Kỹ Năng

5 Cách Giúp Bạn Đối Phó Với Sự Lo Lắng Khi Phỏng Vấn

💫 Nếu bạn đang cảm thấy lo lắng trước một cuộc phỏng vấn xin việc, hãy yên tâm vì không chỉ mình bạn cảm thấy như vậy. Hầu hết mọi người đều cảm thấy lo lắng trước và trong khi phỏng vấn. Sự căng thẳng lo lắng là một phản ứng tự nhiên đối với một sự kiện quan trọng và đơn giản cho thấy rằng bạn quan tâm đến việc hoàn thành tốt việc đó.

💫 Tuy nhiên, việc quá lo lắng có thể cản trở phần thể hiện của bạn trong buổi phỏng vấn, vì vậy điều quan trọng là bạn phải biết cách thư giãn. Hãy làm theo các mẹo sau đây để bình tĩnh vượt qua cuộc phỏng vấn một cách xuất sắc nhất:

📍 Hình dung sự thành công

Những người có phần thể hiện xuất sắc đều sử dụng phương pháp hình ảnh hóa để khắc phục tình trạng lo lắng. Hình dung chỉ đơn giản là tưởng tượng ra cuộc phỏng vấn trong tâm trí bạn trước khi nó diễn ra. Hình dung bạn đang bước vào phòng với cảm giác bình tĩnh và mọi thứ trong tầm kiểm soát. Hình dung bạn đang đứng thẳng, mỉm cười và bắt tay một cách thoải mái. Hãy tưởng tượng trả lời các câu hỏi một cách tự tin và bình tĩnh, xây dựng mối quan hệ tốt với người phỏng vấn và rời khỏi phòng với cảm giác hài lòng với phần thể hiện của bạn.

Tập trung vào tình huống tốt nhất sẽ giúp bạn giữ được bình tĩnh để bắt đầu cuộc phỏng vấn. Sự tích cực và tự tin của bạn thể hiện trong buổi phỏng vấn có thể khiến nhà tuyển dụng tiếp nhận năng lượng tích cực ấy từ bạn. Nếu bạn tự tin rằng bạn xứng đáng với công việc này, họ cũng có thể cảm thấy như vậy.

📍 Luyện tập trả lời câu hỏi

Lo lắng khi phỏng vấn thường là do sợ hãi trước những điều chưa biết, hoặc lo lắng rằng bạn sẽ không biết nói hoặc nói sai điều gì đó. Để tránh rơi vào tình trạng bối rối, hãy luyện tập các câu trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn phổ biến. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và tự tin hơn vào khả năng đưa ra những câu trả lời mạch lạc, ngắn gọn trong ngày phỏng vấn.

Bạn cũng có thể nhận được một câu hỏi bất ngờ. Hãy thử trả lời các câu hỏi đó với một người bạn để nhận được phản hồi về câu trả lời của bạn. Nếu bạn không thể nhờ một người bạn trợ giúp, hãy cân nhắc việc ghi âm khi trả lời các câu hỏi giả định, sau đó phát lại để nghe xem bạn trả lời đã ổn chưa. Nếu bạn sử dụng máy quay video, hãy để ý ngôn ngữ cơ thể khi bạn lo lắng và cố gắng để ý đến bất kỳ hành động bồn chồn nào có thể làm lộ sự lo lắng của bạn.

📍 Có sự chuẩn bị

Nếu không chuẩn bị tinh thần cho cuộc phỏng vấn, sự lo lắng thực sự có thể lấn át bạn. Dành thời gian để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái và khiến người phỏng vấn thấy rằng bạn đã bỏ chút thời gian và nỗ lực trước buổi phỏng vấn.

Xác nhận tên và số điện thoại liên lạc của người phỏng vấn bạn, thời gian bạn nên đến và những gì bạn dự định mặc. Đảm bảo bạn có tất cả các tài liệu liên quan trong tay, bao gồm cả CV của bạn và các ví dụ về công việc trước đây. Hãy dành nhiều thời gian cho việc di chuyển trong trường hợp bạn bị trễ giờ bởi đến muộn có thể khiến bạn mất việc trước khi bạn bắt đầu. Đến đúng giờ cũng giúp bạn có cơ hội để chuẩn bị tốt hơn trước khi phỏng vấn.

📍 Dành thời gian để suy nghĩ

Dành thời gian suy nghĩ có thể hiểu như một cách giúp đầu óc được thư giãn. Hãy cho bản thân nhiều thời gian để trả lời các câu hỏi. Khi cảm thấy lo lắng trong một cuộc phỏng vấn, bạn dễ có xu hướng trả lời vội vàng. Điều này thường khiến bạn bỏ lỡ các ý của câu hỏi và khiến người phỏng vấn gặp khó khăn trong việc theo kịp phần thể hiện của bạn vì bạn chỉ trả lời câu hỏi một cách lướt qua.

Tránh trả lời vấp bằng cách dành vài giây để xem bạn đang được hỏi gì. Hít thở sâu, sau đó tập trung vào việc trả lời câu hỏi một cách chậm rãi và rõ ràng. Nếu bạn quên câu hỏi là gì, hãy tránh đưa ra câu trả lời mà bạn nghĩ có thể đúng. Thay vào đó, hãy giữ bình tĩnh và hỏi người phỏng vấn xem họ có cảm thấy câu trả lời của bạn đã bao quát được những điểm chính của câu hỏi hay không. Đừng quên rằng bạn cũng có thể đặt câu hỏi.

📍 Suy nghĩ tích cực

Tư duy là một thứ mạnh mẽ. Thay đổi cách bạn nghĩ về một cuộc phỏng vấn có thể có tác động rất lớn đến mức độ áp lực mà bạn cảm thấy. Nhà tuyển dụng tiềm năng sẽ thấy được tư duy tích cực của bạn. Hãy nhớ mỉm cười và thể hiện sự tích cực của bạn thông qua ngôn ngữ cơ thể. Thay vì nghĩ rằng bạn đang bị đánh giá, hãy thử xem cuộc phỏng vấn như một thử thách thú vị để vượt qua.

Nhắc nhở bản thân về những thành công trong quá khứ và tập trung vào những điểm mạnh bạn có thể mang lại cho vị trí công việc. Tránh kỳ vọng rằng bản thân phải đưa ra câu trả lời hoàn hảo hoặc suy nghĩ về những điều mà bạn không thể kiểm soát, chẳng hạn như sự cạnh tranh giữa các ứng viên. Thay vào đó, hãy tập trung năng lượng vào việc hoàn thành cuộc phỏng vấn một cách tốt nhất.

💫 Lời kết

Sự căng thẳng lo lắng là điều khó tránh khỏi khi đối mặt với những sự kiện quan trọng như một buổi phỏng vấn xin việc. Tuy nhiên lo lắng có thể khiến bạn mất đi sự tự tin và không tạo được ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng. Hãy làm theo 5 cách trên để giữ cho bản thân một tâm thế bình tĩnh bước vào cuộc phỏng vấn.

———————————————————————————

Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích

Tác giả: Michael Page

Bài viết gốc: TẠI ĐÂY 

Người dịch: Đào Huệ Anh

Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Người dịch: Đào Huệ Anh – Nguồn: iVolunteer Vietnam”

 

Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/6834

Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.

BÀI VIẾT HAY ĐỪNG BỎ LỠ