“Chị ơi, em đang hoang mang lắm, tình cờ thấy bài viết của chị trên group nên mới nhắn tin cho chị ạ. Ngành em học không phải là đam mê của em. Lúc thi đại học, bản thân em chưa biết em thích gì cả, trong khi gia đình em rất thích ngành kế toán vì nó ổn định. Thấy các kiến thức ngành này cũng được nên em quyết định nghe theo ba mẹ học ngành kế toán ạ. Nhưng giờ năm 2 đại học rồi em mới nhận ra em học sai ngành mất rồi chị ạ 🙁 em phải làm sao bây giờ?”
=======
Làm gì khi đã lỡ học sai ngành? 😕
Bản thân mình (tác giả) hiểu rõ cảm giác của bạn ấy hơn ai hết, vì bản thân mình cũng là một đứa học trái ngành so với công việc đang làm hiện tại. Khi nghe tâm sự của bạn gái ấy, mình thấy bản thân mình trong câu chuyện đó và chợt nhớ lại những gì mình đã trải qua trong suốt trình học tập và làm việc đến bây giờ.
Việc chọn trái ngành học đối với mình không khác gì với việc bạn đeo gông vào cổ cả, thật sự vậy! Bạn không thể phát huy hết năng lực và chán nản với những kiến thức không giúp bản thân tạo ra động lực để học. Đáng tiếc hơn là bạn đánh mất khoảng thời gian học tập và rèn luyện kỹ năng chuyên ngành mà đáng ra nếu bạn chọn đúng ngành sẽ được học. Rồi khi học xong lấy được cái bằng lại chỉ cất trong tủ để cho ba mẹ yên lòng.
Tự sự chút, mình vốn thích ngành kiến trúc sư từ những năm đầu lớp 10, mình thích vẽ vời, thích thiết kế và muốn được tự tay mình thiết kế nên ngôi nhà của bản thân trong tương lai.
Thế mà cái ước mơ đó không thành hiện thực được vì bản thân chẳng biết định hướng như thế nào cả. Vẽ vời 2 3 năm rồi đến sát khoảng thời gian thi đại học mới biết để có thể thi kiến trúc sư phải đi học vẽ, trong khi bản thân thì chưa có một sự chuẩn bị nào cả.
Đến lúc thật sự ngồi xuống “ăn bánh, uống trà” với ba mẹ thì ba mẹ đã gạt phăng ý định thi kiến trúc sư của mình rồi, và mang đến cho mình một lựa chọn đó là kế toàn…haizz.
Bạn có thấy bản thân các bạn đang trong đó không? Mình đã như vậy nên rất đồng cảm với những bạn trẻ đồng cảnh ngộ như hiện tại. Nếu ai may mắn có được cha mẹ hiểu ý mình và muốn tốt cho mình cho bản thân bạn được lựa chọn và chịu trách nhiệm với sự lựa chọn đó thì quả là may mắn. Bản thân mình thì không trách ba mẹ mình, chỉ là lúc ấy bản thân chưa được định hướng rõ ràng, chưa nhận thức bản thân nên đành nghe theo sự sắp xếp theo hướng ổn định đó của gia đình.
Một năm đầu đại học mình học siêu tốt, bản thân đã là đội tuyển văn và toán trong thời gian học phổ thông nên việc đối mặt với những con số rất dễ dàng. Điểm trung bình cao ngất ngưỡng, học bổng đến liên tục, làm trợ giảng cho thầy cô,…
Cứ tưởng bản thân học vậy cũng ok rồi, chọn ngành này khá ok đó. Rồi đến một ngày cuối năm 2, mình ngồi lại nhìn nhận, bản thân không có niềm vui mà chỉ đang cố gắng tạo cảm giác ảo cho bản thân rằng mọi chuyện vẫn ổn…
Ôi thôi, chuỗi ngày mất định hướng lại đến, bản thân mình chới với với suy nghĩ bản thân có đang vui không hay đang cố gắng làm cho gia đình vui bằng những con điểm, học bổng đó.
Những chuỗi ngày chán nản với mớ kiến thức nhàm chán trong khi bản thân luôn muốn khám phá và sáng tạo cài gì đó mới như ngành PR chẳng hạn. Nhìn bên khoa PR năng động bao nhiêu bản thân mình lại càng áp lực bấy nhiêu, việc này làm cho mình thật sự như có hai còn người đang đấu tranh trong bản thân vậy. Nghĩ lại giai đoạn đó thật sự khó khăn đối với mình!
Kể chuyện khá là dài dòng để các bạn hiểu mình đã trải qua thời gian hoang mang tột độ như vậy đấy. Nhưng không sao, mọi chuyện đều có cách giải quyết của nó. Và đây là một số gợi ý cho các bạn đang trong tình trạng như mình trước đây!
Nếu đã lỡ chọn sai ngành, bạn có thể tính toán và làm theo 4 hướng đi sau đây:
1. Chuyển ngành học
Hướng đi 1: May mắn cho những bạn phát hiện sớm ngay từ đầu rằng bản thân không hợp cạ với ngành học đang theo và có khả năng thi lại đại học hoặc có điều kiện tài chính để học trường tư, học nghề thì nên làm lại từ đầu. Nếu mình nhận ra ngay từ năm nhất chắc chắn mình sẽ lựa chọn cách này để làm. Thà mình bỏ lỡ một năm tuổi trẻ còn hơn sống vật vờ sai hướng trong suốt những thời gian tiếp theo.
– Ở cách này có một điều bạn cần chú ý, đối với những bạn có điều kiện chuyển qua trường mới thì phải xác định được nhưng yếu tố sau:
- Hiểu rõ bản thân thuộc về tuýp người nào, điểm mạnh của bản thân là gì?
- Ngành bạn chọn có phù hợp với bạn? Có thể phát triển thế mạnh của bản thân được hay không?
- Ngành này trong tương lai 5-10 năm tới có phù hợp hay phát triển hay không?
Hãy nhớ rằng bạn chọn ngành cho tương lai của bạn và để sau khi ra trường sẽ làm chứ không phải ngành thấy ngành này đang hot hiện tại thấy thích thì theo đâu đấy!
Nếu bạn không trả lời đầy đủ nhưng vấn đề trên thì có nguy cơ ngựa quen đường cũ, bạn lại học 1-2 năm và chán nản. Thì lúc này khả năng nghỉ học lở dở thời gian là rất cao.
– Còn đối với những bạn quyết định thi lại đại học là cả một chặng đường đòi hỏi sự cố gắng và nỗ lực nhất có thể. Trong giai đoạn 1 năm ôn thi này bạn dễ sa đà vào vui chơi và quên ôn tập lại sẽ rất nguy hiểm, vì mỗi năm sẽ có những quy chế và thay đổi cách thi địa học khác năm trước.
🚩 Ưu điểm
- Chọn đúng được nghề bản thân mong muốn
- Có động lực học tập hơn
- Có thời gian để trải nghiệm và định hướng nghề nghiệp
🚩 Khuyết điểm
- Khó thích khi nếu học chung với những người bạn nhỏ tuổi hơn mình, cảm giác thích nghi và hòa đồng sẽ khó hơn.
- Học lại những môn đại cương cũ hoặc kiến thức cũ sẽ gây nhàm chán
2. Tiếp tục học
Hướng đi 2: Với những bạn giống như mình, nhận ra khá là trễ vì đã học năm hai, năm ba và không có khả năng thi lại hoặc gia đình không có điều kiện xin học trường khác, thì lời khuyên của mình lúc này chính là bạn hãy vẫn phải tiếp tục học, nhưng hãy tìm ra ngách nào mà bạn thấy hứng thú để phát triển nó.
Ví dụ, nếu bạn thích ngành PR nhưng lại học kế toán như mình chẳng hạn thì hoàn toàn mình có thể tham gia vào các clb đội nhóm của trường để có thể tổ chức các sự kiện cho trường. Việc này giúp bản thân mình bớt cảm thấy nhàm chán trong việc học mà còn có thể học thêm được rất nhiều kỹ năng của các clb.
Ví dụ như bạn thích ngành marketing nhưng lại lỡ học thiết kế thời trang chẳng hạn, thì bạn hoàn toàn có thể lên kế hoạch để bắt đầu cho chiến dịch kinh doanh một cửa hàng hay thương hiệu thời trang của mình,..
Các cách mình áp dụng để bản thân không cảm thấy chán môn học hiện tại:
– Trên lớp học: tập trung học và tìm ra những điểm hay của môn học. Học ở mức hiểu đủ để thi và qua môn không còn đòi hỏi bản thân phải có học bổng hay điểm quá cao nữa. Và cách giúp bạn học những môn ngán ngẫm một cách dễ dàng nhất đó là hãy cố gắng tập trung trong các giờ học, học ngay trên lớp và nhớ bài ngay trên lớp luôn. Để thời gian khác trong ngày có thể dành cho các kỹ năng hay học các kiến thức khác mà bản thân thích.
– Ngoài giờ học:
- Mình dành thời gian phát triển bản thân bằng cách tham gia câu lạc bộ kỹ năng để học hỏi thêm nhiều kỹ năng mềm và cứng khác. Các clb sẽ giúp bạn có được nhưng kiến thức mới, mối quan hệ mới để bạn giảm áp lực và chán nản trong việc học.
- Đến cuối năm 2, mình bắt đầu muốn làm gì đó về các lĩnh vực marketing, truyền thông nên đã xin làm thêm ở nhiều công việc nhau để tiếp xúc với môi trường và có kiến thức cho ngành nghề tương lai. Việc của mình lúc này là không đi làm những việc làm thêm không mang lại kết quả cho tương lai như phục vụ trà sữa hay cafe nữa. Mình bắt đầu tìm kiếm những công việc liên quan hơn đến sở thích của bản thân. Ví dụ lúc đó mình thích truyền thông và marketing nên đã bắt đầu tham gia các cuộc thi của trường để đăng ký vào vị trí làm thu âm cho thư viện trường, sau đó xin làm công việc content để hiểu thêm về marketing cho công ty phần mềm hiện tại,…
Chú ý là đừng để thời gian làm thêm ảnh hưởng đến việc học của bạn quá nhiều. Vì nếu công việc thật sự lấn át thời gian của bạn thì khả năng bạn chán nản ngành học hiện tại sẽ càng cao và xu hướng nghỉ học là chắc chắn xảy ra. Và chúng ta sẽ có cách thứ 3 tiếp theo!
🚩 Ưu điểm:
- Đỡ tốn tiền cho những bạn có điều kiện tài chính không tốt, không bị mất thêm 1 năm thanh xuân
- Cách này dành cho những bạn chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng
🚩 Khuyết điểm
- Chắc chắn là cảm giác chán học vẫn cứ thể đeo đuổi bạn
- Khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức mà bản thân không thích
3. Dừng lại để tìm chốn bình yên
Hướng đi 3: Trường hợp quá bức bách rồi, bản thân bạn cảm thấy mình không có khả năng thi lại, ngành học hiện tại cũng chả có ngách nào để bạn có thể kiếm được hứng thú hay phát triển được, cộng thêm điều kiện tài chính không tốt. Thì cách hiện tại ổn nhất là nên dừng lại.
Mình nói dừng lại chứ không phải là nghỉ nhé! Trước khi muốn nghĩ đại học bạn có thể xin bảo lưu 1 năm trước đã. Trong 1 năm này , bạn lại được cấp thêm khoảng thời gian để nhìn nhận và trải nghiệm ngành mà mình muốn theo, xe nó có thích hợp hay không, rồi nếu đã chọn lựa được đúng đắn thì hãy nghĩ đến quyết định nghỉ đại học nhé. Trường hợp này đòi hỏi bạn phải vừa thuyết phục được gia đình, vừa phải có định hướng đúng cho giai đoạn tiếp theo bước vào trường đời.
Đây có lẽ là cách đa số mọi người không khuyến khích vì tâm lý của người VN ta có bằng đại học thì vẫn hơn. Nhưng thực trạng cho thấy không ít người cố gắng học cho xong để có cái bằng rồi lại cất trong tủ cho mọi người ngấm chứ chẳng đụng đến nó chút nào.
Đầu tiên bạn phải hiểu được bản thân lúc này nghỉ học sẽ làm gì, học gì tiếp theo, phải có định hướng thật sự rõ ràng chứ không phải mờ mịt như quyết định trước đó nhé! Nếu không lại lặp lại sai lầm trước đó thì toang thật đấy!
Bạn có thể đăng ký học một nghề đó liên quan đến ngành bạn thích và có khả năng làm trong tương lai. Bạn có thể học thêm để lấy các chứng chỉ ngắn hạn hay dài hạn nào đó về lĩnh vực chuyên môn mà bạn muốn theo.
Cách tốt nhất là cứ xin vào làm ở 1 công ty như starup nào đó thật sự đúng với công việc bạn muốn để học hỏi và trải nghiệm thực tế luôn cho biết.
4. Học văn bằng 2
Hướng đi 4: Học thêm văn bằng 2 là hướng đi “an toàn” hơn dành cho những bạn muốn học thêm ngành khác. Việc này đòi hỏi bạn có điều kiện tài chính ổn và có nỗ lực để học tiếp ngành mình mong muốn.
🚩 Ưu điểm
- Chuyển đổi ngành nghề và học thêm được năng lực chuyên môn phù hợp với công việc trong tương lai
- Mở rộng cơ hội làm việc
- Không phải học lại kiến thức đại cương, chỉ tiếp cận ngành học thứ 2 từ kiến thức chuyên ngành
🚩 Khuyết điểm
- Yêu cầu bắt buộc của hình thức học văn bằng 2 chính quy hay vừa học vừa làm là bạn phải đến trường học vào các buổi tối trong tuần hoặc ngày thứ 7 chủ nhật.
- Áp lực cân bằng công việc và học tập cao hơn
- Ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không sắp xếp hợp lý
- Hiệu quả học không cao do phân bổ khá nhiều thời gian cho công việc và học tập
- Khung giờ các khóa văn bằng 2 thường cố định khó thay đổi. Đổi với một số trường hợp như bạn cần đi công tác cho công ty hay vướng họp gấp đều khó mà tham gia học tập.
=====
Khi ý thức được việc chọn sai ngành nghề học, hành động kế tiếp của bạn là cần phải tìm kiếm ngay định hướng rõ ràng và những cơ hội mới trong việc phát triển của bản thân bằng một công việc khác thay thế với nhiều cơ hội và thử thách hơn. Chắc chắn, quá trình thay đổi này sẽ tốn nhiều công sức, tiền bạc và cả sự nỗ lực hết mình.
Quan điểm của mình là chọn ngành mình được làm điều mình thích thì mới tâm huyết và tạo ra được giá trị thật sự cho bản thân và xã hội được.
Vì thế ở 4 cách trên sẽ phù hợp với điều kiện và tình trạng của từng cá nhân khác nhau. Các bạn nên có nhận thức đúng với tình trạng hiện tại và đưa ra lựa chọn đúng đắn nhất cho bản thân.
Không có quyết định nào đúng hay sai với các chọn lựa ở trên đầu, quan trọng là khi chúng ta đưa ra một quyết định, chúng ta thể hiện với bản thân và những người xung quanh rằng, bản thân chúng ta sẵn sàng chịu trách nhiệm với cuộc đời và sự lựa chọn của mình – như vậy đã là một bước hướng nghiệp rất rất tốt rồi.
Chúc các bạn đang lạc lối sớm tìm ra con đường của mình nhé! 😘
=====
Tác giả: Ngáo Content
Chân thành cảm ơn tác giả vì những chia sẻ vô cùng hữu ích!
Shortlink: https://ivolunteer.vn/z/2931
Trong quá trình tổng hợp và chia sẻ thông tin, các tình nguyện viên/ cộng tác viên/ thành viên rất khó tránh khỏi thiếu sót. Rất mong được độc giả cảm thông và góp ý tích cực để giúp iVolunteer Vietnam ngày một hoàn thiện & phát triển.
iVolunteer Vietnam mạng xã hội chia sẻ, tổng hợp các thông tin cơ hội tình nguyện, học bổng, khoá học online hữu ích dành cho sinh viên & giới trẻ Việt Nam. Với các thông tin được cộng đồng chia sẻ, chúng mình thường KHÔNG có liên hệ trực tiếp với ban tổ chức hay đầu mối liên lạc của chương trình! Bạn vui lòng xem thêm thông tin tên đơn vị tổ chức chương trình (tìm qua facebook hoặc google) & nội dung chi tiết đính kèm, email/SĐT liên hệ (nếu có) ở link bài đăng trên fanpage và website https://ivolunteer.vn để tìm hiểu rõ hơn.
Lượt xem: 43