Trở thành một freelancer dường như là giấc mơ với rất nhiều các bạn trẻ cho đến khi bạn nhận ra rằng đó là một công việc chẳng dễ dàng chút nào. Quả thực rất khó để giữ được động lực, tìm ra khách hàng tiềm năng, quản lý thời gian và tự nghiêm khắc với chính mình. Dưới đây là một số bài học về nghề freelancer để giúp bạn tránh kiệt sức và trì trệ, từ việc định giá cho đến giải quyết vấn đề với những khách hàng khó tính. Hãy học hỏi những bài học từ tận đáy lòng của một người theo đuổi công việc này để giúp bạn trở thành một freelancer tốt hơn và thành công hơn theo chính bản thân bạn.
💥 Đừng Phóng Đại Những Lợi Ích
Những lợi ích của việc trở thành một freelancer đó là tự do và linh hoạt về giờ giấc, nhưng đừng để bị lôi kéo bởi những tính chất hào nhoáng tuyệt vời này. Thật vui sướng khi có thể làm việc tại chính căn nhà của mình hay thậm chí là trong phòng ngủ, nhưng đồng nghĩa với sự thoải mái ấy cũng cần rất nhiều nỗ lực. Để bắt đầu, bạn sẽ cần phải cố gắng rất nhiều, dĩ nhiên sẽ không có thời gian cho việc chểnh mảng. Những mơ mộng đẹp đẽ về một cuộc sống không có khung thời gian gò bó cùng với những kỳ vọng được đặt ra có lẽ vẫn chỉ là mơ mộng. Bạn cần thực sự yêu thích những gì bạn làm và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để ngồi trước màn hình máy tính trong nhiều giờ dài.
💥 Xây Dựng Chiến Lược Nhỏ Để Phát Triển Chiến Lược Lớn
Hãy lập cho mình một kế hoạch, hai kế hoạch và thậm chí là ba kế hoạch. Để bản thân thả lỏng và tận hưởng trong công việc đã!
Trong một tổ chức, bạn có thể cùng thực hiện chung một kế hoạch, tầm nhìn và chiến lược của người khác đặt ra. Tuy nhiên, bây giờ mọi thứ đều tùy thuộc vào bạn để tạo ra một thế giới công việc của riêng bạn. Vì vậy, cần phải giữ bình tĩnh và viết ra những chiến lược cụ thể cho từng vấn đề cần giải quyết dưới đây:
- Bạn muốn công việc của mình phát triển đến đâu?
- Bạn đang chào hàng với ai?
- Những rào cản lớn nhất của bạn để thành công là gì?
- Điều gì giúp bạn trở nên khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh?
- Bạn cần đầu tư thêm kỹ năng hoặc tiền vào đâu?
- Kế hoạch xúc tiền của bạn như thế nào?
Hãy viết một bản kế hoạch kinh doanh chi tiết và liên tục theo dõi, chỉnh sửa nó một cách thường xuyên để chắc chắn rằng bất kỳ cơ hội mới nào cũng phù hợp với chiến lược của bạn. Bạn cũng cần học cách nói “Không” bởi vì không phải mọi cơ hội đến với bạn đều là cơ hội tốt.
💥 Đừng Chỉ Mải Làm Việc Chăm Chỉ, Hãy Làm Việc Thông Minh
Đúng là công việc nào cũng cần phải chăm chỉ, nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần mà thôi. Làm việc thông minh hơn chính là điều kiện đủ nữa. Vậy làm thế nào để làm việc thông minh hơn?
- Lập lộ trình định hướng cho công việc của bản thân trong 6 tháng tới.
- Kiểm tra lộ trình, xem xét thứ bạn nên tập trung vào nhất và đặt nhiều nỗ lực của bạn hơn vào đó. Ghi nhớ rằng “Đừng bận tâm vào những tiểu tiết” là một giải pháp đối phó với căng thẳng sẽ chẳng giúp bạn đi đến đâu.
- Đừng cứ mãi làm việc, cứ dán mắt vào màn hình máy tính trong 16 giờ điên cuồng mỗi ngày kể cả vào cuối tuần bởi vì sẽ chẳng thấy hiệu quả mà còn phản tác dụng một cách nguy hại. Bạn cần có những không gian để tách mình ra khỏi công việc và những thú vui khác để thư giãn và sạc lại năng lượng của mình.
- Đánh giá lại mức hiệu suất công việc của mình. Liệu bạn có thể làm được nhiều hơn trong một ngày hay không? Hãy thử các phương pháp khác nhau như Pomodoro và đừng ngại thử nhiều cách để tìm ra phương pháp hiệu quả nhất với mình.
- Hãy làm việc với nhịp điệu tự nhiên và khung mẫu sẵn của bạn hơn là chống lại chúng (nhưng lưu ý rằng khách hàng có thể sẽ cần bạn bất cứ lúc nào trong ngày).
💥 Khắc Phục Điểm Yếu Của Bản Thân
Thuê ngoài, xin lời khuyên từ những người có kinh nghiệm hơn hoặc tham gia thêm một số khóa đào tạo về những lĩnh vực mà bạn còn thiếu sót. Có thể bạn không phải là một người làm kế toán giỏi nhất, có thể bạn không rành về điện thoại nhưng bạn hoàn toàn có thể chủ động về những vấn đề này. Các công việc kinh doanh như kế toán có thể được thuê ngoài dễ dàng và bạn có thể học trực tuyến các kỹ năng kinh doanh quan trọng cần thiết. Chỉ cần biết bản thân mình là ai và hãy phát triển mình theo đúng hướng. Đừng để những điểm yếu kìm hãm bạn. Hơn nữa, đừng cố gắng che giấu những khuyết điểm mà hãy nhớ rằng điểm yếu tồi tệ nhất là điểm yếu không được thừa nhận.
💥 Phát Triển Thương Hiệu Cá Nhân
Sẽ thật là cool ngầu nếu như bạn có một logo và trang web đẹp đúng không? Nhưng điều đó chả có ích gì nếu chẳng có ai nhìn thấy nó và biết đến nó như thế nào. Bạn sẽ phải đặt mình ra ngoài cái vỏ bọc giấu kín bạn trước đó và quảng bá bản thân theo những cách có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái lúc đầu. Tuy nhiên thì việc này vẫn là cần thiết. Dưới đây là một số bài học thiết thực trong việc quảng bá freelancer:
- Hãy tìm ra các điểm chạm khách hàng của thương hiệu trước khi bạn quảng bá nó bởi chẳng ai sẽ ấn tượng với một trang web cẩu thả hay một dự án còn dang dở.
- Xác định đúng các điểm bán hàng độc đáo của bạn (USPs). Bạn có thể cung cấp một cái gì đó độc nhất không?
- Xem xét các kênh tạo khách hàng tiềm năng khác nhau có sẵn như Pinterest, Twitter, tờ rơi, danh thiếp, email, cuộc gọi điện thoại, LinkedIn, v.v. Sau đó, quyết định cái nào phù hợp với bạn. Tập trung, nỗ lực và theo dõi sự chuyển biến của bạn.
- Tận dụng những “lời review” về bạn: những lời chứng thực, đánh giá và những người ủng hộ sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc bạn tự gào lên để quảng cáo về việc bạn giỏi như thế nào. Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội nhận được những lời review tuyệt vời và hãy luôn làm cho việc được khen ngợi ấy là điều hiển nhiên nhé.
- Bán hàng gia tăng cũng là một cách bán hàng mới. Vì vậy hãy xem liệu bạn có thể tận dụng tối đa các kết nối khách hàng hiện tại của mình hay không?
💥 Tìm Một Thị Trường Ngách
Sẽ dễ dàng hơn khi bán bất cứ thứ gì nếu đó là thứ độc nhất vô nhị, vì vậy hãy tạo ra một thị trường thích hợp cho riêng mình. Bạn phải có sự tự tin để trở thành một chuyên gia bằng cách chuyên về một thị trường ngách. Bạn có thể sẽ có mức thu nhập cao hơn đáng kể với trình độ chuyên môn của mình khi am hiểu tường tận về một lĩnh vực sâu hơn.
Để thực sự thành công trong một thị trường ngách, bạn sẽ cần có thương hiệu, tập khách hàng và danh mục đầu tư phù hợp. Ít nhất, hãy cố gắng ra chiến trường với một loại vũ khí trong tay nhé.
💥 Những Kỹ Năng Cần Thiết
Kết nối, giao lưu, đáp ứng khách hàng. Nếu không có những kỹ năng này, bạn sẽ gặp rắc rối khi trở thành freelancer. Vì vậy, phát triển các kỹ năng kể trên, bạn cần phải:
- Giao tiếp một cách hiệu quả với mọi người để ghi dấu ấn về việc kinh doanh của bạn và nhận được các phản hồi tích cực từ xã hội.
- Mở rộng mạng lưới quan hệ để tiếp cận những khách hàng mới và giữ chân nhóm khách hàng cũ. Hãy luôn kiểm tra và tham khảo 7 lợi ích kinh doanh đạt được từ mạng lưới quan hệ.
- Luôn tiếp nhận mọi lời giới thiệu và phản hồi từ phía khách hàng.
- Hãy học hỏi và giao lưu các lĩnh vực nằm ngoài chuyên môn của bạn để tiếp thu và phát triển những ý tưởng mới.
- Tự phát triển khả năng thuyết phục, trấn an tâm lý và quản lý mọi người.
💥 Làm Việc Cho Đúng Người
Nói luôn dễ hơn làm. Nếu bạn nghĩ làm việc tự do là cứu cánh của việc đối phó với những khách hàng khó tính thì hãy nên suy nghĩ lại. Việc tìm kiếm những khách hàng phù hợp và duy trì mối quan hệ với những khách hàng hiện có sẽ chiếm rất nhiều thời gian của bạn.
Các khách hàng tiềm năng luôn xem xét chặt chẽ chuyên môn của bạn để chấm công. Bạn có thể sử dụng biểu mẫu web hoặc thực hiện các cuộc gọi ban đầu để tìm ra đúng người thực sự cần bạn. Yêu cầu khách hàng tiềm năng cung cấp cho bạn một cái gì đó để xem mức độ nghiêm túc của họ trong việc tuyển dụng bạn.
- Đừng ngại nói lời tạm biệt với khách hàng, nhưng cũng đừng vì thế mà bỏ đi quá nhiều cơ hội.
- Nếu một dự án nghe có vẻ thú vị nhưng bạn biết mình sẽ không thể hoàn thành nó, hãy thuê một người nào đó để giúp bạn hoặc giới thiệu công việc đó cho người khác. Bạn không nên cố gắng làm điều gì đó mà bạn không thể làm được.
- Gia đình và bạn bè thật tuyệt vời. Tuy nhiên, họ có thể không phải là khách hàng tốt nhất.
- Tận dụng các mạng lưới kết nối xung quanh bạn và liên hệ làm việc cho các địa chỉ hoặc khách hàng tiềm năng hiện có. Những người này đã biết bạn, tin tưởng bạn và có nhiều khả năng muốn hợp tác với bạn hơn. Chỉ cần lưu ý đừng quá khích trong bất cứ việc gì.
💥 Theo Dõi Thời Gian Và Sau Đó Đánh Giá Lại Giá Cả
Cho dù bạn định trả giá theo giờ hay chi phí dự án cố định, thì việc nhận được mức giá phù hợp là rất quan trọng. Việc tính toán chi phí cho các dự án mới đặc biệt khó và bạn có khả năng tự bán rẻ bản thân tùy theo thời gian. Theo dõi thời gian thành thạo (một chương trình như Toggl có thể trợ giúp) để bạn có thể tính mức giá hợp lý dựa trên thời gian thực tế bạn làm việc. Hãy nhớ đưa yếu tố quản trị, nghiên cứu và lập kế hoạch vào dòng thời gian dự án của bạn.
💥 Hãy Chắc Chắn Với Mức Định Giá Của Bạn
Rất nhiều freelancer mắc sai lầm khi tính phí quá ít lúc đầu. Việc tăng giá thù lao của bạn có thể rất phức tạp và sẽ có những người không làm được điều đó. “Bạn từng phải trả giá này, bây giờ bạn phải trả giá này?” Đừng đánh giá thấp bản thân – làm việc miễn phí hoặc với mức giá thấp sẽ chỉ kéo dài thái độ này và khiến bạn không thể phát triển. Tốt hơn hết bạn nên tìm những người sẽ đánh giá cao bạn.
Nhưng cũng phải đưa ra một lời cảnh báo rằng đừng quá tham lam và tính giá cắt cổ. Đảm bảo rằng việc tăng giá dựa trên giá trị thị trường của bạn.
💥 Giữ Động Lực
Đừng bỏ cuộc!
- Cố gắng duy trì động lực trong suốt cuộc hành trình thú vị này, nhưng hãy nhớ rằng không có ai là hoàn hảo, vì vậy đừng quá khắt khe với chính mình.
- Đọc và ghi lại vài câu danh ngôn tạo động lực để giúp bạn thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận mỗi ngày của mình theo hướng tích cực hơn.
- Lấy cảm hứng từ những người mà bạn ngưỡng mộ, theo dõi họ trên mạng xã hội và đọc blog của họ. Tiếp xúc nhiều hơn với những người xung quanh bạn. Họ có thể cho bạn rất nhiều lời khuyên và bài học quý báu cho bạn đấy.
- Đừng ngại xem xét lại các kế hoạch ban đầu của bạn và đánh giá lại nếu cần thiết.
Mặc dù có vô vàn những thách thức là vậy, nhưng trở thành một freelancer vẫn rất tuyệt vời phải không? Bạn đã từng thử công việc thú vị này trước đây chưa? Và bạn có ước rằng mình đã biết trước điều gì trước khi bắt đầu hành trình đầy thử thách này không?
——————————————————————————————————–
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: everydaypower.com
- Người dịch: Nguyễn Như Quỳnh
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Như Quỳnh – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/7532
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 52