Kỹ Năng

5 Cách Để Tăng Cường Trí Tuệ Cảm Xúc (EQ)

Ngày nay, trí tuệ cảm xúc (EI hay EQ) thậm chí được coi là còn quan trọng hơn cả IQ (chỉ số thông minh).

Điều này phần lớn là đúng bởi vì những người có EQ cao quan hệ tốt hơn với những người khác, dễ gần hơn, có xu hướng cởi mở và do đó dễ làm việc hơn – cả trong môi trường nhóm hoặc cá nhân.

Một số nghiên cứu cũng đã chứng minh rằng những người có điểm EQ cao thường tự tin, đáng tin cậy và dễ mến hơn những người có điểm EQ thấp. Họ cũng trở thành những nhà lãnh đạo tốt và nhìn chung thể hiện tốt hơn ở nơi làm việc.

Không phải bàn cãi khi chỉ số Trí tuệ cảm xúc cao góp phần tổng thể vào việc tăng năng suất và sự thành công. Trên thực tế, nhiều công ty cho ứng viên kiểm tra EQ trước khi tuyển dụng, trong khi những công ty khác đã thiết lập các chương trình đào tạo EQ.

💎 5 cách để tăng cường trí tuệ cảm xúc 

  1. Nhận thức và điều chỉnh cảm xúc của chính bạn. 

Một trong những bước đầu tiên, và có lẽ là quan trọng nhất, đó là nhận thức rõ hơn về bản thân, hoặc phát triển khả năng điều chỉnh cảm xúc của chính bạn. Tại sao lại như vậy? Để kiểm soát cảm xúc của bản thân, trước tiên bạn phải nhận thức được chúng. Một số gợi ý để có thể nhận thức về bản thân bao gồm: theo dõi cảm xúc bằng cách thừa nhận chúng, kiểm tra, sau đó đánh giá nguyên nhân và các điểm mấu chốt của bạn. 

Thực hành chánh niệm cũng là một cách tuyệt vời để nhận thức rõ hơn về bản thân và theo dõi cảm xúc. Bằng cách nhận thức được cảm xúc của chính mình, bạn có thể hiểu và nhận thức được cảm xúc của người khác tốt hơn.

  1. Tìm cách để hiểu quan điểm của người khác. 

Khi bạn đã đánh giá tốt cảm xúc của chính mình, hãy tìm cách thấu hiểu và cảm thông với người khác. Điều này đặc biệt quan trọng ở nơi làm việc, trong các hội đồng hoặc trong một môi trường làm việc nhóm, nơi các ý tưởng đang vận động và được trao đổi. Để làm được điều này, hãy chú ý lắng nghe, đặt mình vào vị trí của người khác và cố gắng tưởng tượng những gì họ đang nghĩ và cảm nhận cũng như cách họ có thể đưa ra kết luận. Bạn sẽ không chỉ có một cái nhìn bao quát hơn cho riêng mình, mà bạn sẽ còn mở rộng tầm nhìn của bản thân.

  1. Giao tiếp hiệu quả. 

Giao tiếp hiệu quả đòi hỏi cả kỹ năng bằng lời nói và không lời. Như tôi đã giải thích trong bài viết Kỹ năng giao tiếp tốt – Chìa khóa thành công, giao tiếp không chỉ đơn thuần là trao đổi thông tin. Giao tiếp hiệu quả là hiểu được cảm xúc, cũng như hàm ý đằng sau thông tin được trao đổi. Nó là sự qua lại lẫn nhau, bao gồm việc truyền tải một thông điệp theo chủ ý của người nói và đổi lại, đảm bảo rằng nó được tiếp nhận đúng như chủ ý đó.

Các kỹ năng phi ngôn ngữ bao gồm lắng nghe, giao tiếp bằng mắt, nhận thức về ngôn ngữ cơ thể (không đứng quá gần, cử chỉ, nét mặt, v.v.)

  1. Phát triển sự kết nối với mọi người. 

Cho dù bạn nghĩ mình là người nhút nhát hay sống nội tâm đến mức nào, học cách phát triển sự gắn kết với những người khác là một thành phần quan trọng của trí tuệ cảm xúc. Trên thực tế, ngay cả khi bạn nhút nhát, bạn vẫn có thể bắt đầu trước bằng cách lắng nghe, thể hiện sự quan tâm và làm cho người khác cảm thấy thoải mái. Làm như vậy đôi khi dễ dàng hơn đối với những người nhút nhát, hướng nội hơn là đối với những người hướng ngoại, thích giao tiếp và có xu hướng thích nói trước. Đối với cả hai kiểu, việc thể hiện rằng bạn quan tâm và chú ý đến người khác sẽ giúp bạn xây dựng các kết nối có giá trị.

  1. Thực hành quản lý cảm xúc. 

Một khi bạn nhận thức được cả cảm xúc của chính mình và của người khác, điều quan trọng là phải hiểu cách giữ chúng cân bằng và trong tầm kiểm soát. Một số cách thực hành quản lý cảm xúc bao gồm:

✔ Dừng lại để dành thời gian xử lý và hiểu những gì đang diễn ra.

✔ Chuyển hướng sự chú ý của bạn cho đến khi bạn bình tĩnh hơn – chẳng hạn như đi bộ, tập thể dục, chơi với thú cưng, hít thở sâu.

✔ Định hình lại trải nghiệm, ví dụ: khám phá một cách nhìn nhận vấn đề mới và rộng hơn. 

✔ Nhìn vào bức tranh toàn cảnh và xác định tầm quan trọng của cảm xúc/ phản ứng tức thì đối với tổng thể vấn đề.

Như bạn có thể thấy, có một số cách bạn có thể bắt đầu tăng cường hoặc cải thiện EQ của mình. Làm như vậy không chỉ nâng cao cơ hội thành công ở nơi làm việc mà còn có lợi cho bạn trong các mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp.

————————————————

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.

Nguồn:

  • Tác giả: Z. Hereford
  • Link bài viết gốc: TẠI ĐÂY
  • Dịch giả: Việt Nga

Khi chia sẻ cần trích dẫn đầy đủ tên tác giả và nguồn dịch là “Dịch giả: Việt Nga – Nguồn: iVolunteer Vietnam”

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/6259

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ