Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả chúng ta về nhiều mặt khác nhau – về thể chất, tình cảm, kinh tế, xã hội và tâm lý. Tất cả chúng ta đang đối mặt với những thách thức do virus này mang lại, bao gồm bệnh tật, những trở ngại và gián đoạn đối với cuộc sống bình thường của chúng ta.
Khi chúng ta phải đối mặt với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, sợ hãi và lo lắng là điều không thể tránh khỏi. Đây là những phản ứng bình thường và tự nhiên trước những tình huống thử thách tiềm ẩn sự nguy hiểm và bất trắc.
Thật dễ dàng lạc lối trong lo lắng và ám ảnh về tất cả những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta ngay bây giờ, như những gì có thể xảy ra trong tương lai và virus có thể ảnh hưởng đến chúng ta đến mức nào, những người thân yêu, cộng đồng, đất nước và thế giới. Mặc dù sự lo lắng của chúng ta là điều hoàn toàn tự nhiên, nhưng điều đó không giúp được gì. Càng tập trung vào những gì không nằm trong tầm kiểm soát của mình, chúng ta càng có thể cảm thấy vô vọng hoặc lo lắng hơn.
Sức khỏe tinh thần không phải là thứ mà người nào khác gặp rắc rối với nó. Đó là điều mà tất cả chúng ta đều phải cố gắng vượt qua vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Và trong trận đại dịch này, số người gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần đã tăng lên, điều này cũng dễ hiểu thôi.
Căng thẳng, lo lắng và hồi hộp có thể là những thứ rất tồi tệ mà bạn phải đối mặt thường xuyên, và thậm chí còn hơn thế nữa bởi những thách thức do đại dịch gây ra. Điều này có thể khiến chúng ta khó để tâm trí và cơ thể thoát khỏi lo âu, nhưng có một số cách mà bạn có thể thử để kiểm soát sức khỏe tinh thần của mình.
Trong bài viết này, tôi sẽ đề cập đến các lời khuyên cho sức khỏe tinh thần trong thời kỳ dịch bệnh.
💌 1. Tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát
Bắt đầu với một trong những điều hữu ích nhất mà bất kỳ ai cũng có thể làm với bất kỳ loại khủng hoảng nào (liên quan đến Covid hoặc về phương diện khác) là tập trung vào những gì nằm trong tầm kiểm soát của bạn. Chúng ta không thể kiểm soát những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Chúng ta không thể kiểm soát bản thân vi-rút, nền kinh tế thế giới hoặc cách chính phủ giải quyết tình hình. Nhưng chúng ta có thể kiểm soát những gì chúng ta làm ngay lúc này, và điều đó thực sự quan trọng bởi vì những gì chúng ta làm ở thời điểm hiện tại có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn cho chúng ta và những người xung quanh.
Tập trung vào những gì chúng ta có thể kiểm soát sẽ giúp chúng ta duy trì sức khỏe của mình trong thời gian tự cách ly, giãn cách hoặc phong tỏa.
💌 2. Đối phó với những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực
Lời khuyên thứ 2 là để ý và thừa nhận sự không chắc chắn trong một suy nghĩ/cảm giác khi nó xuất hiện trong tâm trí bạn, hãy tạm dừng và hít thở. Nói với bản thân rằng đây chỉ là nói về sự lo lắng, đó chỉ là một suy nghĩ, và những suy nghĩ không phải sự thật. Bạn không cần phải tin vào tất cả những gì bạn nghĩ.
Suy nghĩ hoặc cảm giác này sẽ trôi qua và bạn không cần phải đáp lại nó hoặc làm bất cứ điều gì. Bạn có thể thử tưởng tượng suy nghĩ hoặc cảm giác đó trôi theo bong bóng hoặc đám mây.
💌 3. Thư giãn
Chánh niệm là một nhận thức không phán xét về khoảnh khắc hiện tại, bao gồm suy nghĩ, cảm xúc, trạng thái cơ thể và cảm giác của bạn đồng thời khuyến khích sự cởi mở, tò mò và chấp nhận.
Có nhiều cách để thực hành chánh niệm. Đây là một phương pháp rất đơn giản mà bạn có thể thử:
Khám phá và kết nối với thời điểm hiện tại. Hãy để ý nhịp thở, đếm hơi thở một cách chậm rãi và hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Cố gắng đếm đến 20 nhịp thở sâu và chậm. Mục đích là để làm dịu tâm trí bằng cách sử dụng năm giác quan để tập trung vào xung quanh thay vì những suy nghĩ rắc rối.
Chìa khóa biểu hiện của chánh niệm là trở thành một người quan sát nhạy bén. Sử dụng tất cả năm giác quan của bạn, nhìn xung quanh và chú ý những gì bạn nhìn thấy, những gì bạn nghe thấy, những gì bạn có thể chạm vào, những gì bạn nhận thấy và hoàn toàn đắm chìm trong trải nghiệm của các giác quan của bạn. Bạn cũng có thể đặt hẹn giờ trong vài phút, nhắm mắt lại và cố gắng thực hiện bài tập này, sử dụng tất cả các giác quan của mình bằng cách hình dung một nơi bạn đã đến, chẳng hạn như một kỳ nghỉ yêu thích.
💌 4. Đối phó với sự lo lắng
Lo lắng và căng thẳng là một mối đe dọa đối với chúng ta và đồng thời, chúng khiến chúng ta đánh giá thấp khả năng vượt qua căng thẳng. Tất nhiên, rất khó để hình dung việc đối phó những cảm giác đó trong một trận đại dịch, nhưng bạn phải nhớ rằng bạn đang đương đầu với chúng và bạn sẽ vượt qua.
Dưới đây là một cách bạn có thể đối mặt với mối đe dọa và kết hợp với khả năng đối phó của bạn: hình dung cách để đối phó. Bắt đầu bằng một tư thế thoải mái. Hãy hít thở sâu bằng mũi đếm chậm 5 lần, nín thở trong vài nhịp trước khi thở ra từ từ bằng miệng. Lặp lại như thế một vài lần.
Sau đó, hãy nhớ lại một tình huống mà bạn đã đối mặt với căng thẳng hoặc khó khăn đối với bạn, nghĩ về: Nó là gì? Bạn cảm thấy như thế nào vào thời điểm đó? Những điều bạn có thể đã nói với bản thân, và liệu bạn có muốn đối phó với nó hay không?. Sau đó, kể lại càng chi tiết càng tốt những gì bạn đã làm để đối phó và giải quyết vấn đề đó, diễn biến của nó ra sao và khi đó bạn cảm thấy thế nào.
Hãy thực sự chú ý đến việc làm thế nào bạn có thể dự đoán một thảm họa tại thời điểm đó và làm thế nào mà kết cục của nó không tồi tệ như bạn nghĩ.
💌 5. Quan tâm đến cảm xúc của chính bạn
Một lời khuyên quan trọng khác là hãy quan tâm đến cảm xúc của bạn. Không thể có một cuộc sống mà không có một số cảm giác khó chịu. Cảm xúc tiêu cực là một phần bình thường và có ích của cuộc sống. Không có cảm xúc nào là không có mục đích và chúng là nguồn thông tin báo hiệu cho chúng ta.
Có vẻ như đó là một ý tưởng hay nếu bạn cố gắng loại bỏ những cảm giác tiêu cực và thay thế chúng bằng những cảm giác tích cực. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì làm gì có ai muốn cảm thấy không hạnh phúc hoặc phải đối mặt với cảm giác khó chịu, phải không?
Tuy nhiên, kìm nén cảm xúc của bạn là không thực sự hiệu quả, hãy hiểu chúng, xử lý chúng và điều chỉnh chúng trở về trạng thái ban đầu. Đây là cách giúp bạn bình tĩnh và xoa dịu bản thân.
👉 Chấp Nhận
Chấp nhận những cảm xúc mà bạn đang trải qua, hiểu được lý do chúng tồn tại, chấp nhận sự hiện diện của chúng để bạn có thể giải quyết chúng. Hãy nhớ rằng việc bạn không thoải mái cũng là một phần của cuộc sống.
Xác định và gắn nhãn cảm xúc bạn đang trải qua bằng cách nói “Tôi tức giận”, “Tôi choáng ngợp”, “Tôi rất lo lắng” và “đó là do (điều gì đã khiến bạn cảm thấy như vậy?).”
Bạn sẽ nhận ra rằng cảm xúc bạn có lúc này chỉ là tạm thời. Cảm xúc nảy sinh và rồi phai nhạt, khó có thể nhớ ra khi chúng rất mãnh liệt.
👉 Hành động
Hãy tự hỏi bản thân, “Tôi thực sự cần gì ngay bây giờ?” “Cảm xúc này muốn/cần gì để giúp nó?” “Tôi có thể làm gì để nuôi dưỡng nó/bản thân?” Bạn có cần một vài thứ khiến bạn phân tâm, một chút thời gian ở một mình, một chút thời gian hòa mình với thiên nhiên, hoặc nói chuyện với một người bạn?
Hãy suy nghĩ về những gì sẽ giúp bạn. Điều gì là sự đồng cảm và điều gì quan trọng? Và cái nào sẽ giúp bạn vượt qua điều này tốt nhất?
💌 6. Tìm đến sự cân bằng
Khi chúng ta đang gặp rắc rối với sức khỏe tinh thần của mình, mọi thứ đều có vẻ tiêu cực. Trong một đại dịch, nhiều điều tiêu cực đang xảy ra và thật khó để không bị chìm trong biển tiêu cực.
Mọi người nói với chúng ta hãy cố gắng và tích cực, nhưng tích cực không phải là điều dễ dàng. Nhiều người bảo chúng ta chỉ cần suy nghĩ tích cực, thay thế sự tiêu cực bằng sự tích cực. Giá như nó dễ dàng như vậy, đúng không?
Việc ép buộc loại tích cực này là vô ích, chứ chưa nói đến là không thể đạt được.
Việc ép buộc tính tích cực cũng có thể khiến bạn cảm thấy mình thất bại hơn nữa bởi nó khiến bạn nghĩ rằng bạn thực sự nên sống tích cực và khi không thể, bạn cũng tự phê bình bản thân về điều đó.
Thay vì cố gắng hoặc ép buộc sự tích cực, hãy tìm kiếm sự cân bằng. Hãy đối phó với những tiêu cực mà bạn gặp phải, nhưng cũng hãy nhận ra những mặt tích cực.
Nhận ra những điều tốt đẹp nếu bạn có thể và càng nhiều càng tốt. Nhưng đừng cố ép bản thân trở nên tích cực khi bạn cảm thấy hoàn toàn ngược lại.
Hãy nhớ rằng không ai cảm thấy tích cực mọi lúc – và điều đó không sao cả. Tất cả các loại cảm xúc là bình thường và đó là bản năng con người.
💌 7. Tham gia vào các hoạt động
Lời khuyên cuối cùng dành cho bạn là hãy làm một thứ gì đó. Hãy cố gắng tập trung sự chú ý vào một điều gì đó có ý nghĩa, vào điều mà bạn cần làm, vào điều bạn đang làm, hoặc làm gì đó bạn muốn. Đây là việc bạn trở nên đắm mình trong điều gì đó mà bạn cảm thấy đáng giá và dùng sức mạnh của bạn để theo đuổi mục tiêu.
Đây là một vài câu hỏi bạn có thể tự hỏi bản thân để giúp bạn có những hành vi như vậy:
- Điều gì thu hút tôi? Điều gì thực sự có thể khiến tâm trí tôi thoát khỏi mọi thứ?
- Điểm mạnh của tôi là gì và làm thế nào để tôi có thể sử dụng chúng ngay hôm nay?
- Những trải nghiệm lành mạnh và tích cực nào mà tôi có thể tham gia ngay bây giờ?
- Mục tiêu cả tôi là gì, và làm cách nào để tôi có thể theo đuổi mục đích này ngày hôm nay?
- Tôi có thể làm gì hôm nay sẽ mang lại cho tôi cảm giác thành tựu?
- Điều gì tôi muốn làm nhưng chưa có cơ hội vì quá bận rộn? Tôi có thể làm chúng bây giờ không?
- Tôi có thể dành một chút thời gian để suy nghĩ về quá khứ và tương lai của mình từ một góc nhìn lạc quan không?
- Điều gì đang xảy ra với tôi hiện tại?
- Tôi có thể lên kế hoạch thực hiện những trải nghiệm tích cực/lành mạnh nào hôm nay (ví dụ: đọc sách, âm nhạc, ẩm thực, trò chơi, tập thể dục, hòa giải, học tập, làm vườn, v.v.)?
- Điều gì khiến tôi biết ơn cho ngày hôm nay?
- Điều gì tôi có thể làm cho người khác hôm nay?
- Ai hoặc điều gì truyền cảm hứng cho tôi?
- Làm thế nào tôi có thể đạt được giây phút bình tĩnh và những hoạt động hoặc nhiệm vụ nào có thể giúp tôi thực hiện điều này?
- Những kinh nghiệm, món ăn hoặc đồ uống nào nên thưởng thức ngày hôm nay?
- Điều gì mang lại cho tôi sự thích thú?
- Tôi có thể kết nối với ai hôm nay (trực tiếp, qua điện thoại hay trực tuyến)?
💌 Lời kết
Cuộc sống như vậy trước đại dịch là một điều khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản chúng ta sống hết mình và duy trì sự tích cực. Những lời khuyên cho sức khỏe tinh thần này là một khởi đầu tốt giúp bạn đối phó với căng thẳng do đại dịch mang lại.
_________________________________________________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích. Mong rằng những mẹo hiệu quả này sẽ giúp cho tinh thần của bạn ổn định hơn để đối phó với COVID 19.
Nguồn:
Tác giả: Dr. Kirren Schnack
Link bài viết gốc: TẠI ĐÂY
Dịch giả: Phùng Thị Khánh Huyền
Khi chia sẻ cần trích dẫn đầy đủ tên tác giả và nguồn dịch là “Dịch giả: Phùng Thị Khánh Huyền – Nguồn: iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/6026
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 18