🎯 KINH NGHIỆM là gì?
Kinh nghiệm /Nghĩa hẹp/: 👉 SỐ NĂM LÀM VIỆC trong một chuyên môn nhất định (NGHỀ) ở một lĩnh vực nhất định (NGÀNH) tại một thành phố, quốc gia nhất định (THỊ TRƯỜNG) mà công ty ứng tuyển của bạn đang yêu cầu.
Ví dụ như:
- 3 NĂM làm Digital Marketing (nghề) cho ngành FMCG (ngành) tại Việt Nam (thị trường)
- 2 NĂM làm Sales (nghề) xe ô tô (ngành) tại Mỹ (thị trường).
- 10 NĂM làm Hướng dẫn viên (nghề) du lịch (ngành) tại Việt Nam (thị trường)
Do đó theo nghĩa hẹp, bất cứ khi nào bạn đổi việc mà công việc mới khác với công việc cũ chỉ cần 1 trong 3 yếu tố, bạn có thể được xem như… không có kinh nghiệm.
Ví dụ như:
- Hướng dẫn viên thất nghiệp vì COVID tìm công việc mới.
- Người chán việc hiện tại, hoặc thấy quá căng thẳng tìm công việc mới.
- Người muốn chuyển sang công việc/ lĩnh vực mới nhiều tiềm năng hơn (vd Management Consulting, Ví điện tử,…).
- Người đi sang một đất nước khác tìm một công việc mới.
Trong các diễn đàn về ra nước ngoài làm việc, định cư, nhiều người than phiền kinh nghiệm hàng chục năm làm việc tại Việt Nam qua Âu Mỹ đều bị xem là số 0 tròn trĩnh. Nhiều người phải học cao học, học lại một nghề mới hoặc làm các công việc tay chân. Tại Việt Nam, nhiều người dành nhiều năm làm công việc mình chán ghét, cũng vì sợ không dám làm một công việc khác vì “không có kinh nghiệm”.
Đó là nghịch lý ĐÃ ĐI LÀM nhưng vẫn KHÔNG CÓ KINH NGHIỆM.
KINH NGHIỆM – Một định nghĩa thoáng hơn
Nói thế thôi, mình nói cũng có phần hơi… quá (xin lỗi câu view ). Thực tế Kinh nghiệm tồn tại một định nghĩa thoáng hơn nhiều. Đó chính là KHẢ NĂNG LÀM ĐƯỢC VIỆC của ứng viên thông qua những KỸ NĂNG MANG TÍNH CHUYỂN ĐỔI (Transferable Skills).
Nhà tuyển dụng (tốt) thường hiểu Kinh nghiệm với nghĩa thoáng, để có thể tìm được nhiều người hơn. Từ đó có thể lựa chọn được người có chất lượng hơn, có thái độ tốt hơn, với yêu cầu mức lương phù hợp hơn.
Do đó ứng viên cần hiểu kinh nghiệm theo nghĩa rộng này, để cảm thấy tự tin hơn Quan trọng nhất vẫn là khả năng. AI CŨNG ĐỀU CÓ KINH NGHIỆM, vấn đề chỉ là cách thể hiện chúng ra như thế nào mà thôi.
🎯 3 BƯỚC VIẾT CV KHI KHÔNG CÓ KINH NGHIỆM (nhưng thực ra bạn có rất nhiều)
👉 Bước 1: Phân tách bản thân thành những kỹ năng mang tính chuyển đổi (điểm mạnh)
Như đã nói, thay vì hiểu kinh nghiệm là SỐ NĂM làm một công việc nhất định, hãy chia tách lịch sử đi làm của bạn thành những KỸ NĂNG MANG TÍNH CHUYỂN ĐỔI. Ở từng kỹ năng, hãy mô tả MỨC ĐỘ THÀNH THỤC của chúng.
Ví dụ như:
- Hướng dẫn viên du lịch có các kỹ năng ngoại ngữ thuần thục và giao tiếp khéo léo (nói chuyện với khách 5-6 tiếng/ ngày) => có thể làm giáo viên tiếng Anh hoặc đi bán hàng (bảo hiểm chẳng hạn)
- Chuyên viên marketing tại agency nắm vững research, planning execution, budgeting, ad production, facebook ad campaign (với số cụ thể) => có thể chuyển sang làm client hoặc bán sản phẩm khác
Để làm chủ bước này, hãy hỏi các câu hỏi:
- Công việc hàng ngày của tôi là gì?
- Những thành tích nổi bật của tôi là gì?
- Đâu là những kỹ năng chung của nghề nghiệp này?
- ĐÂU LÀ NHỮNG CÔNG VIỆC TÔI HOÀN TOÀN CÓ THỂ LẶP LẠI VÀO NGÀY MAI.
👉 Bước 2: Chọn đúng công việc tiệm cận nhiều với các kỹ năng bản thân
Có đến hàng trăm ngàn công việc, chỉ đọc mô tả thôi cũng đã mệt nói chi nộp đơn. Do đó, một ứng viên thông minh là người chỉ tập trung ứng tuyển cho những nơi có mô tả công việc có nhiều điểm chung với kỹ năng bản thân, từ đó tối đa khả năng thành công.
Quan trọng nhất là từ khoá. Hãy lần lượt dùng chính các từ khoá kỹ năng (vd presentation, cold call, japanese) của bạn cho vào ô tìm kiếm, bạn sẽ tìm được các công việc đang yêu cầu các kỹ năng này. Đọc trên dưới 50 công việc khác nhau, bạn sẽ tổng hợp được các từ khoá nhóm công việc (vd Sales Executive, Account Manager, Digital Marketing Specialist) Đây chính là các nhóm công việc bạn có khả năng thành công nhất.
👉 Bước 3: Tuỳ chỉnh CV của bạn cho từng nhóm công việc (mỗi nghề một CV)
Có thể bạn chưa biết. 3/4 số CV ứng tuyển không được con người nhìn đến. Thay vào đó, chúng được quét bởi phần mềm và thuật toán được gọi là “Applicant Tracking System” (ATS). Chúng không thực “đọc hiểu” CV của bạn, mà tìm chính xác các từ khoá mà nhà tuyển dụng yêu cầu.
Hơn 95% các công ty lớn nhất thế giới thuộc nhóm Fortune 500 dùng hệ thống ATS này (Nguồn: CNBC). 55% bộ phận tuyển dụng toàn cầu cũng đang dùng hệ thống ATS này (Khảo sát CriteriaCorp). Tại LinkedIn, mạng xã hội nghề nghiệp lớn nhất, lọc ứng viên bằng từ khoá kỹ năng là chức năng cơ bản được tất cả bộ phận tuyển dụng sử dụng.
Ở Việt Nam, mình suy đoán thực tế không quá khác biệt so với thế giới. Thực ra không cần đến máy, nhân sự bình thường cũng đã scan CV theo cách tìm từ khoá này từ rất lâu rồi. Nhiều khảo sát chỉ ra bạn chỉ có dưới 10 giây để gây ấn tượng bằng CV của bạn.
Vậy ở bước này, hãy đảm bảo CV của bạn có chính xác những TỪ KHOÁ trong MÔ TẢ CÔNG VIỆC của từng nhóm việc bạn đang apply. Nếu bạn đang apply cho nhiều nhóm công việc khác nhau, thì cần các CV chuyên biệt khác nhau nhé. Ví dụ như Sales và Marketing thường đi chung, nhưng từ khoá của hai công việc này cũng khác nhau lắm đó.
=> Túm cái váy lại…
Nếu bạn đọc đến đây, mà vẫn thấy mình chẳng có tí kinh nghiệm nào, chắc là vì bạn… không có kinh nghiệm thật, theo cái nghĩa rộng nhất của nó!!! Kinh nghiệm cũng không thể nào từ trên cây rụng xuống, từ dưới đất chui lên. Đôi khi để chuyển ngành, để làm được công việc mình ước mơ, cần rất nhiều sự đầu tư về thời gian, công sức và tiền bạc.
Một người sếp cũ của mình đi làm đã hơn 10 năm trong lĩnh vực market research và muốn đổi hướng. Anh đã dành cả 1 năm nghỉ làm (chi phí cơ hội lương chục triệu x 12 tháng) để học bằng Coaching chuyên nghiệp (tốn chục triệu khác) và coaching… miễn phí cho nhiều người để có thể bắt đầu một nghề nghiệp mới mà anh đam mê.
Bố của tớ ngày xưa học ngoại ngữ Pháp văn đến hết cấp ba vào đại học, giải phóng thì về quê nuôi heo, trồng lúa. Sau cả chục năm thì bố dắt cả nhà từ quê Đồng Nai lên Sài Gòn, bắt đầu học tiếng Anh từ số không ở tuổi 34, và làm giáo viên tiếng Anh từ đó đến nay để nuôi 4 đứa con ăn học ai cũng học xong đại học đàng hoàng.
LỜI KẾT
Kinh nghiệm không phải là QUÁ KHỨ 5 hay 10 năm qua, mà có thể là 1 năm KỂ TỪ BÂY GIỜ. Điều bạn làm ngày hôm nay 1 năm nữa sẽ thành kinh nghiệm. Người đi làm rồi muốn chuyển hướng, nếu được hãy cho mình 6 tháng, 1 năm để sáng tạo lại chính mình (reinvent yourself), học một điều gì đó, làm một thứ gì đó không lương, kinh doanh một thứ gì đó. Sinh viên thì cần đi thực tập đi làm thật sớm. Nếu tốt nghiệp vẫn chưa đi làm thì giờ thực tập không lương, part-time, học thêm kỹ năng cũng chẳng muộn.
CHÚC BẠN REFLECT THẬT VUI, VIẾT CV THẬT TỐT VÀ SỚM ĐẠT ĐƯỢC CÔNG VIỆC ƯỚC MƠ CỦA MÌNH
————————————
Tác giả: Lê Minh Đạo
Xin chân thành gửi lời cảm ơn đến tác giả vì đã cho phép chúng tôi được chia sẻ bài viết thật bổ ích và thú vị của anh! Mong rằng bạn đọc có thể học hỏi được thật nhiều từ những chia sẻ này nhé!
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/3459
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 64