Bạn đã chuẩn bị những câu hỏi phổ biến nhất được hỏi khi phỏng vấn việc làm chưa? Nếu đã chuẩn bị rồi thì bạn có cơ hội lớn để tạo ấn tượng tốt trong buổi phỏng vấn. Một trong những cách tốt nhất để có thể tạo ấn tượng tốt là thực hành trả lời những câu hỏi phỏng vấn thường gặp này. Từ đó, bạn có thể làm nổi bật kinh nghiệm làm việc, học vấn, kỹ năng và năng lực liên quan của mình một cách dễ dàng khi phỏng vấn diễn ra.
Dưới đây là một số câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhất cùng với các ví dụ câu trả lời, cũng như hướng dẫn mọi người chuẩn bị và trả lời tốt phỏng vấn.
💥Các câu hỏi phỏng vấn xin việc thông dụng nhất với các câu trả lời ví dụ
Chuẩn bị sự tự tin và làm cho bạn nổi bật.
🌟Câu hỏi: Hãy giới thiệu về bản thân bạn.
Câu hỏi này là câu mở đầu cho hầu hết các cuộc phỏng vấn. Nó đóng vai trò như phần mở đầu tuyệt vời để bắt đầu buổi thảo luận và cung cấp cho người phỏng vấn những hiểu biết sâu sắc việc bạn là ai và bạn có thể đóng góp những gì cho tổ chức.
Để trả lời câu hỏi này, bạn có thể cung cấp một chút thông tin chi tiết về đời sống cá nhân của mình, chẳng hạn như sở thích của bạn. Tuy nhiên, phần lớn câu trả lời của bạn nên liên quan đến công việc và công ty. Bạn nên cung cấp tổng quan vị trí của bạn thời điểm hiện tại, bạn có được chức vụ đó như thế nào và mục tiêu tương lai của bạn.
Câu trả lời ví dụ:
Khi tôi không làm việc, tôi làm tình nguyện viên tại một trại chó ở địa phương. Tôi yêu chó nhưng lịch trình làm việc khiến tôi khó có thể nuôi một chú chó được. Nơi những chú chó nương tựa giúp tôi có cơ hội dành thời gian cho động vật và cống hiến cho cộng đồng.
Về công việc, tôi quan tâm tới ngành này vì tôi say mê với hệ thống pháp luật ở trường trung học và có một người cố vấn ở trường đại học là luật sư bào chữa. Tôi dõi theo anh ấy và quyết định lựa chọn ngành luật. Tôi rất thích nơi tôi sống trong vài năm qua, mặc dù tôi muốn có được cơ hội khám phá, so sánh luật doanh nghiệp với tranh tụng hành nghề tư nhân, đó là lý do tại sao tôi muốn tạo dựng sự nghiệp.
Lời khuyên từ chuyên gia: Khi chia sẻ về bản thân, bạn có thể dễ dàng đưa ra câu trả lời dài dòng. Tốt nhất bạn nên trả lời câu hỏi này bằng một đoạn văn ngắn, nói không quá một phút.
🌟Câu hỏi: Tại sao bạn quan tâm đến vị trí tuyển dụng này?
Nhà tuyển dụng chắc chắn muốn biết lý do tại sao bạn quan tâm đến công việc. Nếu bạn tỏ ra lạnh lùng, thờ ơ hoặc lo âu khi trả lời, bạn sẽ khiến người phỏng vấn cảm thấy khó chịu. Thay vào đó, hãy đưa ra thông tin chi tiết và cụ thể về lý do tại sao vị trí này lại thu hút sự quan tâm của bạn và kết nối nó với trải nghiệm trước đây của bạn. Câu hỏi này cung cấp cho bạn cơ hội nổi bật với việc bạn biết những gì về công ty và vị trí này, vì vậy hãy nhớ nghiên cứu trước công ty để chia sẻ lý do tại sao bạn quan tâm đến những điều như văn hóa, giá trị, sứ mệnh và dịch vụ của công ty.
Câu trả lời ví dụ:
Tôi thích việc giá trị của công ty tập trung vào lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và sự quan tâm khi làm việc với khách hàng và các thành viên trong nhóm. Những giá trị này phù hợp với các nguyên tắc của tôi. Tôi cũng biết rằng vị trí này mang lại cơ hội thúc đẩy đổi mới và thăng tiến trong lĩnh vực kỹ thuật, và tôi rất hào hứng học hỏi thêm về phương pháp, cách tiếp cận của bạn với những lĩnh vực đó.
🌟Câu hỏi: Tại sao bạn muốn nghỉ công việc hiện đang làm?
Người tuyển dụng và trưởng phòng tuyển dụng hỏi câu hỏi này nhằm đảm bảo không có “cờ đỏ” nào (dấu hiệu cảnh báo những điểm không ổn mà nhà tuyển dụng cần cân nhắc) về lý do bạn rời đi. Hãy khôn khéo khi trả lời câu hỏi này và tránh rơi vào bẫy nói xấu về người sắp trở thành chủ cũ của bạn. Ngay cả khi bạn nghỉ việc vì môi trường độc hại hoặc quản lý tồi, bạn vẫn muốn tìm ra cách để điều chỉnh nó sao cho lý do này không để lại cảm giác tức giận hay bất mãn với người phỏng vấn. Nếu có thể, hãy bày tỏ mong muốn thay đổi về kinh nghiệm làm việc mới hoặc các khía cạnh phát triển sự nghiệp theo hướng tích cực khác.
Các nhà tuyển dụng và trưởng phòng tuyển dụng cũng muốn chắc chắn câu trả lời của bạn phù hợp với thông tin khác mà bạn chia sẻ trong cuộc phỏng vấn. Ví dụ: nếu bạn nói rằng bạn nghỉ việc vì bạn đang muốn làm việc cho một công ty có cơ cấu tổ chức tốt hơn nhưng sau đó lại nói rằng cơ cấu phân cấp ở công ty cũ hoạt động tốt, điều này làm dấy lên tín hiệu về sự trung thực của bạn.
Câu trả lời ví dụ:
Tôi thích làm việc với công ty XYZ 5 năm qua. Hầu hết kinh nghiệm của tôi tập trung vào các hoạt động ở hạ nguồn dầu khí và bây giờ, tôi quan tâm đến việc áp dụng kiến thức chuyên môn của mình vào các hoạt động ở thượng nguồn. Vị trí này sẽ cho phép tôi làm điều đó.
Lời khuyên từ chuyên gia: Nếu bạn đã rời đi, bạn chấp nhận phải chia sẻ hoàn toàn điều đó. Tốt nhất là bạn nên trung thực và thẳng thắn. Nếu bạn được tuyển dụng, sự thật có thể sẽ phơi bày trong quá trình kiểm tra lý lịch.
🌟Câu hỏi: Tại sao bạn là người phù hợp nhất với công việc này?
Người phỏng vấn muốn biết rằng bạn có tất cả các yếu tố để thành công ở vị trí đang tuyển dụng. Câu trả lời của bạn phải rõ ràng, súc tích, tự tin và giải thích tất cả những điều bạn có thể làm cho tổ chức. Để chuẩn bị cho câu hỏi này, hãy xem lại bài đăng tuyển dụng, lưu ý các yêu cầu công việc và trình độ chuyên môn, đồng thời nghĩ ra một câu trả lời phù hợp.
Câu trả lời ví dụ:
Tôi đã làm việc trong lĩnh vực phát triển phần mềm 7 năm qua và có chuyên môn 5 năm trong việc thiết kế trò chơi. Tôi cũng đã quản lý một nhóm bốn thành viên trong ba năm. Tôi hiểu rằng công ty đang muốn mở rộng bộ phận phát triển thiết kế trò chơi và tôi tin rằng kinh nghiệm trước đây của tôi sẽ có giá trị lớn đối với công ty.
🌟Câu hỏi: Điểm mạnh lớn nhất của bạn là gì?
Điểm mạnh thể hiện trình độ của bạn cho công việc. Khi liệt kê danh sách các điểm mạnh lớn nhất của bạn, hãy đảm bảo có các câu trả lời và ví dụ để “chứng tỏ” được điểm mạnh thay vì chỉ “nói” về nó. Bạn nên chọn một thế mạnh liên quan trực tiếp đến yêu cầu công việc.
Câu trả lời ví dụ:
Tôi tự hào về kỹ năng giao tiếp bằng lời nói và văn bản vững chắc của mình, những kỹ năng này sẽ giúp tôi làm tốt ở vị trí này khi làm việc với các khách hàng bảo hiểm và các thành viên trong nhóm. Tôi đã dạy khóa học thuyết trình tại một trường cao đẳng cộng đồng trong 5 năm và ở bộ phận của chúng tôi, tôi hiện là biên tập viên phụ trách liên lạc qua email.
🌟Câu hỏi: Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Đây là một trong những câu hỏi khó trả lời với các ứng viên. Hãy cẩn thận để không đề cập đến điểm yếu là trình độ chuyên môn hoặc đặc tính được liệt kê cần thiết cho công việc, và hãy làm cho điểm yếu của bạn theo cách tích cực.
Câu trả lời ví dụ:
Nhiều khi tôi tiếp nhận quá nhiều thứ cùng một lúc. Tôi có nhiều tham vọng và rất hào hứng với các nhiệm vụ và dự án mới. Tuy nhiên, khi tôi đảm nhận quá nhiều, rất khó để hoàn thành đúng thời hạn công việc và chú ý đến các chi tiết cần thiết. Tôi đã khắc phục khó khăn này bằng cách cho tất cả các dự án và nhiệm vụ vào lịch của mình, cập nhật lịch trình vào cuối ngày và đó là điều đầu tiên tôi làm vào buổi sáng. Việc này cho phép tôi thường xuyên biết được những công việc quan trọng cần làm, tránh làm quá nhiều việc cùng lúc.
Lời khuyên từ chuyên gia: Tránh nói rằng bạn không có điểm yếu nào. Làm như vậy cho thấy bạn thiếu nhận thức về bản thân, là người hay từ chối hoặc không biết cách chấp nhận những lời chỉ trích mang tính xây dựng.
🌟Câu hỏi: Bạn kỳ vọng mức lương bao nhiêu?
Nhà tuyển dụng cần biết liệu kỳ vọng của bạn có nằm trong phạm vi mà họ đưa ra hay không. Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề tiền lương quá sớm làm mọi người không thoải mái, trong khi việc muốn biết thêm thông tin trước khi thảo luận về tiền lương là điều có thể chấp nhận và dễ hiểu.
Câu trả lời ví dụ:
Tôi cảm thấy thoải mái hơn khi trao đổi về các kỳ vọng về mức lương và thưởng sau khi tôi hiểu sâu hơn trách nhiệm và nghĩa vụ của vị trí đó.
🌟Câu hỏi: Mục tiêu nghề nghiệp ngắn hạn và dài hạn của bạn là gì?
Mục đích của việc hỏi câu hỏi này là để xác định mức độ tự nhận thức của bạn, mức độ tham vọng của bạn và liệu mục tiêu nghề nghiệp của bạn có phù hợp với những gì công ty có thể cung cấp hay không.
Câu trả lời ví dụ:
Mục tiêu ngắn hạn của tôi là áp dụng kiến thức chuyên môn về truyền thông và mạng xã hội của mình vào một công việc như này. Cuối cùng, tôi muốn phát triển và mở rộng kỹ năng của mình để dẫn dắt một nhóm truyền thông và lập kế hoạch để đạt được mục tiêu đó bằng cách tham gia các khóa học lãnh đạo và tìm kiếm vai trò lãnh đạo trong các dự án của nhóm.
🌟Câu hỏi: Hãy kể cho tôi nghe về khoảng thời gian bạn thất bại.
Những câu hỏi hành vi như thế này nhằm khám phá cách bạn xử lý các tình huống trong quá khứ, dự đoán về cách bạn xử lý các tình huống tương tự trong tương lai. Thất bại ở một khía cạnh, một mức độ nào đó là điều luôn xảy ra với mỗi chuyên gia. Nhà tuyển dụng muốn biết bạn đã đối mặt với thất bại như thế nào và bạn có rút ra được bài học hay không. Hãy bắt đầu câu trả lời với định nghĩa của bạn về thất bại, và sau đó giải thích tình huống.
Câu trả lời ví dụ:
Tôi coi đó là một thất bại khi nhân viên của tôi không thể nói chuyện cởi mở với tôi về những gì đang xảy ra với họ tại nơi làm việc. Tôi đã gặp tình huống khi một khách hàng đang quấy rối nhân viên, và thay vì đến gặp tôi, cô ấy đã tìm đến bộ phận Nhân sự. Mặc dù đó là cách làm phù hợp nhưng tôi thấy thật tệ khi không biết rằng có hành vi quấy rối và cô ấy không nghĩ về việc đến gặp tôi trước. Kể từ đó, ngoài các cuộc họp hàng tuần, tôi đã tổ chức sự kiện xây dựng nhóm ở bên ngoài mỗi tháng một lần, cho dù chỉ đơn giản là uống cà phê vào buổi chiều hay chơi bowling (bóng gỗ) sau giờ làm việc nhằm hỗ trợ ý thức cộng đồng và xây dựng lòng tin. Kết quả rất khả quan và mỗi thành viên trong nhóm dường như thoải mái và cởi mở hơn khi nói với tôi về các vấn đề phát sinh, dù lớn hay nhỏ.
Sử dụng những câu hỏi thông thường này như một điểm khởi đầu để chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn sắp tới của bạn. Bạn càng chu đáo và kiểm soát được trong các câu trả lời của mình, bạn sẽ càng gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Làm theo đúng hướng dẫn và nhận ưu đãi.
Bạn cũng có thể xem Các câu hỏi phỏng vấn hành vi hàng đầu dành cho người tìm việc của Theladders, bao gồm 73 vai trò chuyên môn và cung cấp 30 câu hỏi phỏng vấn hành vi, mỗi chuyên mục sẽ có 5 loại câu hỏi đó.
____________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: theladders
- Người dịch: Nguyễn Thị Phương
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Thị Phương – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9740
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 26