Bài viết được thực hiện bởi: Hersh Chopra, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh
Hersh Chopra, MBA là một Huấn luyện viên Tài chính và là một Nhà môi giới với tầm hiểu biết đã được kiểm chứng, người giúp các khách hàng không lâm vào cảnh nợ nần và đạt được sự an toàn về tài chính. Hersh đã xuất hiện chuyên mục trên Yahoo! Finance, Influencive and Shoutout La. Ngoài ra, bạn có thể tìm thấy thông tin về anh ấy tại đại chỉ @hershchoprafinancialcoach.
💥Cố vấn tài chính là gì?
Cố vấn tài chính là một chuyên gia tài chính được chứng nhận, người sẽ giúp các khách hàng thiết lập các kế hoạch tài chính ngắn hạn và dài hạn. Các kế hoạch này bao gồm nhiều chiến lược tài chính liên quan đến đầu tư, bảo hiểm, thuế và kế hoạch hưu trí, và mục tiêu của họ là giúp các khách hàng chuẩn bị một kết hoạch về hưu thoải mái và/hoặc những trường hợp khẩn cấp về tài chính không lường trước được. Các cố vấn tài chính có nhiệm vụ giúp khách hàng của họ đạt được các mục tiêu tài chính bằng cách xem xét các yếu tố như lập ngân sách, tiết kiệm, đầu tư…
Các trách nhiệm của một cố vấn tài chính có thể bao gồm:
- Rà soát ngân sách, đánh giá các kế hoạch tiết kiệm ngắn hạn và dài hạn và các mục tiêu đầu tư
- Tìm kiếm cơ hội đầu tư
- Quản lý việc lập kế hoạch trong các lĩnh vực về thuế và bất động sản
- Cung cấp chiến lược về thuế và sản phẩm bảo hiểm nhằm giúp khách hàng đạt được các mục tiêu tài chính
- Cung cấp kiến thức cho khách hàng về các quyền chọn bảo hiểm và đầu tư, cũng như lợi ích và rủi ro đi kèm
- Giúp khách hàng lập kế hoạch tài chính cho các mục tiêu giáo dục, hưu trí hoặc thừa kế tài sản
- Đưa ra lời khuyên tài chính trước những thay đổi lớn trong cuộc sống của khách hàng, chẳng hạn như kết hôn hoặc sinh con
- Theo dõi sát sao tài khoản của khách hàng để cập nhật chiến lược đầu tư tiềm năng mới nhằm cải thiện hiệu suất tài chính hoặc thích ứng với những thay đổi đã được dự báo trong cuộc sống.
💥Công việc của một cố vấn tài chính bao gồm những gì?
Nhiệm vụ của một cố vấn tài chính là giúp định hướng các quyết định tài chính cho các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Họ giúp khách hàng của mình đạt được mục tiêu này theo các bước sau:
1. Xác định sức khỏe tài chính hiện tại của khách hàng
Thông qua bảng câu hỏi hoặc tư vấn trực tiếp, người cố vấn tài chính sẽ cung cấp cho khách hàng một bức tranh tổng thể về tình hình tài chính hiện tại của họ, bao gồm số lượng tài sản, nợ phải trả, nguồn thu nhập và chi tiêu. Một phần trong số này có thể được bù đắp khi thiết lập kế hoạch ngân sách ban đầu, nhưng điều quan trọng các khách hàng cần phải hiểu là tất cả các nguồn thu nhập đề sẽ có thể tiếp cận được khi bạn đã về hưu, chẳng hạn như thu nhập lương hưu, kế hoạch hưu trí và trợ cấp an sinh xã hội. Một bức tranh tài chính đầy đủ cũng sẽ giúp xác định mức độ chấp nhận rủi ro của khách hàng và mức độ chịu chi trong các khoản đầu tư. Khách hàng cũng được tư vấn liệu sự đóng góp của các khoản đầu tư sinh lời hoặc bảo hiểm sẽ ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế của họ như thế nào.
2. Phác thảo một bản kế hoạch tài chính
Khi đã thu thập đủ tất cả thông tin về sức khỏe tài chính của khách hàng, những cố vấn tài chính sẽ hình thành một bản thiết kế toàn diện có tac dụng như một lộ trình cho các mục tiêu nghỉ hưu sau này của khách hàng. Kế hoạch chi tiết này sẽ không chỉ tóm tắt tình trạng tài chính hiện tại – bao gồm giá trị ròng, nghĩa vụ nợ hiện tại, tài sản lưu động hiện tại, các khoản đầu tư hiện có và thu nhập tùy ý – mà còn bao gồm kế hoạch từng bước để đạt được các mục tiêu được đề cập trong bảng câu hỏi ban đầu hoặc sự tham vấn trước đó của khách hàng.
Kế hoạch chi tiết cũng sẽ tính đến khả năng chấp nhận rủi ro, thông tin về gia đình, nhu cầu sức khỏe và các lĩnh vực tiềm năng khác của khách hàng mà một cố vấn tài chính cần quan tâm khi đề cập đến kế hoạch nghỉ hưu. Những người cố vấn này sẽ giúp khách hàng lựa chọn các chiến lược đầu tư phù hợp nhất và sẽ giúp họ tránh trường hợp họ khánh kiệt.
3. Bắt tay vào hành động
Một cố vấn tài chính không chỉ giúp tạo ra một kế hoạch tài chính lành mạnh mà còn giúp quản lý danh mục đầu tư bảo hiểm và quỹ hưu trí của khách hàng cũng như điều chỉnh các khoản đầu tư khi cần thiết. Các cố vấn sẽ đề xuất các chiến lược đầu tư và phân bổ tài sản cho danh mục tổng thể dựa trên mức độ rủi ro hoặc độ tuổi của khách hàng.
Các nhà đầu tư trẻ nhìn chung thường sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn một nhà đầu tư sắp nghỉ hưu, vì các nhà đầu tư trẻ có thể có nhiều năm để trải qua những biến động của thị trường. Do đó, cố vấn tài chính sẽ giúp khách hàng quyết định thực hiện việc phân bổ tài sản, bao gồm trái phiếu, cổ phiếu, quỹ ngày mục tiêu, ETF, REITs — Quỹ tín thác đầu tư bất động sản — một loại đầu tư góp vốn bằng tiền mặt trên thị trường.
4. Quản trị tài khoản của khách hàng một cách thường xuyên
Một khi kế hoạch đầu tư được đưa vào để thực hiện, một cố vấn tài chính sẽ giám sát kế hoạch và cập nhật báo cáo tài khoản thường xuyên cho khách hàng. Điều này cũng có nghĩa là các cuộc họp với khách hàng sẽ diễn ra thường xuyên để thảo luận về các bước điều chỉnh trong chiến lược đầu tư hoặc về các tin tức tài chính mới, chẳng hạn như doanh số bán hàng, những thay đổi lớn xảy ra trong cuộc sống của khách hàng, hay các sự kiện đặc biệt trong đời hoặc khách hàng muốn mua nhà.
💥Các cố vấn tài chính được trả lương như thế nào?
Có nhiều cấu trúc thu nhập khác nhau cho các cố vấn tài chính, nhưng hai mô hình phổ biến nhất là mô hình dựa trên phí và mô hình dựa trên hoa hồng. Hầu hết các cố vấn làm việc và nhận lương dựa trên hoa hồng, trong đó thu nhập kiếm được liên quan trực tiếp đến tổng tài sản họ quản lý hoặc số lượng sản phẩm tài chính họ đã bán cho khách hàng.
Một cố vấn có thể kiếm được một số tiền rất đáng kể thông qua cấu trúc thu nhập này nhưng họ phải nhớ rằng lợi ích tài chính của khách hàng luôn phải đặt lên hàng đầu với tư cách họ là người được ủy thác tài chính. Các cố vấn khác làm việc theo cơ cấu tính phí trong đó thu nhập kiếm được dựa trên tỷ lệ phần trăm tổng tài sản đã thỏa thuận — thường là 1% hoặc phí theo giờ có thể dao động từ $100- $300/giờ — dựa trên kinh nghiệm của cố vấn hoặc địa bàn hoạt động của doanh nghiệp. Thông thường, một cố vấn sẽ cung cấp cho khách hàng một buổi tư vấn ban đầu miễn phí để xây dựng mối quan hệ và cũng để nắm bắt nhu cầu, khẩu vị của khách hàng để từ đó xác định liệu mối quan hệ này có mang lại lợi ích cho cả hai bên hay không. Theo Indeed Salary, mức lương phổ biến trong ngành cố vấn tài chính ở Mỹ là 69.608 USD/năm.
💥Những điều kiện cần có để trở thành một cố vấn tài chính
Hầu hết các công ty dịch vụ tài chính công hoặc tư nhân đều thuê cố vấn tài chính hoặc các sinh viên cao đẳng ngay khi họ vừa tốt nghiệp các cơ sở giáo dục này. Những yếu tố sau đây sẽ rất quan trọng đối với một người đang cân nhắc theo đuổi sự nghiệp của một cố vấn tài chính:
1. Trình độ học vấn, kỹ năng và đào tạo
Hầu hết các nhà tuyển dụng thường yêu cầu các cố vấn tài chính mới phải có bằng cử nhân, nhưng không bắt buộc phải hoàn thành một khóa học cụ thể để có chứng chỉ hành nghề. Hầu hết các cố vấn tài chính đều có bằng cấp trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, kinh tế, kinh doanh hoặc toán học, nhưng đôi khi những người không có chuyên môn trong những ngành kể trên vẫn có thể tham gia công việc này nếu họ sẵn sàng học hỏi.
Bằng Thạc sĩ về Tài chính hoặc Quản trị Kinh doanh, hoặc tham gia các khóa học trong lĩnh vực bảo hiểm, đầu tư, hưu trí hoặc lập kế hoạch tài chính, thuế hoặc quản lý rủi ro đều rất tốt nhưng không bắt buộc. Tất nhiên, sở hữu những chứng chỉ này chắc chắn có thể giúp bạn tiến xa hơn và nhanh hơn trong nghề hoặc thu hút nhiều khách hàng hơn.
Có những kỹ năng rất hữu ích đối với bất kỳ ai theo đuổi sự nghiệp của một cố vấn tài chính, và theo thời gian, bạn có thể tích lũy chúng trong quá trình làm việc. Kinh nghiệm và kiến thức thu được khi giúp đỡ vô số khách hàng sẽ góp phần phát triển các kỹ năng cần thiết trong công việc. Để trở thành một cố vấn tài chính xuất sắc, các kỹ năng sau đây rất có lợi: kỹ năng phân tích, kĩ năng xây dựng mối quan hệ, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng giải quyết vấn đề và khả năng nhạy bén trong bán hàng.
Các cố vấn tài chính được đào tạo hầu hết ngay trong quá trình làm việc. Hầu hết các nhà tuyển dụng yêu cầu cố vấn phải hoàn thành giai đoạn đào tạo ban đầu trước khi họ có thể tự quản lý khách hàng. Trong khoảng thời gian đào tạo, họ sẽ bị giới hạn về hoa hồng kiếm được và các cố vấn tài chính mới cũng sẽ được yêu cầu phải làm việc dưới sự giám sát của những người có kinh nghiệm trong khi tìm hiểu về các công việc quản trị, tùy chỉnh cấu trúc kế hoạch tài chính và quản lý hoặc xây dựng cẩm nang kinh doanh của riêng bản thân hoặc xây dựng mạng lưới khách hàng của riêng họ.
2. Chứng chỉ
Mỗi công ty dịch vụ tài chính có thể có những yêu cầu khác nhau đối với nhân sự, nhưng hầu hết các công ty đều yêu cầu các cố vấn tài chính phải đạt được ít nhất một chứng chỉ cần thiết trong vòng 60 ngày kể từ ngày làm việc. Những yêu cầu này có thể thay đổi dựa trên định hướng sự nghiệp một cố vấn mong muốn hoặc lĩnh vực mà họ muốn theo đuổi.
- Chứng nhận Series 6 và 7 (Giấy phép của Cơ quan quản lý ngành tài chính)
Giấy phép Series 6 cho phép các cố vấn tài chính bán đa dạng các loại bảo hiểm nhân thọ và trái phiếu đồng niên và quỹ tương hỗ, trong khi giấy phép Series 7 cho phép họ bán tất cả các sản phẩm chứng khoán, bao gồm cả chứng chỉ quỹ của doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ cũng như các quyền chọn. Để có được hai loại giấy phép này, ứng viên phải vượt qua một kỳ thi cho mỗi giấy phép và phải gia hạn giấy phép này dựa trên các hướng dẫn hiện hành.
- Chứng nhận Series 63, 65 và 66 (Giấy phép của Hiệp hội Quản lý Chứng khoán Bắc Mỹ)
Giấy phép Series 63 cho phép bạn kinh doanh chứng khoán tương tự như giấy phép Series 7 nhưng dành riêng cho từng tiểu bang. Giấy phép Series 65 cho phép một chuyên gia tài chính đưa ra lời khuyên đầu tư hoặc phân tích tài chính, trong khi giấy phép Series 66 đủ điều kiện để các cá nhân trở thành đại diện cố vấn đầu tư (IAR) hoặc đại lý chứng khoán.
- Nhà hoạch định tài chính được chứng nhận (CFP)
Một CFP chuyên về các lĩnh vực như thuế, lập kế hoạch bất động sản, lập kế hoạch tài chính và lập kế hoạch hưu trí. Để đạt được chứng nhận CFP, ứng viên cần có ít nhất một bằng cử nhân của một tổ chức được công nhận rộng rãi, có ít nhất ba năm kinh nghiệm làm các công việc có liên quan và phải đạt điểm vượt qua kỳ thi. Họ cũng cần phải trải qua quá trình kiểm tra lý lịch để đảm bảo rằng các ứng viên có thái độ ứng xử chuẩn mực. Những người đã có chứng nhận CFP vẫn sẽ cần phải trải qua quá trình giáo dục thường xuyên để gia hạn chứng chỉ của họ.
💥Một ví dụ về bản mô tả công việc của một cố vấn tài chính
Wilson Advisors, một công ty quản lý tài sản danh tiếng, đang cần tuyển một số lượng cố vấn tài chính để giúp khách hàng của chúng tôi quản lý tài sản trong khi lập kế hoạch tài chính cho tương lai sau này của họ. Chúng tôi đang tìm kiếm những ứng viên có động lực cao và có khả năng làm việc một cách độc lập, đồng thời có kỹ năng làm việc với con người xuất sắc, thái độ làm việc sát sao và có phong thái của một doanh nhân. Không yêu cầu kinh nghiệm tài chính trong quá khứ vì chúng tôi cung cấp một chương trình đào tạo toàn diện mà ở đó các bạn sẽ được cung cấp các công cụ, nguồn lực và sự hỗ trợ để phát triển cơ sở khách hàng và giúp cung cấp các dịch vụ hoạch định tài chính và đầu tư có chất lượng tới tập khách hàng của bạn.
Các cố vấn tài chính sẽ chịu trách nhiệm gặp gỡ khách hàng nhằm đánh giá nhu cầu tài chính của họ và phát triển các kế hoạch tài chính tùy chỉnh dựa trên mục tiêu, hoàn cảnh và khả năng chấp nhận rủi ro của họ. Vị trí này đòi hỏi các chuyên gia phải duy trì mối quan hệ bền chặt với khách hàng và cung cấp sự tư vấn và hỗ trợ liên tục.
💥Những ngành nghề liên quan:
- Đại lý bảo hiểm
- Nhân viên kế toán
- Quản lý tài chính
- Kiểm toán viên
- Nhân viên đánh giá dự án
____________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích!
- Theo: indeed
- Người dịch: Trần Ngọc Tuấn
- Khi chia sẻ cần phải trích dẫn nguồn là “Người dịch: Trần Ngọc Tuấn – Nguồn iVolunteer Vietnam”
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/10301
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 34