Bạn đã bao giờ xem qua portfolio của một trong những người mà bạn hâm mộ và có cảm giác nể phục xen lẫn hoài nghi về khả năng sáng tạo của mình chưa?
📌 Nếu bạn là một freelancer, đang muốn tìm một công việc trong lĩnh vực công nghệ hay chỉ đơn giản là muốn nâng cao kiến thức chuyên môn của mình trong một ngành nghề nào đó, thì việc đưa lên mạng một bản portfolio ấn tượng chính là cách giúp bạn đạt được mong muốn của mình. Quảng bá bằng lời nói là một cách hay ho để bạn có thể đưa tên tuổi của mình ra ngoài thị trường. Nhưng xây dựng một trang web portfolio cho freelancer sẽ giúp bạn trở nên nổi bật với khách hàng và nhà tuyển dụng.
📌 Nhưng nếu bạn là người mới vào nghề và dường như bạn cần hàng năm trời để xây dựng một bộ sưu tập tác phẩm mà bạn cảm thấy tự hào, thì việc xây dựng một portfolio ấn tượng đó có thể nằm ngoài tầm với của bạn.
📌 Vậy thì bạn có thể làm gì nếu bị rơi vào nghịch lý: khi bạn không thể có thêm khách hàng nếu không cho họ xem portfolio của mình và cũng không thể xây dựng portfolio nếu không có khách hàng?
Chà, muốn bắt đầu thì trước hết bạn cần phải bình tĩnh. Ngay cả khi bạn mới chỉ tham gia làm một vài dự án, hay có một vài tác phẩm thì bạn vẫn có thể tạo ra một portfolio đáng ngưỡng mộ và thu hút khách hàng.
🔑 Dưới đây là một số cách để thiết kế một portfolio ấn tượng cho freelancer:
1. Tự tạo portfolio cho mình
Cho dù bạn có là một web designer, lập trình viên, graphic designer, illustrator hay content marketer đi chăng nữa thì xây dựng một portfolio vẫn là một quyết định sáng suốt.
Nếu bạn là một web designer hoặc một lập trình viên, hãy tự tạo ra một trang web cho riêng mình. Nếu bạn là một illustrator, hãy thiết kế những icon lạ mắt dành cho trang portfolio của mình. Hoặc nếu bạn là một graphic designer, hãy xây dựng thương hiệu cho trang web của bạn với phong cách thiết kế đặc trưng của riêng bạn. Còn nếu bạn là một content marketer, hãy viết ra những ấn phẩm quảng cáo độc đáo để đưa vào portfolio. Giờ thì bạn đã có ý tưởng cho portfolio rồi nhé!
Khi xây dựng một portfolio cho riêng mình, bạn sẽ có cơ hội chứng minh cho những khách hàng và nhà tuyển dụng tiềm năng về dạng công việc bạn có thể làm được. Hơn nữa, portfolio của bạn cũng là một sản phẩm mà bạn có thể sử dụng để thể hiện các kỹ năng của bản thân.
2. Thêm vào các yếu tố quan trọng nhất
Portfolio không chỉ là một bộ sưu tập tất cả các dự án mà bạn đã thực hiện trước đây. Thông thường, portfolio gồm toàn bộ các dự án mà bạn từng làm có thể gây ấn tượng với một người nào đó cùng ngành với bạn. Tuy nhiên, nếu bạn đang cố gắng để khách hàng hoặc nhà tuyển dụng – những người không quen với các thuật ngữ trong ngành – thuê bạn, thì bạn cần đảm bảo portfolio của mình có thể khiến họ hiểu được những yếu tố ấy. Thêm phần giải thích vào portfolio để giải đáp được những thắc mắc của những người thuê bạn làm việc, ví dụ thêm vào giá cả, phong cách làm việc hoặc kiến thức chuyên môn của bạn.
🔑 Sắp xếp các chức năng của portfolio theo mức độ quan trọng như sau:
- Chỉ ra những gì bạn có thể làm để giúp cuộc sống của khách hàng/nhà tuyển dụng trở nên dễ dàng hơn.
Thay vì nói về những thuật ngữ bạn làm thì hãy nói về những gì bạn có thể làm cho họ. Ví dụ, nếu bạn là một content marketer, thay vì nói rằng bạn sẽ viết nội dung bán hàng kiểu Epic content, hãy nói là bạn có thể giúp email của họ tăng gấp ba lần tỷ lệ được khách hàng mở đọc và giúp phát triển gấp đôi quy mô của họ.
- Giúp khách hàng dễ dàng liên hệ với bạn.
Giúp người truy cập vào portfolio của bạn có thể dễ dàng liên lạc với bạn ngay khi họ quan tâm đến dịch vụ của bạn.
- Giải thích những chi tiết trong sản phẩm mà bạn cung cấp.
Trình bày chính xác hướng sản phẩm bạn muốn làm, kiểu khách hàng hoặc công ty bạn muốn hợp tác cùng. Hãy làm như vậy nếu giả sử bạn là một web designer có mong muốn lập một trang web riêng cho các nghệ sĩ. - Nói cho họ biết bạn là ai và bạn muốn làm việc như thế nào.
Hãy bỏ ra thời gian để giới thiệu trong portfolio của mình về quá trình mà bạn đã trải qua để hoàn thành các dự án trước đây và miêu tả phong cách làm việc.
3. Hãy giới thiệu, đừng chỉ trưng bày
Hẳn bạn sẽ nghĩ rằng mình chỉ cần trưng bày các dự án mà không cần nói thêm gì. Portfolio có mục đích mang đến các sản phẩm tiêu biểu của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ chụp màn hình một dự án và thêm vào một đường link thì bạn đang bỏ lỡ một cơ hội lớn. Hãy bỏ ra công sức để giới thiệu thêm về tác phẩm mà bạn đã làm trong một dự án cũng như bất kỳ hoàn cảnh làm việc hoặc vấn đề đặc biệt mà bạn đã trải qua. Điều đó sẽ giúp khách hàng và người tuyển dụng hiểu rõ hơn về phong cách làm việc và lối tư duy của bạn nhằm hình dung ra cách để họ làm việc cùng bạn.
Và nếu bạn lo lắng rằng mình không có đủ dự án để thêm vào portfolio thì việc dành một chút không gian để trình bày về mỗi dự án là một cách hay ho để thêm nhiều thông tin hơn cho portfolio.
4. Tập trung vào loại dự án bạn muốn làm và kiểu khách hàng bạn muốn làm việc cùng
Nếu portfolio của bạn vẫn còn hơi sơ sài, hãy dành một không gian nhỏ để trình bày về dạng tác phẩm mà bạn thích làm. Không gian này là nơi để kể tên những kiểu doanh nghiệp hoặc khách hàng cụ thể mà bạn mong muốn làm việc cùng (lý do tại sao) và trình bày các mục tiêu của bạn.
Ngay cả khi không dự án nào của bạn thể hiện được những kỹ năng đó nhưng bạn có thể bộc lộ được mình có nhiệt huyết và tiềm năng để cống hiến lâu dài.
5. Thêm các dự án thực hành
Một portfolio không nhất thiết là chỉ có sản phẩm được trả phí. Thậm chí, bạn không cần giới hạn sản phẩm mà bạn đã làm việc cùng với khách. Nếu bạn đã tạo ra các dự án từ khi còn học ở trường lớp hoặc trong một khóa học, hãy thêm thành quả vào portfolio. Đừng ngại đưa vào các dự án nhỏ lẻ mà bạn đã tạo ra trong khoảng thời gian riêng của mình.
6. Giới thiệu về trình độ học vấn
Giới thiệu về trình độ học vấn của mình là một cách hay để giúp portfolio của bạn bớt sơ sài, đặc biệt là nếu bạn vừa mới học các kỹ năng mới.
Hiện tại, bạn vừa mới học được cách lập trang web cơ bản và bạn đang muốn tìm việc mới. Không gian trong portfolio là nơi có thể giới thiệu quá trình học tập của bạn để đạt được các kỹ năng mới. Thông tin về trình độ học vấn sẽ giúp người truy cập vào tin tưởng khả năng của bạn hơn khi bạn trưng bày thêm nhiều dự án khác nữa.
7. Thêm các bài báo, lời đề cập và nhận xét về bạn
Lần đầu tôi tìm kiếm tên mình trên Google như một người trưởng thành, tôi đã rất ngạc nhiên. Tôi nghĩ rằng không có một bài báo nào viết về mình nhưng rồi tôi nhận ra rằng tên mình nằm trong một số trang báo danh tiếng.
Dù bạn có được nhắc tên trên tờ báo ở địa phương hay được một web designer mà bạn hâm mộ chia sẻ sản phẩm của mình lên Twitter, bạn vẫn nên thêm chúng vào portfolio của mình. Ngay cả khi bài báo không nói đúng đến dạng tác phẩm mà bạn đang làm, những lời nhận xét có Hiệu ứng lan truyền (Social proof), sẽ chứng minh rằng bạn là người giống như những gì mà người khác nghĩ về bạn.
Đừng ngại hỏi ý kiến, nhận xét về mình. Hãy hỏi các khách hàng/nhà tuyển dụng từng hợp tác, thậm chí giáo viên cũ của bạn về việc cho bạn lời đánh giá.
👍 Lời khuyên hữu ích: hãy giúp họ dễ dàng thực hiện, gửi cho họ một bản nhận xét, đánh giá và hỏi sự đồng ý của họ.
8. Tạo ra một nguồn tài nguyên miễn phí
Bạn có thể cảm thấy kỳ lạ khi phải cho đi tác phẩm của mình miễn phí, đặc biệt là khi bạn đang làm việc cật lực để kiếm được thù lao. Nhưng cho đi một phần nhỏ của những gì bạn làm là một sáng kiến để nhiều khách hàng và nhà tuyển dụng quan tâm hơn. Vì thế, nếu bạn là một illustrator, hãy cống hiến miễn phí một loạt các icon vẽ tay. Nếu bạn là một lập trình viên website, hãy chia sẻ các bí kíp hàng đầu để lập ra một trang web ấn tượng cho các doanh nghiệp nhỏ.
Cho đi một số tác phẩm sẽ thể hiện thiện chí của bạn, chứng tỏ rằng bạn sẵn sàng bỏ ra hàng giờ đồng hồ để tạo ra một điều gì đó tuyệt vời, mang đến cho khách truy cập có cái nhìn về phong cách đặc trưng của bạn. Và quan trọng nhất, điều này giúp bạn được biết tới như một người có chuyên môn.
Và hãy nhớ rằng, cách tốt nhất để tạo ra một portfolio ấn tượng giúp bạn tìm được việc, đó là có các kỹ năng như yêu cầu của người tuyển dụng và khách hàng.
Dịch giả: Nguyễn Hoài Anh – Nguồn: ToMo – Learn Something New
_________
Xin chân thành cảm ơn tác giả và dịch giả bài viết vì những kiến thức vô cùng bổ ích. Mong rằng sau những chia sẻ này bạn đọc sẽ trang bị thêm được cho mình phương pháp đúng đắn để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho tương lai.
#ivolunteer, #ivolunteervietnam, #Portfolio, #Freelancer, #SinhVien, #HocSinh, #NgheNghiep, #KinhNghiem
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/2978
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 21