🌟Bạn có phải người thích đủ thứ, với nhiều sở thích, mối quan tâm và đam mê khác nhau? Người thích đủ thứ như bạn (và cả Tuấn Anh nữa) thường là người dễ hòa nhập với mọi người, vì chủ đề nào cũng có thể tham gia góp vui được. Tuy nhiên, khi đụng đến vấn đề chọn nghề nghiệp/công việc thì lại khổ ơi là khổ. Trong khi có những đứa bạn đã biết rõ bản thân theo đuổi lĩnh vực nào và tập trung thăng tiến ở lĩnh vực đó, thì bản thân mấy đứa thích đủ thứ như chúng mình vẫn cứ loay hoay.
🔥Bài viết này Tuấn Anh dành cho những bạn thích đủ thứ đang loay hoay với các lựa chọn, thử làm một vài cách dưới đây, biết đâu bạn sẽ rõ ràng hơn để ra quyết định nhé.
1/ Tạo Một Danh Sách Phân Biệt Sở Thích Và Công Việc
Khi mọi thứ đang rối loại, hãy sắp xếp lại những thứ bản thân có thể sắp xếp được. Những thứ bạn thích là những thứ bạn có thể bắt đầu sắp xếp. Kiếm một không gian yên tĩnh, tạm gạt bỏ những mối quan tâm khác sang một bên, ngồi xuống thật tĩnh tâm và viết ra được ít nhất 20 sở thích và mối quan tâm của bạn. Đừng đánh giá vội sở thích nào hay, sở thích nào không hay, cứ viết ra đi. (Ví dụ Tuấn Anh viết nhanh là đọc sách, ngồi thiền, chơi thể thao, chơi với chó, chơi game, đá bóng…)
Sau khi viết được khoảng 20 sở thích, hãy thử nhóm chúng lại với nhau, xem có sở thích nào có thể nhóm chung được không. Ví dụ viết lách, đọc sách có thể là một nhóm, chơi đá bóng, chạy bộ, tập gym có thể là một nhóm. Sau khi nhóm xong, bạn hãy suy nghĩ xem trong số những sở thích trên, đâu chỉ là sở thích, đâu có tiềm năng biến thành một công việc.
Ví dụ, bạn thích ăn uống, nhưng bạn có đủ khẩu vị tinh tế và đủ kiên nhẫn để học nấu ăn không? Thị trường đầu bếp và ăn uống hiện nay bạn đánh giá như thế nào, có nhiều tiềm năng không?
Làm bước này trước tiên sẽ giúp bạn trở nên thực tế và bớt mơ mộng hơn một chút. Có những sở thích sẽ rất vui khi nó là sở thích, nhưng bạn phải hiểu rõ rằng khi nó thành công việc, độ vui sẽ giảm đi ít nhiều. Ví dụ, chụp ảnh mỗi tháng 1 bộ thì vui, nhưng nếu theo nghề mẫu ảnh mỗi ngày 6-10 tiếng chụp hình liên tục với bao nhiêu son phấn trên mặt, bạn có còn vui?
2/ Xác định rõ Kỹ Năng và Phong Cách Làm Việc
Từ kinh nghiệm tư vấn hướng nghiệp cá nhân của mình, mình thấy những bạn mà thích nhiều thứ thường chịu ở lại công ty vì những yếu tố như: con người dễ thương và được làm công việc đúng chuyên môn mong muốn. Việc này thậm chí còn quan trọng hơn cả mức lương nữa.
Từ góc nhìn trên, nếu bạn đang là một người băn khoăn với những lựa chọn của bản thân, ngay bây giờ bạn nên dành thời gian để trả lời cho những câu hỏi về kỹ năng và phong cách làm việc của bạn. Ví dụ như:
- 10 kỹ năng bạn giỏi là gì? (đừng nói em không giỏi gì hết, kỳ lắm).
- Bạn thích làm việc độc lập hay làm việc nhóm?
- Bạn thích nói hay thích không nói?
- Bạn thích lên ý tưởng hay thực thi ý tưởng?
Một bài trắc nghiệm bạn có thể làm là bài Indigo (thu phí 600K) của Hướng nghiệp Sông An, sẽ giúp bạn hiểu rất rõ về những tiêu chí này. Hoặc bạn có thể đăng ký tư vấn hướng nghiệp cùng Tuấn Anh, với 2 buổi tư vấn và các bài tập trước khi tư vấn cũng sẽ giúp bạn hiểu hơn nhiều về bản thân.
3/ Khám phá và tìm hiểu về thị trường lao động
Đừng để ngành học của bạn giới hạn những lựa chọn công việc mà bạn có thể làm. Bạn học IT nhưng hoàn toàn vẫn có thể làm giáo dục. Ngôn ngữ Anh vẫn có thể làm Marketing, không sao hết.
Rất nhiều kỹ năng có thể chuyển đổi từ lĩnh vực này sang lĩnh vực kia. Việc bạn cần làm khi tìm việc không phải là chỉ đọc tên công việc xem mình có hợp hay không. Hãy dành thời gian đọc kỹ cả những gạch đầu dòng yêu cầu của công việc, phần kỹ năng nữa – xem bạn có thể làm được những kỹ năng hay yêu cầu đó không?
Ví dụ, Tuấn Anh làm trong lĩnh vực giáo dục hướng nghiệp tâm lý, nhưng những kỹ năng truyền thông Marketing vẫn rất có giá trị để giúp ích quảng cáo cho những sản phẩm mà Tuấn Anh đang làm.
4/ Kiểm tra thử
Một trong những cách để biết được lĩnh vực đó có hợp với bản thân hay không đó là THỬ. Có nhiều cách để thử như:
- Job shadowing: đây là một hình thức khá thông dụng trong hướng nghiệp nhưng ở Việt Nam có vẻ khá mới mẻ. Bạn tìm một người đang làm trong lĩnh vực bạn muốn, xin phép được ‘job shadowing’ của họ một vài tiếng mỗi tuần. ‘Job Shadowing’ tức là đi theo người đó (giống một người trợ lý vậy đó) xem công việc họ làm gì, gặp ai, xử lý những gì…
- Phỏng vấn thông tin: cũng giống như cách trên, bạn kiếm một người đang làm trong lĩnh vực bạn quan tâm, nhưng không phải đi theo họ. Có thể hẹn họ một buổi cà phê và hỏi đáp về nghề của họ. Hỏi gì, hãy tham khảo các câu hỏi tại đây. Nếu bạn còn chưa biết tìm những người để hỏi ở đây, hãy thử sử dụng LinkedIn.
- Và cuối cùng là hãy đi thực tập.
5/ Tìm hiểu về chế độ đào tạo của các công ty
Một trong những than thở mà Tuấn Anh thường gặp khi làm tư vấn hướng nghiệp đó là việc không được dạy gì ở các công ty. Với các bạn còn trẻ mới ra trường, việc được học từ người sếp giỏi hoặc công ty có những chương trình đào tạo rất là quan trọng.
Khi bạn đang băn khoăn về việc có làm cho công ty này hay không, hãy tìm cách tiếp cận với một người đã hoặc đang làm tại công ty đó, hỏi họ về cách mọi người làm việc với nhau như thế nào. Có phối hợp giữa các phòng ban hay không? Có các chương trình đào tạo, huấn luyện kỹ năng hay không?
——————————————————————–
Bài viết được chia sẻ từ trang blog anhtuanle.com
Chân thành cảm ơn tác giả vì những kinh nghiệm vô cùng hữu ích!
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/2354
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 41