“Tớ (tác giả) học Quản Trị Kinh Doanh, không đam mê kinh doanh, thế ra trường tớ sẽ làm gì?
Đấy là câu hỏi tớ luôn băn khoăn suốt 4 năm học Đại học của mình.
Tớ tin đây cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều những bạn còn đang mơ hồ trên giảng đường. Không băn khoăn nhiều, tớ luôn nghĩ đến việc học xong sẽ Gap! Gap để làm mọi thứ mình thích, để xem thế mạnh của mình là gì, để xem đam mê của mình tới đâu, có nuôi sống được mình không?”
GAPYEAR LÀ GÌ?
Lên google search Gapyear cậu sẽ có hàng nghìn kết quả, qua những gì tớ từng trải nghiệm thì tớ cắt nghĩa đơn giản về Gapyear như này: Cậu có một khoảng thời gian gián đoạn, không học, không đi làm fulltime cho tổ chức nào. Thay vào đó, cậu dành thời gian cho cá nhân mình, theo đuổi đam mê của cậu, trải nghiệm khắp nơi từ địa lý đến các lĩnh vực công việc hay dành thời gian khám phá bản thân cậu…
GAPYEAR DÀNH CHO AI?
Tớ nghĩ Gapyear dành cho mọi người. Học xong, chưa học ĐH vội, Gap một chút; đang học, thấy không ổn, Gap một chút; Học xong, chưa muốn đi làm, đi làm rồi mà chán quá, Gap một hồi. Nhưng đa phần mọi người khi đã lập gia đình, có con cái, nhiều áp lực hơn và mưu cầu sự ổn định thì việc Gap sẽ khó khăn hơn, nên tớ nghĩ nếu mn có mong muốn thì nên Gap càng sớm càng tốt.
Đối với tớ, mục đích của Gapyear là khám phá bản thân xem mình thích gì, mình giỏi gì, môi trường ở đâu hợp với mình nên tớ lựa chọn Gap ngay sau khi ra trường để hiểu mình hơn một chút trước khi chính thức bước chân vào thị trường lao động.
Tớ học NEU, tớ học cực dốt vì thấy không có hứng thú với việc học. Lên lớp phá thì vui thôi.
Tớ đã bắt đầu sáng tạo những nội dung đầu tiên là những vở kịch sân khấu. Lên kịch bản theo chủ đề, phân cảnh, phân vai, làm thoại, thiết kế sân khấu… Tất cả chỉ là nghiệp dư, không theo quy củ gì cả, nhưng thời điểm ấy nhóm kịch của tớ khá nổi tiếng trong giới kịch sinh viên, có một vài những giải thưởng và thành tựu nho nhỏ.
Về sau tớ không theo kịch, do không đủ đam mê và động lực. Nhưng đó là những bước đầu tiên khiến mình có một niềm tin vào khả năng sáng tạo và truyền đạt của mình.
GAPYEAR THÌ LÀM GÌ? GAPYEAR CÓ VÔ BỔ KHÔNG?
Đối với bạn bè cậu, người thân và đặc biệt là bố mẹ cậu, thì việc “thất nghiệp” thật sự là một chuyện vô cùng tệ. Ra trường, tất cả mọi người đều hỏi cậu: “Đi làm chưa? Làm cái gì? Nhiều tiền không?”… Thời điểm đấy tớ bị chịu rất nhiều áp lực từ những người xung quanh.
GAP YEAR thật sự sẽ là một “cơ hội” mà cậu tự tạo ra cho bản thân mình. Nên nếu xác định Gap, thì đừng biến thời gian này thành chuỗi vổ bổ vì “lười”, vì “sợ”, vì “ngại”. Nếu cậu muốn học kinh doanh, thì bắt đầu tìm mặt hàng, nguồn hàng, khách hàng và bắt đầu luôn thôi; Nếu cậu muốn làm công việc sáng tạo, bắt đầu thử cách sáng tạo nội dung bằng chữ, bằng hình, bằng clip, … trên Facebook, youtube, Ins, … Nếu cậu muốn sống thử ở một thành phố khác, hoặc về quê thì cũng đi luôn thôi. Thời gian để chần chừ ngồi phân tích rủi ro và bàn lùi thì lãng phí lắm ấy.
Đối với tớ, đây là một giai đoạn quan trọng khi mình bắt đầu mạo hiểm hơn, tích lũy vốn sống, sẵn sàng thử và thua.
- Tớ bắt đầu với Tivi của bố – một page nhỏ kể chuyện gia đình. Không ai tin tớ làm được vì tớ là dân Toán, chính tớ cũng không tin là mình lại viết. Ấy thế mà chữ của tớ lại nhận được nhiều thiện cảm do đời quá, kể dễ hiểu nhẹ nhàng. 3 tháng sau, lần đầu tiên Kenh14 gọi điện yêu cầu phỏng vấn về bố mẹ. Tớ vui như hoa. Về sau bố mẹ tớ còn lên nhiều báo chí khác, vui chứ. Và sau 1 năm rưỡi, thì tớ nhận được đề nghị viết sách từ 5 nhà xuất bản. Rõ ràng là một cái duyên. Sau chuyện này tớ tin nếu cậu không dám bắt đầu thì mọi chuyện đã dừng ở đó rồi.
- Sau đó tớ lập thêm một dự án môi trường tên LÀN. Bán làn đi chợ thay túi nilon. Tớ thấm thía câu “Content is King”. Việc thổi hồn vào sản phẩm bằng câu chuyện. Tớ bán được hàng dựa vào những câu chuyện của mình. Rồi VTV1, VTV5, VOV, và các đầu báo uy tín lên bài.
VẤN ĐỀ TO NHẤT: TIỀN Ở ĐÂU?
– Mày có tiền mày mới làm được như thế.
Đây là câu tớ được nói nhiều nhất. Nhiều người nghĩ nhà tớ giàu, bố mẹ chu cấp nhiều nên mới có tiền để Gap. Nhưng thật ra tớ đã lên kế hoạch cho việc thất nghiệp này khá lâu về trước.
Năm nhất, tớ đã ý thức sau khi ra trường sẽ không đi làm ngay, dành 1-2 năm để thất nghiệp, nên tớ lên kế hoạch tài chính khá rõ rằng hết năm nhất phải có bnh tiền, sau khi tốt nghiệp phải có bao nhiêu tiền, đủ sống cho 12-14 tháng không có nguồn thu. Sinh viên tớ đi dạy học, đi diễn, mỗi tháng tớ đều cố gắng nhét vào tài khoản ngân hàng của mình một khoản. Nhưng sự cố là, thời gian gapyear tớ tiêu tiền gấp 3 gấp 5 lần thời đi học, nên trong khi thất nghiệp, tớ kiếm thêm nguồn thu bằng cách đi diễn thêm, đi dẫn chtr, làm vài dự án thời vụ, làm freelancer, và kinh doanh để có thêm thu nhập.
GAPYEAR MÀU HỒNG?
Trước khi Gap, tớ nghĩ Gapyear là một quãng thời gian đơn thuần vui vẻ. Tiêu tiền đã tiết kiệm, du lịch khắp nơi, làm những điều mình đam mê, sống tự do với bản ngã của mình. Tớ tin đấy là lý tưởng hợp lý để bắt đầu một Gapyear.
Nhưng Gapyear vất vả hơn những gì cậu tưởng. Và nếu cậu vin vào cái cớ rằng tui đang mông lung lạc lối, ôm tâm trạng đó bước vào một chiếc Gapyear mà không có một sự chuẩn bị kĩ càng và cầu thị, thì Gap sẽ càng khiến cậu lạc lối, lạc lõng. Tớ không tin Gapyear sẽ phù hợp với những người không bản lĩnh.
Đừng lý tưởng hóa Gapyear, tỉnh táo và bản lĩnh bước vào. Nếu thành công có thể cậu sẽ tìm ra một đam mê đủ mạnh, kiếm được tiền từ nó, phát hiện ra năng lực bản thân, … Nhưng cậu có sẵn sàng chấp nhận nếu chiếc Gap đó thất bại không? Chậm hơn bạn bè một vài năm, tiền nong kinh tế cạn kiệt, bước vào mông lung một bước ra x10 chênh vênh? Hoặc đôi khi Gap vài hôm nản quá, lại hậm hực bước ra.
Nếu cậu đang mông lung về một chiếc Gap, mong bài viết này có ý nghĩa với cậu.
Bài viết của bạn Làn – chia sẻ trong group Tâm Sự Con Sen
Chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng hữu ích!
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/2905
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 22