Bạn đang chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn sắp tới? Bạn đang chật vật mở rộng danh sách các câu trả lời hợp lý mà bạn cảm thấy hài lòng? Bạn muốn biết cách trình bày được nhiều thành tích của mình nhằm thể hiện tốt nhất lý do tại sao bạn là ứng viên phù hợp nhất cho công việc này?
Phương pháp phỏng vấn STAR có thể là giải pháp hoàn hảo cho bạn.
Sử dụng phương pháp STAR cho phép bạn cung cấp các ví dụ cụ thể và chính xác cho các câu hỏi phỏng vấn thông thường. Với phương pháp này, bạn được trang bị để có thể thành công làm nổi bật các kỹ năng, thành tích và cách tiếp cận các tình huống thử thách, nhanh chóng đi sâu vào những điều mà người phỏng vấn muốn biết.
💥STAR: Tình huống, Nhiệm vụ, Hành động, Kết quả
STAR là từ viết tắt của Tình huống, Nhiệm vụ, Hành động và Kết quả. Phương pháp STAR có lợi cho việc trả lời các câu hỏi phỏng vấn hành vi. Đọc để tìm hiểu thêm về kỹ thuật phỏng vấn này cùng với các ví dụ về cách sử dụng nó.
💥Phỏng vấn theo phương pháp STAR là gì?
Các câu hỏi phỏng vấn hành vi đưa ra cái nhìn sâu sắc về hiệu suất trong tương lai bằng cách hỏi về hiệu suất trong quá khứ. Tiền đề là hiệu suất trong quá khứ và cách tiếp cận các tình huống của bạn cho thấy hiệu suất trong tương lai và tiềm năng thành công. Người phỏng vấn cũng cố gắng xác định xem liệu rằng bạn có các năng lực cần thiết để trúng tuyển hay không, chẳng hạn như kỹ năng phân tích, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng giải quyết xung đột và tự nhận thức.
Phương pháp STAR là phương pháp lý tưởng để trả lời các câu hỏi về hành vi vì nó đưa bạn vào trường hợp phải cung cấp tình huống (S), nhiệm vụ (T), hành động (A) mà bạn đã thực hiện và kết quả (R) của hành động đó. Phương pháp này cung cấp cho bạn những công cụ để biến mình thành người kể chuyện không lan man hay thiếu những bài học, những ý nghĩa quan trọng trong cuộc phỏng vấn . Bạn sẽ sắp đặt phần mở đầu, phần giữa và phần kết của tình huống, xung đột và giải pháp cho người phỏng vấn.
💥Một vài ví dụ về các câu hỏi phỏng vấn hành vi:
- Hãy kể cho tôi nghe về khoảng thời gian bạn gặp khó khăn với đồng nghiệp. Bạn đã giải quyết tình huống này như thế nào, kết quả là gì?
- Chia sẻ kinh nghiệm về một lần bạn không hoàn thành dự án quan trọng đúng thời hạn.
- Bạn xử lý các tình huống như thế nào khi khách hàng từ chối hoàn thành các bước cần thiết của một nhiệm vụ để bạn có thể thực hiện các bước tiếp theo với công việc của mình?
- Hãy kể về khoảng thời gian mà bạn đã nỗ lực nhiều hơn bình thường để hoàn thành công việc của mình.
- Chia sẻ kinh nghiệm về việc bạn đã đối mặt với người giám sát khó khăn. Bạn đã xử lý tình huống như thế nào, kết quả ra sao?
- Chia sẻ kinh nghiệm khi bạn đưa ra một quyết định khó khăn. Bạn làm cách nào để xử lý được?
- Hãy kể cho tôi nghe về một lần bạn đưa tin xấu (tin buồn). Cách tiếp cận của bạn là gì?
- Hãy kể cho tôi nghe về khoảng thời gian bạn bất đồng với người quản lý của mình. Bạn xoay xở như thế nào?
- Bạn đã bao giờ phải truyền cảm hứng cho người khác chưa? Bạn đã làm nó như thế nào?
💥Các khái niệm chính của việc trả lời theo STAR
Bạn có thể dùng từng khái niệm của phương pháp phỏng vấn STAR để chia nhỏ câu trả lời của mình, tạo thành một câu trả lời toàn diện và chi tiết. Câu trả lời tập trung vào kinh nghiệm làm việc chuyên môn của bạn, kinh nghiệm làm tình nguyện hoặc bất kỳ sự kiện nào khác có liên quan. Hãy trả lời cụ thể và đi vào trọng điểm.
Các ngôi sao giúp bạn trông có vẻ dễ dàng nổi bật, nhưng không phải vậy.
🌟Tình huống
Bạn sẽ tạo tiền đề bằng cách phác thảo tình huống để trả lời câu hỏi. Nếu được hỏi về khoảng thời gian khó khăn với đồng nghiệp, bạn sẽ bắt đầu bằng cách trình bày tình huống liên quan đến khó khăn mà bạn muốn diễn tả. Điều này tạo ra ngữ cảnh cho người nghe.
Ví dụ: “Với vị trí quản lý truyền thông gần đây nhất, nhóm tôi đã có lúc thiếu nhân sự và kết quả là mọi người phải làm việc quá sức. Một số hạng mục tồn đọng vì quản lý cấp cao hơn gây khó khăn cho chúng tôi trong việc ưu tiên hoạt động kinh doanh cơ sở của nhóm, cũng như một số dự án đầy tham vọng mà họ thành lập. ”
🌟Nhiệm vụ
Nhiệm vụ nhìn chung để thể hiện vai trò và trách nhiệm của bạn trong mối quan hệ với nhóm, cũng như là các bộ phận khác và cấp quản lý cao hơn. Nhiệm vụ cũng làm nổi bật vai trò của bạn trong tình huống diễn tả cho người phỏng vấn.
Ví dụ: “ Với tư cách là người quản lý truyền thông, vai trò của tôi là giúp cho nhóm hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm hàng ngày của họ, đồng thời đảm bảo họ có đủ băng thông cần thiết để hoàn thành công việc mà không gặp căng thẳng không đáng có. Tôi cũng có trách nhiệm điều chỉnh kỳ vọng cùng với giám đốc truyền thông và các thành viên khác của đội ngũ lãnh đạo. ”
🌟Hành động
Mục đích là chia sẻ các bước bạn thực hiện để hỗ trợ nhiệm vụ. Bạn giải quyết vấn đề, giải quyết xung đột hoặc đối mặt với khó khăn như thế nào? Có thể dùng từ “chúng tôi” vì bạn đã làm việc nhóm. Tuy nhiên, bạn nên sử dụng “tôi” và làm nổi bật những đóng góp của bạn.
Ví dụ: “Tôi thiết lập quy trình chính thức để gửi các yêu cầu liên lạc, có cả việc đính kèm trạng thái ưu tiên cho mỗi yêu cầu khi xuất hiện. Việc đính kèm này hỗ trợ tổ chức của nhóm và cung cấp một ảnh chụp nhanh về những gì đang diễn ra. Sau đó, tôi lên lịch các cuộc họp hàng tuần với giám đốc truyền thông và các thành viên khác trong nhóm lãnh đạo để thông báo cho họ về khối lượng công việc và băng thông hiện tại của nhóm tôi nhằm điều chỉnh kỳ vọng tốt hơn. Tôi luôn cập nhật thông tin quan trọng trong nhóm, giúp họ cảm thấy thoải mái hơn khi biết các hạng mục đang được đánh giá và xử lý. “
🌟Kết quả
Trình bày chi tiết kết quả của tình huống dựa trên nhiệm vụ và hành động bạn đã thực hiện. Nhấn mạnh những thành tích đã đạt được và những bài học cần rút ra. Nếu có thể và cảm thấy phù hợp, bạn hãy cung cấp dữ liệu định lượng.
Ví dụ: “Với việc đưa ra tính minh bạch hơn trong khối lượng công việc, nhóm tôi tạo ra các quy trình tốt hơn và điều chỉnh kỳ vọng rõ ràng hơn với giám đốc truyền thông và nhóm lãnh đạo, chúng tôi có thể tái ưu tiên các nhiệm vụ và trách nhiệm của nhóm truyền thông, hoàn thành các hạng mục tồn đọng và duy trì các mặt hàng kinh doanh cơ sở hiện tại. Tôi áp dụng những lời dạy và những thay đổi này, và chúng tôi đã cắt giảm thời gian hoàn thành dự án trung bình xuống một ngày. Tôi cũng học được tầm quan trọng của việc thường xuyên giao tiếp với các thành viên trong nhóm.”
💥Chuẩn bị cho buổi phỏng vấn STAR
Thực tế là bạn không có quả cầu pha lê nào cho biết chính xác những gì người phỏng vấn sẽ hỏi. Tuy nhiên, bạn có thể lập danh sách các câu hỏi và tình huống có thể xảy ra để trả lời. Áp dụng quy trình năm bước sau để chuẩn bị cho các câu trả lời STAR của bạn.
Phía sau hậu trường, mọi người phải làm việc chăm chỉ và tham vọng trở thành ngôi sao.
1. Lập danh sách các năng lực và kỹ năng cần thiết
Xem lại bài tuyển dụng và lập danh sách các kỹ năng và năng lực cần thiết cho vị trí đó.
2. Lập danh sách các câu hỏi có khả năng
Xem xét và tạo một danh sách các câu hỏi phỏng vấn hành vi mà bạn có thể được hỏi.
3. Kết nối các kỹ năng và năng lực của bạn phù hợp với các kỹ năng và năng lực của yêu cầu công việc
Lập danh sách các kỹ năng và năng lực của bạn làm sao để hòa hợp với các kỹ năng và năng lực cần thiết liệt kê trong tin tuyển dụng. Nếu bạn gặp khó khăn với bước này, hãy xem lại các bài đánh giá hiệu suất trước đây và sơ yếu lý lịch của bạn nhằm biết được nền tảng của mình..
4. Tạo danh sách các câu trả lời mẫu từ kinh nghiệm làm việc của bạn
Với danh sách các năng lực và kỹ năng phù hợp với yêu cầu công việc, bạn có thể phát triển các câu trả lời khả thi cho các câu hỏi phỏng vấn sử dụng phương pháp STAR.
5. Luyện tập câu trả lời của bạn
Sau khi bạn có danh sách các tình huống, hãy thực hành trả lời. Bạn càng luyện tập nhiều, bạn càng thoải mái khi ngồi trên ghế nóng đối diện với người phỏng vấn.
💥Câu trả lời mẫu sử dụng phương pháp STAR
Câu hỏi: Chia sẻ khoảng thời gian bạn phải đối mặt với một tình huống khó khăn trong công việc. Bạn đã xử lý và giải quyết vấn đề như thế nào?
- Tình huống: “Tôi làm trưởng phòng Nhân sự tại một chuỗi nhà hàng nơi có một nhân viên tố cáo có hành vi quấy rối tình dục đối với một trong những nhân viên khác”.
- Nhiệm vụ: “Tôi biết tôi phải giải quyết vấn đề quan tâm và điều tra ngay lập tức.”
- Hành động: “Tôi lên lịch các cuộc phỏng vấn với người quản lý nhân viên và từng nhân viên để thu thập thông tin và có cái nhìn sâu sắc.”
- Kết quả: “Hóa ra là nhân viên bị cáo buộc quấy rối nhân viên kia không có ý xấu và nhân viên đưa ra cáo buộc sẵn sàng lắng nghe lời xin lỗi và giải thích của nhân viên kia. Tôi chỉ định nhân viên có cáo buộc chống lại cô ấy tham gia chương trình đào tạo về nạn quấy rối, từ đó, hai nhân viên có thể làm việc cùng nhau.
Câu hỏi: Hãy miêu tả khoảng thời gian mà bạn đã phải chịu rất nhiều áp lực do thời hạn làm việc quá nghiêm ngặt. Bạn trả lời như thế nào?
- Tình huống: “Công việc trước đây của tôi là trưởng dự án, một thành viên trong nhóm đã nghỉ việc một tuần sau khi hoàn thành dự án lớn của một trong những vị khách hàng quan trọng nhất của chúng tôi. Thành viên được sắp xếp thực hiện dự án từ giai đoạn cuối cho đến khi triển khai. ”
- Nhiệm vụ: “Mặc dù tôi đang quản lý ba dự án khác vào thời điểm đó, nhưng tôi phải đảm bảo rằng chúng tôi luôn đi đúng hướng để hoàn thành dự án đúng thời hạn.”
- Hành động: “Đầu tiên tôi dành cho mình một buổi tối để thư giãn, giảm căng thẳng và lấy lại sự tập trung. Tiếp đó, tôi đánh giá cẩn thận những yêu cầu để hoàn thành dự án đúng thời hạn. Tôi cũng xem xét vai trò của các thành viên trong nhóm để xác định ai phù hợp nhất thay thế và tiếp quản nhân viên đã nghỉ việc. Tôi hoàn thành việc phân chia nhiệm vụ của mình và một thành viên trong nhóm là người rất hào hứng với cơ hội này. ”
- Kết quả: “Mặc dù chúng tôi phải làm việc tận đêm khuya tại văn phòng trong tuần đó nhưng chúng tôi đã có thể hoàn thành dự án đúng hạn. Khách hàng hoàn toàn hài lòng với kết quả. “
Bạn cũng có thể xem 73 bộ câu hỏi phỏng vấn hành vi, mỗi bộ gồm 30 câu hỏi liên quan tách thành năm loại phỏng vấn, tất cả đều miễn phí trên Ladders.
___________________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: theladders
- Người dịch: Nguyễn Thị Phương
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Thị Phương – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9095
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 14