Chào các bạn ghé thăm Chim Xa Tổ, một blog về cuộc sống của một du học sinh Anh là mình.
Nếu đây là lần đầu tiên bạn đến với Chim Xa Tổ, các bạn có thể tìm đọc phần 1 của series Thích du học ở đây.
Như đã nói trong phần 1, mình mong muốn thông qua series Thích du học này có thể chia sẻ câu chuyện đi du học Anh từ A-level đến Tiến Sĩ của mình, đặc biệt là kinh nghiệm chọn trường, nộp đơn, xin học bổng các giai đoạn, cấp học khác nhau trong hành trình đi du học. Series bao gồm 4 phần:
Phần 1- Khởi động: đây là phần dành cho các bạn học sinh cuối cấp ở Việt Nam, đặc biệt là học sinh lớp 12, hoặc các bạn năm nhất đại học
Phần 2 – Vượt chướng ngại vật: dành cho các bạn đang hoàn thành chương trình dự bị, A-level và sắp vào đại học, chọn trường, chọn ngành, và các tips để tận dụng tốt đa trải nghiệm học đại học của mình
Phần 3 – Tăng tốc: sau khi học xong đại học, lựa chọn học thạc sĩ cũng rất phổ biến, mình sẽ nói về kinh nghiệm nộp đơn vào các trường top ranking cũng như những kinh nghiệm trong việc tìm kiếm cơ hội sau khi tốt nghiệp thạc sĩ của mình.
Phần 4 – Về đích: sau khi học xong thạc sĩ, việc chọn làm nghiên cứu sinh ngày càng trở nên phổ biến, mình cũng muốn chia sẻ quá trình nộp đơn học tiến sĩ và xin học bổng toàn phần của mình, và lí do tại sao mình quyết định làm nghiên cứu sinh.
Tiếp nối phần 1, sau khi mình đã xác định được bước đi đầu tiên là hoàn thành chương trình A-level hoặc dự bị đại học (đối với một số bạn khác), thì các câu hỏi quan trọng không kém đó là mình đã nộp đơn vào các trường đại học ở Anh như thế nào, mình đã tận dụng thời gian học đại học của mình ra sao, và vào những giai đoạn cuối của chương trình đại học, mình đã chuẩn bị gì cho tương lai sau khi tốt nghiệp. Đúng là trong phần 2 này sẽ có rất nhiều ‘chướng ngại vật’ cần phải vượt qua, nên mình bắt đầu ngay thôi!
Mình đã chuẩn bị gì để được nhận vào LSE và các trường đại học khác ở Anh?
Nhìn chung, các bạn sẽ có 5 lựa chọn cho trường đại học ở Anh và sẽ được yêu cầu nộp hồ sơ xét tuyển thông qua hệ thống UCAS. Bạn cần chuẩn bị những mục cơ bản sau:
- Chứng chỉ IELTS (tuỳ từng trường sẽ có những yêu cầu điểm khác nhau, ở LSE mình nhớ không nhầm thì năm mình nộp là IELTS 7.0 (Writing 7.0) tối thiểu?!)
- Bài luận cá nhân – Personal Statement (Vì nộp khoá IR ở LSE không yêu cầu phỏng vấn, nên PS là yếu tố quan trọng nhất nhì trong việc quyết định khả năng thành công của bạn)
- Bảng điểm A-levels hoặc Foundation, hoặc bảng điểm (dịch công chứng) kết quả năm nhất đại học ở Việt Nam (quy định thay đổi theo từng trường đại học, các bạn có thể vào website trường và khoá học để tìm hiểu thêm)
- Thư giới thiệu của thầy cô – Reference Letters (thường thì các thầy cô ở trường sẽ dựa vào quá trình học và kết quả của bạn để viết thư giới thiệu về bạn cho trường đại học, nên là hãy cố gắng thể hiện thật tốt để được thầy cô viết thư ‘có tâm’ cho các bạn nha)
Như mình đã chia sẻ ở phần 1, vì mình đã xác định mục tiêu là LSE và ngành học Quan hệ quốc tế ngay cả trước khi bắt đầu học A-level nên việc chọn trường và chọn ngành không phải là một khó khăn đối với mình. Nhưng dù vậy, cơ hội thành công vào các trường top cao và ngành học như mong muốn đòi hỏi một ‘chiến lược’ nộp đơn cụ thể và có những chuẩn bị rõ ràng ngay từ những ngày mới bắt đầu học A-level hoặc dự bị đại học. Mình có một số tips để các bạn tận dụng tốt chương trình A-level và dự bị đại học để đậu đại học tốt như sau:
- Chọn môn A-level phù hợp với ngành học ở đại học
Nhìn chung, việc học A-level đã cho bạn một lợi thế rất lớn để nộp đơn thành công các trường đại học top cao, tuy nhiên nếu biết tận dụng học các môn A-level phù hợp với yêu cầu khoá học sẽ giúp bạn tăng khả năng cạnh tranh cao hơn, và cũng giúp cho việc học đại học của bạn sau này thuận lợi hơn. Mình có tình cờ đọc được một bài viết của ĐH Cambridge về việc ban tuyển sinh nhìn nhận các môn học A-levels, và chia ra làm hai nhóm ‘hard/ facilitating subjects’ và ‘soft subjects’, trong đó các môn ở nhóm đầu tiên sẽ được ưu tiên hơn các môn ở nhóm 2. Các bạn tham khảo thêm ở link này: https://www.trin.cam.ac.uk/undergraduate/applying/a-level-subject-combinations/. Ngoài ra cách mình làm khi nộp vào LSE đó là vào website hướng dẫn nộp vào khoá IR, và thấy họ sẽ ưu tiên các hồ sơ học các môn Kinh tế học (Economics), Chính trị (Government and Politics) và Lịch sử (History) ở A-level, chính vì thế mà mình đã chọn học 3 môn này và Toán (Maths) nữa.
2. Cố gắng học và có kết quả thi thật tốt
Vì giáo dục đại học ở Anh chú trọng rất nhiều vào kết quả học thuật, nên việc bạn có điểm thi A-level tốt, và điểm predictions cao sẽ tăng khả năng được nhận học rất nhiều. Theo mình, điểm thi A-level là yếu tố quan trọng nhất trong toàn bộ hồ sơ của bạn. Nếu các bạn quan tâm về chủ đề làm sao để đạt kết quả tốt ở A-level thì hãy comment để mình viết một bài riêng về nó nha.
3. Tham gia các hoạt động ngoại khoá liên quan đến ngành học tương lai
Như đã đề cập ở trên, các trường đại học ở Anh sẽ rất quan tâm đến khả năng học thuật của bạn, và bạn có thể thể hiện điều này qua các hoạt động ngoại khoá liên quan đến ngành học ở đại học. Ví dụ như mình lúc nộp vào LSE ngành IR, mình đã đề cập trong PS những kinh nghiệm tham gia VYMUN, hoặc hội thảo thanh thiếu niên quốc tế ở Nga và Taiwan, hoặc là dạy tiếng Anh tình nguyện ở Thái Lan, hoặc là những quyển sách, bài báo liên quan đến lịch sử chiến tranh lạnh hoặc quan hệ Trung-Nhật mà mình quan tâm. Bất kể bạn tham gia hoạt động gì, hãy cố gắng tận dụng kinh nghiệm đó để tạo ấn tượng cho ban tuyển sinh một cách liên quan đến khoá học nha.
4. Trau truốt bài luận cá nhân
Khi có quá nhiều thí sinh có điểm thi A-level tốt và đủ các điều kiện xét tuyển như nhau, bài luận cá nhân (PS) sẽ là cơ hội để bạn toả sáng và khác biệt so với các ‘đối thủ’ khác, vì lượng offer có hạn mà, đúng không? PS nộp vào các trường đại học ở Anh chỉ có 4000 kí tự thì phải, và bạn phải thể hiện được khả năng học thuật cũng như động lực theo đuổi khoá học đang nộp thông qua các ví dụ cụ thể về những thành tích và hoạt động bạn đã làm trong suốt quá trình học. Mình đã dành rất nhiều thời gian chuẩn bị và trau chuốt cho PS của mình khi nộp vào LSE để được nhận offer của trường.
Có những loại học bổng nào dành cho bậc học đại học ở Anh?
Tuỳ vào từng trường và từng ngành học sẽ có những loại học bổng khác nhau cho các bạn nộp đơn.
Ở LSE như mình biết thì có chương trình Financial Aid, tức là hỗ trợ tài chính cho các bạn thể hiện được khó khăn tài chính và có nhu cầu xin trợ cấp từ phía LSE, và giá trị của các gói hỗ trợ phụ thuộc rất lớn vào cách bạn kê khai khả năng tài chính và mức xin hỗ trợ của bạn và của gia đình. Mình có quen một số bạn Việt Nam ở LSE đã được nhận trợ cấp toàn phần học phí và sinh hoạt của trường nhờ vào việc kê khai hợp lí và thuyết phục được hội đồng xét học bổng.
Một số trường đại học khác có gói học bổng giảm học phí (£3000-£5000) hoặc (30%-50%) cho các bạn có thành tích A-level tốt, hoặc có nộp qua các trung tâm liên kết với trường đại học. Nói chung, những học bổng này mang tính chào mừng bạn vào trường, và giá trị học bổng phụ thuộc rất nhiều vào từng trường, và từng ngành học, và vào hồ sơ của bạn nữa. Nên là bạn hãy luôn kiểm tra website phần admission, fees and funding của từng trường để tìm hiểu các cơ hội phù hợp với bạn nha.
Ngoài ra, trong quá trình học đại học rồi, nếu bạn gặp phải khó khăn về mặt tài chính, các bạn cũng có thể tham khảo nộp các quỹ hỗ trợ sinh hoạt phí hoặc trợ cấp cho sinh viên quốc tế theo dạng hardship funds, ở LSE và UCL thì mình đã từng nộp thành công financial support từ cả university và students’ union với mức hỗ trợ sinh hoạt phí lên đến £3000-£5000. Các bạn cũng đừng quên tham khảo các nguồn hỗ trợ khác như International Student Housing hoặc là Local Charity Trusts nha.
Ngoài ra, như mình đã chia sẻ trong phần 1, chính phủ Việt Nam cũng có những chương trình học bổng toàn phần cho các bạn sang học ở Anh, nhưng số lượng rất hạn chế thôi, và chỉ dành cho các bạn có thành tích xuất sắc trong các kỳ thi olympic quốc tế, hoặc thủ khoa đại học thôi nha. Các bạn thấy phù hợp thì có thể tìm hiểu thêm.
Mình cũng muốn nói thêm là các bạn nên cân nhắc thật kĩ trước khi quyết định chọn trường và mức chi phí phải chi trả kể cả khi chưa chắc chắn nhận được học bổng để có thể hoàn thành khoá học với kết quả như mong muốn nha.
Khi bắt đầu nhập học, cần phải làm gì để tận dụng tối da thời gian học đại học của bạn?
Vì chương trình học đại học ở Anh chỉ có 3 năm thôi, vừa là lợi thế về mặt thời gian cho các bạn muốn học xong nhanh, vừa là thử thách phải tận dụng tối đa quỹ thời gian ngắn để thích nghi và phát triển, nên mình sẽ chia sẻ quá trình học đại học của mình làm ví dụ để các bạn tham khảo và lên kế hoạch phù hợp cho bản thân nhé.
Đầu tiên là việc học. Đối với mình, đây là ưu tiên hàng đầu trong cả 3 năm học. Vì xác định được ưu tiên của mình là học hiểu kiến thức và phát triển kĩ năng cần thiết cho ngành học để có kết quả tốt nhất, cho nên, ngày từ khi mới bắt đầu nhập học, mình đầu tư phần lớn thời gian để tìm hiểu về lựa chọn các môn học, điều kiện xếp hạng tốt nghiệp, các quy định thi cử và kiểm tra cho từng môn học. Lúc bắt đầu vào LSE, mình như được sống trong giấc mơ học thuật của mình vậy đó, mình ôm đồm và thử rất nhiều cơ hội được học hỏi và phát triển kĩ năng từ học thêm ngoại ngữ mới, tham gia các câu lạc bộ chuyện môn, rồi chăm chỉ lên gặp nói chuyện với thầy cô để hỏi thêm bài vở với cả còn ham hố lập nhóm học thêm với bạn cùng khoá để đôi bạn cùng tiến nữa. Trong 3 năm học ở LSE, mình cũng may mắn apply thành công đi học trao đổi hè ở Trung Quốc để nâng cao tiếng Trung vào hè năm nhất, và có một kỳ thực tập cho tập đoàn TATA ở Ấn Độ vào hè năm hai. Nếu mình không tập trung vào việc học thì chắc là đã không biết đến những cơ hội này. Mình biết là các bạn sẽ có những ưu tiên khác nhau khi lên học đại học, nhưng làm gì thì làm, mình vẫn nghĩ, việc bỏ nỗ lực ra để có kết quả học tốt sẽ rất xứng đáng cho những cơ hội sau này, dù đi học tiếp hay đi làm.
Tiếp theo là việc mở rộng mối quan hệ xã hội. Khi mới bắt đầu chuyển đến London, mình thật sự bị choáng ngợp vì cơ hội được tiếp xúc và gặp gỡ với rất nhiều người mới, với nhiều hoàn cảnh và mục tiêu khác nhau. Mình thấy việc quen biết nhiều bạn bè cũng mang đến rất nhiều niềm vui, giúp mình học hỏi và hiểu hơn về cuộc sống rất nhiều. Ngày xưa đi học, mình có tham gia hội sinh viên Việt Nam tại LSE và ở UK (VNLSE ❤ và làm LSE Show với mọi người rất vui và đáng nhớ!), hoặc tham gia các hoạt động tình nguyện và gây quỹ ở trường, rồi cũng tham gia tập luyện trong đội bóng rổ nữ của LSE, và học các lớp ngoại ngữ (Spanish, Arabic, Chinese) cũng ở LSE nên mình được gặp và làm quen với nhiều bạn mới, rất nhiều kỉ niệm vui.
Cuối cùng là công việc cá nhân của mình. Mình cũng như các bạn sinh viên khác, đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập hỗ trợ chi phí sinh hoạt và tăng thêm kinh nghiệm làm việc cho mình. Năm đầu, mình có làm phiên dịch viên tiếng Anh cho các bệnh nhân Việt Nam ở các bệnh viên NHS ở London theo dạng freelance, không cố định giờ làm, và cũng làm gia sư dạy Kinh tế và tiếng Việt cho môt số học sinh cho nhu cầu. Rồi mình cũng làm mấy công việc hành chính cho các công ty vừa và nhỏ và làm trợ giúp nghiên cứu cho giáo viên trong trường nữa. Tất nhiên là cũng có những lựa chọn việc làm khác cho các bạn sinh viên như là làm bồi bàn cho nhà hàng hoặd làm móng ở các tiệm beauty bar cũng giúp các bạn kiếm thêm thu nhập, nhưng các bạn cũng đừng để việc làm thêm ảnh hưởng việc học quá nha. Bây giờ nhìn lại, mình thấy ba năm học của mình trôi qua nhanh và lúc nào tưởng như cũng rất bận rộn, nhưng đến lúc gần tốt nghiệp thì mình thấy rất xúc động vì bản thân đã cố gắng từng ngày trong suốt quãng thời gian đi học và tích luỹ được nhiều trải nghiệm, kiến thức quý báu.
Sau khi tốt nghiệp đại học, bạn sẽ làm gì tiếp theo?
So với trước khi học A-level, mình luôn nghĩ lý tưởng duy nhất cuộc đời mình là vào được LSE để học IR, xong lúc vào học rồi thì bị mất phương hướng một chút vì không biết tiếp theo sẽ làm gì. Chắc ai cũng bị khủng hoảng mục đích sống một vài lần trong đời như thế, nên mình nghĩ điều đó rất là bình thường luôn. Mình từng nghe các anh chị lớn hơn khuyên là thời gian học đại học là để khám phá bản thân và thử nhiều lựa chọn để tìm ra con đường phù hợp với bản thân nên mình tự cho mình cơ hội luôn cởi mở với tất cả mọi khả năng và kế hoạch cho tương lai sau tốt nghiệp. Mình rất thích đi nghe các buổi nói chuyện chia sẻ con đường đi của các cựu sinh viên trong trường và mỗi câu chuyện lại cho mình những bài học tham khảo cho bản thân và những hướng đi phù hợp với mình. Việc làm thêm ở nhiều tổ chức và lĩnh vực khác nhau trong lúc đi học cũng giúp mình khám phá khả năng của bản thân và hiểu hơn về những công việc hợp/ không hợp với tính cách của mình. Cũng nhờ những đêm trằn trọc nhìn trăng trôi và hỏi cuộc đời mình sẽ đi về đâu, cộng với những gì đã trải nghiệm trong lúc đi học, mình quyết định học tiếp chương trình thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp đại học, và chuyển ngành học sang Giáo dục tại Institute of Education, thuộc trường University College London (UCL). Đối với các bạn nào vẫn đang loay hoay tìm một hướng đi sau khi tốt nghiệp, mình chỉ muốn nhắn nhủ các bạn là mỗi người sẽ có một con đường riêng để đến thành công, và thành công cũng chỉ là một khái niệm chủ quan tuỳ theo mục tiêu và suy nghĩ cá nhân của từng người. Điều quan trọng nhất đối với mình đó là dù mình đang làm công việc gì, đang ở vị trí nào và giai đoạn nào trong hành trình du học, mình cũng luôn cố gắng và nỗ lực hết mình để hoàn thành nó một cách tốt nhất có thể ngay lúc mình đang có cơ hội làm điều đó. Và làm được điều đó, theo mình, chính là thành công!
Phần 2 xin kết thúc ở đây. Nếu các bạn muốn mình chia sẻ chi tiết hơn về phần nào trong quá trình nộp đơn, trong khi học và gần tốt nghiệp đại học thì hãy comment để mình được biết nha.
____________________________________________________
Tác giả: Mai An (Chim Xa Tổ)
Youtube: Chim Xa Tổ: https://bit.ly/3huh7Ie
Chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng hữu ích!
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/3240
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 13