John Dunlosky, Katherine A. Rawson, Elizabeth J. Marsh, Mitchell J. Nathan, Daniel T. Willingham đã công bố những phát hiện của họ về hiệu quả của 10 phương pháp học tập trong bài báo: “Nâng Cao Việc Học Tập Của Học Sinh Với Các Phương Pháp Học Hiệu Quả: Hướng Đi Đầy Hứa Hẹn Từ Tâm Lý Học Nhận Thức Và Giáo Dục.”
Nghiên cứu phân tích mức độ hiệu quả của 10 phương pháp học khác nhau phụ thuộc vào người học, các tài liệu yêu cầu và tính cụ thể của từng nhiệm vụ học tập. Tóm lại, các nhà nghiên cứu đã vẽ ra một bức tranh toàn diện về phương pháp học tập nào hiệu quả nhất vào thời điểm nào, tại sao và phù hợp với ai.
Các kết quả nghiên cứu trước là nhân tố quan trọng khác trong việc xếp hạng tính thiết thực của 10 phương pháp học từ thấp đến cao. Chúng ta cùng bắt đầu thôi!
🔎Phương Pháp Học Hiệu Quả Cao
📝1. Thi thử
Thi thử đóng vai trò quan trọng trong việc dạy học vì đây là một cách nhanh chóng để giáo viên biết học sinh nắm rõ kiến thức đến đâu. Lợi ích khác của thi thử là nó cho học sinh thấy họ biết những gì. Điều này giúp cho việc điều chỉnh kế hoạch học tập trở nên đơn giản và hiệu quả, vì vậy học sinh có thể dành nhiều thời gian hơn để học những gì mình chưa biết thay vì chăm chú vào những gì mình đã biết.
Có hai lý do khiến thi thử dường như là một phương pháp học tập đặc biệt hiệu quả: hiệu quả trực tiếp và hiệu quả gián tiếp. Hiệu quả trực tiếp có nghĩa là việc làm một bài kiểm tra hoặc câu đố thay đổi cách não bộ chú ý và lưu trữ thông tin. Hầu hết mọi người cố gắng hơn rất nhiều để lấy lại thông tin trong một bài kiểm tra, thậm chí là một bài kiểm tra định kì được thiết kế để kiểm tra sự hiểu biết.
Hiệu quả gián tiếp là những gì kết nối các gợi ý và mục tiêu. Trong trường hợp thi thử, gợi ý có thể là câu hỏi và mục tiêu là câu trả lời. Thi thử dường như giúp não bộ tổ chức thông tin tốt hơn. Vì vậy, nếu bạn chỉ phải chọn một phương pháp học, hãy làm bài kiểm tra thử. Bạn có thể che đáp án và tự làm hoặc bạn có thể nhờ một người bạn hỏi bạn để bạn biết chỗ nào đã nắm vững còn chỗ nào không. Bằng cách này, bạn có thể tập trung vào những gì bạn chưa biết khi tiếp tục làm bài thi thử cho đến lúc thực sự hiểu rõ.
📝2. Phân Bổ Thời Gian
Điều quan trọng ở đây là cách bạn sắp xếp lịch học của mình. Trong nghiên cứu, một số người đã tham gia sáu buổi học liên tục. Những người khác cách 1 ngày học 1 buổi, và nhóm cuối cùng cách 1 tháng học 1 buổi. Nhóm người tham gia học 6 buổi liên tục nắm rõ nhiều thông tin sớm hơn (sau buổi 2 và 3). Tuy nhiên, những nhóm cách 1 thời gian rồi mới học cuối cùng vẫn nắm rõ được nhiều thông tin hơn (sau buổi 6).
Vì vậy, nếu bạn thực sự muốn học một điều gì đó và lưu trữ nó trong trí nhớ lâu dài, hãy dành cho mình một khoảng thời gian để tiêu hóa thông tin giữa mỗi lần học. Một nghiên cứu khác cho thấy những người tham gia nhớ 47% thông tin khi học cách ngày so với 37% khi học theo cách đại trà (nhồi nhét).
Sắp xếp các buổi học của bạn cho phù hợp. Dành cho mình ít nhất 24 tiếng giữa các buổi học. Việc nhớ lại kiến thức ngay lập tức có thể bị ảnh hưởng, nhưng hãy biết rằng cuối cùng bạn sẽ nhớ được nhiều thứ hơn nếu bạn thực hiện phương pháp hoàn thành trong 1 lần.
🔎Phương Pháp Học Khá Hiệu Quả
📝3. Hỏi Đáp Chi Tiết
Việc hỏi đáp chi tiết dường như có hiệu quả vì nó kích hoạt sơ đồ (schemata) của mọi người, điều này đơn giản có nghĩa là nó giúp mọi người xác định thông tin mới giữa những gì họ đã biết. Đó có thể là lý do mà việc hỏi đáp chi tiết có hiệu quả hơn đối với những người biết nhiều hơn về một chủ đề. Họ có thể giải thích tốt hơn lý do tại sao lại như vậy và thêm thông tin mới vào vốn kiến thức phong phú của họ.
Vì vậy, nếu bạn đã biết rõ một hoặc hai điều về chủ đề, hãy bắt đầu đặt câu hỏi “Tại sao?” để thúc đẩy việc học của bạn.
📝4. Tự Giải Thích
Tự đưa ra lời giải thích là khi học sinh được khuyến khích giải thích nguyên tắc đằng sau điều gì đó khi họ đang học. Ý tưởng là việc giải thích cách thức hoạt động của một thứ gì đó sẽ giúp họ áp dụng nguyên tắc đó sang các vấn đề trong tương lai.
Có 1 vấn đề là tự đưa ra lời giải thích không phải lúc nào cũng là một phương pháp phù hợp. Độ hữu ích của nó phụ thuộc vào những gì bạn đang cố gắng học hỏi. Tuy nhiên, khi việc giải thích có ý nghĩa, nghiên cứu cho thấy rằng nó giúp bạn chuyển những kỹ năng đó để áp dụng vào các vấn đề liên quan trong tương lai.
📝5. Thực Hành Xen Kẽ
Thực hành xen kẽ là khi bạn lặp lại một kỹ năng cũ thành một bài học mới. Ví dụ: nếu bạn đang học cách tính thể tích của một hình tam giác, bạn có thể kết hợp một câu hỏi từ bài học trước về thể tích hình vuông. Đó là kết hợp kiến thức cũ hơn vào kiến thức mới. Điều này tạo ra hiệu ứng tích lũy trong việc học và giúp bạn tìm thấy mối liên hệ giữa các bài học khác nhau.
Tương tự như tự đưa ra lời giải thích, việc học xen kẽ không phải lúc nào cũng hiệu quả. Một lần nữa, điều đó phụ thuộc vào những gì bạn đang cố gắng học, nhưng nếu bạn có thể kết hợp kiến thức cũ vào các bài học mới, học xen kẽ có thể giúp bạn hiểu biết ở mức độ cao hơn về sự phức tạp và kết nối giữa các ý. Điều này có thể giúp bạn trở thành người giải quyết vấn đề tốt hơn trong tương lai và giúp bạn sử dụng những gì bạn đang học để giải quyết các lĩnh vực khác.
🔎Phương Pháp Học Kém Hiệu Quả Hơn
📝6. Tóm tắt
Tóm tắt tài liệu và rút ra những điểm chính chỉ hiệu quả khi phần tóm tắt của bạn chính xác và nổi bật. Một số nghiên cứu cho thấy rằng tóm tắt thông tin giúp sinh viên lưu trữ thông tin, nhưng nó không hiệu quả khi áp dụng hoặc chuyển giao thông tin đó.
📝7. Đánh dấu
Làm nổi bật thông tin không giúp bạn hiểu rõ nó. Nghiên cứu cho thấy rằng việc đánh dấu, tuy dễ thực hiện nhưng không giúp bạn nắm vững tài liệu.
📝8. Ghi nhớ từ khóa
Ghi nhớ từ khóa là khi bạn tạo một số loại phím tắt (như viết tắt hoặc viết tắt chữ đầu) để ghi nhớ một tập hợp các ý. Nổi tiếng nhất có thể là ROYGBIV – một cụm viết tắt để ghi nhớ màu sắc của cầu vồng.
Vấn đề với kỹ năng ghi nhớ là chúng không hiệu quả. Cần rất nhiều thời gian và năng lượng để tạo ra và ghi nhớ chúng. Chúng cũng đặc biệt. Bạn chỉ có thể học một số thứ nhất định với kỹ năng ghi nhớ.
Nhưng vấn đề đáng lo ngại nhất là một số nghiên cứu chỉ ra rằng học thuộc lòng đôi khi tốt hơn cho việc học một tài liệu lâu dài. Do đó, bạn không nên quá phụ thuộc vào kỹ năng ghi nhớ từ khóa.
📝9. Sử dụng hình ảnh để học văn bản
Sử dụng hình ảnh để học văn bản là khi bạn hình dung hoặc vẽ hình ảnh khi bạn đọc. Tin tốt là việc hình dung trong tâm trí khi bạn đọc sẽ giúp bạn hiểu được trong thời gian ngắn (vẽ thì không). Tin xấu thì đây là một phương pháp đọc tuyệt vời nhưng không hữu ích trong nhiều trường hợp học tập khác.
📝10. Đọc lại
Cuối cùng, đó là đọc lại, phương pháp mà tôi đã sử dụng quá thường xuyên ở trường đại học. Đó là cách học phổ biến nhất. Thật không may, nó cũng là một trong những cách kém hiệu quả nhất.
Khả năng ghi nhớ và học hỏi được cải thiện đáng kể sau khi đọc lại một lần. Nhưng sau đó có một bình nguyên. Đọc một cái gì đó nhiều hơn hai lần không tác động nhiều đến mức độ hiểu vấn đề. Vì vậy, bằng mọi cách, hãy đọc lại một hoặc hai lần, nhưng sau đó dành thời gian cho những phương pháp học có hiệu quả cao hơn.
🔎Lời Kết
Việc đọc lại và đánh dấu cực kỳ dễ dàng, nhưng chúng không bằng các phương pháp học vừa phải và hữu ích cao.
Nếu bạn cần học điều gì đó và có thể tích hợp kiến thức mới đó vào sơ đồ của mình và áp dụng nó trong các ngữ cảnh khác, bạn sẽ phải làm tốt hơn là đọc lại. Hãy thử tự hỏi bản thân và giãn cách các buổi học để ghi nhớ tốt hơn. Hỏi lý do tại sao, giải thích câu trả lời của bạn và kết hợp kiến thức cũ vào bài mới để giúp bản thân hiểu sâu hơn.
__________________________________________________________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích. Mong rằng những mẹo học tập hiệu quả này sẽ giúp cho việc học của bạn trở nên dễ dàng hơn.
Nguồn:
- Tác giả: Clay Drinko
- Link bài viết gốc: TẠI ĐÂY
- Dịch giả: Phùng Thị Khánh Huyền
Khi chia sẻ cần trích dẫn đầy đủ tên tác giả và nguồn dịch là “Dịch giả: Phùng Thị Khánh Huyền – Nguồn: iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/5870
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 22