Nicole Lapin bắt đầu sự nghiệp của mình với thu nhập 20 nghìn đô la mỗi năm – với số nợ thẻ tín dụng gần như tương đương.
“Tôi là cái người ít có khả năng trở thành đại gia nhất”, Lapin, người dẫn chương trình thời sự của đài CNBC, tác giả sách bán chạy nhất của New York Times và là người định hướng giúp phái nữ theo đuổi mục tiêu nghề nghiệp. “Tôi lớn lên trong một gia đình nhập cư thế hệ đầu tại Mỹ, trưởng thành mà chẳng bao giờ đọc qua nhật báo phố Wall, cũng chưa từng bàn về chuyện tiền nong. Bọn tôi học rất nhiều điều vô thưởng vô phạt ở trường, nhưng không được học về cách lập quỹ, đóng thuế hay lên kế hoạch kinh doanh – mà đó lại là những kiến thức đáng giá nhất.”
Lapin nhận ra rằng, tại giai đoạn đó của sự nghiệp, phần lớn cách tiếp cận tài chính của cô đều dựa trên những thông tin sai lệch và những lối suy nghĩ thiển cận hơn là thực tế. Nhờ đó, Lapin mới có thể tống khứ những lối suy nghĩ độc hại mà cô thấy không chỉ cản trở sự nghiệp của riêng cô mà còn đến vô vàn phụ nữ nói chung.
Hôm nay, với tư cách là tác giả của hai cuốn sách “Boss Bitch” và “Becoming Superwoman”, cô đang giúp phụ nữ nhận định và sửa chữa những lối suy nghĩ kìm hãm nghề nghiệp đó – như bảy kiểu dưới đây📌.
1. Ngừng lập ngân sách và bắt đầu chi tiêu bền vững✨
Cô phát biểu: “Không nhất thiết phải nghĩ về ngân sách theo lối thường mà hãy nghĩ như một kế hoạch chi tiêu, giống như kiểu ta nghĩ về chế độ ăn kiêng lâu dài như một kế hoạch ăn uống.” Hãy ăn từng miếng nhỏ để sau ta không phải tọng một núi thức ăn. Thưởng cho bản thân một ly cà phê latte [hoặc bất cứ thứ gì mà bạn có ý định chi tiêu!] là điều vô cùng quan trọng.”
Lapin chia nhỏ kế hoạch chi tiêu theo cách mà cô gọi là ba E. Các yếu tố cần (essentials) chiếm 70% trong kế hoạch chi tiêu tổng thể: thực phẩm, xăng xe đi lại, nhà cửa, v.v. Chốt cuối (end-game) chiếm 15% trong kế hoạch chi tiêu tổng thể: nghỉ hưu, đầu tư, v.v. Và các khoản bổ sung (extras) chiếm 15% còn lại: cà phê, làm móng, mua sắm hoặc bất cứ thứ gì bạn muốn chi thêm.
“Đằng nào mọi người cũng sẽ tiêu nó”, cô bảo. “Nhưng tôi khuyên các chị em nên rút một phần ra bằng tiền mặt, sau khi tiêu hết chỗ đó thì ta hãm phanh.”
2. Ngừng tiết kiệm từng đồng và bắt đầu tìm cách kiếm thêm tiền✨
“Tư duy là tất cả,” Lapin nói. “Thay đổi suy nghĩ từ tuyệt vọng sang hy vọng rồi tiền sẽ chạy sau bạn.”
Cô giải thích, nếu ta ngừng suy nghĩ về cách tiết kiệm từng đồng mình kiếm được và bắt đầu tính cách kiếm được nhiều tiền hơn, toàn bộ quan điểm về tài chính của ta sẽ thay đổi. Rồi ta sẽ tìm ra cách kiếm được nhiều hơn để lần tới khi muốn sắm gì đó ta sẽ không còn cảm thấy thiếu tiền nữa.
3. Ngừng “được ăn cả ngã về không” và bắt đầu đặt mục tiêu cho mọi mặt trong cuộc sống✨
Lapin gọi các khía cạnh khác nhau của cuộc sống là ba F: Tài chính (Finance), Gia đình (Family) và Giải trí (Fun).
“Đây không phải là cuộc sống giải trí hay gia đình hay công việc của bạn; đây là cuộc sống duy nhất của bạn và nếu bạn không hạnh phúc trong tất cả những mặt trên, bạn sẽ không tìm thấy niềm vui thú”, cô phát biểu. “Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng điều thực sự quan trọng là đặt cho mình những mục tiêu với thời hạn thực tế.”
Nếu bạn áp dụng “được ăn cả ngã về không” – ví dụ như trong tài chính của bạn – bạn sẽ không hoàn toàn thấy hài lòng trong cuộc sống khi tiền cứ đến rồi lại đi. Nhưng nếu bạn đặt ra những mục tiêu có thể đạt được trong mọi khía cạnh của cuộc sống – về tài chính, gia đình và giải trí – thì bạn sẽ thấy thỏa mãn theo nhiều hướng hơn là chỉ một.
Lapin chọn chia mục tiêu của mình thành các bước nhỏ để cảm thấy dễ quản lý hơn. Dù có là mục tiêu tài chính, mục tiêu liên quan đến gia đình hay mục tiêu giải trí, việc chia thành các mục tiêu phụ nhỏ hơn sẽ giúp bạn luôn có động lực và gắn bó với công việc.
4. Ngừng áp đặt rằng mình phải làm mọi thứ theo một hướng duy nhất chỉ vì ta luôn thực hiện theo cách đó✨
“Ngừng một lúc và suy nghĩ cho bản thân lúc nào cũng quan trọng”, Lapin nói. “Chỉ vì lúc nào cũng áp dụng một cách làm để thực hiện một việc không có nghĩa là ta phải làm việc đó theo cách đó. Cái này liên quan đến vấn đề tài chính và tất cả mọi thứ.”
Lapin ví lời khuyên này giống như lần đầu tiên cô quyết định cắt giảm thịt khỏi chế độ ăn uống của mình. Gia đình cô hay ăn thịt nhưng rồi một ngày, cô thắc mắc liệu mình có thích món đó thật không. Câu trả lời là không và cô quyết định cắt giảm nó.
“Thời điểm đó diễn ra theo nhiều cách khác nhau,” cô nói. “Bạn có thể nói, ‘Này bản thân, tao có nên bỏ không uống cà phê latte buổi sáng vì bị nói hết lần này đến lần khác không?’ Có thể bạn không muốn mua latte và đó là lời khuyên đúng đắn dành cho bạn. Nhưng có khi bạn muốn mua và bạn thực sự phải ngẫm xem lời khuyên này có phù hợp với mình không. Câu trả lời có thể là có, nhưng nó cũng có thể được đáp lại theo cách cá nhân hơn. Đây là một hành trình để tất cả chúng ta hiểu rõ bản thân và cảm thấy thoải mái với chính mình. ”
5. Ngừng suy nghĩ chăm sóc bản thân là ích kỷ✨
Bạn phải ăn diện cho chính mình.
“Tự chăm sóc bản thân đích thực là chăm sóc cho sức khỏe của bạn, quan tâm tới chính mình,” Lapin nói. “Chúng ta phải tự đeo cho mình mặt nạ oxy trước khi ra tay giúp đỡ người khác.”
Cô giải thích, một phần của việc đó là học cách nói không và đặt ranh giới.
“Không là một câu nói hoàn chỉnh,” cô nói. “Nếu bạn còn không coi trọng thời gian của mình thì chẳng ai làm hộ bạn cả. Nếu bạn hỏi tôi của 5 hay 10 năm trước rằng chúng ta lên lịch họp vào buổi sáng được không, và dù sáng hôm đó tôi đã có kế hoạch tập gym, tôi hồi đó vẫn sẽ bảo, “Được chứ, tôi không có việc gì cả.’ Nhưng mà tôi đã có hẹn với chính mình. Và tôi sẽ lăn tăn thêm cả ngàn lần nữa về việc hủy hẹn với người khác, nhưng mà tôi thậm chí còn không nghĩ đến việc hủy hẹn với chính bản thân tôi. Đó là vấn đề. Tóm lại là ta sẽ làm việc tốt hơn nếu ta biết tự chăm sóc bản thân. ”
6. Ngừng suy nghĩ rằng bạn sẽ hạnh phúc khi đến được “đích”✨
“Ta thường nghĩ rằng một khi đạt được thành tựu nhất định hoặc có một mức lương nhất định thì ta sẽ hạnh phúc”, cô nói. “Nhưng trên thực tế, nghiên cứu đã chứng minh sự thật đối lập hoàn toàn. Chúng ta là người đã làm phép đảo phương trình đó. Hạnh phúc dẫn đến thành công, không phải ngược lại.”
Lapin cho rằng chúng ta thường quá lo lắng về việc đạt đến “đích”. Quan trọng là ta phải sống trong hiện tại – tức là ngay và luôn.
“Có một khái niệm gọi là “hiện tại”,” cô nói. “Nghe thì đơn giản nhưng lại không hề dễ dàng; một khi bạn đã lựa chọn, hãy ở đó.”
7. Tạo thêm một danh sách “việc đã làm” bên cạnh danh sách “việc cần làm”✨
Ta thấy sảng khoái khi soát lại những việc mình đã làm trong ngày, nhưng chắc chắn sẽ có một số ngày bạn không thể làm xong hết được – và như vậy không sao cả. Hãy cố gắng tập trung vào những việc mình thực sự đã đạt được thay vì những việc chưa được.
“Thật ra tôi có một danh sách việc cần làm và một danh sách việc đã làm,” Lapin chia sẻ. “Như tôi đã nói, áp dụng cách này sẽ đảo ngược lối tư duy đó. Khi xong việc, thay vì chỉ chăm chăm vào những việc chưa làm, tôi có thể nhìn vào những việc mình đã làm xong.”
Lapin cố không lo về những việc cô chưa hoàn thành xong bởi cô không tin trì hoãn là một thói xấu nếu ta làm vậy có chủ đích.
“Không nhất thiết phải hoàn thành tất cả mọi việc vào đúng ngày hôm đó, nếu bạn biết tích hợp giữa mục tiêu và danh sách việc cần làm thì sắp xếp thứ tự ưu tiên các việc sẽ rất hiệu quả”, cô nói.
Nói cách khác, mặc dù bạn có thể cảm thấy nhẹ nhõm khi gạch bỏ các mục khỏi danh sách việc cần làm chỉ vì bạn muốn gạch chúng, nhưng tốt hơn là bạn chỉ cần ưu tiên.
“Ngay bây giờ hãy tha thứ cho bản thân vì không tập trung vào làm gì đó,” cô nói. “Bạn có thể có tất cả, chỉ là bạn không thể ôm đồm được hết!”
______________________________________________________
Tác giả: AnnaMarie Houlis
Link bài gốc: 7 Subtly Toxic Thought Patterns That Are Holding Your Career Back
Dịch giả: Trần Mai Linh – ToMo – Learn Something New
______________________________________________________
Xin chân thành cảm ơn tới tác giả và độc giả đã chia sẻ những kiến thức bổ ích tới cho mọi người. Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp mọi người có thể tăng tiến hơn trong sự nghiệp🔥!
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/3358
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 12