Trong thế giới công nghệ, tốc độ cao và ngày một căng thẳng ngày nay, giao tiếp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, thế nhưng dường như chúng ta dành ngày một ít thời gian cho việc lắng nghe người khác. Chân thành lắng nghe trở thành một món quà hiếm có – món quà của thời gian. Nó giúp xây dựng các mối quan hệ, giải quyết vấn đề, đảm bảo việc hiểu thấu, giải hòa xung đột và cải thiện độ chính xác trong mọi việc. Khi làm việc, lắng nghe hiệu quả có nghĩa là ít xảy ra sai sót hơn và ít lãng phí thời gian hơn. Tại nhà, nó giúp phát triển những đứa trẻ tháo vát, tự lập, có thể tự giải quyết vấn đề của bản thân. Lắng nghe sẽ xây dựng tình bạn và cả sự nghiệp. Không chỉ vậy, nó giúp tiết kiệm tiền và thậm chí là cứu vãn cả các cuộc hôn nhân.
Vì vậy, dưới đây là 10 tips giúp bạn phát triển kỹ năng nghe hiệu quả.
✨Bước 1: Đối mặt với người nói và duy trì giao tiếp ánh mắt
Nói chuyện với ai đó trong khi họ bận nhìn xung quanh căn phòng, ngồi xem màn hình máy tính hoặc nhìn ra ngoài cửa sổ giống như cố gắng bắn trúng mục tiêu đang di chuyển. Bạn thực sự nhận được bao nhiêu phần trăm sự chú ý của người ấy? Năm mươi phần trăm? Năm phần trăm? Nếu người đó là con bạn, bạn có thể yêu cầu, “Hãy nhìn vào người nói khi họ đang nói chuyện,” nhưng đó không phải là điều chúng ta có thể nói với người yêu, bạn bè hay đồng nghiệp.
Trong hầu hết các nền văn hóa phương Tây, giao tiếp bằng mắt được coi là một thành phần cơ bản của giao tiếp hiệu quả. Khi ta nói chuyện, chúng ta nhìn vào mắt nhau. Điều đó không có nghĩa là bạn không thể trò chuyện khi bạn ở quá xa trong một căn phòng hoặc từ phòng này sang phòng khác, nhưng nếu cuộc trò chuyện tiếp tục trong một khoảng thời gian, chắc chắn bạn (hoặc người kia) sẽ đứng dậy và đến gần nhau hơn. Mong muốn được giao tiếp tốt hơn kéo bạn lại với mọi người.
Hãy lịch sự đối mặt với người trò chuyện với bạn. Bỏ đi những giấy tờ, sách vở, điện thoại và các thứ phiền nhiễu khác sang một bên. Hãy nhìn đối phương, ngay cả khi họ không nhìn bạn. Tính nhút nhát, sự không chắc chắn, cảm giác xấu hổ, có lỗi hoặc những cảm xúc khác, cùng với những ngăn cấm trong văn hóa có thể hạn chế giao tiếp ánh mắt ở một số người trong vài trường hợp. Tuy nhiên, trong giao tiếp, hãy chỉ tập trung vào bản thân bạn mà thôi.
✨Bước 2: Hãy thật chăm chú, nhưng phải cảm thấy thoải mái
Bây giờ bạn đã tương tác với người nói qua ánh mắt, hãy thư giãn. Không nhất thiết phải nhìn chằm chằm vào đối phương. Bạn có thể thi thoảng nhìn đi chỗ khác và tiếp tục cuộc trò chuyện như bình thường. Điều quan trọng là phải thật chăm chú khi giao tiếp. Từ điển nói rằng để “tham dự” giao tiếp với người khác nghĩa là bạn phải:
- Có mặt
- Thực sự để tâm
- Hòa vào cuộc trò chuyện
- Chú ý
- Sẵn sàng tương tác
Như vậy, tâm trí sẽ lọc đi những thứ gây phiền nhiễu như các hoạt động xung quanh và tiếng ồn. Ngoài ra, đừng quá để ý đến phát âm hay phong cách thể hiện của người nói đến mức chúng trở thành những điều gây xao nhãng. Cuối cùng, đừng bị phân tâm bởi những suy nghĩ, cảm xúc hoặc thành kiến của riêng bạn.
✨Bước 3: Giữ tâm trí cởi mở
Hãy lắng nghe mà không phán xét hoặc ngầm chỉ trích những điều đối phương nói với bạn. Nếu những gì họ nói khiến bạn lo lắng hay hoảng hốt, hãy cứ tiếp tục cảm xúc của bạn, nhưng đừng đánh giá rằng: “Chà, đó là một hành động ngu ngốc.” Ngay vào lúc bạn đắm chìm trong những lời phán xét, bạn đã làm giảm hiệu quả lắng nghe của mình với tư cách là một người nghe.
Hãy lắng nghe mà không nhảy thẳng đến kết luận. Nhớ rằng người nói đang sử dụng ngôn ngữ để thể hiện những suy nghĩ và cảm xúc bên trong tâm trí của bản thân. Bạn sẽ không thể biết được những suy nghĩ và cảm xúc đó là gì và cách duy nhất để tìm ra là lắng nghe.
Đừng cố tóm gọn ý trong một câu của người nói . Đôi khi bạn của tôi không đủ bình tĩnh để lắng nghe một cách hiệu quả, vì vậy họ cố gắng tăng tốc độ giao tiếp bằng cách ngắt lời và tóm gọn lại câu nói. Điều này thường dẫn đến sự lạc lối, bởi họ đang đi theo dòng suy nghĩ của riêng mình và không biết suy nghĩ của người nói đang hướng đến đâu. Sau một vài lần nói chuyện kiểu này, tôi thường hỏi, “Bạn có muốn trò chuyện một mình không, hay bạn muốn nghe những gì tôi nói?” Tôi sẽ không làm điều này với tất cả mọi người, nhưng nó thực sự hiệu quả với họ.
✨Bước 4: Lắng nghe từ ngữ và hình dung những gì người nói đang diễn đạt
Cho phép tâm trí của bạn sắp xếp những thông tin được truyền đạt. Cho dù là một bức tranh bình thường hay là một chuỗi khái niệm trừu tượng, não của bạn sẽ thực hiện công việc cần thiết nếu bạn luôn tập trung với các giác quan trong trạng thái nhanh nhạy. Khi nghe lâu, hãy tập trung và ghi nhớ các từ và cụm từ chính.
Khi đến lượt bạn lắng nghe, đừng dành thời gian lên kế hoạch nói gì tiếp theo. Bạn không thể luyện tập nói và tập trung lắng nghe cùng một lúc. Chỉ nghĩ về ý mà người kia đang truyền tải.
Cuối cùng, hãy tập trung vào những gì đang được nói, ngay cả khi điều đó khiến bạn chán. Nếu suy nghĩ bắt đầu bay bổng đến nơi khác, ngay lập tức buộc bản thân phải tập trung.
✨Bước 5: Đừng ngắt lời cũng như áp đặt giải pháp của bạn cho người nói
Trẻ em từng được dạy rằng việc ngắt lời là thô lỗ. Tôi không chắc thông điệp này được lưu giữ cho đến bây giờ. Chắc chắn điều ngược lại đang trở thành hình mẫu phổ biến trên phần lớn các chương trình trò chuyện và chương trình thực tế, nơi mà hành vi ồn ào, hung hăng, thô lỗ được dung túng, nếu không được khuyến khích.
Chen ngang lời người khác mang nhiều ý nghĩa. Nó nói lên rằng:
- “Tôi quan trọng hơn bạn.”
- “Những gì tôi nói thú vị hơn, chính xác hoặc hợp lý hơn.”
- “Tôi không thực sự quan tâm những gì bạn nghĩ.”
- “Tôi không có thời gian quan tâm ý kiến của bạn.”
- “Đây không phải là một cuộc trò chuyện mà là một cuộc thi, và tôi sẽ chiến thắng.”
Tất cả chúng ta đều suy nghĩ và diễn tả ở những mức độ khác nhau. Nếu bạn là một người suy nghĩ và nói chuyện rất nhanh nhạy, thì trách nhiệm ở bạn là cần bình tĩnh hơn, chậm lại nhịp suy nghĩ và nói chuyện của mình cho những người chậm và cần suy nghĩ lâu hơn — hoặc đối với những người gặp khó khăn khi thể hiện bản thân.
Khi nghe ai đó nói về một vấn đề, hãy kiềm chế việc đề xuất giải pháp. Hầu hết không ai muốn lời khuyên của bạn. Nếu họ cần, họ sẽ yêu cầu nó. Chúng ta phần lớn đều muốn tự mình tìm ra giải pháp. Mọi người bạn lắng nghe và giúp làm điều đó. Ở đâu đó, nếu một giải pháp tuyệt vời ập đến với bạn, ít nhất hãy nhận được sự cho phép của người nói, hãy hỏi: “Bạn có muốn nghe ý kiến của tôi không?”
✨Bước 6: Chờ người nói tạm dừng rồi hẵng đặt câu hỏi
Khi bạn không hiểu điều gì, tất nhiên bạn nên yêu cầu người nói giải thích cho bạn. Nhưng thay vì ngắt lời, hãy đợi cho đến khi người nói tạm ngừng, sau đó nói điều gì đó như, “Dừng lại một chút. Tôi không hiểu bạn vừa nói gì về …”
✨Bước 7: Đặt câu hỏi chỉ để đảm bảo rằng bạn đã hiểu
Vào bữa trưa, một đồng nghiệp đang hào hứng kể về chuyến đi của cô ấy đến Vermont và tất cả những điều tuyệt vời mà cô ấy đã làm và thấy được. Trong quá trình ấy, cô ấy đề cập rằng cô ấy đã dành một khoảng thời gian với một người mà bạn quen. Bạn nhảy vào nói: “Ồ, tôi không nghe nói về Alice từ lâu rồi. Cô ấy thế nào?” và, cứ như vậy, cuộc thảo luận chuyển sang vụ ly hôn của Alice và cô ấy, và những đứa trẻ tội nghiệp, dẫn đến sự so sánh về luật nuôi con, và trước khi bạn nhận ra thì một giờ đã biến mất và Vermont là một ký ức xa vời.
Cuộc đối thoại kiểu này luôn có thể xảy ra. Câu hỏi của chúng ta dẫn đến những gì không liên quan đến những gì người nói muốn dẫn tới. Đôi khi chúng ta quay lại chủ đề ban đầu, nhưng hầu như ta không làm điều này.
Khi bạn nhận thấy rằng câu hỏi của mình đã khiến người nói đi chệch hướng, hãy chịu trách nhiệm đưa cuộc trò chuyện trở lại đúng hướng bằng cách nói điều gì đó như, “Thật tuyệt khi nghe về Alice, nhưng hãy cho tôi biết thêm về cuộc phiêu lưu của bạn ở Vermont.”
✨Bước 8: Cố gắng hiểu những gì người nói đang cảm nhận
Nếu bạn cảm thấy buồn khi người đối thoại với bạn thể hiện nỗi buồn, cảm thấy vui khi cô ấy thể hiện niềm vui, sợ hãi khi cô ấy miêu tả nỗi sợ hãi của mình — và truyền đạt những cảm xúc đó qua nét mặt và lời nói — thì bạn đã thực sự lắng nghe một cách hiệu quả. Sự đồng cảm là tinh túy của việc lắng nghe thực sự tốt.
Để trải nghiệm sự đồng cảm, bạn phải đặt mình vào vị trí của người khác và cho phép bản thân cảm nhận sẽ là như thế nào nếu bạn là họ vào thời điểm đó. Đây không phải là một điều dễ dàng thực hiện. Nó cần năng lượng và sự tập trung. Nhưng đó là một điều hào phóng và hữu ích, và nó tạo điều kiện để giao tiếp hơn bất cứ điều gì.
✨Bước 9: Thường xuyên cung cấp phản hồi cho người nói
Chứng tỏ rằng bạn hiểu người nói bằng cách phản ánh lại cảm xúc của người nói. “Bạn phải xúc động lắm!” “Thật là một thử thách khủng khiếp đối với bạn.” “Tôi có thể thấy rằng bạn đang bối rối.” Nếu cảm xúc của người nói được che giấu hoặc không rõ ràng, thì thỉnh thoảng hãy diễn giải lại nội dung của lời nói. Hoặc chỉ cần gật đầu và thể hiện bạn có hiểu thông qua nét mặt phù hợp và thỉnh thoảng nói “hmmm” hoặc “uh huh” đúng lúc.
Ý tưởng ở đây là chứng tỏ rằng bạn đang lắng nghe và rằng bạn đang theo dõi dòng suy nghĩ của cô ấy chứ không phải đang chìm trong thế giới của riêng bạn trong khi cô ấy nói một mình.
Trong công việc, bất kể ở cơ quan hay ở nhà, hãy luôn viết lại các hướng dẫn và thông điệp để đảm bảo bạn hiểu đúng.
✨Bước 10: Chú ý đến những gì không được nói – những tín hiệu không bằng lời nói
Nếu bạn loại trừ email, phần lớn giao tiếp trực tiếp có lẽ không thể hiện qua lời nói. Chúng ta thu thập rất nhiều thông tin về nhau mà không nói một lời. Thậm chí qua điện thoại, bạn có thể tìm hiểu nhiều về một người từ ngữ điệu và nhịp điệu giọng nói của họ hơn là trong lời nói. Khi tôi nói chuyện với người bạn thân nhất của mình, không quan trọng chúng tôi trò chuyện về vấn đề gì, nếu tôi nghe thấy giọng nói của cô ấy và tiếng cười của cô ấy, tôi cảm thấy yên tâm rằng cô ấy đang ổn.
Mặt đối mặt với một người, bạn có thể phát hiện rất nhanh sự hào hứng, buồn chán, hay cáu kỉnh biểu hiện nơi khóe mắt, khóe miệng, độ dốc của vai. Đây là những manh mối bạn không thể bỏ qua. Khi nghe, hãy nhớ rằng lời nói chỉ truyền đạt một phần nhỏ của thông điệp.
==========================================================
Tác giả: Dianne Schilling – WomensMedia
Link bài viết gốc: 10 Steps To Effective Listening
Dịch giả: Nguyễn Thùy Dương – CTV Ban nội dung
Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Dịch giả: Nguyễn Thùy Dương – Nguồn: iVolunteer Vietnam”.
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/3174
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 16