🔗 Dạo gần đây có một đàn em trong trường nhắn mình hỏi: liệu có bình thường khi ngày nào đến chỗ thực tập cũng bị kêu đi pha cà phê cho cả thảy đồng nghiệp hay không? Câu hỏi này vô tình làm mình sững người trước những trục trặc “không nói nên lời” mà sinh viên lắm khi gặp phải trong lúc đi thực tập. Vậy mục đích đi thực tập là gì? Và làm sao để tránh khỏi những tình huống “oái oăm” này?
👉 Đầu tiên phải nói rõ với các bạn rằng : dù bạn học ngành nào đi nữa thì việc đi thực tập là vô cùng cần thiết. Nó giống như là một phép thử để bạn làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp sau này khi đã tốt nghiệp và có tấm bằng trong tay. Càng có nhiều cơ hội đi thực tập, bạn càng tích lũy được kinh nghiệm, mà còn làm cho chiếc CV của chúng ta trở nên nổi bật hơn so với những đối thủ cạnh tranh lúc xin việc. Riêng trong ngành mình học, Kiến Trúc, đã có 3 kỳ thực tập bắt buộc để làm quen từ công việc “chân tay” năm 1 như là đi làm thợ hồ, như kiểu bạn được tận tay lợp mái, xây tường cho một công trình nào đó, cho đến kỳ thực tập năm 2/năm 3 để khám phá công việc trong văn phòng kiến trúc, và rồi kỳ thực tập năm 4/năm 5 khi bạn thực sự được trải nghiệm những công việc, dự án trong công ty, cùng cộng tác với đồng nghiệp.
Và bạn đang hiểu đúng rồi đó, mục đích chính của việc đi thực tập và hỗ trợ cho lượng kiến thức “lý thuyết” dung nạp trong lớp và áp dụng vào công việc, nhờ đó mà mình biết mình có thực sự thích ngành này hay không hay “thôi chết! nhầm đường” để mình còn đổi ngành khác.
Nhưng mà, thường đời không như là mơ. Ngoài việc tìm thực tập trầy trật, (trừ những trường hợp được trường hỗ trợ tìm cho) sinh viên tụi mình còn có nguy cơ vướng phải drama “bắt nạt”. Nói bắt nạt nghe thấy ghê nhưng thực chất đó là việc bị phớt lờ, hoặc được giao cho những việc lặt vặt không giúp cho chúng ta có thêm kinh nghiệm hoặc có khi bị bắt làm quá sức, quá số giờ mà đáng ra công ty phải tuân thủ. Lỡ như bạn bị rơi vào tình trạng này, bạn cần làm gì?
💡 Giữ bình tĩnh và nắm chắc những vấn đề không tốt xảy ra trong quá trình thực tập.
Hãy kể cho người mà bạn tin tưởng nghe : ba mẹ, hoặc một người bạn, việc này sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng và nhìn thấy mọi việc rõ ràng hơn, xác định đâu là vấn đề cần phải giải quyết, là do mình hay do người ta?
💡 Tìm cách trao đổi với đồng nghiệp hoặc người giám sát kỳ thực tập của bạn trong công ty
Trong 36 kế, kế 2 mặt 1 lời là hay nhất. Hãy trao đổi những vấn đề bạn gặp phải trong kỳ thực tập và đề nghị hướng giải quyết hoặc cùng nhau tìm cách giải quyết. Hãy nói lên suy nghĩ, ý kiến một cách thẳng thắn và chân thật. Mình chắc chắn rằng điều này sẽ khiến cho người khác thấy bạn có động lực để làm việc thực tập này và ngoài ra còn cho người ta thấy rằng bạn là một người rõ ràng và không thể bị “ăn hiếp”.
💡 Quyền trợ giúp luôn có nếu thực sự bạn không thể tự giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng mọi việc không tiến triển gì cho mấy
Hãy nhớ rằng, một khi bạn đi thực tập, bạn có tất cả những quyền hạn tất yếu và người đại diện bên trường sẽ là người bảo vệ bạn khi bạn đi thực tập và gặp phải chuyện bất công như là bị bóc lột, bị bắt làm nhiều giờ quá mức cho phép và ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần của bạn. Dĩ nhiên, họ vẫn để bạn tự giải quyết trước khi nhúng tay vào. Nếu có trường hợp nào quá đáng xảy đến, hãy liên lạc ngay với thầy cô và người đại diện ở trường nhé!
💦 Ngoài ra thì đi thực tập vẫn rất vui
Dĩ nhiên không vui lắm vì vấn đề lương lậu… Nếu như các bạn chưa biết thì lương thực tập ở Pháp rất ít, thậm chí là không có nếu như bạn thực tập trong thời gian dưới 2 tháng. Mặc dù vậy, đi thực tập cũng là một cơ hội tốt để khám phá một thế giới khác với hội bạn hay là các môn học trong trường. Sẽ có vô số lần đầu tiên và vô số những lỗi nhỏ mà bạn sẽ mắc phải nhưng đừng lo. Đi thực tập là để trải nghiệm mà.
Sẽ là lần đầu tiên được cộng tác để làm dự án, lần đầu tiên đi họp ở công ty, lần đầu tiên cảm giác là công việc của mình hóa ra cũng đi kèm với trách nhiệm lớn lao.
Không dừng lại ở đó, đi thực tập cũng là một cách để bạn tìm hiểu văn hóa công ty. Mà chủ đề này thì thôi rồi bao la, rộng lớn. Mỗi công ty khác nhau lại có những văn hóa khác nhau do môi trường làm việc cũng như độ khác biệt của các đồng nghiệp.
Quay lại câu hỏi lúc đầu : liệu lúc đi thực tập bạn có pha cà phê cho đồng nghiệp không? Mình xin trả lời là có, vì một lần bấm nút pha được 2 cốc nên lâu lâu mình cũng hay hỏi xem đồng nghiệp có muốn uống không? Sẵn tiện tui đang đi pha nè. Và ngược lại, đồng nghiệp cũng hay lượn qua chỗ mình hỏi xem mình có cần một tí caffeine cho tỉnh táo không :)) Dĩ nhiên, nếu bạn bị “bắt phải” pha cà phê thì hãy từ chối ngay nhé! Bạn đến thực tập để tích lũy kinh nghiệm cho mình chứ không phải trở thành nhân viên pha cà phê hoặc thợ photocopy chuyên nghiệp.
Tùy theo tình huống hoặc profile của công ty mà bạn có thể hòa nhập nhanh hay chậm và ở mức độ nào. Vì là một đứa có động lực đi thực tập nhiều hơn cả khoảng thời gian bắt buộc trong chương trình học ở trường, mình cũng nhận ra rằng : không khí làm việc và những mối quan hệ trong công ty cũng là một trong những yếu tố quyết định xem bạn có thực sự yêu thích công việc mình sẽ làm không, chứ không đơn thuần chỉ là những công việc chuyên môn không thôi!
Mình mong các bạn sẽ có những kỳ thực tập quý báu và một năm mới với nhiều điều tuyệt vời nhất nha!
Cheers!!
Nguồn: Chris N. Nguyen – https://www.facebook.com/chris.nhn/
Chia sẻ trên Straight to the points – https://straighttothepoints.wordpress.com/
_____________________________________________
Xin cảm ơn tác giả vì những chia sẻ rất hữu ích. Mong rằng sau bài viết này, bạn đọc sẽ có thêm những kinh nghiệm quý giá khi đi thực tập nhé.
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/3242
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 59