Hiểu được điểm kiểm soát tâm lý có thể cho bạn biết nhiều hơn về tính cách của mình và dẫn đến tự chủ bản thân.
Bạn có phải là kiểu người tin rằng những điều tiêu cực trong cuộc sống xảy đến với bạn là do bạn gặp xui xẻo, bị nguyền rủa hay tin rằng đó là do mọi người có thành kiến với bạn không? Khi những điều tốt đẹp đến với bạn hoặc xảy ra với người khác, bạn có tin tưởng vào số phận, hay thậm chí là những người khác? Hay bạn là kiểu người tin rằng mọi thứ xảy ra đều là kết quả của việc bạn đã làm hoặc quyết định của bạn?
Nếu bạn tin tưởng vào số phận, may mắn hoặc một số yêu tố khác trong môi trường của bạn, thì điểm kiểm soát ngoại tại sẽ định hướng những suy nghĩ của bạn. Nếu bạn cảm thấy mình có thể kiểm soát kết quả của các tình huống trong cuộc sống thông qua các hành vi và quyết định của mình, thì bạn có điểm kiểm soát nội tại.
Vậy những điều này có ý nghĩa gì? Cái này có “tốt hơn” cái kia không và hiểu khái niệm này như thế nào sẽ giúp bạn được trao quyền nhiều hơn?
“Bạn có thể không kiểm soát được tất cả các sự kiện xảy ra với mình, nhưng bạn có thể quyết định không để quyền kiểm soát của bản thân bị giảm bớt.” – Maya Angelou
💥Điểm kiểm soát tâm lý có ý nghĩa gì?
Julian B. Rotter đã phát triển khái niệm quỹ đạo kiểm soát vào năm 1954. Nó đề cập đến mức độ mà mọi người tin rằng họ có thể kiểm soát kết quả của các sự kiện trong cuộc sống của họ, trái ngược với các lực lượng bên ngoài (ngoài tầm ảnh hưởng của họ). Có hai loại điểm kiểm soát: nội tại và ngoại tại.
Những người có điểm kiểm soát nội tại tin rằng họ kiểm soát kết quả của những gì xảy ra với họ bằng cách làm việc chăm chỉ, đưa ra quyết định ‘đúng đắn’ và hành xử theo những cách nhất định. Những người này thường có động lực tự thân cao và luôn hướng tới mục tiêu. Theo Rebecca J. Donatelle, Ph.D. (2011), “Có điểm kiểm soát nội tại liên quan đến hiệu quả của bản thân, niềm tin mà bạn có về việc có thể làm một điều gì đó thành công.”
Những người có điểm kiểm soát ngoại tại thường dựa vào hoặc đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài. Đó có thể là cơ hội ngẫu nhiên, yếu tố môi trường, may mắn, số phận hoặc hành động của người khác. Điều quan trọng cần lưu ý là điểm kiểm soát tâm lý được đo lường liên tục, vì không ai có một trăm phần trăm điểm kiểm soát nội tại hoặc ngoại tại. Vậy cái này có tốt hơn cái kia không?
“Đó không phải là những gì xảy ra với chúng ta, mà là phản ứng của chúng ta đối với những gì xảy ra với chúng ta khiến chúng ta đau đớn.” – Stephen R. Covey
💥Cái nào tốt hơn: điểm kiểm soát nội tại hay ngoại tại?
Cả hai loại đều có những nhược điểm và tùy tình huống điểm kiểm soát này sẽ có tác dụng tốt hơn điểm kiểm soát còn lại. Theo Mathias Sager, dưới đây là một số lợi ích của việc sở hữu điểm kiểm soát nội tại:
- Niềm tin vào sự kiểm soát của một người đối với cuộc sống của họ
- Cải thiện thu thập thông tin
- Quy trình ra quyết định tốt hơn
- Hiệu quả bản thân, hiệu quả công việc và thành tích cao hơn
- Tăng khả năng thích ứng của lãnh đạo
Cũng có một số bất lợi khi có một điểm kiểm soát nội tại. Bao gồm:
- Họ thường “trung thực một cách tàn bạo” và có thể khiến mọi người cảm thấy bị tổn thương bởi cách vào thẳng vấn đề của họ
- Họ gặp khó khăn khi ủy quyền nhiệm vụ vì họ có nhu cầu được tự kiểm soát mọi thứ
Có một điểm kiểm soát ngoại tại cũng mang lại một số lợi ích:
- Họ thường là một đội chơi giỏi
- Họ có thể dễ dàng “giải thoát” khỏi những tình huống căng thẳng
- Họ cũng dễ dàng hơn nhiều khi chấp nhận rằng một số điều không nằm trong khả năng kiểm soát của họ, điều này có thể khiến họ hạnh phúc hơn
Một số nhược điểm của việc có điểm kiểm soát ngoại tại bao gồm:
- Có xu hướng đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài và ít chịu trách nhiệm cá nhân
- Họ có thể cảm thấy bất lực hoặc tuyệt vọng thường xuyên hơn
- Họ cho rằng thành công của họ là do may mắn
- Có ít khả năng phục hồi hơn và bỏ cuộc nhanh hơn
- Họ có suy nghĩ nạn nhân thường xuyên hơn
Sẽ rất tốt nếu bạn hiểu ý nghĩa của chúng và cách chúng áp dụng vào cuộc sống hàng ngày của bạn. Bạn có thể làm bài kiểm tra miễn phí tại đây để xem bạn thuộc loại nào trên thang điểm. Tuy nhiên, chỉ tập trung vào loại bạn thuộc loại nào và những lợi ích và nhược điểm của mỗi loại không phải là mục tiêu duy nhất của bạn. Bạn có thể sử dụng kiến thức này để giúp bạn hiểu bản thân hơn và tiến tới việc khơi dậy động lực tự thân.
“Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm, có những cuộc đấu tranh, và thậm chí hối tiếc về những điều trong quá khứ của mình. Nhưng bạn không phải là sai lầm của bạn, bạn không phải là cuộc đấu tranh của bạn, và bạn đang ở đây NGAY BÂY GIỜ với sức mạnh có thể tạo nên ngày hôm nay và tương lai của bạn. ” – Steve Maraboli
💥Sử dụng quyền kiểm soát của bạn để trở nên tự chủ hơn
Tự chủ có nghĩa là bạn đang kiểm soát cuộc sống của mình. Điều này được thực hiện bằng cách thiết lập mục tiêu, đưa ra những lựa chọn tích cực và phát triển sự hiểu biết về con người bạn. Những người tự chủ trung thực về điểm mạnh và điểm yếu của họ và tin tưởng vào bản thân. Kiến thức và sự tự nhận thức này cũng hỗ trợ trong các lĩnh vực khác trong cuộc sống của họ!
Tự chủ dẫn đến sức khỏe tốt hơn vì những người tự chủ thường có lòng tự trọng cao hơn, điều này có thể làm giảm tác động của các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm. Họ đưa ra những lựa chọn lành mạnh hơn vì họ nhận thức được tầm quan trọng của sức khỏe thể chất của họ.
Vì họ không dựa vào sự công nhận và chấp nhận của người khác nên họ rất ổn định về mặt cảm xúc, điều này có thể cải thiện mối quan hệ của họ. Làm thế nào để bạn đạt được mức độ tự chủ này? Có một số cách để cải thiện khả năng tự chủ của bản thân và chúng phù hợp với các đặc điểm của việc có điểm kiểm soát nội tại.
Tư duy cởi mở và sẵn sàng đón nhận với các tình huống có thể xảy ra là một cách bạn có thể làm chủ cuộc sống của mình. Thay vì cho rằng cơ hội thành công duy nhất là bất cứ thứ gì đang hiện hữu, hãy mở rộng tâm trí của bạn để tạo ra những khả năng thay thế. Thay đổi suy nghĩ của bạn từ vô vọng và tức giận trước một tình huống sang suy nghĩ sáng tạo và tin rằng mình có thể làm bất cứ điều gì mình muốn sẽ giúp bạn cảm thấy bản thân được trao quyền nhiều hơn.
“Cho dù bạn nghĩ rằng bạn có thể hay bạn nghĩ rằng bạn không thể — bạn đã đúng.” – Henry Ford
Hãy tập trung vào cách bạn ứng phó với những khoảnh khắc bất công và những thời điểm khó khăn trong cuộc sống. Rất nhiều điều xảy ra trong cuộc sống của chúng ta nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng chúng ta phản ứng với chúng như thế nào là điều chúng ta có thể quyết định. Biết bạn là ai và quản lý hành vi của mình sẽ giúp bạn sống một cách chân thực. Bạn xác định thành công như thế nào là một điều khác cần biết về bản thân bạn, điều này sẽ quyết định bạn cảm thấy được trao quyền như thế nào. Bạn có thể làm một công việc được trả lương rất cao, nhưng nếu tiền không phải là cách bạn nhìn nhận thành công, thì bạn sẽ không cảm thấy mãn nguyện.
Hiểu được vai trò của thất bại đối với thành công cũng là một phần quan trọng để trở nên tự chủ. Cảm giác được tiếp thêm sức mạnh đến từ việc vượt qua thử thách. Những thất bại của chúng ta cung cấp cho chúng ta một chuẩn mực để cải thiện và sự trưởng thành là cần thiết để chúng ta học được những gì chúng ta thực sự có khả năng.
Bạn có thể chọn đánh giá lại những gì đã xảy ra, những gì bạn có thể đã làm khác đi và thử lại. Nếu bạn chọn từ bỏ và đổ lỗi việc thất bại của mình cho ngoại cảnh, thì bạn sẽ không nhận ra trách nhiệm của bản thân trong việc này và chẳng thể học hỏi được điều gì. Hãy thực hiện một số điều chỉnh và thử lại lần nữa!
Tin tưởng vào bản thân là điều mà những người có điểm kiểm soát nội tại dễ dàng làm được. Nó là một công cụ quan trọng trong việc phát triển khả năng tự chủ vì sự tin tưởng vào bản thân sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Hành động của chúng ta là kết quả trực tiếp từ suy nghĩ của chúng ta. Thay vì nghi ngờ bản thân, hãy chứng minh với bản thân rằng bạn có đủ những thứ cần thiết để đạt được mục tiêu của mình.
Nói với bản thân rằng bạn là người tháo vát, có năng lực và quyết tâm. Xây dựng mức độ tin tưởng vào bản thân sẽ giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn bởi vì bạn sẽ biết được những rủi ro nào nên chấp nhận và khi nào nên tin vào linh cảm của bạn khi nó đang cảnh báo bạn.
Tuy nhiên, bạn không nên dựa quá nhiều vào điểm kiểm soát nội tại, nó sẽ khiến bạn trở nên căng thẳng. Thực sự có những điều bạn không thể kiểm soát, như phản ứng của người khác. Trao quyền cho bản thân cũng có nghĩa là bạn hiểu rằng đã đến lúc phải thử điều gì đó khác hoặc từ bỏ niềm tin không còn phù hợp với bạn của hiện tại.
Giống như mọi thứ trong cuộc sống, quá nhiều điều tốt có thể trở thành điều xấu, và điều tương tự cũng xảy ra đối với khả năng kiểm soát của bạn. Sử dụng sự hiểu biết này để cải thiện bản thân và lấy lại sức mạnh của bạn, tạo ra cuộc sống bạn muốn. Đừng quá nghiêm trọng với việc nên theo cách này hay cách khác. Thực hiện từng bước nhỏ mỗi ngày cho đến khi bạn nhận thấy sự thay đổi trong hành vi phù hợp với bạn.
“Bạn sẽ được trải qua một sự thay đổi lớn khi bạn học được sức mạnh của sự buông bỏ. Ngừng cho phép bất kỳ ai hoặc bất kỳ điều gì kiểm soát, hạn chế, kìm nén hoặc ngăn cản bạn trở thành con người thật của mình! Hôm nay là CHÍNH BẠN để định hình – sở hữu nó – thoát khỏi những con người và những thứ làm cuộc sống của bạn trở nên “độc hại” hoặc làm mất tinh thần của bạn. ”- Steve Maraboli
Một điều bạn sẽ làm hôm nay để trở nên tự nhận thức hoặc tự chủ hơn là gì?
_____________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: everydaypower.com
- Người dịch: Vũ Thị Hoài Linh
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Vũ Thị Hoài Linh – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/8091
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 19