Bạn đã bao giờ dừng lại để tự hỏi mình có thể đã bỏ lỡ bao nhiêu điều ‘nhỏ nhặt’ trong cuộc sống chưa? Có phải chúng đang ảnh hưởng đến con người của bạn ngày hôm nay không?
Mỗi ngày bạn đều làm việc chăm chỉ, cố gắng theo kịp kỳ vọng và danh sách việc cần làm. Bạn thường bỏ qua những ‘điều nhỏ nhặt’, như một nụ cười hoặc một câu nói của người thân yêu. Dưới đây là năm điều mà bạn có thể thiếu, và có thể ảnh hưởng đến thành công của bạn – cả về mặt cá nhân và nghề nghiệp – nhiều hơn những gì bạn mong đợi:
1. Những Cuộc Trò Chuyện
Chúng ta cần phải cảm ơn công nghệ rất nhiều. Nó đã giúp chúng ta trở nên tốt hơn, và đạt được nhiều bước tiến ở trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nó lại khiến chúng ta ngại nói chuyện bởi công nghệ thì nhanh hơn, dễ dàng hơn, và có thể kiểm soát – đây là tất cả những thứ mà những cuộc nói chuyện bình thường không có, hoặc ít nhất là mọi người nghĩ như vậy.
Điều mà bạn chưa xét đến là khi bạn chọn nói chuyện thông qua công nghệ (chẳng hạn như thư điện tử, nhắn tin, mạng xã hội) thì vì nói chuyện trực tiếp với nhau, bạn đang đánh đổi bản thân trong những mối quan hệ của chính mình. Trò chuyện là cách chúng ta kết nối, tạo dựng lòng tin, nhìn, nghe, và thấu hiểu lẫn nhau – và không một yếu tố nào trong số đó có thể đạt được thông qua công nghệ cả.
Khi chúng ta ưu tiên công nghệ, chúng ta ngừng làm những điều nhỏ nhặt như trò chuyện. Ta càng có ít những cuộc thảo luận, chúng càng trở nên khó khăn hơn. Bạn có thể thấy điều này ở chính căn nhà của bạn, xung quanh bàn ăn tối, nơi các cuộc trò chuyện ít hơn và trong văn phòng, nơi các cuộc thảo luận và câu hỏi chỉ ở mức tối thiểu.
Nếu bạn muốn có những mối quan hệ thành công (cả trong đời tư cá nhân và trong sự nghiệp), thì hãy tạm gác công nghệ sang một bên và bắt đầu tham gia vào các cuộc trò chuyện ngoài đời thực.
2. Sự Tò Mò
Những người thành công là những người tò mò, đặc biệt là trong các cuộc trò chuyện.
Sự tò mò là cách chúng ta tạo ra những cơ hội và khả năng mà nếu không thì chúng ta chẳng thể có được. Ví dụ, khi chúng ta không tò mò trong các cuộc trò chuyện, chúng ta kể, phán xét, đổ lỗi, xấu hổ và mắc kẹt trong khoảng trống “Tôi đúng / bạn sai” – mà thậm chí chúng ta không nhận ra. Tất cả những điều này dẫn đến xung đột.
Nó dập tắt các cuộc trò chuyện, thu hẹp các cơ hội và khả năng. Quan trọng nhất, thiếu tính tò mò sẽ làm rạn nứt các mối quan hệ. Khi chúng ta không tò mò, chúng ta sẽ bị kìm hãm, tập trung vào bản thân. Nó làm nổi bật sự phán xét, sửa chữa và giải quyết vấn đề cho người khác bằng cách nói cho họ biết phải làm gì – chẳng khác nào thuyết phục rằng bạn là người hiểu rõ nhất.
Khi chúng ta tò mò trong các cuộc trò chuyện, chúng ta chuyển sự tập trung vào người khác. Chúng ta học về những điều nhỏ nhặt như quan điểm, suy nghĩ, ý tưởng, giải pháp và cách tiếp cận mới. Chúng ta tạm ngừng phán đoán của mình hoặc kiểm soát bản thân và chỉ đơn giản là học hỏi thêm.
Điều này không có nghĩa là chúng ta phải thích những gì chúng ta nghe hoặc thậm chí đồng ý với nó. Nhưng nó có nghĩa là chúng ta sẽ lắng nghe và học hỏi từ những người khác.
Đây là cách chúng ta hợp tác, đổi mới và truyền cảm hứng. Sự tò mò là công cụ mạnh mẽ nhất của bạn, đặc biệt là trong các cuộc trò chuyện. Đó là cách nhanh nhất và dễ dàng nhất để khám phá và xây dựng những mối quan hệ bền chặt, đích thực mà tất cả chúng ta đều khao khát. Nói một cách đơn giản, đó là cách chúng ta phát triển.
Ngoài ra, hãy đọc những trích dẫn và câu nói gây tò mò này sẽ khuyến khích bạn tiếp tục học hỏi.
3. Ranh Giới
Tất cả chúng ta đều có chúng, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng thừa nhận hoặc sử dụng chúng! Ranh giới là điều cần thiết cho sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúng là những quy tắc hoặc giới hạn không thể thương lượng mà chúng tôi đặt ra để xác định những gì được phép đối với chúng ta và những người khác. Chúng định nghĩa và bảo vệ chúng ta như những cá nhân trong mối quan hệ với những người khác.
Không có ranh giới, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên hỗn loạn và mất kiểm soát. Chúng ta coi vấn đề của người khác là của riêng mình, tin rằng những hành vi xấu của mọi người khác là lỗi của chúng ta và cảm thấy như chúng ta không được hưởng bất kỳ quyền nào.
Ranh giới tồn tại cho dù bạn có xác định được chúng hay không. Khi ranh giới của bạn quá lỏng lẻo, bạn có thể cảm thấy choáng ngợp về mặt cảm xúc, trải qua nhiều kịch tính, cho quá nhiều, nhận quá nhiều, làm hài lòng mọi người và đồng ý khi bạn muốn từ chối.
Khi ranh giới của bạn quá chặt chẽ, bạn có thể cảm thấy cô đơn, cô lập, không cho ai vào, không yêu cầu giúp đỡ, không nói về cảm xúc và có vấn đề về lòng tin. Thiết lập ranh giới cá nhân có thể thực sự khó khăn. Tuy nhiên, việc không đặt ra ranh giới sẽ dẫn đến RẤT NHIỀU việc phàn nàn và làm những việc nhỏ mà bạn không muốn làm.
Nếu bạn thấy mình nói có khi bạn muốn nói không, HOẶC bạn thấy mình liên tục phàn nàn, cảm thấy bực bội, bị lợi dụng, tức giận hoặc bị buộc phải làm những điều bạn không muốn – đã đến lúc để thiết lập một ranh giới. Ranh giới cá nhân cho phép bạn sống với con người thật của bạn. Không thể hạnh phúc, khỏe mạnh và thành công nếu không có chúng
4. Kỹ Năng Giao Tiếp
Hầu hết mọi người tin rằng họ là những người giao tiếp tuyệt vời. Cảnh báo spoiler! Hầu hết đều không.
Đáng buồn thay, các kỹ năng giao tiếp được mong đợi ở chúng ta lại hiếm khi được dạy. Kết hợp điều đó với tình yêu của chúng ta với tất cả mọi thứ công nghệ (email, nhắn tin, mạng xã hội, ứng dụng) và các khả năng cơ bản như lắng nghe chủ động và đặt câu hỏi đang bị bỏ xó trong danh sách các loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Sự thành bại của khả năng lãnh đạo và các mối quan hệ của bạn có liên quan trực tiếp đến chất lượng kỹ năng giao tiếp của bạn. Cơ hội việc làm của bạn cũng bị ảnh hưởng bởi tài năng này.
Tích cực lắng nghe người khác – không phán xét – và đặt những câu hỏi mở để hiểu rõ hơn, là những kỹ năng sẽ giúp bạn vững chắc và khiến bạn trở nên khác biệt.
Kỹ năng giao tiếp chắc cũng giúp bạn giải quyết xung đột một cách dễ dàng và khéo léo hơn. Lần tới khi bạn tải xuống một ứng dụng, hãy tự hỏi: hôm nay tôi đã đầu tư như thế nào vào kỹ năng giao tiếp của mình? Nó sẽ có tác động lớn hơn đến thành công của bạn so với bất kỳ ứng dụng hoặc trò chơi nào
5. Sống Ở Hiện Tại
Bạn có thường xuyên thấy mình trong một cuộc trò chuyện, lái xe ô tô, ăn một bữa ăn hoặc 10 phút sau khi bạn hoàn thành một hoạt động và sau đó bạn không nhớ bất cứ điều gì về nó không? Những gì bạn đã ăn, làm thế nào bạn đến đích, hoặc những gì đã nói là những câu hỏi mà bạn có thể không trả lời được, tạo ra một khoảng mờ xa khi nhìn lại.
Hàng mã vô tận của danh sách “phải làm” hoặc “vấn đề” trong đầu bạn cho bạn biết bạn cần phải làm gì, cảm thấy như thế nào hoặc thậm chí đánh giá bạn về cách bạn thể hiện, tất cả đều cạnh tranh với khả năng tập trung vào hiện tại của bạn. Khi bạn cảm thấy như vậy, bạn KHÔNG tập trung vào hiện tại. Thay vào đó, bạn đang vận hành trên chế độ lái tự động: không nhận biết được xung quanh mình, suy nghĩ ở đâu đó, kéo bạn về quá khứ hoặc tương lai.
Đối với nhiều người, ý tưởng hiện diện trong thế giới siêu kết nối, lịch trình bận rôn của chúng ta giống như một “món quà” không tưởng. Tuy nhiên, khi chúng ta không tập trung vào thực tại cuộc sống của mình, chúng ta sẽ bỏ lỡ rất nhiều điều nhỏ nhặt! Khi không tập trung vào thực tại, chúng ta không thể lắng nghe, không tò mò, có những cuộc trò chuyện chất lượng, tạo ra ranh giới và xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa – tất cả đều cần thiết cho sự thành công của chúng ta.
Khi chúng ta không tập trung vào thực tại, chúng ta không không có định hướng cho bất cứ thứ gì chúng ta làm, điều này làm cản trở khả năng hoạt động hiệu quả của chúng ta. Khi bạn không tập trung vào thực tại, tức là bạn không nhận thức được điều gì đang xảy ra bên trong hay bên ngoài, và nếu bạn không ở đây hay ở đó, thì bạn đang sống kiểu gì? Bạn đang xây dựng những mối quan hệ nào? Bạn đang đưa ra loại quyết định nào?
Khi bạn có thể bước lùi lại, hãy đặt ra mục tiêu tập trung vào thực tại. Khi bạn chú tâm vào những gì đang diễn ra, bạn sẽ có được sự rõ ràng, hiểu biết nhiều hơn về những người khác, và có thể tương tác và hoàn thành nhiệm vụ dễ dàng hơn, chính xác hơn với sự hứng thú, tận hưởng cao hơn.
Tập trung vào thực tại là một lựa chọn bạn thực hiện mỗi ngày. Đó có lẽ là sự lựa chọn quan trọng nhất giúp bạn đưa ra quyết định hiệu quả hơn dựa trên sự rõ ràng và hiểu biết. Nó cho phép bạn kết nối trong các mối quan hệ ở mức độ sâu sắc hơn.
Thật là một món quà xứng đáng cho chúng ta!
Còn Bạn Thì Sao, Bạn Có Đang Bỏ Lỡ Những Điều Nhỏ Nhặt Trong Cuộc Sống Không?
Hãy cẩn thận: Chúng có thể đang tác động đến thành công của bạn! Khi nói đến những điều nhỏ nhặt, hãy đảm bảo rằng bạn chú ý đến chúng.
_____________________________________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: everydaypower.com
- Người dịch: Hoàng Thị Minh Hạnh
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Hoàng Thị Minh Hạnh – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/7804
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 29