Phỏng vấn thường rất căng thẳng, nhưng phỏng vấn vị trí quản lý còn căng thẳng hơn. Khi bạn cố gắng chứng minh rằng bạn là người sếp tốt thì áp lực sẽ gia tăng. Bạn cần biết chính xác cách thể hiện kỹ năng quản lý của mình trong phỏng vấn mà không chút lo lắng.
Mỗi người quản lý đều có phong cách lãnh đạo khác nhau, vì vậy khi bước vào cuộc phỏng vấn vị trí quản lý, mục tiêu chính của bạn là giải thích cho người phỏng vấn cách bạn xử lý công việc và tại sao bạn là người tốt nhất làm điều đó cho công ty của họ. Lúc này, các nhà quản lý nên nắm vững 2 điều là kế hoạch và chuẩn bị.
Người trưởng phòng tuyển dụng, nhân viên phòng nhân sự, nhà tuyển dụng hoặc bất kỳ ai khác khi phỏng vấn bạn đã có kinh nghiệm quản lý. Vì thế nên không gì có thể đánh lừa được người phỏng vấn nếu bạn chưa chuẩn bị kỹ càng, chu đáo.
Cho dù bạn đã quản lý số lượng lớn nhân viên, giám sát các dự án, quản lý toàn bộ các phòng ban hay đang phỏng vấn cho vị trí quản lý đầu tiên của mình, thì điểm chính mà bạn thể hiện cho người phỏng vấn thấy là bạn có thể lãnh đạo.
💥Kỹ năng quản lý là gì?
Để thể hiện kỹ năng quản lý của bạn khi phỏng vấn, trước tiên cần phải hiểu rõ những kỹ năng nào là cần thiết cho người quản lý – đặc biệt với từng vị trí cụ thể. Từ đó, bạn có thể xem lại kinh nghiệm làm việc của mình và đưa ra các ví dụ cụ thể về những kỹ năng này, chuẩn bị nói trong cuộc phỏng vấn.
Dưới đây là danh sách một số kỹ năng quản lý chính cùng với các ví dụ về cách bạn có thể làm nổi bật những kỹ năng đó trong phỏng vấn và các câu hỏi bạn có thể tự hỏi để hiểu rõ hơn về bộ kỹ năng của chính mình.
- Lập kế hoạch: Bạn đã sử dụng những chiến lược nào để đặt mục tiêu và đạt được chúng trong vai trò lãnh đạo trước đây của mình? Sử dụng các ví dụ có thể thấy được để giải thích quy trình bạn lập kế hoạch và lập như thế nào trong quá khứ. Đây là thời điểm tuyệt vời để sử dụng dữ liệu từ các dự án thành công nhằm cho thấy rằng cách bạn lập kế hoạch thực sự mang lại hiệu quả.
- Ủy thác: Một nhà quản lý giỏi sẽ biết cách giao nhiệm vụ và ủy quyền tốt. Để thể hiện kỹ năng ủy quyền của bạn khi phỏng vấn, hãy sử dụng ví dụ về những lần bạn đã chuyển giao thành công nhiệm vụ cho đúng người để hoàn thành công việc.
- Giao tiếp: Phong cách giao tiếp của bạn là gì và nó phục vụ bạn như thế nào với tư cách là một nhà quản lý? Bạn cũng có thể nghĩ lại những lần bạn gặp khó khăn trong giao tiếp và nêu chi tiết những gì bạn đã làm để giải quyết vấn đề.
- Hỗ trợ: Bạn thể hiện việc giúp đỡ với nhóm trước đây của mình như thế nào? Trong cuộc phỏng vấn, bạn có thể lấy ví dụ về các thủ tục mà bạn triển khai để hỗ trợ nhóm của mình tốt hơn và giải thích, nêu ví dụ cụ thể những trường hợp mà sự giúp đỡ này được đền đáp. Có thể bạn tổ chức các cuộc họp riêng hàng quý để lấy ý kiến phản hồi nhằm tìm ra khoảng cách trong giao tiếp hoặc bạn bắt đầu một chương trình cố vấn. Đây là những ví dụ cụ thể về người quản lý thực hiện kỹ năng hỗ trợ nhân viên.
- Giải quyết vấn đề: Bạn tiếp cận các vấn đề trong công việc như thế nào? Cung cấp cho người phỏng vấn các ví dụ cụ thể về các vấn đề mà bạn đã giải quyết và nêu rõ các bước thực hiện để vượt qua vấn đề đó. Hãy cho nhà tuyển dụng biết rằng bạn không ngại gặp thử thách với tư cách là người quản lý.
- Động lực: Khi một nhóm không có động lực, họ sẽ ít có khả năng thành công hơn. Bạn đã dẫn đầu một hoạt động xây dựng nhóm hoặc cuộc thi giữa các nhân viên để thúc đẩy nhân viên của bạn đạt được mục tiêu, phải không? Bạn có thể chia sẻ những câu chuyện ngắn với người phỏng vấn về những thời điểm bạn vận hành nhân viên đạt được mục tiêu và cách làm như thế nào.
Ngoài việc chuẩn bị các ví dụ về kỹ năng quản lý kể trên, bạn cũng nên nắm chắc phong cách quản lý của mình. Người phỏng vấn thường hỏi về phong cách quản lý của bạn, vì vậy hãy chuẩn bị để trao đổi về phong cách quản lý nói lên điều gì về bạn với tư cách là nhà lãnh đạo.
Ngay cả khi bạn không có kinh nghiệm quản lý trực tiếp, bạn vẫn có thể tìm kiếm cơ hội trong cuộc phỏng vấn để nâng cao những kỹ năng này khi nói về kinh nghiệm làm việc. Các ví dụ có thể khác nhau nhưng các kỹ năng bạn sử dụng đều giống nhau, ví dụ như bạn dẫn dắt một chiến dịch thành công hoặc giải quyết vấn đề giao tiếp giữa các đồng nghiệp.
💥Cách chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn vị trí quản lý
Trước khi bạn bước vào cuộc phỏng vấn vị trí quản lý, hãy dành một chút thời gian để chuẩn bị. Thông thường, các cuộc phỏng vấn vị trí quản lý có ít câu hỏi đơn giản hay ít câu hỏi phổ biến và có nhiều câu hỏi bắt đầu như “Hãy kể cho tôi nghe về thời điểm…” hoặc “Cho tôi một ví dụ về…” để hiểu sâu hơn cách bạn lãnh đạo.
Trong khi những câu hỏi này có ý nghĩa cực kỳ lớn với người phỏng vấn thì chúng là thách thức với người ứng tuyển để trả lời. Đó là lý do tại sao tốt nhất là bạn nên chuẩn bị câu trả lời của mình trước và ghi nhớ những gì bạn sẽ nói dù ít hay nhiều khi đến thời điểm. Giống như bạn làm trong sơ yếu lý lịch, hãy sử dụng các động từ chỉ hành động như khởi xướng, huấn luyện, phát triển, đạt được, hướng dẫn và định hướng để thể hiện tốt nhất các kỹ năng quản lý của bạn.
Ngay cả khi câu trả lời bạn chuẩn bị không phải đúng nguyên văn cách bạn giải thích mọi thứ trong cuộc phỏng vấn, việc chuẩn bị giúp bạn nắm bắt tốt hơn những gì bạn muốn nói và bạn sẽ ít phải mò mẫm khi trả lời.
Dưới đây là một số bước chuẩn bị mà bạn có thể làm để thể hiện kỹ năng quản lý của mình trong buổi phỏng vấn:
- Tìm hiểu về công ty: Tìm hiểu trực tuyến các công ty, tiếp cận với bất kỳ mạng lưới mối liên hệ nào của bạn để biết thêm thông tin chi tiết về cách công ty hoạt động, mục tiêu và cách công ty vận hành. Về cơ bản, hãy làm các bài tập. Kiến thức này giúp bạn điều chỉnh các câu trả lời đã chuẩn bị cho các câu hỏi phỏng vấn đánh giá kỹ năng quản lý.
- Xem lại bản mô tả công việc: Đọc lại thông tin đăng tuyển để hiểu cách bạn làm nổi bật nhất các kỹ năng quản lý cần thiết mà công ty đang tìm kiếm trong cuộc phỏng vấn. Ví dụ, bản mô tả công việc liệt kê giải quyết vấn đề như một kỹ năng mong muốn có nghĩa là bạn nên chuẩn bị nói về kinh nghiệm trước đây của bạn về kỹ năng giải quyết vấn đề này khi phỏng vấn.
- Tham khảo sơ yếu lý lịch của bạn: Xem qua sơ yếu lý lịch của bạn để biết lấy ví dụ về kỹ năng quản lý mà bạn có thể giới thiệu trong cuộc phỏng vấn. Lấy các con số cụ thể từ đây để hỗ trợ việc giải thích của bạn và cung cấp lộ trình về cách bạn hướng dẫn một người phỏng vấn thông qua kinh nghiệm quản lý của mình.
- Chuẩn bị và luyện tập: Xem qua những gì bạn sẽ nói về kỹ năng quản lý của mình và luyện tập đưa các ví dụ hỗ trợ cho các kỹ năng liệt kê ở trên. Có thể hữu ích nếu bạn viết ra những điều bạn muốn nói, đọc qua và sau đó luyện nói thành tiếng.
- Lập danh sách các câu hỏi: Hãy nghĩ đến những câu hỏi mà bạn có thể hỏi trong cuộc phỏng vấn và viết ra giấy. Hiểu rõ về mục tiêu dài hạn, văn hóa hoặc kỳ vọng của công ty với vị trí công việc này giúp bạn quyết định xem vị trí này có phù hợp với bạn không. Những câu hỏi này cũng thể hiện ngoài lề những kỹ năng quản lý của bạn bằng cách cho thấy rằng bạn đầu tư vào sự phát triển và tăng trưởng của công ty.
- Mang theo ghi chú của bạn: Bà Ringo Nishioka – người sáng lập HR Nasty – trước đây nói với trang web Ladders: “Bạn có thể ghi lại những ghi chú đã chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn. Các công ty không nghĩ việc này là “gian lận.”
Ngay cả khi bạn đang rất căng thẳng trong ngày phỏng vấn, nếu bạn chuẩn bị tốt để nói về kỹ năng quản lý của mình, luyện tập những gì bạn sẽ nói và có ghi chú trong tay, bạn có khả năng vượt qua cuộc phỏng vấn một cách xuất sắc.
___________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: theladders
- Người dịch: Nguyễn Thị Phương
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Thị Phương – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9927
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 25