Nhiều người quyết định làm hai công việc vì nhiều lý do khác nhau. Có thể vì muốn tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng trong một lĩnh vực khác hay vì muốn kiếm thêm tiền để trang trải cho lối sống mơ ước của mình. Bất kể lý do của bạn là gì, cuộc sống của bạn có thể thay đổi khi bạn đảm nhận công việc thứ hai. Trong bài viết này, chúng tôi cung cấp một số mẹo về cách thực hiện cùng lúc hai công việc một cách hiệu quả.
💥Cách quản lý hai công việc cùng lúc
Có nhiều lợi ích khi làm hai công việc. Ngoài thu nhập tăng, bạn sẽ có được những kỹ năng mới, mở rộng mạng lưới xã hội của mình và tạo ra các mối quan hệ công việc mới. Tuy nhiên, làm hai công việc cũng đem lại những thách thức, chẳng hạn như việc duy trì một lối sống lành mạnh và có thời gian cho bạn bè và gia đình bên cạnh lúc làm việc trong nhiều giờ.
Dưới đây là một số điểm chính sẽ giúp bạn điều chỉnh thành công hai công việc trong khi vẫn có thể duy trì một lối sống cân bằng.
1. Quản lý thời gian của bạn
Quản lý thời gian hiệu quả có thể là việc quan trọng nhất để thành công làm việc ở hai công việc. Để giúp quản lý thời gian của mình, bạn nên:
- Đầu tư vào một công cụ lập kế hoạch hàng ngày
Ghi chú công việc mỗi ngày vào sổ kế hoạch hàng ngày là điều cần thiết nếu bạn đang làm hai công việc. Nếu lịch trình của bạn đặc biệt bận rộn, hãy đầu tư vào một công cụ lập kế hoạch hàng ngày dự phòng cho các khoảng thời gian ít hơn để bạn có thể lập kế hoạch thời gian của mình một cách chi tiết. Bạn nên lên kế hoạch trước cho cả tuần của mình để có thể xác định được những xung đột có thể xảy ra và chủ động giải quyết chúng.
- Đơn giản hóa các công việc hàng ngày
Bạn có thể cần đơn giản hóa các công việc hàng ngày càng nhiều càng tốt khi làm hai công việc. Điều này có thể bao gồm thay vì bạn đi đến phòng tập gym thì bạn có thể chạy bộ, nấu ăn và ướp lạnh nhiều loại thực phẩm cho đến cuối tuần hoặc chuẩn bị các bữa ăn đơn giản hơn trong tuần. Ví dụ, bạn có thể thêm nguyên liệu vào nồi hầm trước khi rời khỏi nhà vào buổi sáng và quay trở về với món hầm đã được chuẩn bị sẵn.
- Lập danh sách việc cần làm
Điều quan trọng là bạn phải giảm bớt những lo lắng về các công việc trong tương lai. Giữ một danh sách những việc cần làm ở mỗi công việc và đánh dấu các nhiệm vụ khi bạn hoàn thành chúng để tránh việc nhầm lẫn giữa các công việc hoặc trì hoãn chỉ vì bạn không có sự sắp xếp.
2. Chọn công việc thứ hai một cách cẩn thận
Nếu bạn đã quyết định nhận công việc thứ hai, bạn nên suy nghĩ kỹ về loại công việc mà bạn sẵn sàng cam kết. Hãy xem xét những điều sau:
- Tiền bạc
Nhiều người muốn nhận công việc thứ hai vì lo ngại về tiền bạc. Nếu đây là lý do của bạn, bạn có thể kiếm tiền từ các kỹ năng hiện tại của mình cho công việc thứ hai. Ví dụ, một giáo viên có thể tự mở các lớp học thêm riêng,, hoặc một nhà báo có thể làm việc như một nhà văn tự do. Nếu bạn áp dụng các kỹ năng hiện tại cho công việc thứ hai, rất có thể bạn sẽ kiếm được nhiều tiền hơn so với việc bạn bắt đầu một công việc không có kinh nghiệm trước đó.
- Kĩ năng mới
Động lực chính của bạn khi nhận được công việc thứ hai có thể là để học các kỹ năng mới. Nếu vậy, hãy chọn một công việc thứ hai phù hợp với một trong những sở thích của bạn và nó sẽ giúp bạn học một bộ kỹ năng mới mà có thể dẫn đến những cơ hội việc làm mới.
- Khoảng cách
Cân nhắc chọn một công việc thứ hai nằm gần vị trí của bạn hoặc gần với công việc thứ nhất của bạn để tránh việc đi lại tốn kém và mất thời gian.
3. Quản lý tiền bạc của bạn
Khi bạn đang kiếm thêm thu nhập, hãy cố gắng chi tiêu nó một cách khôn ngoan. Lập một ngân sách dự tính trong đó bạn ghi chú lại các chi phí phụ mà bạn phải bỏ ra vì công việc thứ hai, chẳng hạn như chi phí đi lại, các bữa ăn mang theo thêm hay thuế, và trừ các khoản đó khỏi thu nhập kiếm thêm của bạn. Áp trực tiếp số dư còn lại cho khoản nợ bạn đang trả hoặc các mục tiêu tài chính mà bạn đang hướng tới. Bằng cách này, bạn vừa đạt được mục tiêu vừa có thể thấy sự chăm chỉ của mình được đền đáp.
4. Chăm sóc bản thân và những người thân yêu
Đảm nhận công việc thứ hai và duy trì một lối sống cân bằng đòi hỏi phải có kỷ luật. Để duy trì lịch trình bận rộn của mình, bạn cần đảm bảo rằng mình luôn khỏe mạnh.
- Tiếp tục tập thể dục
Nếu lịch trình của bạn trở nên bận rộn hơn, nếu có thể thì điều quan trọng là phải duy trì hoạt động. Bạn có thể cần thay đổi chế độ luyện tập để thích nghi với lịch trình mới. Ví dụ, các buổi tập kéo dài hàng giờ tại phòng tập thể dục ba lần một tuần, có thể cần được thay thế bằng các bài tập bạn có thể thực hiện tại nhà, chẳng hạn như chạy bộ hoặc yoga. Ngoài việc tập thể dục, hãy thực hiện những thay đổi nhỏ nếu bạn có thể, chẳng hạn như đi cầu thang bộ thay vì thang máy.
- Ăn uống lành mạnh
Điều quan trọng là phải ăn thức ăn bổ dưỡng, đặc biệt nếu bạn cần duy trì năng lượng của mình ở hai công việc trong một thời gian dài. Để làm được như vậy, bạn sẽ cần phải lập kế hoạch tốt. Bạn có thể nấu nhiều các phần ăn hơn và để chúng vào tủ lạnh, chọn các phương pháp nấu ăn nhanh hơn, mang theo bữa trưa và giữ các món ăn nhẹ lành mạnh như trái cây và các loại hạt ở cả hai công việc.
- Nghỉ ngơi
Nếu có thể, hãy nghỉ làm ít nhất một ngày trong tuần để cơ thể và tâm trí được nghỉ ngơi. Nếu lịch trình của bạn chỉ cho phép thư giãn vài giờ mỗi tuần, hãy tắt điện thoại và cố gắng không nghĩ đến công việc trong thời gian đó. Trẻ hóa tâm trí và cơ thể của bạn là điều cần thiết để thực hiện tốt cả hai công việc và duy trì trạng thái cân bằng.
- Dành thời gian cho bạn bè và những người thân yêu
Ngay cả khi bạn có một lịch trình bận rộn, hãy dành thời gian cho bạn bè và gia đình. Cuối cùng thì, một cuộc sống hạnh phúc và cân bằng sẽ bao gồm cả một mạng lưới mối quan hệ hỗ trợ mạnh mẽ và các mối quan hệ lành mạnh.
- Ngủ đủ giấc
Nếu bạn muốn thành công trong việc duy trì cả hai công việc, bạn sẽ cần phải nghỉ ngơi đầy đủ. Mặc dù bạn có thể muốn dành thời gian vào ban đêm để thư giãn với một cuốn sách hoặc Netflix, nhưng hãy cố gắng ngủ ít nhất bảy giờ mỗi ngày.
5. Bảo vệ công việc đầu tiên của bạn
Hãy chú ý để cho chất lượng công việc tại công việc chính của bạn đạt tiêu chuẩn cao và mức độ cam kết của bạn vẫn giữ nguyên. Sẽ phản tác dụng nếu bạn chỉ nhận công việc thứ hai nếu nó làm gây hại đến hiệu suất và các mối quan hệ của bạn ở công việc chính. Cho đến khi bạn quyết định thay đổi nghề nghiệp của mình hoặc bắt đầu một công việc khác, công việc chính của bạn vẫn nên được ưu tiên hàng đầu.
Từ góc độ pháp lý, bạn phải đọc qua hợp đồng lao động của mình để hiểu các quyền của bạn liên quan đến công việc thứ hai. Hầu hết các công ty yêu cầu rằng không có xung đột lợi ích và bạn không được làm việc cho các đối thủ cạnh tranh. Thông báo cho người quản lý của bạn về công việc thứ hai cũng là một việc khôn ngoan. Bằng cách này, bạn không cần phải lo lắng về việc mọi người phát hiện ra công việc thứ hai của bạn và bàn tán về nó, và người quản lý của bạn lúc này thậm chí có thể giúp đỡ.
💥Ví dụ về các công việc phụ sinh lời
Nếu bạn đang đảm nhận công việc thứ hai, động lực chính của bạn có thể là lợi nhuận tài chính. Dưới đây là một vài ví dụ về các công việc phụ có thể khá sinh lời:
1. Làm nghề tự do (Freelancer)
Với sự ra đời của Internet, làm việc tự do đã trở thành một cách sinh lợi để kiếm thêm tiền. Internet cung cấp vô số cơ hội cho nhiều chuyên gia, bao gồm cả nhà văn, nhà thiết kế đồ họa, người làm phim hoạt hình, kiến trúc sư và lập trình viên. Các loại công việc tự do và mức lương đều khác nhau, từ việc ra giá cho các công việc với mức lương tương đối thấp đến làm việc cho một công ty trong một thời gian dài với mức lương xuất sắc. Lợi ích chính của việc làm tự do là lịch làm việc linh hoạt và khả năng làm việc thoải mái ngay tại nhà của bạn.
2. Ngành công nghiệp dịch vụ
Nếu bạn thích tiếp xúc với mọi người, làm việc như một người phục vụ hoặc nhân viên pha chế là một lựa chọn tốt. Bạn thường có thể chọn số ca làm việc mà mình muốn, giúp bạn dễ dàng sắp xếp công việc khác của mình. Mặc dù lương không đáng kể, nhưng bạn có thể kiếm tiền từ tiền boa, đặc biệt nếu bạn có thể kiếm được việc làm tại một cơ sở ăn uống được nhiều người biết đến hay một nơi cao cấp.
3. Dạy học trực tuyến
Ngày càng có nhiều nhu cầu về giáo viên tiếng Anh trực tuyến. Yêu cầu về trình độ sẽ khác nhau, nhưng bạn có thể sẽ phải thông thạo tiếng Anh, sở hữu một máy tính xách tay có âm thanh, webcam và có quyền truy cập và kết nối mạng không dây tốt. Một số công ty có thể yêu cầu bạn phải có bằng TEFL hoặc một số kinh nghiệm giảng dạy.
Môi trường giảng dạy bao gồm các lớp học gia sư 1:1 hoặc dạy cho cả lớp đông học sinh. Tuy nhiên, hầu hết các công ty sẽ đào tạo chuyên sâu và trang bị cho bạn kĩ năng mềm cần thiết. Tiền lương thường rơi vào khoảng $ 10- $ 30 mỗi giờ.
4. Tài xế chia sẻ xe chung
Nhu cầu về các tài xế đi chung xe luôn tăng cao, đây là một lựa chọn khả thi nếu bạn có một chiếc xe hơi phù hợp. Nếu bạn muốn làm việc cho một công ty như Uber hoặc Lyft, bạn phải trên 21 tuổi và phải có kinh nghiệm lái xe ít nhất một năm. Là tài xế chia sẻ xe chung bán thời gian, bạn có thể chọn thời gian bạn muốn làm việc, cho dù đó là vài đêm trong một tuần hay chỉ vào cuối tuần. Số tiền bạn kiếm được sẽ phụ thuộc vào số lượng khách hàng bạn có trong mỗi ca làm việc.
________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả về những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: indeed
- Người dịch: Nguyễn Phương Thảo
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là: “Người dịch: Nguyễn Phương Thảo – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9294
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 37