Cuộc sống quả thực không thể đoán trước được. Một vài năm gần đây, như mọi người đều biết, cuộc sống của chúng ta đang rơi vào hỗn loạn với tốc độ nhanh chóng. Có quá nhiều thay đổi đối với mọi tầng lớp trong xã hội kể từ tháng 3 năm 2020 và dường như chúng ta đang có một cuộc chiến đấu trường kỳ ở phía trước. Thật khó để tưởng tượng cuộc sống chúng ta sẽ ra sao sau COVID 19.
Bên cạnh các cuộc khủng hoảng về kinh tế và xã hội, có một cuộc khủng hoảng vô hình đang diễn ra mà hiếm khi chúng ta nói về nó. Trong khi ai ai cũng bận rộn giải quyết hậu quả mà dịch bệnh để lại, có một ảnh hưởng tiềm ẩn có thể gây tổn thất nặng nề theo thời gian. Đó là cuộc khủng hoảng về tâm lý trong thời kỳ dịch bệnh, lo ngại rằng tình trạng này sẽ chỉ càng trở nên tồi tệ hơn khi con người làm ngơ nó để tập trung chống lại COVID 19.
Thời điểm này, khả năng phục hồi cảm xúc là điều cần thiết. Người trưởng thành cần chú ý đến tinh thần của bản thân và trao tình yêu thương, sự quan tâm và hỗ trợ về mặt cảm xúc cho những người thân yêu để hạn chế những hậu quả không mong muốn. Dưới đây là một vài phương pháp để xây dựng khả năng phục hồi cảm xúc và chuẩn bị tốt tinh thần cho cuộc sống hậu COVID 19.
💌 1. Chấp Nhận Hiện Thực Mới
Tất cả chúng ta đều đau buồn trước những mất mát của cuộc sống và chôn vùi những dự định mà chúng ta ấp ủ trong vài năm tới. Chúng ta cần phải đối mặt với hiện thực và hoàn toàn chấp nhận nó. Sự chấp nhận hoàn toàn có nghĩa là loại bỏ những suy nghĩ, đại loại như “điều gì xảy ra nếu”, “giá mà”, “chuyện hẳn nên như vậy”,…
Chúng ta cần phải chấp nhận thực tế mới – một thực tế tràn ngập sự không chắc chắn, nỗi sợ nhiễm bệnh và một tương lai sơ sài. Rất nhiều người trong chúng ta tin rằng sự chấp nhận là thụ động và là hành động của kẻ yếu, nhưng điều đó hoàn toàn ngược lại. Sự chấp nhận đòi hỏi lòng dũng cảm to lớn để đối mặt với những sự thật phũ phàng trong hoàn cảnh hiện tại.
💌 2. Chữa Lành Thay Vì Bỏ Mặc
Chúng ta đều có xu hướng trốn chạy cảm xúc bằng cách bỏ qua, thờ ơ và thậm chí làm tê liệt chúng. Thành thật mà nói, chúng ta đều không biết cách đối phó với chúng.
Ngày nay, chúng ta đang đối mặt với một cơn sóng thần cảm xúc, và chúng ta không biết bắt đầu từ đâu. Làm thế nào để một người có thể vượt qua đống hỗn loạn mà không bị vỡ vụn dưới sức nặng của tất cả những cảm xúc này? Và vì thế chúng ta nhìn nhận theo hướng khác. Chúng ta vờ như những cảm xúc đó không tồn tại. Chúng ta say sưa xem Netflix, hay tồi tệ hơn, chuyển qua chất có cồn và thuốc để tê liệt nỗi đau. Nhưng điều đó không giải quyết được gì cả. Đó chỉ là tạm thời quên đi giống như những cơn sóng xô vào bờ rồi lại rút về đại dương. Nhưng khi cơn sóng lại ập đến, những cảm xúc đó sẽ trở lại và trở lại với nhiều lực sát thương hơn bao giờ hết.
Vì thế, đừng phớt lờ nó mà hãy chữa lành nó. Chia sẻ với gia đình và bạn bè cảm xúc của bạn. Nếu không, hãy tìm đến đường dây trợ giúp sức khỏe tâm lý, nhà tư vấn, nhà trị liệu để xoa dịu nỗi đau.
💌 3. Tìm Kiếm Và Đưa Ra Hỗ Trợ Về Mặt Tinh Thần
Hãy chắc chắn rằng bạn biết những người thân yêu của bạn đang làm gì. Thực hiện một vài bước sau “Bạn có khỏe không?” để biết liệu họ có ổn không. Hỏi về tinh thần họ dạo gần đây ra sao? Ngủ ngon chứ? Họ đang đối mặt với sự mất ổn định và nỗi sợ hãi như thế nào?
Nếu họ mở lòng với bạn, hãy dành một khoảng không gian, lắng nghe họ và đừng phán xét. Đừng vội vã kể những câu chuyện của bạn và đưa ra những lời khuyên khi mà họ không cần. Bạn chỉ cần để họ biết bạn đang ở đây, bên cạnh họ và bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia nếu họ không thể đối phó được. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng đây không phải con đường một chiều. Khi bạn sẵn sàng dành cho những người thân yêu, thì cũng hãy tìm kiếm sự giúp đỡ khi bạn cần. Đừng cố gắng trở thành một vị cứu tinh mà quên đi bản thân bạn.
💌 4. Giữ Kết Nối Với Những Người Xung Quanh
Dù cho những người xung quanh bạn là ai – có thể là đồng nghiệp, hội bạn lớp nghệ thuật, bạn cùng tập luyện, cộng đồng kết nối hay gia đình và bạn bè, hãy giúp đỡ và tìm kiếm sự giúp đỡ từ tập thể và tìm thấy niềm an ủi trong khoảng thời gian này.
Thật tuyệt khi biết rằng bạn không chỉ có một mình, đặc biệt khi bạn cách xa những người thân yêu và bị hạn chế làm những điều yêu thích. Tận dụng công nghệ để ít nhất giữ cho các cuộc trò chuyện tiếp diễn. Có thể đó là sáng tạo nghệ thuật cùng nhau hoặc cùng đốt cháy năng lượng, chắc chắn rằng bạn giữ liên lạc với những người xung quanh, đặc biệt khi bạn hình dung cuộc sống sau COVID 19.
💌 5. Dành Thời Gian Để Tạo Ra Những Khoảnh Khắc Vui Vẻ
Khi cuộc chiến đấu chống lại dịch bệnh có thể khiến bạn cảm thấy thất vọng, bạn thực sự cần tạo ra những khoảnh khắc khiến bạn vui vẻ. Đó có thể là ngồi thiền trong bóng tối và yên tĩnh trước bình minh, một cốc cà phê bên ban công, ghi chép những suy nghĩ và cảm xúc, hoàn thành trò chơi ô chữ, gọi Facetime với gia đình hoặc những trò chơi ban đêm cuối tuần với bạn bè qua Zoom. Tham gia vào các hoạt động ngoài cuộc nói chuyện liên tục về COVID mang lại cho bạn những giây phút vui vẻ ngay cả trong những thời điểm khủng hoảng này. Đó có thể là những điều nhỏ nhặt, nhưng chúng có thể giúp bạn giữ được sự tỉnh táo và khôi phục sự cân bằng về tinh thần.
💌 Lời Kết
Có thể, một khi đại dịch đi qua, chúng ta sẽ tìm thấy nhiều niềm vui hơn trong những điều thường ngày mà chúng ta đã cho là điều hiển nhiên. Buổi sáng vội vã chuẩn bị cho bọn trẻ đi học, đi làm, những buổi tiệc tùng nhàm chán ở văn phòng, những cuộc trò chuyện bên bình nước mát và những ngày cuối tuần.
Chúng ta có lẽ sẽ biết ơn nhiều hơn vì được tự do đi chơi với bạn bè, thăm bố mẹ hoặc đi nghỉ. Chúng ta sẽ hiện diện nhiều hơn và tạo ra những kỷ niệm lâu dài từ lễ kỷ niệm sinh nhật đơn giản với bạn bè cho đến đám cưới. Chúng ta sẽ yêu thương nhiều hơn, cười nhiều hơn và biết trân trọng nhiều hơn.
_________________________________________________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích.
Nguồn:
- Tác giả: Shwetha Sivaraman
- Trích tại: “How To Better Prepare Yourself Mentally For The Life After COVID 19”
- Link bài viết gốc: TẠI ĐÂY
- Dịch giả: Phùng Thị Khánh Huyền
Khi chia sẻ cần trích dẫn đầy đủ tên tác giả và nguồn dịch là “Dịch giả: Phùng Thị Khánh Huyền – Nguồn: iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/5756
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 28