📌 Bạn đã bao giờ nghe ai đó gọi một lon nước ngọt là Coke, hay băng vết thương (bandage) là Band-Aid, ngay cả khi những sản phẩm đó không có thương hiệu. Lý do mà mọi người sử dụng tên của công ty khi nói về một sản phẩm cụ thể nào đó chính là sự nhận thức về thương hiệu (brand awareness).
Hiểu một cách đơn giản, nhận thức về thương hiệu cho biết mức độ quen thuộc của các khách hàng mục tiêu với công ty của bạn. Ví dụ như, rất nhiều người trong chúng ta lớn lên với các sản phẩm kinh điển như Coca-Cola, vì thế, cũng dễ hiểu khi mọi người gọi phần lớn các loại nước có ga là Cokes. Nếu bạn có thể tăng nhận thức về thương hiệu, bạn sẽ tiếp cận được tới nhiều khách hàng hơn qua các chiến dịch hoạt động và các kênh marketing phổ biến.
📌 Xây dựng nhận thức thương hiệu là thiết yếu đối với thành công của doanh nghiệp. Bạn sẽ không muốn mất rất nhiều thời gian để tạo ra các chiến lược marketing hướng tới những khách hàng mục tiêu nếu như các khách hàng tiềm năng không nhìn thấy khả năng phát triển của bạn vì họ không biết đến sự tồn tại của công ty.
🎯 Bây giờ, chúng tôi sẽ chỉ cho bạn cách để tăng nhận thức về thương hiệu trên trang web và thông qua mạng xã hội. Các mẹo mà chúng tôi đưa ra sẽ giúp công ty của bạn thu hút được nhiều người hơn, giúp bạn có được nhiều tương tác xã hội, các cơ hội xây dựng lòng tin, và tăng trưởng doanh thu.
🧐Hãy thể hiện cá tính trong thương hiệu của bạn
Khi bạn gặp một ai đó, bạn dành thời gian để tìm hiểu về sở thích và tính cách của họ. Bạn có thể tin hoặc không, nhưng rất nhiều khách hàng đã biết đến các thương hiệu theo một cách tương tự. Những công ty có cá tính độc đáo thường có xu hướng thu hút được nhiều khách hàng hơn.
Một ví dụ điển hình cho điều này là chuỗi sản xuất thức ăn nhanh Wendy’s. Vài năm trước, đội ngũ quản lý tài khoản Twitter của họ đã có một cách tiếp cận ngớ ngẩn và một trò đùa trên những doanh nghiệp bán đồ ăn khác trong khi thúc đẩy sản phẩm của họ. Dưới đây là một trong những tweet phổ biến rộng rãi nhất của họ
Wendy’s – “When the tweets are as broken as the ice cream machine.” (Tạm dịch: Dòng tweet này cũng tệ như chiếc máy bán kem của McDonald’s vậy) (ám chỉ về sự cố chiếc máy bán kem của McDonald’s)
Hãy nhìn vào tỉ lệ tương tác giữa của hai bài đăng. Chiến dịch mờ nhạt của McDonald chỉ mang lại 1.5 nghìn bình luận, 22 nghìn lượt tweet lại, và 72 nghìn lượt thích. Bây giờ, hãy so sánh những con số này với tương tác trong phản hồi của Wendy’s. Tỉ lệ tương tác thậm chí không gần nhau, phản hồi của bên Wendy nhận được gấp 100 lần lượt tương tác.
Tuy đây không phải cách tiếp cận lịch sự nhất, nhưng nó cho thấy cá tính của công ty. Sau khi tài khoản Twitter của Wendy’s thể hiện tính cách “ngổ ngáo”, thương hiệu này đã có được sự tăng trưởng doanh thu là 49.7%.
Bạn có thể thể hiện cá tính của công ty thông qua trang web hoặc hồ sơ mạng xã hội. Trên trang web của bạn, hãy dành một trang để kể câu chuyện về thương hiệu của bạn, bao gồm những mục tiêu và giá trị của công ty, giúp cho những khách truy cập lần đầu có thể hiểu thêm về công ty của bạn.
Ở mạng xã hội, hãy đảm bảo rằng tất cả những bài đăng của bạn đều nhất quán về hình thức và ngữ điệu. Bạn sẽ muốn các khách hàng đọc bài đăng về thương hiệu của bạn như bài đăng của một người bạn thân thiết. Sự nhất quán là thiết yếu khi đưa ra các sản phẩm và dịch vụ, nhưng nó cũng vô cùng quan trọng trong việc phổ biến nhận thức thương hiệu.
🧐Thường xuyên tương tác với khách hàng
Chúng tôi không thể nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tương tác vì nó liên quan tới nhận thức thương hiệu. Bạn sẽ không muốn được biết tới là một doanh nghiệp chỉ tiếp cận tới khách hàng khi cố gắng đảm bảo doanh số. Đây không phải một hình ảnh tốt đẹp và sẽ khiến mọi người có suy nghĩ sai về đặc điểm và mục đích của thương hiệu của bạn.
Thay vì chỉ liên lạc khi bạn muốn tăng doanh số, hãy tương tác với khách hàng ngay cả khi bạn không trực tiếp thấy được doanh thu từ một cuộc trò chuyện. Mạng xã hội là một nơi tuyệt vời để bắt đầu. Hơn 80% người sử dụng Internet có ít nhất một tài khoản trên mạng xã hội, và con số sẽ chỉ tăng lên hàng năm.
Bạn có thể nói chuyện với các khách hàng mục tiêu, kể cả khi họ không biết tới thương hiệu của bạn, thông qua mạng xã hội. Chúng tôi thích sử dụng Facebook để mở rộng nhận thức về thương hiệu. Chúng tôi đã lập ra một nhóm để giúp đỡ các khách hàng về trang web kinh doanh của họ bằng cách đưa ra các lời khuyên và tài nguyên miễn phí, và kết quả đạt được thật đáng kinh ngạc. Chúng tôi đã tích lũy được hàng nghìn các khách hàng tiềm năng mới chỉ trong vài tháng, và rất nhiều trong số họ biết đến chúng tôi thông qua nhóm trên Facebook.
Khi bạn xem xét về hơn 2 tỷ người đang sử dụng Facebook, sẽ thật dễ dàng để hiểu tại sao các chủ doanh nghiệp và đội ngũ marketing lại sử dụng nền tảng này trước tiên.
Bạn cũng có những phương án tương tác khác trên mạng xã hội. Twitter và Instagram là những phương tiện tuyệt vời để bắt đầu cuộc trò chuyện với khách hàng thông qua những hashtag về các thị trường cụ thể. Hãy tận dụng những cơ hội này để khiến khách hành trở nên quen thuộc với công ty của bạn mà không cần phải trực tiếp hỏi về thông tin thanh toán của họ.
Bạn sẽ thấy rằng mọi người sẽ vui vẻ truy cập và xem xét việc mua một sản phẩm nếu họ có sự giúp đỡ và tương tác miễn phí. Hãy dành thời gian nói chuyện với khách hàng qua các trang mạng xã hội đa dạng mà doanh nghiệp của bạn sử dụng, và bạn sẽ có được sự phát triển đáng kinh ngạc về nhận thức thương hiệu.
🧐Phát triển blog
Nội dung mà bạn đăng lên blog và các trang có liên quan sẽ có tầm ảnh hưởng lớn tới sự nhận thức. Khách hàng luôn mong đợi các doanh nghiệp đưa ra những nội dung chính xác với những thắc mắc, mối quan tâm, và mong đợi của họ.
Khi bạn đưa ra nội dung của blog, bạn đang mang đến cho người dùng một lý do để truy cập vào trang web mà không phải để mua các sản phẩm. Điều này ban đầu nghe có vẻ không lý tưởng, nhưng hãy nghĩ thêm một chút. Nếu ai đó trên trang web nhận được sự trợ giúp miễn phí từ những nội dung mà bạn đăng lên, họ sẽ có khả năng quay lại và truy cập lại vào trang web.
Vì hầu hết mọi người đều đọc 3-5 bài đăng trên blog trước khi quyết định mua sản phẩm, bạn sẽ muốn người dùng quay trở lại trang web rất nhiều lần, thậm chí khi họ chưa lập tức sẵn sàng để mua sản phẩm.
Vì thế, bạn nhận được thêm các lợi ích khi giữ những khách hàng biết về thương hiệu của bạn ở lại trên trang web lâu hơn, góp phần thúc đẩy nhận thức về thương hiệu. Nhưng những lợi ích có được không dừng lại ở đây.
Sản xuất nội dung hữu ích với những từ khóa dài cũng có nghĩa là bạn đang tối ưu hóa việc tìm kiếm tới trang web của mình. Nói cách khác, khi những người không biết về công ty của bạn tìm kiếm các từ khóa hướng tới blog, sẽ có khả năng cao hơn để họ nhìn thấy một trong những bài đăng của bạn trên Google. Qua phương pháp này, rất nhiều khách hàng sẽ tìm ra thương hiệu của bạn.
Chúng tôi biết chiến lược này sẽ hoạt động bởi có tới 70% những người làm về marketing nói rằng sáng tạo nội dung là công cụ SEO tốt nhất mà họ có. Nói cách khác, nếu như không có blog, họ có thể sẽ nhận thấy sự sụt giảm trong tương tác và nhận thức về thương hiệu.
*Search Engine Optimization (SEO) – công cụ tối ưu hóa tìm kiếm: là một quy trình nâng cao thứ hạng của website trên các công cụ tìm kiếm giúp người dùng có thể tìm thấy trang web dễ dàng hơn trên bảng kết quả tìm kiếm.
🧐Tạo ra những đề nghị (offer) phù hợp
Cuối cùng, chúng tôi muốn nói về việc những đề nghị (offer) có thể hưởng tới trực tiếp tới nhận thức về thương hiệu của bạn như thế nào. Mẹo cuối cùng này sẽ hoạt động khác nhau phụ thuộc vào loại hình kinh doanh mà bạn sở hữu.
Các đội ngũ và lãnh đạo marketing của các công ty phân phối dịch vụ phần mềm (SaaS) nên xem xét việc tạo ra một phiên bản freemium cho sản phẩm của họ. Nói cách khác, hãy cho phép người dùng tải về một phiên bản cơ bản của phần mềm, và đừng quên nhấn mạnh các tính năng mà người dùng có thể mở khóa khi nâng cấp.
*freemium: là thuật ngữ chỉ một loại mô hình kinh doanh liên quan đến việc cung cấp cho khách hàng cả dịch vụ miễn phí và dịch vụ tính phí.
Chiến lược này mở rộng nhận thức về thương hiệu bởi vì hầu hết mọi người đều tìm kiếm các phần mềm miễn phí, đặc biệt là khi họ muốn thử nhiều chương trình trước khi lựa chọn dịch vụ trả phí hàng năm. Trong trường hợp này, người dùng sẽ muốn thử sử dụng phần mềm miễn phí. Một bản download freemium sẽ đảm bảo rằng họ có cơ hội nhìn thấy những điểm tốt mà bạn có, đồng thời tiếp cận nhiều hơn với thương hiệu của bạn.
Mặt khác, các cửa hàng thương mại điện tử nên tập trung vào việc cung cấp lead magnet miễn phí và các chương trình khuyến mãi có giới hạn thời gian cho người dùng. Khi tạo ra các phiếu giảm giá về thương mại điện tử, bạn phải nghĩ về mục tiêu của các khách hàng, kể cả khi họ không biết tới bạn. Hãy phát triển những kế hoạch giúp người dùng đạt được những mục đích đó, và bạn sẽ thấy nhiều người khám phá trang web và tương tác với thương hiệu của bạn hơn.
*lead magnet: là một phần nội dung khuyến khích khách hàng tiềm năng của bạn hành động và xem / nghe / tải xuống những gì bạn đang cung cấp để đổi lấy địa chỉ email của họ (ebook, hội thảo, khảo sát,…)
Lời kết
Bây giờ, bạn đã có những công cụ cần thiết để mở rộng mức độ nhận thức về thương hiệu và phát triển doanh nghiệp của bạn. Bạn cũng cần phải chú ý rằng bạn sẽ không thấy được sự phát triển vượt bậc ngay lập tức. Thay vào đó, mở rộng nhận thức về thương hiệu là một chiến lược hoạt động lâu dài và cần có thời gian cũng như sự duy trì. Hãy sử dụng những mẹo mà chúng tôi đã đề cập tới để kết nối với các khách hàng và xây dựng trải nghiệm mua sắm tốt nhất mà họ sẽ không sớm quên.
_________________________________
Tác giả: Jared Atchison
Link bài gốc: 4 Strategies for Increasing Brand Awareness
Dịch giả: Trần Khánh Linh – ToMo – Learn Something New
__________________________________
Xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tác giả, dịch giả và ToMo – Learn Something New đã chia sẻ bài viết vô cùng hữu ích này. Mong rằng bạn sẽ học được những điều thật ý nghĩa từ những chia sẻ này!
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/3150
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 32