Phỏng vấn là việc không dễ dàng chút nào. Chỉ biết trả lời các câu hỏi thôi là chưa đủ mà bạn cần biết cách để nổi bật hơn so với các ứng viên khác. Điều này rất đúng nếu bạn sống trong môi trường làm việc cạnh tranh.
Nếu bạn biết cách tỏ ra khéo léo hơn trong cuộc phỏng vấn xin việc, bạn có thể định vị bản thân ở một vị trí tốt hơn nhiều..
💥Cách tinh chỉnh nghệ thuật lắng nghe
Bạn có thể tin hoặc không khi phần quan trọng nhất của cuộc phỏng vấn không nằm ở việc bạn nói gì mà là cách bạn lắng nghe. Nhiều người đã mắc sai lầm khi bước vào cuộc phỏng vấn với những luận điểm được ghi nhớ và luyện tập. Bản thân việc này không xấu.
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ tập trung vào những gì bạn muốn nói, bạn có thể mất đi cơ hội khiến trưởng phòng tuyển dụng phải ngạc nhiên, thán phục. Bằng cách tích cực luyện tập việc lắng nghe, bạn có thể xác định những điểm giúp bản thân tỏa sáng.
Có hai cách để làm điều này: Thứ nhất, đừng ngại yêu cầu người phỏng vấn lặp lại câu hỏi nếu bạn cảm thấy mình chưa hiểu hết câu hỏi đó. Việc này không chỉ đảm bảo rằng câu trả lời của bạn chính xác mà còn gửi thông điệp đến người phỏng vấn rằng bạn đang tham gia vào cuộc trò chuyện.
Tiếp theo, hãy tóm tắt những gì người phỏng vấn nói để khẳng định rằng bạn hiểu họ đang nói gì. Bạn không cần phải tóm tắt lại ý sau mỗi câu nói của người phỏng vấn nhưng nên làm trong suốt cuộc trò chuyện. Việc tóm tắt giúp người trưởng phòng tuyển dụng thấy rằng bạn đang chú ý.
💥Đặt câu hỏi thông minh
Việc bạn không biết cách đặt câu hỏi không có nghĩa bạn là người không biết lắng nghe. Nhưng nếu bạn muốn trở nên khéo léo hơn, bạn phải đặt những câu hỏi thông minh. Những câu hỏi sẽ định hình cách người phỏng vấn nhìn nhận về bạn. Xin nhắc lại rằng bạn sẽ ghi điểm nếu bạn đặt những câu hỏi mà người phỏng vấn chưa lưu tâm đến.
Có rất nhiều câu hỏi khác nhau mà bạn có thể hỏi và dưới đây là một vài ví dụ:
- Điều bạn thích nhất ở công ty là gì?
- Kể về một ngày điển hình ở vị trí (công việc) này sẽ tiến triển như thế nào?
- Làm thế nào để phát triển sự nghiệp ở công ty này? ”
💥Kể chuyện
Kể chuyện là một trong những cách hiệu quả nhất để tạo cảm hứng cho người khác. Điều này cũng đúng trong các cuộc phỏng vấn xin việc. Đôi khi người trưởng phòng tuyển dụng yêu cầu kể về tình huống mà bạn phải giải quyết một vấn đề. Những người tuyển dụng khác có thể chỉ hỏi bạn rằng bạn sẽ xử lý một vấn đề khó như thế nào.
Dù bằng cách nào thì bạn nên chuẩn bị những câu chuyện mà trong đó có vấn đề phát sinh tại nơi làm việc và bạn đã xử lý tốt vấn đề đó. Bà JT O’Donnell – người sáng lập và là Giám đốc điều hành của Work It Daily – đưa ra một khuôn khổ mà bạn có thể áp dụng khi dùng các câu chuyện để trả lời câu hỏi. Bà O’Donnell gọi đó là mô hình “trải nghiệm + học hỏi = phát triển”. Bà chỉ ra rằng “điều cốt lõi là phải trả lời vừa đủ chi tiết mà không nói quá đà.”
💥Biết cách trả lời cho câu hỏi “điểm yếu”
Nếu bạn giống với hầu hết các chuyên gia thì bạn bị sợ khi nhận được câu hỏi “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?”. Bạn không muốn trả lời như: “Tôi lo lắng quá nhiều.” Nhưng bạn cũng không muốn câu trả lời làm cho nhà tuyển dụng nghi ngờ năng lực của bạn đối với công việc.
May mắn là câu hỏi này không khó như tưởng tượng mà là nơi bạn sử dụng năng lực kể chuyện mới khám phá ra của mình.
Đầu tiên, hãy chọn một điểm yếu không liên quan đến vị trí mà bạn ứng tuyển. Ví dụ: nếu bạn ứng tuyển vào vị trí bán hàng dịch vụ ăn uống, bạn có thể thừa nhận rằng bạn không giỏi trong việc lập bảng tính. Ở hầu hết các vị trí bán hàng, kỹ năng này không cần thiết.
Nhưng bạn không nên dừng lại ở đó. Sau khi nói về điểm yếu này, hãy cho nhà tuyển dụng biết bạn đã làm gì để khắc phục hoặc hạn chế điểm yếu này. Có thể là bạn tham gia một vài lớp học Excel trực tuyến hoặc nhờ một người bạn chỉ cho. Bạn muốn nhà tuyển dụng thấy rằng bạn sẵn sàng làm việc ở những lĩnh vực mà bạn còn yếu kém. Bạn thấy đấy, việc này thật dễ dàng.
💥Kết nối các phần liên quan
Khi lắng nghe, đặt câu hỏi và kể chuyện, bạn phải ưu tiên tính liên kết giữa các phần này. Khi các phần này liên quan đến cuộc phỏng vấn, điều thích hợp là bạn biết cách áp dụng chi tiết kinh nghiệm làm việc của bạn vào những yêu cầu của vị trí đang phỏng vấn.
Bạn có thể có nhiều kinh nghiệm nhất nhưng nó sẽ vô ích nếu bạn không thể cho người phỏng vấn thấy lý lịch của bạn có liên quan như thế nào đến những phẩm chất mà họ đang tìm kiếm. Chuyên gia phỏng vấn việc làm Don Georgeovitch cho rằng: những người hiểu khái niệm này biết “chứng minh rõ ràng cho người phỏng vấn thấy lý lịch và mục tiêu nghề nghiệp của họ phù hợp với yêu cầu công việc như thế nào.”
Khi kể câu chuyện và trao đổi về lý lịch của bạn, hãy đảm bảo rằng bạn không đi sâu vào những lĩnh vực không liên quan đến công việc ứng tuyển. Những câu chuyện và lý lịch này có thể thu hút nhà tuyển dụng, nhưng chúng không phải lúc nào cũng thể hiện cho người phỏng vấn thấy rằng bạn là ứng viên hoàn hảo cho công việc.
💥Nói với họ điều gì đó mà họ không biết
Một thủ thuật hữu ích khác dành cho những ai muốn mình khéo léo hơn khi phỏng vấn là nói với trưởng phòng tuyển dụng những điều họ không biết. Tìm kiếm một số câu đố. Ngay cả những thông tin vô ích cũng có thể truyền tải rằng bạn là một người hiểu biết.
Tuy nhiên, bạn sẽ ghi điểm thêm nếu bạn tình cờ đề cập đến một thông tin chưa được nhiều người biết đến. Thông tin này không nhất thiết là điều mới mẻ. Nếu bạn đưa ra điều gì đó hấp dẫn mà người phỏng vấn không biết, bạn sẽ nâng tầm vị trí của mình trong mắt nhà tuyển dụng. Họ sẽ thấy bạn là người luôn muốn mở mang kiến thức, điều này rất cần thiết cho hầu hết các vị trí công việc.
💥Không làm điều này
Bạn có nhớ khi chúng ta nói về cách đặt câu hỏi thông minh khiến bạn trông khéo léo hơn không? Tuy nhiên, nên lưu ý rằng những câu hỏi không quá thông minh làm cho bạn trở nên ngốc nghếch. Chẳng ai muốn như vậy cả.
Nếu bạn muốn tạo ấn tượng xuất sắc, bạn phải tránh hỏi những câu hỏi không theo hướng tích cực. Với người mới biết, đừng bao giờ hỏi những câu hỏi dễ dàng trả lời bằng tìm kiếm trên mạng. Nếu bạn hỏi người phỏng vấn về sự cạnh tranh của công ty, đó sẽ là một món quà tồi tệ nếu bạn không tìm hiểu kỹ. Ngoài ra, các câu hỏi về tiền lương hoặc phúc lợi cũng cần tránh, trừ khi người phỏng vấn đề cập trước (hoặc bạn đang ở cuộc phỏng vấn thứ hai hoặc thứ ba).
Phỏng vấn cho công việc mơ ước của bạn không cần phải quá căng thẳng. Hãy tự tin khi bắt tay người phỏng vấn và giới thiệu bản thân. Sau đó, tiếp tục với kịch bản bạn đã chuẩn bị bằng cách sử dụng các nguyên tắc ở trên.
__________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: theladders
- Người dịch: Nguyễn Thị Phương
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Nguyễn Thị Phương – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/9874
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 29