dễ bị mắc chứng này hơn cả và bị nó ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều.
Sự tự nghi ngờ bản thân của một người phụ nữ có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự nghiệp của cô ấy, như nghiên cứu đã chỉ ra, phụ nữ thường ít thúc đẩy việc tăng lương hay thăng chức hơn đàn ông trong công việc. Một nghiên cứu nội bộ của Hewlett-Packard cho thấy rằng phụ nữ chỉ nộp đơn xin việc khi họ cảm thấy phù hợp 100%; trong khi đàn ông sẽ nộp đơn ngay cả khi họ không đạt hơn 60% yêu cầu tuyển dụng.
Nghiên cứu chỉ ra giữa đàn ông và phụ nữ có những khác biệt thuộc tính rõ ràng trong việc phản ứng lại với thành công hay thất bại. Đàn ông thường cho rằng thành công đến từ những yếu tố cá nhân (năng lực của họ, tài năng, sự cố gắng) còn thất bại là do yếu tố bên ngoài. Phụ nữ thì làm điều ngược lại: họ cho rằng thành công là do yếu tố may mắn, còn thất bại là do sự thiếu sót của bản thân.
Tin tốt là nếu bạn đã rơi vào cái bẫy của Hội chứng “kẻ mạo danh”, bạn sẽ không phải mắc kẹt trong đó mãi. Đây là những cách bạn có thể áp dụng để vượt qua nó:
🌊1. Nắm rõ thành công của bạn
Nhiều năm trước tôi từng giúp đỡ một phụ nữ khi cô ấy đang chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn xin việc của mình. Tôi hỏi cô ấy về những thứ mà cô nghĩ rằng mình làm cực kỳ xuất sắc mà cô muốn nhà tuyển dụng tiềm năng biết được. Cô ấy đã im lặng trong vài giây. Cuối cùng, cô thở dài và trả lời,
Tôi thực sự không biết nữa. Tôi làm tốt được rất nhiều thứ, nhưng tôi không nhận ra những điều đó.
Năng lực không có mấy mối quan hệ với sự tự tin. Chỉ khi bạn nhận thức được bạn giỏi giang thế nào thì bạn mới trở nên tự tin được.
Một lời khuyên ưa thích của tôi cho việc tăng cường nhận thức này đó là hãy tự tạo cho mình một bản ghi chép thành tựu. Mỗi ngày (thường là vào cuối ngày) hãy viết lại tất cả những gì bạn cảm thấy tự hào, những tình huống mà bạn đã xử lí tốt. Bạn sẽ thấy những thành công vụn vặt đó, khi được ghi chú lại và xem lại nhiều lần, sẽ dần tạo ra những thay đổi tích cực trong cách mà bạn nhìn nhận bản thân.
Và đừng đánh giá thấp những thành tựu của chính bạn. Không ai có thể đạt được đến mức độ thành công đó nếu không có tài năng và sự chăm chỉ. Thậm chí nếu sự may mắn có đôi phần đóng góp cho sự nghiệp của bạn (như trong trường hợp của tôi là hàng đống lần không kể xiết), nó cũng không phải là tình cờ hay một định mệnh kỳ quặc chuẩn bị sẵn cho bạn để bạn có thể tận dụng lợi thế của những cơ hội bày ra sẵn.
Cuối cùng, đừng cố gắng giảm thiểu hay chối bỏ những lời khen ngợi bằng cách quy cho thành công của bạn là do người khác hay những yếu tố bên ngoài. Lần tiếp theo khi có ai khen ngợi, bạn hãy cứ nói “Cảm ơn.”
🌊2. Hãy lên tiếng và khẳng định vị thế của bạn
Có rất nhiều phụ nữ khi tham dự các buổi họp chỉ ngồi về phía sau, như thể đang chờ đợi hay cần được mời để lên tiếng. Nếu điều ấy cũng đúng với bạn, tôi khuyến khích bạn nên dừng việc chờ đợi ấy lại — hãy tự mời bản thân đứng dậy và lên tiếng.
Phụ nữ cũng dễ rơi vào thói quen “đợi đến lượt mình” khi kìm nén chính mình tại các buổi họp. Khi bạn không nói ra và nhập cuộc như một thành viên năng động trong các buổi thảo luận, bạn trông chẳng hề lịch sự hay ngại ngùng — mà bạn trông thiếu hiểu biết và không hứng thú. Những hành vi này phổ biến tới mức mà cố Ngoại trưởng Madeline Albright đã khuyên các phụ nữ trẻ hãy ‘Học cách ngắt lời’. Ít nhất hãy bắt đầu bằng cách đưa ra lời nhận xét (hoặc hỏi một câu hỏi) vào khúc đầu của buổi họp, để quen với việc lên tiếng – và cũng để những người tham gia khác làm quen với việc nghe thấy giọng của bạn.
Bạn không chỉ cần lên tiếng với âm lượng đủ to để người khác nghe được rõ ràng, mà còn phải nói vừa trực tiếp vừa ngắn gọn nữa. Khi cấu trúc lời nhận xét của bạn giống như một mẩu tin (tiêu đề trước và luận điểm bổ sung phía sau đó), thông tin bạn đưa ra có tầm ảnh hưởng hơn nhiều. Đừng thêm những hậu tố khiến cho bạn trở nên bất an và thiếu mạnh mẽ:
Tôi không biết mọi người có đồng ý hay không, tôi không phải chuyên gia nhưng mà…, hay Nó có thể là một câu hỏi ngốc nghếch.
Hãy nhớ rằng: bạn ở cuộc họp này vì bạn xứng đáng, và quan điểm của bạn có giá trị riêng của nó.
🌊3. Tiếp thêm sức mạnh cho ngôn ngữ cơ thể của bạn
Nếu bạn nghĩ rằng ngôn ngữ cơ thể chẳng giống như một chủ đề “thú vị” dành cho phụ nữ giới kinh doanh, thì hãy nghĩ lại đi. Kỹ năng giao tiếp không qua lời nói không chỉ thú vị, mà chúng còn là một phần quan trọng giúp ta thoát khỏi cái bẫy của Hội chứng “kẻ mạo danh”.
Nhìn chung, phụ nữ thường đọc các tín hiệu phi ngôn ngữ tốt hơn đàn ông, nhưng họ lại khó nhận thức được hơn về việc cần thể hiện bản thân mình như thế nào để có thể phô trương sự uy tín, tự tin cũng như sức mạnh của mình.
Ngôn ngữ cơ thể có thể làm hư hại hình ảnh về con người thực của bạn bằng cách khiến bạn trông thiếu chắc chắn và thiếu an toàn. Hãy nhớ rằng mỗi khi bạn co rụt đôi vai lại, thu hẹp về phía ngực, và chụm khuỷu tay chặt về phía eo (phụ nữ làm những điều này nhiều hơn đàn ông), bạn đang làm giảm thiểu uy tín của chính mình.
Ngược lại, địa vị và quyền thế thường được biểu hiện phi ngôn ngữ thông qua chiều cao và khoảng không gian. Chỉ cần giữ cho dáng người đứng thẳng, vai ngả về sau, đầu ngẩng cao là bạn có thể (cảm thấy) tự tin hơn vào bản thân mình. Khi đứng dậy, ngay lập tức bạn sẽ có được ưu thế về địa vị hơn so với những người đang ngồi. Khi đi lại xung quanh, những khoảng không gian mà bạn chiếm dụng sẽ càng làm khắc sâu thêm ấn tượng đó. Khi bạn đứng với hai chân rộng bằng hông, bạn trông vững chãi hẳn. Khi bạn ngồi, bạn sẽ cảm thấy chắc chắn hơn khi đặt hai lòng bàn chân trên mặt sàn thay vì bắt chân chéo qua nhau. Đồng thời, khi ngồi, cố gắng gia tăng khoảng không gian của bạn bằng cách mở rộng cánh tay ra bên ngoài và đặt tay lên bàn hội nghị hoặc tựa một khuỷu tay lên lưng ghế.
Bạn chẳng cần phải biến mình thành một ảo thuật gia để thoát khỏi chiếc bẫy từ Hội chứng “kẻ mạo danh” này. Chỉ cần bắt đầu bằng việc nhận ra rằng chính bạn, cũng như Sandra khách hàng của tôi, đều RẤT xứng đáng để làm việc cùng!
Nghiên cứu với những lãnh đạo cấp cao ở Thung lũng Silicon cho thấy tiêu chí đầu tiên cho việc thăng tiến là tính quan sát được. Hãy tự hỏi mình rằng: Những lãnh đạo của công ty bạn đã rõ ràng về tài năng cũng như biểu hiện làm việc của bạn chưa? Nếu chưa, bạn cần gia tăng tầm ảnh hưởng của mình bằng cách tự nguyện tham gia các dự án chủ chốt, đề nghị thuyết trình, quảng bá thành công của đội nhóm bạn, và tham gia tích cực trong tổ chức sự nghiệp của bạn.
Một nhà lãnh đạo thông tuệ là nữ giới đã nói như thế này:
Sẽ không đủ nếu hình ảnh lỗi lạc về bạn chỉ tồn tại trong tâm trí bạn. Bạn cần phải khiến cho những người khác nhận thức được tài năng cũng như thành tựu của mình. Bạn cũng cần phải mở rộng và nâng cao mạng lưới quan hệ cũng như tìm kiếm những người cố vấn và nhà tài trợ để chỉ dẫn và giúp đỡ bạn thăng tiến.
_______________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: theladders
- Người dịch: Hoàng Khánh Linh.
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là: “Người dịch: Hoàng Khánh Linh – Nguồn iVolunteer Vietnam”.
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9043
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 26