Đề cập đến các câu hỏi liên quan tới vấn đề lương bổng trong một cuộc phỏng vấn xin việc luôn vừa kích thích lại vừa lo sợ. Tựu chung lại, thì mức lương cho một vị trí việc làm thường sẽ là một trong những lý do lớn cho việc tại sao bạn hứng thú với công việc đó ngay từ đầu. Tuy nhiên, đồng thời, tiền bạc có thể trở thành một vùng nước ngầm đầy tranh cãi có thể đánh chìm cuộc phỏng vấn ngay trước cả khi nó bắt đầu. Những ứng viên thông minh đều nhận thức được điều đó—và để giúp bạn trở thành một trong những ứng viên đó, dưới đây là một vài mẹo nhỏ cho việc trả lời những câu hỏi liên quan tới tiền lương trong một cuộc phỏng vấn. Câu hỏi của nhà tuyển dụng có vẻ đơn giản. “Bạn mong đợi mức lương như thế nào cho vị trí này?” Trong khi bối cảnh cũng là một yếu tố quan trọng và bạn có thể muốn làm rõ kỳ vọng của mình trong vài điều kiện cụ thể, một lời khuyên chung nhất cho việc trả lời các câu hỏi này cũng đơn giản không kém: đừng trả lời gì cả. Bằng việc không đưa ra câu trả lời, bạn khiến cho nhà tuyển dụng phải tò mò suy đoán trên mọi mặt và tránh được việc chỉ đóng khung một mức lương nhất định cho bản thân mình.
💥Làm thế nào để không trả lời thẳng câu hỏi về lương bổng trong một cuộc phỏng vấn
Nếu bạn trực tiếp trả lời một con số cụ thể, bạn sẽ đối mặt với ba nguy cơ sau đây: tự hạ thấp bản thân, đánh giá cao bản thân, hoặc lại khiến cho nhà tuyển dụng thấy được rằng bạn không có chiến lược và năng lực như họ đã nghĩ. Nếu mức lương kỳ vọng của bạn cao hơn hẳn những gì công ty tình nguyện bỏ ra, bạn không chỉ làm tổn hại đến cơ hội nhận việc của mình vì công ty đó sẽ nghĩ bạn nằm ngoài tầm với của họ, mà bạn còn khiến hình ảnh của bản thân xấu đi vì dường như bạn đã không nghiên cứu tình trạng tài chính của họ cẩn thận trước đó. Và những điều bất lợi khi bạn tự hạ thấp chính mình thì thì không cần phải nói: hoặc là công ty sẽ nghĩ bạn là một lao động giá rẻ và vì thế không phải là một ứng viên đủ năng lực xứng đáng được tuyển, hoặc là họ sẽ vẫn thuê bạn nhưng với mức lương thấp hơn hẳn những gì họ định đề nghị lúc đầu, và về cơ bản là bạn đang phung phí số tiền mình đáng được nhận. Không ổn một chút nào!
💥Làm thế nào để “ăn trọn điểm” ở những câu hỏi về mức lương kỳ vọng
Nếu bạn là một người nhạy bén, bạn sẽ biết cách trả lời những câu hỏi kiểu này trong một cuộc phỏng vấn. Khi chuyển tới chủ đề này, bạn chỉ cần đơn giản trả lời với những kiểu biến đổi của câu “anh/chị nói trước đi”. Nói dễ hơn làm, phải vậy không? Sai nhé. Thực hành cũng dễ y như lý thuyết. Sau đây là một ví dụ về một cuộc phỏng vấn tôi từng thực hiện, mà nó đã giúp tôi thành công có được một thư mời nhận việc. Người phỏng vấn hỏi tôi câu hỏi kinh hãi về mức lương đó, mà tôi đã trả lời bằng cách rất thoải mái nói rằng “Thế này đi, vì bên công ty các anh hẳn đã có sẵn một mức lương nhất định cho vai trò này, thế nên việc kỳ vọng của tôi là gì có vẻ không quan trọng lắm—vậy tại sao chúng ta không thảo luận xem các anh có thể chuẩn bị đưa ra những mức lương nào nhỉ?”
Không hề mắc lỗi, đây là một cách tiếp cận táo bạo và nó yêu cầu bạn phải đồng thời tự tin, mạnh dạn và cũng có thể bình tĩnh dưới áp lực. Nhưng nếu bạn muốn thẳng thắn với bên phỏng vấn và yêu cầu họ rành mạch và rõ ràng, thì có vài trường hợp có thể xảy ra:
- Họ thấy được sự quyết tâm của bạn. Nếu bạn có khả năng né tránh một câu hỏi và trả ngược lại nó, thì điều đó thể hiện rằng bạn là một nhà chiến thuật cừ khôi và, nói rộng ra, một nhân lực quý giá mà bất kể công ty nào có được sẽ thật may mắn.
- Nó khiến cho họ phải suy đoán và giúp bạn có được các “dữ liệu cứng”. Họ không có cơ hội biết được mức giá trị của bạn trong quá khứ vì bạn không tiết lộ điều gì với họ cả, và do đó, nó khiến cho họ phải đưa ra một mức đề nghị hấp dẫn, nếu không muốn nói là tốt nhất ngay lập tức.
- Nó cho phép bạn xoay chuyển tình thế. Nếu đề nghị mà nhà tuyển dụng đưa ra không thực sự hấp dẫn nhưng bạn vẫn cảm nhận được họ đang hứng thú và muốn giữ bạn lại, đây chính là cơ hội hoàn hảo để yêu cầu thêm một chút nữa với đôi lời như sau: “Cảm ơn vì đã thông tin cho tôi nhé. Mức lương ấy khá gần với kỳ vọng của tôi, vốn vào khoảng…” Vào lúc này, bạn có thể đưa ra bất kỳ con số nào mà bạn nghĩ là hợp lý, dựa trên việc nghiên cứu thị trường và việc bạn đã tìm hiểu về tiềm lực của công ty trước khi phỏng vấn.
- Bạn có thể dốc toàn lực và được ăn cả, ngã về không. Nếu bạn không hài lòng với con số được đưa ra bởi công ty trước khi nhận lời làm việc, bạn có thể nói kiểu như thế này: “Sau những nghiên cứu và tìm hiểu cẩn thận, có vẻ như là việc tìm chỗ ở mới/sắp xếp chuẩn bị đi lại sẽ là khó khăn với mức lương như vậy, nên tôi cân nhắc sẽ không nhận đề nghị này.” Bạn sẽ có nguy cơ khiến cho nhà tuyển dụng lo sợ và mất đi cơ hội đó, nhưng cũng có thể họ sẽ nâng mức lương đề nghị của họ lên. Tuy vậy, hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng mất tất cả trước nếu bạn muốn chơi kiểu này.
💥Ý kiến của chuyên gia về việc trả lời các câu hỏi liên quan đến tiền lương
Chính vì lẽ đó, có thể dễ dàng thấy rằng vì sao một câu trả lời chiến lược kiểu “không trả lời” là một lựa chọn khá thông minh cho hầu hết tình huống liên quan đến vấn đề này. Nhưng đừng chỉ tin những lời tôi không thôi nhé; các chuyên gia khác cũng đồng ý rằng im lặng chính là vàng.
Melissa Llarena, đại diện cho Forbes, đã viết lên những suy nghĩ riêng của bà về việc làm thế nào có thể trả lời câu hỏi này và cũng đưa ra một kết luận tương tự: “Cần tự tin mà cũng phải linh hoạt cho đến khi bạn tới được giai đoạn lời đề nghị làm việc được hình thành.” Đừng tự ném đá vào chân mình bằng cách đưa ra một mức lương sừng sững sẵn đó trước khi lời mời làm việc được đưa ra. Sau cùng thì, mục đích cuối cùng của quá trình phỏng vấn luôn là tiến tới giai đoạn trao đổi đề nghị, vậy nên hãy cứ luôn trong trạng thái sẵn sàng cho đến thời điểm quyết định xem bạn thành hay bại. Sau đó, khi nhà tuyển dụng đã cam kết với bạn bằng một mức đề nghị, thì hãy trình bày quan điểm của bạn.
Alison Green cũng đưa ra những lời khuyên tương tự trên tờ tạp chí Báo cáo Tin tức Hoa Kỳ & Thế giới. Mẹo nhỏ quan trọng mà bà đưa ra là: “Nếu bên phỏng vấn liên tục thúc đẩy bạn đưa ra một con số cụ thể, mà bạn lại cứ liên tục từ chối nó, bạn có nguy cơ bị coi là khó ưa hay đơn giản hơn là bị loại luôn khỏi cuộc đua này.” Hãy đọc tình huống—nếu bên tuyển dụng không muốn để cho bạn mập mờ, thì hãy thẳng thắn luôn và nói ra một con số cụ thể, không phải một khoảng lương, mà khiến bạn thực sự cảm thấy thoải mái.
💥Điều quan trọng nhất khi trả lời những câu hỏi về mức lương kỳ vọng
Có một vài tình huống cụ thể mà bạn rất cần phải nói thẳng về những mong muốn của mình. Ví dụ như là, nếu bạn ứng tuyển cho một vị trí cấp cao và công ty mới này không dám chắc họ có thể đáp ứng mức lương của bạn hay không, bạn nên bày tỏ thẳng thắn rằng mức lương yêu cầu của bạn có thể thương lượng được và những nhiệm vụ của công việc này, chứ không phải lương bổng của nó, mới là điều thực sự hấp dẫn bạn. Nhưng nếu bạn không thực sự hoàn toàn đam mê và khao khát vị trí đó tới mức sẵn sàng bớt đi một chút tiền, ít có khả năng bạn sẽ thích lối đi này.
Tựu chung lại, đừng tiết lộ quá nhiều ngay từ đầu. Cứ bình tĩnh, lật ngược lại vấn đề cho nhà phỏng vấn nếu bạn có thể, và trên hết, đừng để sự ngây ngô khiến bạn thất bại ê chề. Khi nhà tuyển dụng hỏi bạn về mức tiền lương bạn mong đợi, họ đang chuẩn bị trói buộc giá trị của bạn vào mấy con số cụ thể—vì thế hãy làm họ bỏ ra một khoản đáng kể cho điều đó.
______________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: theladders
- Người dịch: Hoàng Khánh Linh.
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là: “Người dịch: Hoàng Khánh Linh – Nguồn iVolunteer Vietnam”.
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9188
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 33