💡 Dưới đây là 7 bước giúp việc tự học của bạn trở nên thú vị và hiệu quả.
📌 Hãy tò mò
Bước đầu tiên để học bất cứ thứ gì là có tính tò mò về nó. Khao khát được học hỏi thêm là nguồn động lực duy trì quá trình tự học của bạn.
Để bản thân tò mò và đặt câu hỏi một cách tự nhiên với những thứ mà bạn yêu thích. Hãy bắt đầu học một cách có mục đích bằng cách đặt ra các câu hỏi cho bản thân như:
– Tại sao mình cần học cái này?
– Kỹ năng này có quan trọng với mình không?
– Điều mình học sẽ hữu ích chứ?
Bạn có biết khi các bạn học sinh thiếu sự hứng thú tò mò thì sẽ khó có thể tiếp thu thông tin từ bài giảng?
Mặt khác, nếu bạn đang tự học, điều này chứng tỏ việc học xuất phát từ lợi ích mà bạn mong muốn, giúp bạn thấy tò mò và liên tục đặt câu hỏi cho đến khi đạt được mục đích đặt ra.
📌 Đặt ra mục tiêu học tập
Một mục tiêu thực tế sẽ giúp bạn tập trung và làm việc năng suất hơn thay vì phải thử vô vàn phương pháp học khác nhau. Nó cho phép bạn nhắm đến một cái đích rõ ràng và trong tầm sức đạt được.
Chẳng hạn nếu bạn đang học ngôn ngữ lập trình, hãy thử đặt mục tiêu tạo một ứng dụng bằng ngôn ngữ lập trình. Hoặc nếu bạn đang tự học Tiếng Anh, bạn có thể chọn ra bao nhiêu thời gian để đầu tư cho nó như: xem phim bằng tiếng anh, nghe nhạc âu mỹ, một ngày viết bao nhiêu từ vựng.
Những đích đến cụ thể như trên sẽ khiến bạn có động lực hơn và cho bạn cảm giác muốn chinh phục và đạt được điểm cuối của cuộc hành trình.
📌 Tiếp cận các nguồn chính thống
Đây là một phần quan trọng mà bạn cần lưu tâm. Đối với những người tự học, tiếp cận nguồn thông tin chính thống và chính xác là điều cực kỳ quan trọng. Bạn nên tìm kiếm những thông tin đáng tin cậy, tiếp thu được và có thể nối tiếp quá trình tự học của mình,
Không giống với cách học truyền thống trên lớp, tự học có thể là một quá trình thu thập kiến thức lẻ tẻ, rời rạc, không có kế hoạch hay giáo trình. Đừng để bản thân mất tập trung và hãy cố gắng chắt lọc kiến thức cần thiết từ bất cứ kênh thông tin nào bạn bắt gặp.
Dưới đây là một vài gợi ý trong quá trình thu thập thông tin tài liệu học tập:
• Xác minh mọi thông tin. Cảnh giác với những kiến thức lỗi thời hoặc sai lệch bởi đầy rẫy trên internet. Kiểm tra chéo các tài liệu tham khảo và kiểm chứng thật kỹ càng mỗi nội dung bạn tiếp thu.
• Tận dụng cơ sở dữ liệu học thuật đã được kiểm tra như Google Scholar hay các báo cáo khoa học có trích dẫn đáng tin cậy.
• Tận dụng các nền tảng học tập online có uy tín như Coursera, MasterClass, TedEx.
📌 Duy trì quá trình tự học liên tục
Bạn càng trì hoãn quá trình tự học thì việc bắt đầu nó lại càng trở nên khó khăn.
Lập một thời gian biểu và duy trì một kiểu tự học phù hợp của riêng bạn. Khung thời gian rời rạc sẽ làm bạn trì hoãn, nên hãy cố gắng để quá trình tự học diễn ra liên tục.
Xác định cách thức để tự đánh giá sự cải thiện trong quá trình học. Đó có thể là những câu hỏi tự đặt ra, bài kiểm tra online, hoặc tương tự để bạn nắm được tiến trình của việc học. Chỉ là những nhận xét tự đánh giá lặp lại một cách có hiệu quả cũng có thể khiến việc học của bạn nhanh hơn.
📌 Áp dụng những gì bạn học vào thực tế
Cách tốt nhất để không “đánh rơi” kiến thức là sử dụng nó. Khi bạn tự học kỹ năng mới, hãy thử tìm cách ứng dụng nó trong thực tế. Chẳng hạn như nếu bạn đang học một ngôn ngữ mới, hãy chủ động sử dụng ngôn ngữ đó trong đời sống hằng ngày.
Một cách khác để có thêm kinh nghiệm thông qua tự học là việc học nhằm hướng đến các dự án cụ thể, vậy thì bạn sẽ thử xây dựng và sáng tạo một thứ gì đó bằng những điều mà bạn đã học được.
📌 Trao đổi kiến thức với mọi người
Điều tuyệt vời của một cộng đồng online là nó cho phép bạn gặp gỡ nhiều người từ khắp mọi nơi trên thế giới, có cùng sở thích và cảm hứng học tập. Hãy thử học theo nhóm, với những lợi ích bạn sẽ được nhận như:
• Tiếp cận nhiều hơn những nguồn tài nguyên mà bạn chưa biết đến trước đây.
• Trao đổi kiến thức và chia sẻ ý kiến mà không có sự phán xét.
• Làm rõ các khái niệm và thảo luận về các chủ đề giúp khích lệ niềm hứng thú và mở ra các khía cạnh mới mẻ khác nhau về cùng một vấn đề.
• Thay đổi một góc nhìn mới về cùng một chủ đề hay ý tưởng sẽ giúp bạn củng cố lại kiến thức về phần đó.
📌 Truyền tải kiến thức với người khác
Bước cuối cùng là đem những gì bạn học được đến với cộng đồng của mình. Bạn càng truyền tải cho người khác thì việc lưu giữ những kiến thức đã học càng trở nên dễ dàng hơn.
Khi bạn cố gắng giải thích một khái niệm cho ai đó, bạn sẽ tập trung và hiểu sâu hơn về vấn đề cũng như ghi nhớ thông tin tốt hơn. Việc này cũng giúp bạn nhìn lại những gì bạn học được dưới một lăng kính khác so với việc học nhóm.
Đây là một lợi ích tuyệt vời của việc tự học. Bất cứ ai cũng là một thầy giáo (cô giáo), và bất kỳ ai cũng là một học sinh.
Đó là một phần lý do vì sao P-DIV CLUB được thành lập, chúng mình hy vọng tạo ra một cộng đồng nơi mọi người có thể tự học tâm lý và học hỏi lẫn nhau. Đừng quên theo dõi PD để nhận được thông tin mới nhất về các khóa sinh hoạt trong tương lai.
Dịch giả: A Happy Introvert – https://bit.ly/3hMTNXo
Nguồn: 7 Steps to make self-learning effective. Life hacks.
_______________________________________________________
Xin chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng bổ ích. Mong rằng bài viết sau có thể phần nào giúp đỡ bạn đọc trên con đường tự học.
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/3505
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 30